Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm A

Thứ bảy - 28/10/2023 01:44 517 0
 
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MT 22,34-40
            
Khi ấy, nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn quan trọng nhất?”.
            
Đức Giê-su đáp : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí không ngươi. Đó là điều răn trọng nhất, và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”.
                       
MỘT TÌNH YÊU HAI MẶT
 
           
 Một trong những cuộc tranh luận lớn lao của thời đại ta là phải chăng giữa Thiên Chúa và con người, nên chọn một bỏ một? Đây là thách thức tập thể mà phía vô thần lẫn phía tín hữu đưa ra cho nhau. Quả thật là chúng ta bị cám dỗ theo “phe Thiên Chúa” mà coi nhẹ chuyện theo “phe con người”. Phản ứng lại, lắm kẻ thời nay mạnh mẽ dấn thân phục vụ con người, nhưng bằng cách chối bỏ Thiên Chúa như thể Người là một cản trở trong việc thật sự phục vụ nhân loại. Cuộc tranh luận tập thể này cũng là một trong những vấn đề thường gặp nhất nơi cuộc sống cá nhân : chúng ta dễ để mình bị các bận tâm vật chất xâm chiếm, đến độ coi TC như một thứ đối thủ, một kẻ quấy rầy được ta hà tiện thí cho một góc ti xíu trong thời gian và quả tim của mình.
            
Đó cũng đã là một vấn đề nóng bỏng thời Đức Giê-su : Đâu là giới răn quan trọng nhất? Thiên Chúa hay con người ? Đâu phải là trung tâm cuộc sống chúng ta : thần nghiệm (kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa) hay chính trị? Ai có lý : kẻ nhân bản vô thần hoàn toàn hiến thân cho việc thăng tiến anh em, hay nhà tu đức thoát xác/xuất thế trú mình trong Thiên Chúa ? Và nếu vấn đề được đặt ra không đúng ? Đức Giê-su sẽ trả lời thế nào ?
            
1. Yêu Thiên Chúa mới có thể yêu thật con người.
            
“Những người Pha-ri-sêu họp nhau lại, rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người…”. Không Ki-tô hữu nào mà không gặp phải hoàn cảnh này vào một lúc nào đó. Ở gia đình, tại công ty, nơi trại lính, trong một cuộc đi lại giữa sinh viên, hay tình cờ trong một cuộc bàn luận công việc… người ta đã đặt cho bạn câu hỏi: “Anh chị tin cái gì nào ?” Thông thường chúng ta chẳng mấy thích mình bị chất vấn như thế, nhất là khi câu hỏi có ác ý, và người đối thoại thiếu thành tâm.
            
Đức Giê-su đã không thoát khỏi loại bẫy này. Tất cả giới trí thức thủ đô rình chực Người để làm cho Người sai phạm : các đảng chính trị, các nhóm tôn giáo, nhất nhất liên kết chống lại Người ! Có nên nộp thuế cho Xê-da chăng ? (x. Mt 22,15-22). Có nên tin vào sự sống lại chăng ? (x. Mt 22,23-30). Cuộc tấn công đầy ác ý tiếp tục. Và này đây, khi thấy các đối thủ Xa-đốc của mình bị Đức Giê-su khóa miệng, người Pha-ri-sêu (Biệt phái) đã đứng lên tiếp nối ; họ ủy phái một trong các chuyên gia của mình, một tay thông luật để hỏi Người xem giới răn nào quan trọng nhất.
            
Trong Kinh Thánh, các giáo sĩ Do-thái đã liệt kê ra được 613 điều luật : 365 giới cấm… và 248 lệnh truyền. Các nghĩa vụ vô số, các thực hành đầy dẫy này biến tín hữu Do-thái trung thành nên một con người suốt ngày không ngớt nghĩ tới Thiên Chúa. Nhưng có mối nguy lớn là rơi vào một thứ vụ hình thức tỉ mỉ. Do mong muốn trung thành, Biệt phái thành thử đã tìm cách thiết lập một thứ bậc trong các điều luật ấy : luật nào trọng hơn, luật nào trọng kém? Song các cuộc tranh cãi giữa họ thường tỉ mỉ và bất tận.
            
Phải chăng tôi cũng tìm đâu là cái chủ yếu trong mọi bổn phận của tôi ? Phải chăng tôi cũng lập một thứ bậc trong các công việc mình làm để bảo đảm những gì quan trọng nhất ? Đâu là nguyên tắc căn bản nhất của tôi, chọn lựa nền tảng nhất của tôi ? Người ta bảo mọi sự đều thay đổi trong tôn giáo, văn minh cũng như trong các giá trị quanh ta… Còn gì vững chãi ? Đâu là giá trị nền tảng của đời tôi, giữa bao biến chuyển ngoại diện đủ loại ?
            
“Đức Giê-su đáp : Ngươi phải yêu mến…”. Tất cả cuộc sống, công việc Đức Giê-su đều tóm lại trong mấy chữ này. Người nói lên cho chúng ta bí quyết đời Người nơi đây. Quá vắn đến nỗi chúng ta liều mình lướt vội. Tôi phải để thời gian nhìn lại đời mình dưới ánh sáng gay gắt của mấy tiếng đơn giản đó: “Ngươi phải yêu mến”. Tuần này chẳng hạn! Cái chi đã là “tình yêu” đích thực nơi tôi ? Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa đã làm cho chúng con tin tưởng tình yêu trong thời buổi bạo lực này ! Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa đã mời gọi chúng con chú ý tới tha nhân trong thời buổi dửng dưng này ! Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa đã nhắc cho chúng con nhớ tương lai thuộc về lòng nhân ái trong thời buổi thất vọng ủ ê này ! Trước khi đi xa hơn nữa, ta hãy tự hỏi một Ki-tô hữu trung bình sẽ đáp lại ra sao câu hỏi giản đơn này : “Đâu là giới răn quan trọng nhất của Chúa Ki-tô?” Phần tôi, tôi sẽ trả lời thế nào sau khi suy nghĩ và nhớ lại ? Có thể đánh cuộc được rằng phần lớn chúng ta sẽ đáp: “Yêu tha nhân như chính mình!” Nhưng phải chăng đó đúng là điều Đức Giê-su đã bảo ? Đâu là giới răn quan trọng nhất ?
            
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Ở đây Đức Giê-su trích lời cầu nguyện hằng ngày của dân Do-thái, kinh “Shema Israel” (“Nghe đây, hỡi Ít-ra-en…” Đnl 6,4-7). Người xem ra không cần suy nghĩ. Câu đáp của Người đã vọt ra từ bản thân trong một sự bộc phát tuyệt đối. Người cô đọng qua công thức này cái mình đã sống trong kiếp đời thường nhật : Đức Giê-su chính là con người trọn vẹn “quy về Thiên Chúa”, là hữu thể ly tâm khỏi chính mình và tuyệt đối hướng về Đấng Toàn Tha. Người mang danh “Con” chính là do vậy ! Nhưng vì nhập thể, Đức Giê-su phải diễn tả theo kiểu nhân loại (nghĩa là trong tư tưởng, phản ứng tình cảm, hoạt động ý chí) kiểu tương quan khôn tả vốn lôi kéo Chúa Con về Chúa Cha giữa lòng Ba Ngôi. Vâng, mối tình lớn, mối tình đầu của Đức Giê-su chính là Thiên Chúa. Thật trơ tráo nếu bóp méo tư tưởng của Người mà cho đó chỉ là một dây liên đới, một tình huynh đệ. Thiên Chúa phải là Đấng ta phục vụ trước hết, yêu mến tiên khởi! Vì có yêu mến phục vụ TC trước mới mong nói đến việc yêu thương đích thật con người.
            
Và ta không thể không nhận thấy sức mạnh của kiểu nói có chữ “hết” lặp lại ba lần : ngươi phải yêu mến hết tâm lòng, hết linh hồn và hết trí khôn! Tâm lòng, linh hồn và trí khôn… Ba từ dồn lại để nói lên rằng chúng ta phải yêu với trọn hữu thể. Phải chăng tôi yêu mến Thiên Chúa như vậy? Hay chỉ với một phần nhỏ cuộc đời tôi và thời gian của tôi? Phải chăng tôi yêu mến Thiên Chúa với nghề nghiệp, với các quan hệ gia đình, với những thú vui giải trí, với các sách báo của tôi…?
           
 2. Yêu con người là dấu chỉ yêu thật Thiên Chúa.
            

Nhưng mặc dầu câu hỏi của vị tiến sĩ Luật chỉ nhắm tới điều răn trọng “nhất”, Đức Giê-su vẫn thêm một điều răn “thứ hai”, cũng rút từ Kinh Thánh (x. Lv 19,18). Thành thử rõ rệt là ta không thể lấy một diệt một, như vài kẻ đã cố gắng đã làm. Thật rất tiện nếu miễn được cho mình một trong hai giới răn bằng cách nói: chỉ cần yêu mến Thiên Chúa … hay chỉ phải yêu mến anh em mình. Đối với Đức Giê-su, có hai giới răn chứ không phải một. Và khi thiên hạ yêu cầu Người “một”, Người lại đưa ra giới răn “hai”… và thêm rằng quả thật giới sau cũng “giống” giới đầu: “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình ngươi”. Hiển nhiên, Đức Giê-su vừa thiết lập một thứ bậc vừa đặt ra một mối dây giữa hai điều đó.
           
 Nay ta thấy rõ hơn rằng hai câu hỏi có tính cách “độc hữu” đã nêu ban đầu là những câu hỏi đặt sai : đâu có chuyện chọn Thiên Chúa hay con người, thần nghiệm hay chính trị, cầu nguyện hay nghĩa đệ huynh. Cây thập giá trên đồi Gôn-gô-tha bao gồm hai thanh đấy chứ, một “dọc” hướng lên trời… một “ngang” ôm chầm tất cả nhân loại. Đức Giê-su diễn tả tình yêu đối với Chúa Cha và tình yêu đối với anh em trong cùng một hành vi hiến tế cao cả. Một tình yêu duy nhất, chạy theo hai hướng.
            
Lý thuyết yêu tha nhân đến độ bất cần Thiên Chúa là một lý thuyết chẳng liên can gì với tư tưởng Đức Giê-su. Kiểu “nhân ái vô thần” này rất dễ nhiễm độc bởi thói kiêu căng và lòng ích kỷ. Nhưng ngược lại, lý thuyết yêu Thiên Chúa đến độ bỏ quên tha nhân cũng tuyệt đối trái ngược với Tin Mừng. Môn đồ đích thực của Đức Giê-su nhận lãnh từ Thầy hai giới răn : một “lòng yêu tha nhân” chứng tỏ tính cách nhưng không và phổ quát của mình qua việc dành nhiều thời gian tuyệt đối vô cầu để hầu Thiên Chúa …một “lòng yêu Thiên Chúa” chứng tỏ tính cách chân thực của mình qua việc gặp gỡ và phục vụ tha nhân… “Ai không thương anh em thì làm sao có thể mến Thiên Chúa được?” (1Ga 4,20). Hai tình yêu giống nhau, nhưng chẳng bao giờ loại trừ nhau. Chúng không hoán đổi cho nhau được, vì cả hai đều cần. Đối với Đức Giê-su, con người toàn diện được đặt trước Thiên Chúa và trước anh em. Đương sự vừa phải chọn Thiên Chúa vừa phải chọn con người, vừa phụng sự Cha Thánh vừa phục vụ anh em.
            
Đó là tóm tắt tất cả Lề luật và các ngôn sứ. Phải chăng như thế là nói Đức Giê-su yêu cầu chúng ta chẳng cần quan tâm đến những giới lệnh khác nữa? Đức Giê-su đã bảo Người không đến để hủy bỏ gì. Nhưng hai điều răn đó (Thiên Chúa và tha nhân) là động lực và linh hồn của mọi giới răn khác. “Hãy yêu thương! Rồi muốn làm gì thì làm!”, thánh Au-gút-ti-nô một ngày kia sẽ nói vậy. Thay vì biện minh các sự dễ dãi ích kỷ chúng ta tự ban cho mình, công thức này nhắc ta nhớ tình yêu là một đòi hỏi vô biên, đi xa hơn mọi giới cấm và điều buộc. Người ta có bao giờ mà yêu cho đủ !
           
 “Ý thức về con người” xem ra dễ dàng đối với một vài tính khí, chớ gì lúc ấy họ nhấn mạnh “ý thức về Thiên Chúa” mà họ thấy khó hơn. “Ý thức về Thiên Chúa” xem ra bột phát hơn đối với vài tính khí khác, chớ gì lúc ấy họ nhấn mạnh việc “dấn thân phục vụ tha nhân” vốn có vẻ ít bột phát hơn đối với họ. Nếu không tự nhấn mạnh cho mình nổi thì họ hãy cầu nguyện như nhà thi sĩ sau đây :
           
 “Tôi đã xin Chúa cất khỏi sự kiêu hãnh của tôi và Chúa trả lời “không”. Người nói Người chẳng phải là kẻ cất sự kiêu hãnh mà chính tôi phải phấn đấu để vượt thắng nó. Tôi đã xin Chúa cho đứa con tàn tật của tôi được lành lặn và Chúa đã trả lời “không”. Người nói tinh thần mới cần lành lặn, còn thể xác chỉ là tạm bợ, lo lắng thái quá cho nó làm gì. Tôi đã xin Chúa ban cho tôi sự kiên nhẫn và Chúa đã trả lời “không”. Người nói kiên nhẫn là hoa trái của thử thách, Người chẳng ban mà để tôi tự đạt lấy. Tôi đã xin Chúa ban cho tôi hạnh phúc và Chúa đã trả lời “không”. Người nói tôi sẽ được ban ân phúc, còn hạnh phúc hay không là tùy mình. Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần cho tôi và Chúa đã trả lời “không”. Người nói tôi phải tự phát triển, nhưng Người sẽ cắt tỉa để tôi mang nhiều hoa trái. Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Người đã trả lời “không”. Người nói đau khổ giúp tôi xa cách với những vướng bận trần thế và mang tôi đến gần Người. Tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến Chúa và tha nhân như Người đã yêu thương tôi và Chúa nói: “Sau cùng, con đã xin đúng điều Ta chờ đợi”.
                       

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây