Chúa Nhật 4 Mùa Chay Năm B

Thứ sáu - 08/03/2024 19:39 268 0

CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY NĂM B : GA 3,14-21
            
Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng : “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
            
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án : ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ : các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa”


 
TÌNH YÊU CỨU SỐNG
          
 Bầu khí căng thẳng gây nên do việc Đức Giê-su đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền Thờ chưa lắng dịu (x. Ga 2,13-25, Tin Mừng Chúa nhật tuần trước), thì ông Ni-cô-đê-mô, một kỳ mục trong dân Do-thái, đã đến tìm gặp Người. Ông tới ban đêm, nhằm giữ kín sự việc, nhưng dưới ngòi bút của Gio-an, điều này mang một ý nghĩa biểu tượng : đang ở trong bóng tối, Ni-cô-đê-mô tìm tới ánh sáng.
            
Cuộc đối thoại mở đầu với đề tài “phải tái sinh”. Đức Giê-su tuyên bố : “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không sinh lại bởi ơn trên” (Ga 3,3). Trước thắc mắc của Ni-cô-đê-mô (c.9) : “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được ?” Đức Giê-su đáp : chuyện sinh lại bởi ơn trên có thể thực hiện được nhờ việc Con Người được giương cao. Con Người ấy chính là Con Một Thiên Chúa đã ban xuống vì quá yêu thương thế trần (x. 3,10-17). Thành thử ai tin vào Người Con ấy thì được cứu thoát, lãnh sự sống muôn đời, còn ai không tin thì tự chuốc lấy án phạt (3,18-21).
           
 1. Thiên Chúa đã tự ý trao ban

           
 Để nêu bật việc Con Người được giương cao, Đức Giê-su trước hết nhắc lại một điển cố-dấu chỉ trong Cựu Ước : con rắn đồng nơi sa mạc (x. Ds 21,4-9). Ai trong con cái Ít-ra-en vì kêu trách và thiếu tin vào Thiên Chúa mà bị rắn độc cắn phải thì cứ tin tưởng nhìn lên con rắn đồng, sẽ được toàn mạng. Để tránh lối giải thích ma thuật, sách Khôn ngoan sau này sẽ viết : “Bất cứ ai ngước trông lên đều được cứu, không phải do bởi vật họ nhìn, nhưng là do chính Đấng cứu độ muôn người hết thảy” (Kn 16,7).
            
Dấu chỉ giờ đây nhường chỗ cho thực tại mà nó ám chỉ : đó là Đức Giê-su, Phương dược, Nguồn sống, Ơn cứu độ của Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa Cứu Độ. Người cũng sẽ “được giương cao”, vừa bởi những kẻ đóng đinh Người vào thập giá, vừa bởi Thiên Chúa, Đấng nâng Người lên trong vinh quang thần linh (x. Ga 8,28; 12,32-34). Để những ai nhìn lên, nghĩa là tin vào, thì được cứu độ.
            
Nguồn gốc của hành vi cứu độ này nằm ngay trong tình thương điên dại của Thiên Chúa đối với thế gian : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”. Ở trung tâm của tất cả mọi sự, đặc biệt là vai trò Đức Giê-su và con đường thập giá, ta đều thấy tình thương của Thiên Chúa đối với thế gian. Lời khẳng quyết trên nêu bật hình ảnh một Thiên Chúa yêu thương cách tuyệt đối và mãi mãi. Tình thương thần linh đó đi trước mọi sự, bao trùm mọi sự và chỉ có một ý định là ban ơn cứu độ và ơn trường sinh.
            
Như thế ở đây, thập giá được trình bày như địa điểm mạc khải tình thương của Thiên Chúa và ơn cứu tử của Người : “Đức Ki-tô là sự sống, thế mà Người đã bị treo trên thập giá. Đức Ki-tô là sự sống, thế mà Người đã tử vong. Nhưng trong cái chết của Người, sự chết đã chết. Khi Đức Ki-tô chết, sự sống đã tiêu diệt sự chết, nguồn sung mãn của sự sống đã chôn vùi sự chết, sự chết đã bị nuốt chửng trong thân xác của Người. Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng sẽ nói điều đó, trong ngày sống lại, khi hát khúc khải hoàn : “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi ? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi ?”... Như những ai nhìn lên con rắn đồng không phải chết vì rắn cắn, thì những ai lấy đức tin mà chiêm ngắm cái chết của Đức Ki-tô, cũng sẽ được chữa lành khỏi vết thương tội lỗi. Nhưng những kẻ đó được cứu chữa cho khỏi chết, để được sống đời này, còn Đức Ki-tô thì nói với chúng ta : để được sống đời đời, sống vĩnh cửu” (thánh Augustinô).
            
2. Con người được tự do đón nhận
            
Nhưng tình yêu vô điều kiện Thiên Chúa bày tỏ qua Đức Giê-su Con của Người, luôn kêu mời con người tự do đáp trả, đón nhận. Và nó đòi một sự đáp trả ngay lúc này. Bởi lẽ ngay từ bây giờ, cuộc xét xử đang được thực hiện.
            
Hoặc từ khước Thiên Chúa, đóng cửa không đón tiếp Người, mù quáng chẳng muốn nhận ánh sáng, chấp nhận chìm đắm trong tối tăm, và như thế là bị luận phạt. Dĩ nhiên đây là một án phạt do con người tự mình chuốc lấy chứ không phải do Thiên Chúa trả thù. Có ai sống trong tội lỗi mà tâm hồn được bình an, mà làm cho những kẻ quanh mình được hạnh phúc ? Có ai chống lại Trời mà yêu thương người một cách chân thật ? Có xã hội duy vật vô thần nào mà trong đó chẳng có tham nhũng, hối lộ, bóc lột, đàn áp, che giấu, dối trá tràn đầy ? Có hiến pháp hay chính sách nào gạt Thiên Chúa ra bên lề xã hội và đàn áp hay trói buộc tôn giáo mà đất nước phát triển, dân tình an vui, mọi vấn đề xã hội được giải quyết ổn thỏa ? Việc chống lại Thiên Chúa bao giờ cũng mang đến hậu quả tai hại lập tức cho cá nhân và xã hội, chẳng cần đợi tới Ngày cuối cùng. Bởi lẽ từ khước Thiên Chúa là từ khước tình yêu, từ khước sự sống. “Không có Trời, ai ở được với ai ?”
            
Hoặc ngược lại, cởi mở đón nhận ánh sáng, đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa, và như thế tất cả đều thay đổi, vì mọi hoạt động của chúng ta “sẽ được thực hiện trong Thiên Chúa”, sẽ được nhìn nhận như những hoạt động của Thiên Chúa, và trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Người.
            
Tóm lại, “sự sống vĩnh cửu và luật phạt đời đời không chỉ được thi hành vào ngày thế mạt. Cả hai được thực hiện ngay trong giây phút hiện tại, ngay khi con người gặp gỡ Đức Giê-su. Tin vào Đức Giê-su, lập tức được sống ; trái lại, từ khước tin Người, con người tự ý chọn lựa cái chết (vĩnh viễn) mà Thánh Kinh thường ám chỉ bằng từ ‘bị xét xử’” (X. Léon-Dufour).
            
Phải chăng như vậy là nói rằng những người ngoài Ki-tô giáo, nghĩa là không gắn bó với Đức Giê-su, đều bị mất phần rỗi ? Thánh Gio-an nhìn nhận rằng việc gặp gỡ Thiên Chúa còn sâu xa hơn nhiều ; nó được thể hiện trong sự thành tâm, trong giá trị của các hành động và trong sự mở rộng tâm hồn ra với người khác. Thánh sử hẳn đã nghĩ tới vấn nạn trên khi viết : “Kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng”. Công đồng Vatican cũng nêu rõ trong hiến chế Ánh sáng Muôn dân số 16 : “Những kẻ vô tình không nhận biết Tin Mừng của Chúa Ki-tô và Giáo hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong công việc của mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi. Thực vậy, Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Tin Mừng, và như một ân huệ mà Đấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống”.
            
Một vị vua hỏi viên tể tướng hết lòng yêu mến Chúa của mình, giọng chế nhạo : “Đức Chúa Trời nắm hết quyền bính trên trời và dưới đất, tại sao không dùng sức mạnh đánh thắng Xa-tan, cứu loài người khỏi tội, mà phải đích thân giáng thế ?” Viên tể tướng mỉm cười yên lặng. Nhà vua lấy làm đắc ý vì câu hỏi. Một hôm vua dạo thuyền cùng đám cận thần trên hồ. Hồ sâu rộng, có vách đá cao dựng đứng. Viên tể tướng cho thuộc hạ đẽo một hình người bằng gỗ, bận xiêm y của hoàng tử vào. Từ núi cao, thuộc hạ ném “hoàng tử” xuống nước trước mặt vua. Trông thấy thế, vua rú lên kinh hoàng, quên cả long bào nặng nề lao mình xuống nước về phía “hoàng tử”. Vua suýt chết đuối nếu không nhờ đám cận thần cứu vớt, vì vua quên cả chuyện mình không biết bơi. Việc xong, viên tể tướng hỏi : “Tâu Bệ hạ, vừa rồi xung quanh Bệ hạ đầy đủ cận thần tài giỏi, cớ sao Bệ hạ không sai khiến mà phải liều long thể đến thế ?” Vua đáp : “Vì tình yêu ! Ta yêu con ta, nó sắp chết mất và ta không thể đứng yên được”. Viên tể tướng ôn tồn giải thích: “Tâu Bệ hạ, Thiên Chúa cũng thế. Người cũng yêu nhân loại như cha yêu con. Người cũng không thể đứng yên nhìn con người đang chết mất trong tội lỗi. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa đã sai Đức Giê-su xuống trần và chịu nạn chịu chết để đền thay và cứu vớt nhân loại vậy”.

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây