Chúa Nhật 3 Mùa Chay B

Thứ bảy - 02/03/2024 06:22 382 0

 
CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY NĂM B : GA 2,13-25
            
Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu : “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh thánh : Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

            
Người Do-thái hỏi Đức Giê-su : “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ?” Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Người Do-thái nói : “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao ?” Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

            
Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. Nhưng chính Đức Giê-su thì không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người
.  

           

 
THAY CŨ ĐỔI MỚI
            
Các Tin Mừng Nhất lãm đã đặt câu chuyện này vào cuối thời gian rao giảng của Đức Giê-su (x. Mt 21,12-17; Mc 11,15-17 ; Lc 19,45-46). Còn Gio-an chủ ý đặt biến cố vào đầu đời công khai của Người. Ông làm như vậy để nêu bật sự “thay cũ đổi mới” (7 điểm) vốn là sợi dây xuyên suốt cuốn Tin Mừng của ông. Sau khi trình bày tuần lễ khai mạc của Đức Giê-su như 7 ngày của cuộc sáng tạo mới (Ga 1,19-51), Gio-an tường thuật phép lạ Cana như hình ảnh Giao ước mới (rượu) thay thế Giao ước cũ (nước) (2,1-12). Tiếp đến là việc tẩy uế Đền thờ, định chế số một của Giao ước cũ, để rồi thay thế nó bằng một Đền thờ mới (Thân thể Đức Ki-tô), không gian thờ phượng mang tính bao trùm nhất của Giao ước mới. Sau đó là cuộc đối thoại với Nicôđêmô (3,1-8) nói đến việc tái sinh ; cuộc đối thoại với phụ nữ Samari (4,1-42) nói đến việc thờ phượng cũ và thờ phượng mới trong thần khí và sự thật. Diễn từ chương 6 bàn về man-na, thức ăn xưa kia trong hoang địa và bánh trường sinh Đức Giê-su sẽ ban. Diễn từ Mục tử nhân lành (ch.10) cho thấy Đức Giê-su là Mục tử mới, thay thế các mục tử cũ (10,8). Và cuối cùng, phép lạ hồi sinh La-da-rô (ch.11) loan báo cuộc phục sinh (sự sống mới) của tất cả những ai tin vào Người.

            
1. Tẩy uế Đền Thờ cũ

            
Nếu có một tờ Tin sáng Ít-ra-en, hẳn ngày hôm ấy nó đã chạy cái tít : “Một xì-căng-đan (chuyện tai tiếng) tại Đền Thờ”. Hẳn là nó đã kể : « Ông Giê-su, nhà ngôn sứ trẻ tuổi xứ Ga-li-lê, trước hết đã dùng roi đánh đuổi khỏi Đền Thờ những người buôn bán. Bị khán giả chất vấn, ông ta đã táo bạo nói đến việc phá hủy Đền Thờ !”

            
Các khán giả ấy đã rất hiểu rằng qua cử chỉ và lời nói kiểu ngôn sứ ấy, Đức Giê-su đã tỏ mình như Đấng Mê-si-a. Thật thế, Kinh Thánh từng tiên báo Đấng Mê-si-a sẽ thanh tẩy Đền Thờ: “Ngày ấy, sẽ không còn lái buôn trong nhà Đức Chúa các đạo binh nữa” (Dcr 14,21). Kinh Thánh cũng tiên báo rõ hơn nữa một Đền Thờ mới mẻ và mầu nhiệm: “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56,7).

            
Trong thực tế, ngày hôm ấy đã chẳng ai hiểu, ngay cả các môn đệ, và Gio-an đã nêu bật sự không hiểu này để buộc chúng ta đi sâu hơn. Ông xem ra chỉ tường thuật cách sống động không kém các tác giả Tin Mừng khác, nhưng còn chèn nhiều từ khiến ta phải chú ý kỹ. Trước hết là “nhà Cha tôi”, một cú đèn pha cho thấy Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Nhưng nhất là lời ám chỉ đầu tiên về sự sống lại : “xây dựng lại”, một từ thuộc ngữ vựng nói về cuộc phục sinh: “Tôi sẽ xây dựng lại Đền Thờ này - Ông xây dựng lại được sao ?... Khi Người từ cõi chết trỗi dậy thì họ mới hiểu”.

            
Chúng ta cũng có thể hiểu “sau cuộc Phục sinh”, bởi lẽ các Tin Mừng là một bản tường thuật lại ngôn hành của Đức Giê-su dưới ánh sáng của Biến cố này. Nhưng khi trình bày cách có hệ thống các nhầm lẫn, Gio-an đã tỏ ra có tài sư phạm. Ví dụ khi người Do-thái bám riết vào ý tưởng Đền Thờ được xây trong bốn mươi sáu năm và xây lại trong ba ngày, điều đó quá lố đến nỗi chúng ta phải cảnh giác : Đền Thờ nào đây ? Chú ý lại, chúng ta có thể nhận được nghiêm chỉnh lời giải đáp của các câu 21-22, chìa khóa để hiểu toàn bộ câu chuyện đậm nét Gio-an này (một trình thuật sống động nối tiếp bằng một tranh luận gay gắt) : “Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người và các môn đệ đã hiểu điều đó khi Người từ cõi chết chỗi dậy”.

            
Vụ việc Đền Thờ thành thử đã tiến triển theo hai giai đoạn. Trước hết, quan niệm Đền Thờ đúng y như Do-thái giáo quan niệm (và cử chỉ của Người có giá trị đối với bất cứ thánh điện nào), Đức Giê-su đã làm một hành vi kiểu ngôn sứ, nghĩa là ngoạn mục, kỳ quặc, để đưa mọi cử chỉ tôn giáo về lại sự tề chỉnh : người ta không thể cầu nguyện trong tiếng ồn ào của chợ búa.
[1] Nhưng khi nối dài đường hướng này, Đức Giê-su đặt lại vấn đề một sự bám neo quá vật chất vào một không gian cầu nguyện nào đó : “Hãy tin tôi, Người nói với bà Sa-ma-ri, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem mà các người thờ phượng Chúa Cha”. Để có Đền thờ, thì cần hai điều : sự hiện diện của TC và sự hiện diện của những người thờ phượng “trong thần khí và sự thật”.                          

            
Và giai đoạn thứ hai của vụ việc Đền Thờ là đây : “Người đã nói về Đền Thờ thân thể Người”. Từ khi nhập thể, từ khi Thiên Chúa đến cư ngụ giữa chúng ta nơi Đức Giê-su, thì thân thể Đức Giê-su, tức nhân tính của Người, là sự hiện diện của Thiên Chúa. Mọi phụng tự, từ nay, sẽ lấy “đền thờ” này làm chốn cử hành.

            
2. Xây dựng Đền Thờ mới

            
Phải chăng đó là sự thu hẹp trên thân thể của một con người ? Nếu thế thì quả là một không gian cầu nguyện lạ lùng và bé nhỏ. Ở đây, cần trình bày chi tiết mọi thực tại được gợi lên qua thành ngữ “thân thể Đức Ki-tô”. Người ta đã chỉ có thể hiểu điều đó sau cuộc Phục sinh, khi thân thể vinh hiển của Đức Ki-tô đã trở thành chính thế giới của cuộc Phục sinh trong đó mọi con người đều có thể đi vào tiếp xúc với Thiên Chúa.

            
Thân thể Đức Ki-tô, đó cũng là Thánh thể mà chung quanh đấy phụng vụ Ki-tô giáo được khai triển. Đó cũng là tất cả mọi người ! Phải nhấn mạnh điều này vì đây là một mạc khải cơ bản. Mỗi con người đều là đối tượng của một cử hành phụng vụ mầu nhiệm (phụng vụ của tình huynh đệ), mỗi anh em là một bí tích của Đức Ki-tô như chính Người đã cho thấy : “Những gì các ngươi làm cho anh em Ta, là các ngươi làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Có thể tưởng tượng ra sự tiếp xúc nào mạnh mẽ hơn, cảm động hơn với chính Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Ki-tô không?

            
Cuối cùng, thân thể Đức Ki-tô, đó chính là toàn thể Giáo Hội, Đền Thờ của Thiên Chúa, Thân Thể Mầu Nhiệm với Đức Ki-tô là Đầu. Và cả nhân loại được cứu chuộc, khi nhờ Đức Ki-tô “Thiên Chúa sẽ là tất cả trong muôn loài” (1Cr 15,28). Ở đấy và lúc đấy, Khải huyền nói, “chẳng có Đền Thờ, vì Đền Thờ là Thiên Chúa Toàn Năng và Con Chiên” (Kh 21,22).

           
Như thế, Đức Giê-su đã làm một cuộc cách mạng, lật đổ cấu trúc tôn giáo. Chẳng những Người muốn cho ta hiểu rằng các ngôi đền thờ vật chất trở nên vô dụng (nếu thiếu Đấng phải thờ phượng và những kẻ phượng thờ), mà còn muốn tỏ cho biết một Đền Thờ mới mẻ, đích thực là thân thể Người, đã chết và đã phục sinh. Đền thờ mới chính là Người. Nơi Người, tình yêu của Thiên Chúa và của con người chuyển thông nhau trong một sự hiệp thông duy nhất và trọn vẹn. Thật là một cuộc trao đổi lạ lùng. Nhưng chưa hết. Tân Ước còn thêm rằng ngôi Đền Thờ này mà Đức Giê-su là viên đá góc, được xây dựng bằng những viên đá sống là các Ki-tô hữu, và nói rộng ra là toàn thể nhân loại. Là Đền Thờ, bởi lẽ nó không được làm bằng đá, gạch hay bất cứ vật liệu quý nào, nhưng bằng những con người, những con người được kêu gọi để thương yêu nhau, để hiến mạng sống cho nhau, nhờ đó lưu thông tình yêu vô hạn của Thiên Chúa.

             
Bài suy niệm này thành thử kết thúc với hình ảnh “sự tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa”, cái phải thanh tẩy mọi không gian cầu nguyện và mọi động tác cầu nguyện của chúng ta. Chỉ có sự thờ phượng của chúng ta và sự sự Hiện diện của TC mới là đáng kể. Chúng ta đôi khi phải có một nơi cầu nguyện, cho chính mình và nhất là để cử hành phụng vụ tập thể, nhưng nếu Chúa không ở trong chúng ta và giữa chúng ta, thì ta hãy đi tìm một cây roi vậy.

            
Trong cuốn tự thuật của mình “Những cuộc tìm kiếm chân lý của tôi”, Mahatma Gandhi, quốc phụ dân Ấn, có kể lại câu chuyện : khi đang hành nghề luật sư ở Nam Phi (1893-1914), ông đã biết được Thánh Kinh và rất thích đọc, đặc biệt là Bài giảng trên núi. Ông cho rằng Ki-tô giáo đúng là giải pháp cho vấn đề hệ thống giai cấp vốn gây thương tổn và làm suy nhược tổ quốc Ấn Độ của ông. Và ông đã nuôi ý định trở thành Ki-tô hữu. Ngày nọ, ông đến một nhà thờ (Tin lành) để dự lễ. Người ta chận ông ở cửa, nói đây là nhà thờ dành riêng cho người da trắng và mời ông đi một nhà thờ dành cho người da màu. Gandhi bỏ đi và không bao giờ bước chân vào một nhà thờ nào nữa !

 
 

[1] Theo Tin Mừng Nhất Lãm (x. Mt 21,13; Mc 11,17; Lc 19,46), qua kiểu nói “đừng biến Nhà của Thiên Chúa thành sào huyệt của bọn cướp”, Đức Giêsu ám chỉ : chớ coi đó như chỗ trú thân an toàn (nhờ hối lộ Thiên Chúa bằng tiền bạc hay phẩm vật) sau khi các ngươi đã phạm đủ thứ tội trong cuộc sống giữa trần đời.
 

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây