Chúa Nhật Lễ Ba Ngôi

Thứ sáu - 24/05/2024 19:51 121 0

CHÚA NHẬT LỄ BA NGÔI NĂM B : MT 28,16-20

Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần,  dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
           
CHIÊM NGƯỠNG BA NGÔI

            Cách đây chừng thế kỷ, có một nhà truyền giáo bên Phi châu trở về Âu Tây thăm quê nhà. Trên đường về, tình cờ ông đi ngang qua một cái đồng hồ mặt trời thật xinh đẹp. Lập tức ông tự nhủ : “Ồ ! Cái đồng hồ này quả là lý tưởng đối với đám tín hữu Phi châu của ta, ta có thể dùng nó để giúp họ biết tính giờ tính phút !” Thế là vị truyền giáo mua ngay cái đồng hồ mặt trời ấy, đóng vào thùng đem về Phi châu. Nhìn thấy nó, ông thôn trưởng yêu cầu đặt giữa làng, còn đám dân thì hết sức phấn khích vì chưa bao giờ trong đời, họ thấy được một vật gì xinh đẹp, hay ho và ích lợi như vậy. Nhà truyền giáo rất lấy làm thỏa mãn. Thế nhưng, vì muốn bảo vệ đồng hồ khỏi mưa nắng, dân làng đã cùng nhau xây một mái che phía trên, đang khi đồng hồ phải nhờ ánh sáng mặt trời mới hoạt động !  
            Đó là thái độ của nhiều Ki-tô hữu đối với Mầu nhiệm trung tâm của đạo được biểu dương cử hành hôm nay. Mỗi năm, đến kỳ này, họ lại cảm thấy khổ sở vì như phải chạm trán với một điều gì khó hiểu, hóc búa, thậm chí là phi lý. Ngay chữ “mầu nhiệm” đã làm cho họ kinh hoảng. Phải chăng đó là một cái gì Thiên Chúa đưa ra để thách thức trí tuệ nhân loại, để hãnh diện cho thấy Người uyên áo siêu việt ? Phải chăng đó là một chiêu thức Giáo Hội dùng để tránh giải thích vấn đề, để buộc tín hữu tin cách mù quáng ? Thái độ sợ hãi mầu nhiệm này hay xem nó như một món đồ trang sức thêm thắt cho đức tin chính là mái che khiến mầu nhiệm không thể tỏa sáng và có giá trị cho cuộc sống thường nhật của người Ki-tô hữu.

            1. Mầu nhiệm, tiếng nói của tình yêu
            Trước hết, xin được minh định chữ “mầu nhiệm” (mystère). Đây là một từ tìm thấy trong khoa học, trong triết học và trong tôn giáo. Trong khoa học, tiếng Việt dịch ra là “bí nhiệm” để chỉ những gì bí ẩn, còn chưa khám phá trong thiên nhiên mà luôn luôn kích thích niềm đam mê tìm hiểu của các nhà khoa học. Trong triết học, đặc biệt triết học hiện sinh, tiếng Việt dịch ra là “huyền nhiệm” để chỉ những gì sâu kín trong tâm hồn và cuộc sống mỗi con người mà ta chỉ có thể biết nhờ được đương sự mạc khải (và ta chỉ có việc tin nhận) hay ta chỉ có thể khám phá dần sau những chuỗi ngày cận kề đương sự trong tình yêu. Đây cũng là một cái gì gây say mê thích thú. Cuối cùng, trong tôn giáo, tiếng Việt dịch ra là “mầu nhiệm” để chỉ những gì thuộc về Thiên Chúa (trong bản tính và hành động của Người) mà Người đã mạc khải ra cho chúng ta vì tình yêu, chúng ta lấy đức tin mà đón nhận và cũng chỉ dùng tình yêu mới mong hiểu thấu. Vì mầu nhiệm trước hết không phải điều bí hiểm của Đấng Tuyệt Đối thách thức trí tuệ phàm nhân song là tiếng lòng của Thiên Chúa ngỏ với trái tim chúng ta là con cái Người. Dĩ nhiên nó chẳng dễ hiểu vì thuộc về tâm tư của Thiên Chúa (y như những gì thuộc về tâm tư của một cá nhân). Thành thử khi nghe nói đến mầu nhiệm, thì thay vì hoảng sợ vì như sắp chạm trán với một cái gì đó khiến ta nát óc bể đầu, hãy biết rung động tâm hồn vì sắp nghe Thiên Chúa bộc lộ cõi lòng, bày tỏ tâm sự hay hành động tình yêu của Người cho chúng ta.
            Mầu nhiệm mừng kính hôm nay chính là tâm sự tuyệt vời nhất của Thiên Chúa. Nó bộc lộ cho thấy bản chất sâu xa của Người, của một vì Thiên Chúa tưởng là lạnh lùng, xa lạ và khó hiểu nhưng thật ra đã trao phó tất cả bản thân (tâm tư, tình cảm, thái độ, hành động) của mình cho chúng ta để chúng ta cũng xử sự như Người.

            2. Mầu nhiệm Ba Ngôi, lời mời gọi yêu mến
            Dĩ nhiên, đã từng có những kẻ quả quyết với chúng ta rằng loài người chẳng có thể biết gì về Thiên Chúa. Nếu thế, tiên vàn hãy đưa họ tới trước câu nói cuối cùng của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Đức Giê-su, Thánh Thần, Chúa Cha. Điều chủ yếu của mầu nhiệm đã được ban cho chúng ta, chúng ta có thể tiến tới. Cuối bước đường chiêm ngắm của chúng ta, đó vẫn còn là mầu nhiệm ; nhưng bao lâu còn đọc “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, chúng ta vẫn ở trong ánh sáng của mầu nhiệm đó.
            Đó là một ánh sáng tình yêu : “Thiên Chúa là tình yêu. Phàm ai yêu mến, thì được sinh ra do bởi Thiên Chúa và người ấy biết Thiên Chúa. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa” (1Ga 4,7.16). Trong tình yêu ! Nếu ngập ngừng, nếu giậm chân trước các lời mời gọi yêu thương, nếu không đi vào tình bác ái huynh đệ, tôi sẽ chẳng đi vào trong Thiên Chúa, sẽ chẳng biết Thiên Chúa. Mối dây liên kết việc yêu mến anh em nhấn mạnh, thế nhưng nó xem ra chẳng được đánh giá đúng bởi mọi người. “Xin nói cho chúng tôi về Thiên Chúa”, vài người bảo. “Hãy quyết định yêu mến Thiên Chúa và anh em mình hơn nữa : tình yêu sẽ dạy bạn về Thiên Chúa ngay”.
             Và lúc ấy, các từ mới có thể nói lên một cái gì đó về mầu nhiệm Thiên Chúa, đặc biệt các từ của Tin Mừng. Qua Đức Giê-su, chúng ta khám phá ra rằng có trong Thiên Chúa nhiều luồng tình yêu mạnh mẽ đến nỗi chúng ta đã gọi là các “Ngôi vị” : Cha sinh ra Con, Con diễn tả Cha, cả hai yêu nhau trong Thánh Thần. Hay nói cách khác, ý tưởng mà Thiên Chúa có về mình là một ngôi vị, mang danh hiệu Con, và khiến Thiên Chúa trở thành Cha. Tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con cũng biến thành một ngôi vị, mang danh hiệu Thánh Thần. Ba ngôi vị, vì tình yêu bao giờ cũng đòi hỏi tối thiểu phải có ba. Trong tình yêu vợ chồng đích thực, ta đã thấy điều đó : cha-mẹ-con (hai vợ chồng tìm mọi cách không có con để cùng nhau hưởng lạc thú, chẳng phải là yêu nhau chân thành). Trong tình bạn đích thực, định luật này cũng có mặt : hai người bạn yêu nhau chỉ vì chung một lý tưởng. Lý tưởng đó là đứa con tinh thần của họ (nếu không thì chỉ là đồng tính luyến ái, đồng giới tính dục !). Thiên Chúa là tình yêu trong chính Người, bản chất của Người là tình yêu. Người là một TC nhưng vì là tình yêu nên có ba ngôi, Người là ba ngôi nhưng vì là tình yêu nên chỉ là một TC.
            Bởi thế, yêu thương anh em làm cho chúng ta nhập tịch “nước Thiên Chúa”, làm cho chúng ta hít thở không khí của Thiên Chúa, ban cho chúng ta các phong cách của Thiên Chúa, làm cho chúng ta biết Thiên Chúa. Còn sự phi-tình yêu, mọi thái độ từ khước mến thương, làm chúng ta xa Thiên Chúa đến độ những gì nghe nói về Người chẳng còn có thể tác động lên chúng ta nữa.
            Thiên Chúa không dựng nên chúng ta để khỏi ở một mình, Người dựng nên chúng ta vì sự sống-tình yêu nơi Người đã bùng vỡ thành tình yêu đủ loại. Người yêu chúng ta bởi vì Người là tình yêu chứ không phải vì chúng ta “đáng yêu”. Chính Người làm ta nên “đáng yêu” bằng cách cho ta các phương tiện để ngày càng trở nên một kẻ mà Người có thể thương mến. Cần phải đọc Ê-dê-ki-en chương 16 (câu chuyện tượng trưng về lịch sử Ít-ra-en) để hiểu rõ điều này. Có cái gì đó khiến chúng ta phải khóc lên vì xấu hổ và vì yêu mến, nhưng nỗi êm dịu được mến yêu đến thế nhận chìm sự xấu hổ và mọi nghi ngờ. Sau khi đọc trang sách này, chúng ta sẽ biết Thiên Chúa là Sự Sống-Tình Yêu đến đâu.
            Bằng cách luôn nghĩ tới điều đó, tôi làm bén rễ trong tôi nhiều niềm xác tín giúp tôi sống thực : tôi sẽ hiểu rằng tình yêu là tất cả, giải thích tất cả, là mục đích của tất cả. Được Tình yêu dựng nên, chúng ta chủ yếu được kêu gọi trở nên những hữu-thể-yêu-mến. Tại sao đi xa chân lý rạng ngời này ? Người ta có thể thoáng thấy tình yêu Ba ngôi khi nhìn Đức Giê-su. Người kinh ngạc thán phục Cha, thường xuyên bị lôi kéo về Cha và say mê ao ước làm đẹp lòng Cha nhờ Thần Khí : “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8,29).                   
             Đó chẳng phải là cái gì cần sống giữa chúng ta sao ? Chúng ta quá rụt cổ vào trong cuộc sống mình, ít hướng ra với những người khác, ít say mê thán phục nhân cách của họ, các cuộc mạo hiểm của họ, chẳng mấy ao ước làm cho họ hài lòng. Rồi tê liệt bởi muôn ngàn nỗi sợ bị ăn lấy hay bởi vô số sự sáng suốt tàn nhẫn : y thế này, thị thế nọ, vậy mà anh còn muốn tôi cho họ là quan trọng sao ? Dĩ nhiên, không phải như Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần đối với nhau thể nào thì chúng ta đối với nhau cũng vậy. Nơi chúng ta, sự hiệp nhất bao giờ cũng phải nỗ lực xây dựng và tình yêu luôn bị mối nguy ích kỷ rình chờ. Tuy nhiên sự sống-tình yêu giữa Tam Vị vẫn luôn là mẫu mực tuyệt vời, khuyến khích chúng ta nghĩ rằng nhiều khác biệt lớn lao vẫn có thể được chấp nhận trong một sự duy nhất còn cao quý hơn sự độc dạng đôi lúc cám dỗ chúng ta.
            Chính Đức Giê-su nhìn thấy chúng ta như một nhân loại ba ngôi : “Lạy Cha, ước gì họ nên một như chúng ta” (Ga 17,21). Mà Người biết chúng ta rất rõ. Vậy tại sao chúng ta không cùng Người nỗ lực để xây dựng một thế giới hiệp nhất, như khẩu hiệu của phong trào Focolare (Tổ ấm) ?
          
            Mời xem thêm: Biết nhờ tin nhân chứng
           
https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=417

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây