Chúa Nhật 21 Thường Niên Năm A

Thứ sáu - 25/08/2023 21:25 304 0
 
 
CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MT 16,13-20

            Khi ấy, Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, người khác lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”. Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
            Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá; trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Rồi Người cấm các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.

           
CON LÀ “ĐÁ” NHỜ THẦY LÀ “CON”
 

            Otto Bismarck (1815-1898) là một nhà độc tài đã thao túng chính trường nước Đức thế kỷ 19. Ông có biệt danh “Thiết huyết tể tướng” (tể tướng sắt máu) và đã gây nhiều khó khăn cho Giáo hội, vì Giáo hội phản đối đường lối độc tài toàn trị của ông. Trong những tháng ngày đen tối ấy, giáo dân Đức đã có sáng kiến in ra một bức hiếm họa, nhà nào cũng treo, các tiệm bán hàng thì dán trước cửa kính. Bức hí họa ấy trình bày một tên khổng lồ đang hì hục toát mồ hôi để xô một tảng đá xuống biển. Bên cạnh đó, thằng quỷ Sa-tan đen đúa nhe răng cười nham nhở, nhìn tên khổng lồ mà nói : “Tao đã nhọc mệt suốt 20 thế kỷ mà vẫn chưa làm được, mày là ai mà dám cả gan làm ?” Bismarck hiểu được ý nghĩa của bức hiếm họa thì vô cùng tức tối, nhưng chẳng biết làm sao ! Cuối cùng, “cuộc đấu tranh văn hóa” (Kulturkampf, 1871-1878) của ông nhằm chống Công giáo bị thất bại, và ông cũng đã nằm xuống như bao nhà độc tài khác trong đắng cay và thất sủng đối với hoàng đế Guillaume II. Câu chuyện của ông là một minh họa hùng hồn lý thú cho bài Tin Mừng sắp suy niệm.

            1. Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.
            Đức Giê-su hôm nay dẫn môn đệ đến vùng kế cận Xê-da-rê Phi-líp-phê, dưới chân núi Héc-mon tuyết phủ, xa hẳn quần chúng, để tránh mọi nguy cơ náo động kiểu «thiên sai chủ nghĩa» ; và ở đó, Người đích thân lẫn rõ rệt đặt câu hỏi về căn tính của mình: Người là ai?
            Dư luận quần chúng chia rẽ nhau trong chi tiết, nhưng nhất trí trên cơ bản: Đức Giê-su không phải là một “kẻ bình thường”… Ngôn hành của Người khiến Người trở nên một nhân vật tôn giáo ngoại hạng. Để nói về Người, thiên hạ kể tên các ngôn sứ nổi tiếng nhất của quá khứ. Ngày nay cũng thế, đại đa số nhân loài thừa nhận Đức Giê-su như một nhân cách vô song: Người đã ghi dấu lịch sử hoàn vũ hơn bất cứ ai khác.
            Nhưng với môn đệ, Đức Giê-su đòi hỏi hơn. Phản ánh các ý tưởng hiện hành không đủ, phải đích thân bày tỏ lập trường. Ông Si-môn Phê-rô đại diện anh em thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Mọi nhà chú giải đều nhận thấy thành ngữ này có một sức mạnh được nêu bật qua 4 điểm: “Đức Ki-tô-Ngôi Con-Thiên Chúa-Đấng Hằng sống”. Dĩ nhiên, không chắc ngày hôm đó, trong tâm trí Phê-rô có tất cả sự chính xác thần học mà những từ này sẽ mặc sau ngày Chúa sống lại và sau sự suy nghĩ chín chắn của các Công đồng thế kỷ IV và V. Tuy nhiên, ta không có quyền “giản lược” lời “tuyên tín” của Phê-rô theo nghĩa thông thường mà từ “con Thiên Chúa” từng có. Vẫn biết, trong Cựu Ước, danh hiệu này đã được áp dụng cho Đấng Mê-si-a, nhưng cũng cho mọi “con cái Ít-ra-en” nữa (x. Xh 4,22; Đnl 14,1; Kn 2,16; 18,13; Gr 31,20; 2Sm 7,14 ; Tv 2,7 ; 89,27). Đối với Phê-rô, hiển nhiên Đức Giê-su không chỉ là “con Thiên Chúa” giống mọi người! Nói thế thì cũng bằng không, Phê-rô đã thoáng thấy Thầy chẳng những là một trong bao sứ giả của Thiên Chúa… mà còn là Sứ giả số một, là Đấng Ki-tô (Mê-si-a), là Con… theo một nghĩa chỉ thuộc riêng về Người.
            “Này anh Si-môn con ông Gio-na, Đức Giê-su đáp, anh thật là người có phúc, vì không phải thịt máu mặc khải cho anh điều ấy, nhưng chính Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã mặc khải cho anh”. “Thịt máu” là một thành ngữ Kinh Thánh rất cổ, cho thấy lời này đúng là do Đức Giê-su thốt lên, một công thức đẹp đẽ, đầy hình ảnh, gợi lên sự yếu đuối tự nhiên của con người nếu bỏ mặc cho ánh sáng trí tuệ của nó (vì thế trên đây dịch là “phàm nhân”). Vâng, để đạt tới các thực tại thần linh, cần được “mạc khải”. Trí tuệ con người tự căn chẳng có thể định nghĩa Thiên Chúa, Đấng ở bên kia tất cả… như thánh thi rất hay của Giám mục Grê-gô-ri-ô thành Nazianze đã ca tụng: “Ôi lạy Chúa, Đấng ở bên kia tất cả, đấy chẳng phải là hết thảy những gì người ta có thể hát về Chúa sao? Ngôn ngữ nào sẽ nói về Chúa? Không tiếng chi diễn tả được Ngài! Tinh thần sẽ bám vào đâu ? Vì Chúa vượt trên mọi trí tuệ. Chúa là Đấng duy nhất khôn tả, vì mọi cái tả được đều xuất phát tự Ngài. Duy mình Chúa là Đấng bất khả tri, vì tất cả những gì tư tưởng được đều tự Ngài xuất phát… Chúa là cùng đích của mọi hữu thể, là tất cả hiện hữu, nhưng chẳng giống một hữu thể nào… Chúa có mọi danh nhưng làm sao con gọi tên Ngài, lạy Chúa, Đấng duy nhất không thể gọi tên ! Ôi lạy Chúa, Đấng ở bên kia tất cả, đấy chẳng phải là tất cả những gì người ta có thể hát khen về Chúa ?”
            Vâng, Đức Giê-su đơn sơ táo bạo khẳng quyết rằng không ai biết được căn tính Người nếu chẳng được Thiên Chúa mạc khải: “Không ai biết rõ người Con trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha trừ người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27). Thánh Phao-lô cũng nhấn mạnh việc con người thiếu khả năng nói về Thiên Chúa : “Nhưng Đấng đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người nơi tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại” (Gl 1,15-16).

            2. Con là Phê-rô, Đá tảng của Giáo hội vững bền.
            Mc (8,27-30) và Lc (9,18-21) có kể lại việc tuyên tín của Phê-rô. Nhưng Mt là người duy nhất kéo dài nó bằng lời Đức Giê-su “tuyên bố” về các trách nhiệm Giáo hội của vị Tông đồ trưởng: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá ; trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy…”. Hãy thử suy niệm về câu tuyên bố của Đức Giê-su. Năm hình ảnh, tất cả đều đậm tính chất Do-thái, làm nên nội dung câu này : 1/ Tảng đá : biểu trưng sự vững bền, biểu tượng của Thiên Chúa …2/ Giáo hội : hình ảnh “cộng đoàn” được Thiên Chúa triệu tập… 3/ Quyền môn : biểu trưng sức mạnh của một thành lũy…4/ Chìa khóa : biểu tượng của “quyền năng”…5/ Cầm buộc và tháo cởi : biểu trưng quyền nhận và loại, cho phép hay cấm chỉ…
             Các câu Thánh Kinh quả quyết Thiên Chúa là “Tảng đá” thì nhiều lắm. Hãy tạm kể : “Xin làm tảng đá, nơi con ẩn náu” (Tv 31,3), “Chúa là tảng đá, là thành lũy của con” (Tv 71,3). Đổi tên Si-môn thành Phê-rô, nghĩa là “Đá”, Đức Giê-su có ý định xây thật vững chắc Hội thánh của Người. Tiếng “Hội thánh” dịch chữ Hip-ri “Qahal”, có nghĩa là “Cộng đoàn hội họp”. Đức Giê-su thành thử muốn xây một “cộng đoàn” những con người nam nữ vốn có một cái gì chung, “hội họp” lại để cùng nhau làm chuyện gì đó. Không thể là Ki-tô hữu “một mình”… không thể có đức tin “cách cá nhân”… Không hành đạo, nghĩa là chẳng tham gia vào các cuộc “hội họp” Chúa nhật, sẽ dẫn đến thảm cảnh là chính đức tin teo dần và chết.
            “Quyền môn Âm phủ (quyền lực tử thần) sẽ không thắng nổi”. Nếu hiểu công thức này trong tất cả sức mạnh của nó, thì đây không chỉ nói đến sự vững bền của Hội thánh, vốn chẳng những có khả năng chống lại thần chết (ma quỷ) tấn công… mà còn có khả năng tấn công “ngục tù của thần chết” để kéo con người ra khỏi. Ảnh thánh Phục sinh của Đông phương thường trình bày Đức Giê-su đứng toàn thắng trên hai “cửa” của Âm phủ, bị vỡ thành hình thập giá, và cho A-đam cùng E-va tham gia vào cuộc chiến thắng thần chết của Người. Mục đích của Hội thánh là thế : cứu thoát ! Đức Giê-su đã thật sự dự kiến thành lập một “cộng đoàn” những “kẻ được phục sinh” với Người !
            “Chìa khóa Nước Trời” cũng là một hình ảnh rất cổ, dấu chỉ cho thấy đó là lời nói thực của Đức Giê-su (x. Is 22,22). Ai nắm chìa khóa của ngôi nhà thì có mọi quyền trên ngôi nhà. Ngày nay, có nhiều kẻ sẵn sàng nói : “Đức Giê-su thì được, Giáo hội thì không…”. Sau một thời kỳ tập quyền thái quá, các Giáo hội, kể ra như mọi quốc gia, đều cảm thấy bị cám dỗ muốn tách rời : người ta thích “những cộng đoàn bé nhỏ, sống động và ấm áp” mà chẳng cần thể chế lớn lao là Hội thánh hoàn vũ… người ta muốn tương đối hóa mọi quy tắc giáo lý, chẳng cần điểm tham chiếu khách quan… “Thừa tác vụ” của Phê-rô, do ý muốn Đức Giê-su, nhắc ta nhớ Đức tin là một hồng ân xuất phát từ Thiên Chúa, chứ ta không thể phát minh nó theo sở thích của mình : Đức Ki-tô đã thật sự ban nhiều “quyền” cho Phê-rô. Phải nghe Phê-rô vậy ! Giáo hội hiệp hành vẫn là Giáo hội phẩm trật.


 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây