CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN NĂM B: MC 10,17-30
Khi ấy, Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ”. Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo: “Anh chỉ thiếu có một điều: là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Nghe lời đó, anh ta sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”.
Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!”. Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái, hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con và ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.
ĐỂ ĐƯỢC SỐNG THỰC
Albert Schweitzer (1875-1965), sinh tại Alsace (Pháp), là một con người có rất nhiều tài năng. Ông vừa là nhà âm nhạc học, nhạc sĩ dương cầm và phong cầm; vừa là chuyên gia văn học và triết học; vừa là một mục sư Tin lành dạy tại thần học viện Strasbourg. Nhưng các hoạt động đa diện với thu nhập lớn lao này không làm thỏa mãn con người đa tài đa năng ấy. Nên đến năm 30 tuổi, ông muốn hiến cuộc đời đấu tranh chống lại nghèo khổ và bất hạnh. Tình cờ đọc được một ấn phẩm nói về tình trạng thiếu thầy thuốc cách thê thảm tại Gabon (Phi châu), ông quyết định trở thành bác sĩ. Sau 8 năm học tập, đồng thời vẫn hành nghề mục sư và nhạc sĩ phong cầm, ông đến Gabon năm 1913 với vợ và khám phá tại Lambaréné một “bệnh viện” vốn là một nhà kho đổ nát điêu tàn. Ông bắt tay vào việc chữa trị các bệnh nhân bị nghèo khổ và nghiện rượu tàn phá, đồng thời chống lại thói mê tín, phù thủy và tục ăn thịt người. Song song, ông cũng nói cho họ về Thiên Chúa, về lòng tha thứ và niềm tôn trọng mọi sinh mạng. Kể từ đó, tài trợ và nhân viên thiện nguyện tới tấp dồn về bệnh viện Lambaréné; ông được thế giới tặng danh hiệu “vị bác sĩ của rừng già” và được giải Nobel Hòa bình năm 1952.
Cuộc đời Albert Schweitzer đã thể hiện trọn vẹn lời mời gọi mà Đức Giê-su, một lần kia, đã ngỏ với một thanh niên cũng đầy điều kiện như bác sĩ, nhưng chỉ thiếu một chuyện là lòng quyết tâm sống triệt để Tin Mừng.
1. Hãy tìm kiếm điều chủ yếu
Bài Tin Mừng mở ra với quang cảnh sống động về chàng thanh niên ấy. Một con người đầy khát vọng đang chạy đến rồi sụp mình dưới chân Đức Giê-su và đặt cho Người một câu hỏi. Khi biết được (qua phần tiếp câu chuyện) con người này là ai, ta không thể kinh ngạc. Đây là một kẻ có tất cả những gì cần để được hạnh phúc, theo các tiêu chuẩn thông thường: giàu có, hơn nữa, còn sống một đời chính trực, “giữ các điều răn từ thuở nhỏ”. Anh còn có thể thiếu điều gì? Còn có thể muốn gì hơn?
Đáp lời, trước hết Đức Giê-su thẩm tra chàng thanh niên về sự tuân giữ các lệnh truyền như là khởi điểm cho đời sống đạo. Xin lưu ý là Người toàn liệt kê những khoản tiêu cực (chớ… chớ…), ngoại trừ “thờ kính cha mẹ” là một bổn phận tự nhiên. Chàng trả lời là đã giữ các lệnh truyền ấy, tức chưa hề làm gì tổn thương ai cả… Rõ ràng đây là một con người công chính, phải phép. Và Đức Giê-su trìu mến, âu yếm, cảm động nhìn chàng.
Tuy nhiên, Người đặt vấn đề thẳng với anh: “Anh chỉ thiếu có một điều: là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Đức Giê-su muốn cho chàng thấy rõ Ki-tô giáo không chỉ là việc tuân thủ các huấn lệnh tiêu cực hay bổn phận tự nhiên ấy… Ki-tô giáo mang tính tích cực hơn nhiều. Người như nói thẳng với anh: “Chưa bao giờ gây thương tổn cho ai, anh quả là đáng khen ngợi. Nhưng anh đã làm gì để giúp đỡ ai chưa? Đã biết dùng của cải cho kẻ đói khát ăn, cho kẻ trần truồng mặc, cho kẻ vô gia cư trú ngụ chưa? Nếu muốn theo tôi thì anh hãy thay đổi cách nhìn. Hãy nhắm sống tốt lành một cách tích cực, chẳng hạn như giúp đỡ người khác”.
Nhưng không những tích cực, Ki-tô giáo còn là một cái gì triệt để. Đức Giê-su buộc phải tự do đối với của cải hoàn toàn và làm môn đồ là từ bỏ tất cả. Nếu chúng ta xem đòi hỏi này của Đức Giê-su đáng ngạc nhiên thì thật là lạ! Người đã không ngừng lặp đi lặp lại điều ấy. Đó đã là tiếng gọi đầu tiên Người ngỏ với mấy ngư phủ (x. Mc 1,18-19), là huấn dụ đầu tiên Người ra cho các môn đệ khi sai họ đi truyền giáo (x. Mc 6,8), là hậu quả đầu tiên rút ra từ lời Người loan báo cuộc Khổ nạn (x. Mc 8,34). Đức Giê-su đã chẳng bao giờ nói khác song kiên định với ý kiến của mình. Người yêu cầu một chọn lựa triệt để. Người đòi hỏi “tất cả”! Để theo Người, phải từ bỏ hết thảy những gì còn lại. Đòi hỏi vô biên! Tin Mừng không phải là một liều thuốc an thần rẻ tiền song là cuộc mạo hiểm tuyệt vời nhất, sự dốc cạn túi liều lĩnh nhất.
Thế nhưng chàng thanh niên đã hoảng sợ trước cuộc mạo hiểm đó. Chớ nên kết án anh làm gì. Chúng ta cũng chẳng ao ước sự hoàn hảo, ao ước cuộc sống vĩnh cửu… nhưng ít quyết tâm trả giá sao? Câu chuyện ơn gọi hụt này nhắc ta nhớ rằng ta cũng đã từ chối nhiều lời kêu gọi của Thiên Chúa… những lời kêu gọi lẽ ra đã trở nên nguồn vui, dẫu bên ngoài là những từ bỏ. “Nỗi buồn” của con người này thật ý nghĩa: anh ta có nhiều tiền của, nhưng với tất cả sự dư dật đó, anh không hạnh phúc. Nhưng ta hãy đi xa hơn, hãy dám nhìn sự bất ổn đang làm u ám khuôn mặt đương sự: đó phải chăng là dấu hiệu cho thấy ân sủng dầu sao cũng đã động đến anh? Cho tới lúc ấy, anh “vô thức” về sự thiếu hụt chủ yếu của mình. Anh đã tưởng rằng của cải làm anh thỏa mãn. Bây giờ anh biết mình được tạo dựng nên cho một định mệnh hoàn toàn khác. Lạy Chúa, ước chi chính các nỗi buồn của chúng con trở nên tích cực, đánh thức chúng con dậy khỏi các ảo tưởng hay các đờ đẫn của chúng con. Chúng con đã được tạo dựng cho Chúa! Trái tim chúng con quá lớn lao để có thể thỏa mãn với những thứ giới hạn của gian trần.
2. Giải thoát mình khỏi của cải
Nhìn sang các môn đệ có lẽ cũng đang phân vân, Đức Giê-su buông một nhận định: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” Quyền lực khủng khiếp của tiền bạc bị Đức Giê-su tố cáo một lần nữa. Đây là một lời cảnh giác xuyên qua bao bài giảng. Nào là khẳng định: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Thần tài” (Lc 16,13). Nào là các dụ ngôn: người giàu có trở thành ngu dại và tưởng rằng mình có thể chẳng cần Thiên Chúa (x. Lc 12,16-20); tay trọc phú khép kín con tim và chẳng còn thấy người anh em kề cận đau khổ (x. Lc 16,19-31); của cải bóp nghẹt hạt giống lời đã gieo (x. Mt 13,22). Nhưng một lần nữa, đừng chỉ kết án kẻ khác. Hãy công nhận rằng ta cũng là những người giàu so với bao kẻ cùng khốn chung quanh.
Nghe lời cảnh cáo, môn đệ đều kinh hãi và nỗi ngạc nhiên của họ không phải là không có lý do. Não trạng Do-thái từng xác tín của cải là dấu hiệu ưu đãi của Thiên Chúa: ý định của Tạo Hóa chẳng phải là đặt con người “chiếm hữu và thống trị” thế giới để xây dựng nó và làm cho nó thêm giá trị sao? (x. St 1,27-31). Nhưng phải thú nhận rằng chính chúng ta cũng ít thích các lời của Đức Giê-su. Thế kỷ XXI chấp nhận nền luân lý cách mạng này kém hơn các thế kỷ khác: Chúng ta chẳng làm việc để “kiếm tiền”, kiếm được chừng nào tốt chừng đó sao? Chẳng mong ước cho con cái chúng ta một “nghề có thu nhập cao” đó sao? Chẳng bị tấn công mỗi ngày bởi vô vàn quảng cáo thúc đẩy chúng ta tiêu thụ hơn nữa, gợi ý với chúng ta rằng “càng chiếm hữu, càng hạnh phúc” đó sao?
Thay vì rút lại câu nói cứng cỏi của mình, Đức Giê-su càng củng cố bằng một hình ảnh khó quên nổi: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Là nhà giảng thuyết bình dân, Đức Giê-su có nghệ thuật tạo nên những công thức dễ nhớ và đầy ấn tượng. Tiếng Việt gọi là “nói ngoa, thậm xưng”! Chớ làm dịu chúng, lấy cớ chúng ngược đời. Chúng mạnh mẽ nói rằng giữa “tiền tài” và “ơn rỗi” không có tương hợp: phải lựa chọn giữa hai kho tàng này, kho tàng của trời và kho tàng của đất. Đức Giê-su không chối cãi rằng tiền bạc là cần thiết. Người đồng ý tiền bạc “phục vụ” chúng ta! Nhưng Người không thể chấp nhận nó “thống trị” ta, ta trở nên “nô lệ” cho nó.
Thấy các môn đệ càng sửng sốt: “Thế thì ai có thể được cứu?”, Đức Giê-su trấn an: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”. Ở đây Đức Giê-su trích dẫn một lời Kinh Thánh nói với Áp-ra-ham (x. St 18,14): dẫu đã già, dẫu bất lực thể lý, Sa-ra vẫn sẽ cho ra đời một đứa con: vì đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể. Thiên thần Gáp-ri-en đã nói điều đó với Ma-ri-a rồi (x. Lc 1,37). Như thế, sau nhiều lần kết án các thái độ chiếm hữu của chúng ta, Đức Giê-su đã mở cho chúng ta một hy vọng. Hy vọng này đặc biệt lớn lao cho những ai bỏ mọi sự mà theo Người: “Chẳng ai bỏ nhà cửa, cha mẹ, anh chị em…vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm… và mai sau được sống vĩnh cửu”. Cuộc đời mục sư bác sĩ Albert Schweitzer là một bằng chứng.