Chúa Nhật 4 Thường Niên B

Thứ sáu - 26/01/2024 22:04 406 0

 
CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN NĂM B : MC 1,21-28
            
Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
           
 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.

            
Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê
.

           

 
ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ, CON THIÊN CHÚA
 
            
Sau khi chọn bốn môn đệ đầu tiên (Chúa nhật vừa qua), Đức Giê-su khởi sự hoạt động của mình mà trước hết là tại hội đường Ca-phác-na-um (K’far Nahum) ngày sa-bát. Từ c.21 đến c.35, các hoạt động ấy được Mác-cô trình bày như diễn ra trong một ngày. Vì thế có thể nói đó là một ngày mẫu của Đức Giê-su. Người có những hoạt động như sau : giảng dạy (c.21-22), trừ quỷ (c.23-26.32-34), chữa bệnh (c.29-31) và cầu nguyện (c.35).
            
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày hai hoạt động của Người là giảng dạy và trừ quỷ, nhưng có thể nói chỉ nhằm nêu bật một điểm : Đức Giê-su là một nhân vật nhiệm mầu. Người không như những nhà giảng thuyết hay những thầy trừ quỷ mà dân chúng từng gặp được.

            
1. Giáo lý mới mẻ, người dạy uy quyền !

            
Hội đường thị trấn K’far Nahum hôm ấy bỗng dưng im phăng phắc, vì người giải nghĩa Kinh Thánh tuy còn trẻ nhưng có giọng nói rất tự tin và lời dẫn giải rất phóng khoáng. Những cặp mắt thường ngày lim dim ngái ngủ hôm ấy bỗng mở to kinh ngạc, những đôi tai thường ngày thờ ơ bỗng nghiêng vành lắng nghe từng chữ từng lời. Khi diễn giả vừa dứt lời, hội đường ồn ào hẳn lên, bàn tán xôn xao : “Hay lắm ! Lạ lắm ! Khác hẳn các cụ kinh sư, luật sĩ nhà mình ! Ông ta tự mình giải nghĩa sách chứ không sao lời người xưa, dẫn trích cổ ngạn. Ông ta nói có uy lắm !...”

            
Bỗng “ma dẫn lối, quỷ đưa đường” thế nào mà một giọng the thé từ cuối hội đường cất lên : “Này ông Giê-su người Na-da-rét ! Chúng tôi với ông chẳng có ân oán giang hồ gì cả mà sao ông lại đến tiêu diệt chúng tôi ?” Rồi như lui về thế thủ, kẻ bị quỷ ám tiết lộ căn tính Đức Giê-su : “Tôi biết ông là ai rồi! Ông là người thánh, Đấng Thánh của Thiên Chúa !” Đức Giê-su liền bắt quỷ câm họng và lệnh cho nó buông tha người anh em tội nghiệp bị nó ám đã lâu ngày.

           
 Nhưng lạ lùng chưa ! Thiên hạ chứng kiến một cuộc trừ quỷ khá ngoạn mục, tuy thế, theo Mác-cô, cái đánh động họ chẳng phải là hành vi của Đức Giê-su, song là giáo huấn của Người. Ở đây, việc chữa lành đến chỉ để củng cố uy quyền Đức Giê-su dùng mà giảng dạy. Dân chúng chẳng bao giờ thấy thế ! Nỗi khiếp hãi xâm chiếm họ, nhưng không phải vì cuộc trừ quỷ thành công này, họ từng khen ngợi nhiều tay trừ quỷ khác. Họ “kinh hoảng” (NTT) trước con người vốn có thể nói với một uy quyền mạnh mẽ đến như vậy. Mạnh mẽ và thậm chí kỳ lạ, một cái gì đó hoàn toàn mới. Ba từ được liên kết chặt chẽ với nhau : giáo lý, uy quyền, mới mẻ : “Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền !”   
            
Mác-cô chẳng nói chi với chúng ta về giáo lý này, vì đối với ông, điều quan trọng là gắn chặt chú ý vào vị giảng dạy : “Nhưng con người này là ai ?” Chúng ta đang ở đầu Tin Mừng Mác-cô và chiều hướng đã được nêu rõ. Mỗi tác giả có màu sắc của mình : Mát-thêu cung cấp giáo huấn của Đức Giê-su, Lu-ca cho chúng ta tiếp xúc với lòng âu yếm của Thiên Chúa nhưng cũng với thái độ của Người mạnh mẽ chống lại tiền bạc, Gio-an cho thấy tin để sống có nghĩa là gì. Phần Mác-cô thì kêu mời chúng ta làm quen với Đức Giê-su mà không nói quá vội : “Đây là Con Thiên Chúa” (Mc 15,38). Ông yêu cầu chúng ta hãy rất kiên nhẫn trong việc tiếp cận Người nếu chúng ta muốn sống trọn vẹn giây phút ánh sáng ấy, lúc chúng ta sẽ bị xáo động, thiêu đốt, bàng hoàng và hạnh phúc, vì rốt cục các từ sẽ vang lên ý nghĩa của chúng : Đức Giê-su Con Thiên Chúa thật sự.

            
Trong một cuộc phỏng vấn, ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc Nougaro từng nói : “Đã chẳng có ai làm cho tôi nhạy cảm với Đức Giê-su Ki-tô cả”. Mác-cô là người gây nhạy cảm. Chầm chậm, thận trọng. Ông loạn trừ các lối sai, khóa miệng những kẻ đánh lừa. “Tôi biết ông là ai rồi, quỷ nói ở Ca-phác-na-um, ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” - “Câm đi !” 
Đức Giê-su bảo.

            
Câm đi, vì ngươi biết không đúng về Ta, hoặc đã nói lên quá sớm. Ở câu 34 tiếp đó, sau khi trừ nhiều nhiều quỷ, Đức Giê-su cũng “chẳng cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai”. Người cấm tiết lộ về sứ vụ Mê-si-a của mình nhằm tránh cho quần chúng khỏi có một quan niệm sai lạc, cho rằng Người đến để giải phóng dân Do-thái khỏi ách nô lệ của đế quốc Rô-ma bằng vũ lực. Người sẽ là nhà giải phóng, nhưng cách mới mẻ hơn kìa ! Giáo dục gia đình chỉ thành công, các buổi giáo lý chỉ kết quả, các lần đọc Tin Mừng chỉ biến đổi khi tất cả những cái đó làm ta nhạy cảm dần với khám phá này : có một con người, Đức Giê-su, là Thiên Chúa.
           
 2. Mới mẻ chỗ nào, uy quyền do đâu ?

            
Tại sao nhấn mạnh như vậy đến sự cần thiết phải “giáp lá cà” với sáu chữ nói lên tất cả : “Đức Giê-su là Con Thiên Chúa” ? Vì Tin Mừng không thể thực sự được đọc, được cầu nguyện, nếu chúng ta trước hết không tiếp xúc với Đức Giê-su. Tiếp xúc, đó là tin vào thần tính của Người. Các lời nói chúng ta sắp lắng nghe, các cử chỉ chúng ta sắp chiêm ngưỡng đều là giáo huấn tuyệt đối độc nhất vô nhị về Thiên Chúa và về chúng ta, vì Đức Giê-su là Con Thiên Chúa.

            
Lúc ấy người ta mới thấy rõ, trong đoạn này, sức mạnh của từ “mới mẻ”. Từ đó không muốn nói có lắm điều mới chưa được nghe và sẽ bổ túc cho những giáo huấn cổ thời. Theo nghĩa này, Đức Giê-su đã chẳng nói điều gì mới mẻ. Lệnh truyền của Người “Anh em hãy yêu thương nhau” vẫn chỉ tầm thường (ai nấy trước Người và sau Người đều bảo vậy) nếu Người đã chẳng thêm : “Như Thầy đã yêu thương anh em”. Cái mới mẻ xuất hiện khi ta ý thức rằng vì Đức Giê-su là Thiên Chúa, nên điều ấy có nghĩa : “Hãy yêu thương như Thiên Chúa thương yêu, hãy yêu thương đến độ hy sinh chính mình thậm chí trong khổ nhục”. Triệt để mới là như vậy !

            
Những gì Đức Giê-su dạy do đó mang dấu ấn của một sự mới mẻ tuyệt đối vốn chẳng thêm vào cho cái gì, vì đấy là một “điều hoàn toàn khác hẳn”, một vũ trụ tư tưởng và thái độ khác hẳn. Đức Giê-su như thế làm nảy sinh một thế giới mới, vì khi Người nói là Thiên Chúa nói và giải phóng một hữu thể mới trong ta.

            
Thánh sử Gio-an từng dạy : “Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có” (1,17). Mô-sê hay bất cứ vị giáo tổ nào khác đều chỉ ban cho nhân loại những lề luật, những giáo huấn, hay ho lắm, giá trị lắm, cao cả lắm ; thế nhưng các vị đâu có ban được ân sủng để giúp loài người phàm hèn tuân giữ lề luật ! Các lề luật này chẳng qua chỉ làm cho người ta nhận biết tội” thôi (Rm 3,20; x. 5,14). Chỉ duy mình Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, mới có thể ban sức mạnh giúp con người thắng được tội lỗi hầu tuân giữ Lề luật trọn vẹn và thắng cả tử thần. Triệt để mới là như vậy !

            
Các lãnh tụ tinh thần xưa nay đều là những hướng đạo viên, “ngón tay chỉ mặt trăng” (Phật Thích Ca), là người đưa đường dẫn lối (và các vị cũng chỉ dám tự xưng như vậy). Trong lúc Đức Giê-su Ki-tô chẳng những là “con đường” song còn là “sự thật” mà con đường ấy dẫn tới, còn là “sự sống” mà sự thật ấy đem lại ; một sự thật vẹn toàn và một sự sống sung mãn chỉ tìm thấy nơi Thiên Chúa, nguồn chân thiện. Thêm nữa, con đường ấy là “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh” (Ep 1,10) : chính Con Thiên Chúa, để “tất cả đều tồn tại trong Người như Đầu của Thân thể” (Cl 1,17-18). Triệt để mới là như vậy !

            
“Hãy xuất khỏi người này !” Đức Giê-su đã truyền với một uy quyền gây kinh ngạc. Chớ gì cũng xuất khỏi chúng ta những cách suy tư khiến chúng ta tê liệt, những lối hình dung Đức Giê-su như ngang hàng với bao vị giáo tổ khác, thậm chí với bao hiền nhân khác. Cuối cùng, đã có một ai đó giải phóng tâm hồn và cuộc sống chúng ta cũng như giải phóng toàn thể vũ trụ, một cuộc giải phóng vô cùng toàn diện, hữu hiệu và triệt để !

 

 

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây