Chúa Nhật I Mùa Chay Năm B

Thứ sáu - 16/02/2024 20:15 273 0

CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY NĂM B : MC 1,12-15
            
Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
            
Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
           

 
THÂN PHẬN CON NGƯỜI
            
Người Eskimô ở Bắc cực có một cách bẫy chó sói rất độc đáo, để lấy bộ lông làm áo mà mặc. Thợ săn mài một con dao thật sắc, lưỡi dao mỏng và bén đến độ chỉ cần vuốt nhẹ là cắt da lòi thấu xương. Họ nhúng con dao ấy vào trong máu súc vật, rồi đem ra ngoài trời tuyết lạnh cho máu đông lại. Họ làm như thế nhiều lần cho đến khi con dao bọc toàn máu. Khi trời nhá nhem tối, họ đem nó ra cắm ngoài cánh đồng tuyết mênh mông. Với cái mũi rất thính của mình, con sói Bắc cực đánh hơi được ngay mùi máu tươi đông lạnh. Nó vội vàng chạy tới liếm lấy liếm để, liếm tới tấp, liếm điên cuồng cho đến khi lưỡi nó đã bị dao cắt đứt mà vẫn sung sướng liếm dòng máu tươi, không hề biết mình đang liếm máu của chính mình. Càng say máu, sói càng liếm cuồng điên cho tới khi kiệt sức rồi lăn ra chết.
           
 Con vật đã bị cám dỗ như thế. Con người lại càng bị cám dỗ hơn. Mang lấy thân phận loài người, Đức Giê-su cũng đã không thoát khỏi tình cảnh tương tự. Mỗi năm, cứ đến Chúa nhật thứ I Mùa Chay, chúng ta lại đọc thuật trình về việc Người bị Xa-tan cám dỗ. Mát-thêu và Lu-ca trình bày khá dài dòng giai thoại này như một cuộc đọ sức mà hai bên đều dùng lời Cựu Ước để tranh thắng bại. Riêng Mác-cô thì đã khéo léo tóm lược trong hai câu, vừa vắn gọn lại vừa đầy đủ, nhất là đã mở ra một viễn ảnh to lớn.
            
1. Chiến đấu và chiến thắng
            
Mác-cô kể lại cuộc cám dỗ rất nhanh nhẹn bằng cách trình bày bốn nhân vật (Thần Khí, Đức Giê-su, Xa-tan, các thiên sứ) và bốn hành động : Thần Khí thúc đẩy Đức Giê-su vào hoang địa, Xa-tan cám dỗ Người, các thiên sứ hầu hạ Người, Người sống giữa loài dã thú đã trở nên thân thiện. Nhưng không phải vì vắn gọn như thế mà trình thuật chẳng nói lên được gì.
            
Sau khi nhắc đến cuộc cám dỗ bằng một câu hết sức sơ sài, Mác-cô công bố theo cách của mình cuộc khải hoàn của Đức Giê-su trên quyền lực sự dữ : “Người sống giữa loài dã thú”. Đây là một cách nói Đức Giê-su khai mở thời đại cứu thế mà ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo từ bao thế kỷ : “Sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng” (Is 11,6). Đấng Mê-si-a xuất hiện như một con người mới, sống hòa hợp tuyệt vời với trời cao cũng như đất thấp. Thần Khí trong Người đã đẩy Người tới những chiến thắng khiến trái đất trở lại như thuở ban đầu : một địa đàng trong đó mọi sự đều hài hòa tốt đẹp.
            
Chỉ với một câu văn thôi mà thánh sử Mác-cô đã trình bày được một cuộc lật ngược ngoạn mục : một Đức Giê-su bị cám dỗ trong hoang địa trở thành một Đức Giê-su ngời sáng trong một vũ trụ hòa hợp và đẹp xinh. Đó là tạo thành mà Thiên Chúa yêu quý. Một Đức Giê-su toàn thắng sự dữ, trong một thế giới được hòa giải với Thiên Chúa và với chính mình. Ở đó ta tìm thấy toàn bộ Thánh Kinh, toàn bộ lịch sử của nhân loại. Chỉ trong vài hàng chữ đầy hoài niệm Cựu Ước, ta thấy nổi lên nguồn hy vọng vượt khỏi tầm mức con người.
            
Đức Giê-su ở trong hoang địa 40 ngày chịu Xa-tan cám dỗ. Thế rồi, báo trước buổi bình minh Vượt qua, Người sống an hòa với mãnh thú, và các thiên sứ từ trời xuống hầu hạ Người. Hoang địa, một vùng đất mênh mông đầy thế lực thù nghịch, cuộc sống luôn bị thần chết đe dọa. Tuy nhiên tình thế ấy đã bị Đức Giê-su là Thiên Chúa làm người đến lật ngược. Người đã trả lại cho vũ trụ ra méo mó dung mạo của Thiên Chúa, và cho Thiên Chúa một vũ trụ có dung mạo xinh đẹp. Thần Khí bay lượn trên miền đất khô ráo và kìa Đấng Hằng Sống chỗi dậy trong một khu vườn xanh tươi, nở đầy hoa. Bức phù điêu khắc hình A-đam, một A-đam đau khổ vì sống trong sự xung khắc với chính Thiên Chúa, với tha nhân, với vạn vật và với chính mình, đã lật sang mặt kia có hình Đức Ki-tô đang ngồi giữa bầy dã thú đã trở nên như chiên cừu, trong một khung cảnh an bình hòa hợp. Địa đàng đã không bị đánh mất phía sau ta. Nó đang ở phía trước, và ta có thể tìm thấy nhờ cộng tác với Đức Giê-su và nhận lấy Thánh Thần.
            
Tóm lại, trình thuật về Đức Giê-su chịu cám dỗ trong hoang địa cho thấy : Người xuất hiện ở đây với tư cách Đấng thắng Xa-tan, thắng cơn thử thách và thắng cơn cám dỗ. Dấu chỉ cụ thể của cuộc chiến thắng đó là Đức Giê-su sống giữa loài dã thú và được các thiên sứ hầu hạ phục vụ. Được các thiên sứ phục vụ có nghĩa là được Thiên Chúa che chở (x. Tv 91,11-13) và hòa hợp với tất cả tạo thành trong tư cách Đấng Mê-si-a (x. Is 11,6-9). Chiến thắng Xa-tan, Đấng Mê-si-a đã khai mạc một thời mới, thời thái bình đầy tình huynh đệ, trong đó mọi nỗi hận thù đều tan biến.
           
 2. Chiến đấu để chiến thắng
            
Thế nhưng ý tưởng “cám dỗ”, vốn đã được trình bày sơ sài (Xa-tan như bị lép vế giữa Thánh Thần và các thiên sứ !), ý tưởng đó lấy lại sức mạnh của nó ngay từ lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su : “Anh em hãy sám hối!” Cuộc sống của con người trên trái đất sẽ luôn luôn là một trận chiến chống lại cám dỗ, một nỗ lực hoán cải trường kỳ.
            
Đức Giê-su đã không đến để lôi chúng ta khỏi cuộc chiến ấy, xin Người như thế chẳng phải là một lời cầu nguyện tốt đẹp. Người đã đến “để chúng ta được sống dồi dào” (Ga 10,10), điều này kéo theo nhiều cuộc đấu tranh kiên trì chống lại thói kiêu căng, những lo lắng kiểu dân ngoại và tính dục hỗn loạn bừa bãi, vốn mang một bộ mặt hấp dẫn nhưng che giấu những nguy hiểm chết người không kém con dao bọc máu của tay thợ săn Bắc cực. Các cuộc chiến đấu ấy sẽ chỉ kết thúc khi ta trút hơi thở cuối cùng.         
           
Trước hết, nó mang dáng vẻ một cuộc biến đổi rõ ràng. Ra khỏi một buổi giảng thuyết, một giờ suy niệm, một cuộc tĩnh tâm, bị một cơn bệnh, một cái tang đánh động hay một tình yêu bắt lấy, ta khám phá thấy mình đã từng sống tệ hại và thật sự quyết tâm thay đổi. Có thể xác định thời điểm của cuộc chuyển hướng, quay đầu này. Cuộc sống của vài người hoán cải, qua sự thay đổi lớn lao, tượng trưng cho cái xảy đến với chúng ta cách bé nhỏ hơn nhiều : người ta cuối cùng đã nói vâng trước Thiên Chúa.
            
Nhưng đoạn tiếp sau đó lại gây chán nản. Nơi những con người hoán cải đích thực, sự thay đổi đứng vững, họ ngày càng lên cao. Phần chúng ta thì rơi vào lại trong cái tầm thường, hay thậm chí vào lại trong sự dữ. Cuộc hoán cải của chúng ta chỉ là một cơn sốt thánh thiện nhỏ bé.
            
Điểm yếu nằm ở chỗ nào ? Phải chăng chúng ta là những kẻ tầm thường, hèn nhát không sửa được ? Đúng hơn, chúng ta là những kẻ chẳng nghe Tin Mừng cho nên, nhất là khi bản văn quá ngắn, như bản văn đang nghiên cứu, và có nguy cơ bị xuyên tạc. Đức Giê-su bảo : “Anh em hãy sám hối… và tin vào Tin Mừng”. Chỉ lấy nửa câu là làm hỏng tất cả, người ta sẽ tiếp tục sống với niềm mơ ước sám hối và chẳng có gì hơn nữa. Có lẽ nên thay đổi một chữ để nêu bật mạnh mẽ mối liên hệ cần thiết : “Anh em hãy sám hối bằng cách tin vào Tin Mừng”.
            
Tin. Trước hết là tin. Trước hết không phải là xăn tay áo song là tin rằng Triều đại Thiên Chúa đã đến gần, trong tầm tay, với Đức Giê-su Ki-tô, và rằng Tin Mừng là một Tin Mừng thật sự : toàn thể thế giới có thể được Đức Giê-su Ki-tô cứu thoát. Dù bạn là ai và hoàn cảnh hiện tại của bạn thế nào, bạn cũng có thể được Đức Giê-su Ki-tô cứu thoát. Ơn rỗi này đã được ban tặng. Nếu tin điều ấy, bạn sẽ được rỗi.
            
Nhưng ta chớ bẻ đôi lời công bố của Đức Giê-su theo một cách khác cũng tai hại : tin vào Tin Mừng… mà chẳng xăn tay áo. Tin Mừng cho chúng ta hay từ nay mọi sự đều khả dĩ, và thành thử người ta có thể dấn thân vào. Phải dấn thân !
            
Điều tuyệt diệu, đó là ta chẳng còn phải chiến đấu đơn độc, trái lại được bảo đảm rằng mình có thể thắng. “Các thiên sứ hầu hạ Người”. Các thiên sứ sẽ phục vụ chúng ta, còn các thú dữ sẽ yên ngủ. Các cuộc hoán cải của chúng ta đã từng thất bại vì chúng ta đã từng bơi trong thói duy chí ngây thơ hay kiêu hãnh : “Tôi muốn sám hối !” Không, phải nói : “Xin Chúa giúp con muốn, rồi con sẽ muốn với Ngài và nhờ Ngài”. Một cuộc hoán cải chân thực là một kinh nghiệm về Triều đại Thiên Chúa, là sự khám phá sống động rằng tất cả đều có thể nếu tất cả đều được cầu xin. Nói : “Nước Thiên Chúa đã đến gần rồi” là nói : “Bạn có thể cầu xin”. Vậy hãy xin nào, cố gắng xin nào. Hãy chiến đấu với Chúa Ki-tô để chiến thắng !

 

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây