Di sản của người ra đi

Thứ sáu - 20/05/2022 19:44 610 0
 
 
CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH NĂM C: GA 14,23-29
            
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, khi đang còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
          
  “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin”.      
 

DI SẢN CỦA NGƯỜI RA ĐI
 
            
Trong tất cả các thánh, có lẽ Phan-xi-cô thành A-xi-di-ô nước Ý là vị thánh cố gắng bắt chước Chúa Giê-su tỉ mỉ hơn hết và thực hiện lời Người sát mặt chữ hơn cả. Mở đầu cuộc đời làm môn đệ Chúa, Phan-xi-cô đã “từ bỏ mọi sự” theo đúng nghĩa đen: trút đến mảnh y phục cuối cùng cho thân phụ (muốn từ rảy con mình) trước bàn dân thiên hạ tại tòa Giám mục. Thánh nhân có lần bắt chước Chúa chay tịnh tuyệt đối trong bốn mươi đêm ngày, rồi chỉ chịu phó tế chứ không lãnh chức linh mục để nên giống Thầy khiêm nhượng. Trong chỉ thị của Chúa về hành trang của nhà truyền giáo (x. Mt 10,9-10; Mc 6,8-9; Lc 10,4), Phan-xi-cô chọn theo đoạn Mát-thêu vì đòi hỏi nhất: không dùng gậy và đi chân trần. Ý nguyện cuối cùng của thánh nhân là: “Khi tôi tắt hơi, hãy đặt tôi trần truồng trên mặt đất. Tôi muốn được chết như thế”… Vì tình yêu nồng nhiệt này, Chúa đã cho thánh nhân được nên giống Người cách đặc biệt trong giai đoạn cuối đời là mang năm Dấu thánh. Dù gian khổ như vậy, hay đúng hơn nhờ gian khổ và bỏ mình như vậy, mà Phan-xi-cô luôn thấy vui tươi, hạnh phúc, an bình và đã để lại cho hậu thế một bài thơ bất hủ về sự bình an (“Kinh Hòa bình” ta vẫn thường đọc).
            
Câu chuyện cuộc đời vị Thánh Khó nghèo hoàn toàn thích hợp để dẫn chúng ta vào bài Tin Mừng hôm nay. Nằm trong “diễn từ giã biệt”, nó được Gio-an trình bày như lời Đức Giê-su loan báo về những di sản Người để lại cho môn đệ: một sự hiện diện của Người và của Chúa Cha, một ân huệ được Cha ban nhân danh Người là Thánh Thần, và cuối cùng là một thứ bình an mà chỉ Người mới cho được.

 1. Hiện diện trong tâm hồn
            
Câu mở đầu bài Tin Mừng là lời Người đáp lại câu Giu-đa (không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt) hỏi: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con mà không tỏ cho thế gian?” (14, 22). Sở dĩ Giu-đa hỏi thế là vì quần chúng thời ấy đều chờ mong một Đấng Mê-si-a chính trị uy hùng sẽ hiển nhiên chiến thắng mọi kẻ thù và buộc được các đối thủ tùng phục. Đây cũng là nỗi chờ mong của các môn đệ… Và cũng chẳng hề là nỗi chờ mong của chúng ta sao? Nhưng không! cách tỏ mình duy nhất Thiên Chúa đã quyết định thực hiện là đến ngự trong con tim của những ai đón tiếp Người và tin vào Người. Nói cách khác, sự hiện diện của Người sẽ chỉ được những kẻ yêu mến Người nhận ra: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấy”. Kinh nghiệm này, kinh nghiệm về sự hiện diện thâm sâu nào đó của một kẻ vắng mặt, chúng ta vẫn thường có trong các tình yêu nhân loại của chúng ta nếu các tình yêu này chân thực: chúng ta tự bắt chợt mình đang trò chuyện, qua một đối thoại nội tâm, với người mình yêu mến: bằng hữu, con cái, tình nhân, bạn đời… Sự có mặt của kẻ vắng mặt! Một kinh nghiệm chỉ những con người yêu thương mới có.
           
 Đức Giê-su khẳng định từ nay sẽ hiện diện qua những ai yêu mến Người, qua các tín hữu đích thực có Người ở bên trong. Thật ra, khi nói thế, Đức Giê-su chỉ cách cái chết vài giờ thôi. Điều này Người hoàn toàn biết rõ. Nhưng Người đã bảo mình là Đền thờ mới, được xây lại trong ba ngày (Ga 2,19-22), thay thế cái nơi dân Do-thái từng cảm thấy Thiên Chúa “hiện diện thật sự”. Nhờ cuộc phục sinh của mình, Đức Giê-su Na-da-rét, nhân vật lịch sử, đã đi vào thế giới chung quyết của Thiên Chúa, khiến Người trở nên Đấng hằng sống, hằng tác động, còn tỏ mình hôm nay, trở nên kẻ cùng thời với bất cứ ai và có thể ở trong bất cứ ai. Nhưng ở đây, Đức Giê-su còn đi xa hơn. Người dám nói: kể từ khi Người ra đi, sự hiện diện khôn tả này, dĩ nhiên là giấu ẩn, sẽ được các Ki-tô hữu bảo đảm.
           
 Vì “ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy… Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy”. Giữa những người yêu nhau, bao giờ cũng có lắng nghe, đối thoại, trao lời, thông hiệp. Chẳng có gì tệ hại đối với các thứ tình yêu của chúng ta cho bằng “không nghe”, “không nói”… Ở đây, Đức Giê-su mạc khải một trong những cơ sở của đời Ki-tô hữu đích thực: suy niệm Lời Chúa như dấu chỉ hữu hiệu (bí tích) của việc Người hiện diện. Chúng ta thiếu sự hiện diện cụ thể của Đức Giê-su, nhưng đối với những ai yêu Người, tuyệt vời làm sao vì đã có tư tưởng, lời nói Người để lại. Lời này không chỉ nhận qua trí tuệ, nhưng còn là một lời “ta phải trung tín”, “đem ra thực hành”, một lời mà sau khi “được sống”, thì làm cho Đấng đã thốt lên nó hiện diện thực sự. Sự hiện diện của Đức Ki-tô phục sinh, hằng sống có thể (và phải) “được thấy” cách cụ thể trong đời các môn đệ đích thực. Vì như Đức Giê-su Na-da-rét từng là nơi Chúa Cha hiện diện và phát biểu, thì từ nay các Ki-tô hữu và Giáo Hội cũng sẽ là nơi như vậy. Trách nhiệm to lớn dường bao!

 2. Ban Thánh Thần dạy dỗ
            
Và đây, “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy”. Đức Giê-su ra đi, thì có một “Đấng khác” đến tiếp nối Lời của Chúa Cha, một thứ Phụ đạo thần linh, một Vị Thầy nội giới, được Chúa Cha sai đến nhân danh Con mình. Thánh Thần chẳng thêm gì vào Đức Giê-su, như Đức Giê-su đã chẳng thêm gì vào Chúa Cha. Cả ba chỉ làm một! Thiên Chúa là duy nhất, Ít-ra-en từng tuyên xưng như thế và Hồi giáo cũng sẽ lặp lại như vậy. Bất chấp nhiều khác biệt ngôn ngữ, Ki-tô hữu chẳng nói ngược đức tin chủ yếu này. Cha là chính Thiên Chúa trong sự vô hình của Người. Đức Giê-su là chính Thiên Chúa từng hiện diện, nói năng và hoạt động để cứu nhân loại. Thánh Thần là chính Thiên Chúa nối dài sự hiện diện, lời nói và hành động của Đức Giê-su và của Chúa Cha cách thiêng liêng. Thánh Thần mang danh là “Đấng Bảo Trợ” vì Người trợ giúp các tín hữu và linh ứng cho lời cầu nguyện của họ để nó có thể được Thiên Chúa lắng nghe (x. Rm 8,26-27)               
               
 Để hình dung mầu nhiệm này, ta hãy nhớ lại ảnh thánh “Ba Ngôi” thời danh của Andrey Rublev, được cất giữ tại viện bảo tàng Trétiakov ở Moscou (Nga) và được cả thế giới đến chiêm ngưỡng. Ba nhân vật có cánh, kết hiệp mật thiết với nhau chung quanh một chiếc bàn, làm thành một vòng tròn duy nhất và hoàn hảo. Chúa Cha, “Đấng ở trên tất cả”, ngồi đằng sau chiếc bàn… mãnh liệt nhìn vào Con chí ái, ngồi bên phải mình và thông cho Người tất cả. Ngôi Con, để lộ màu xanh của thần tính qua chiếc áo màu đỏ thịt, mãnh liệt nhìn vào Thánh Thần và thông cho Người tất cả. Nhưng mầu nhiệm hiệp thông tình yêu Ba ngôi không dừng lại ở đó. Nơi Thánh Thần, vòng tròn ấy mở ra, vì Thánh Thần nhìn xuống trái đất và chỉ ngón tay về phía nó, để thông cho nó tất cả. Ba Ngôi, đó chính là sự thân mật tình yêu vĩnh cửu của ba nhưng chỉ nên một: Chúa Cha ở trong Chúa Con, Chúa Con ở trong Chúa Cha, trong cùng một Thánh Thần. Và Đức Giê-su đã đến đưa môn đệ mình vào “gia đình” ấy, nhờ Ngôi Ba.

Thánh Thần này sẽ chuyển thông tất cả sự sống Thiên Chúa cho nhân loại, bằng cách giúp hiểu biết dần dần về Lời thần linh là chính Đức Giê-su, Ngôi Lời của Chúa Cha: “Người sẽ dạy anh em mọi sự và sẽ giúp anh em nhớ lại những điều Thầy đã nói với anh em”. Đó là vì chính các Tông đồ, tuy đã sống nhiều năm tháng với Đức Giê-su, vẫn chưa có một đức tin đích thực vào Người lúc Người ra đi. Gio-an thú nhận rằng mình chỉ thấu hiểu sau những gì Thầy đã nói (Ga 2,17.22; 13,6.19). Khi Đức Giê-su ra đi, theo một nghĩa nào đó, đã chẳng có gì hoàn tất, cố định. Chính Thánh Thần sẽ giúp Giáo Hội thấu hiểu dần dần “dữ kiện mạc khải”. Có một số đầu óc ngạc nhiên trước việc Giáo Hội “đổi thay”, như họ nói. Nhưng rõ ràng là đối với Đức Giê-su, Giáo Hội còn phải thay đổi nhiều, dưới ảnh hưởng của Thánh Thần. Phần lớn các lời Đức Giê-su chỉ bộc lộ trọn vẹn bản chất của chúng sau khi đã được cưu mang lâu dài và được chiêm niệm trong ký ức Giáo Hội suốt nhiều thế kỷ. Mỗi tín điều trong kinh Tin kính chúng ta đều có một thời điểm lịch sử, và chỉ được xác định lúc đã chín muồi. Và điều ấy vẫn tiếp tục. Chúng ta có thật sự tin kính Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội không? Tại sao Thánh Thần lại phải ngừng công việc của Người vào thế kỷ III hay thế kỷ XVI? ở công đồng Nixêa hay công đồng Trentô? Ngày nay, rõ ràng là Thánh Thần vẫn còn làm việc. “Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”, ở lại bằng tinh thần (Thánh Thần) của Thầy, Đức Giê-su đã nói thế. Giáo Hội vẫn còn có lắm điều để hiểu rõ, khám phá và cảm nghiệm. Và điều đúng cho Giáo Hội nói chung suốt dòng lịch sử… thì càng đúng cho mỗi người chúng ta nói riêng: Thánh Thần vẫn còn có lắm điều giúp tôi khám phá, vì trong tôi có một năng lực lãng quên thật kinh khủng. Như thế, khi một lời Tin Mừng đã được soi sáng cho tôi, ước chi tôi hãy vội đem thực hiện dưới sức Thánh Thần thúc đẩy, soi sáng, “trung tín” với lời đó đến độ luôn tiến tới trong sự hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa và con người.
  
3. Để lại bình an đặc biệt

            
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em phúc bình an của chính Thầy”. Bình an! Shalom! Lời chúc thông thường của dân Do-thái. Nhưng ở đây là Lời chúc Phục sinh của Đức Giê-su sống lại: một niềm bình an xuất phát từ sự hiện diện của Đấng khiếm diện, nhưng chẳng ngừng trở lại với những kẻ mến yêu Người… Thế gian không thể nhận ra bình an này, cũng như không thể biết được sự hiện diện đầy phấn khích đó.
           
 Sở dĩ thế, vì bình an đây không phải là hòa bình quốc tế, tình trạng chẳng có chiến tranh giữa các quốc gia, cũng không phải là tâm trạng của con người chẳng còn bị căng thẳng về mặt tâm lý, hoặc tâm trạng khoan khoái, thoải mái, sung sướng, vui vẻ. Đó là những gì thuộc lãnh vực tự nhiên. Theo ngôn ngữ của Gio-an, “bình an”, “sự thật”, “ánh sáng”, “sự sống”, “niềm vui”… là những từ diễn tả nhiều khía cạnh khác nhau của ân huệ lớn lao mà Đức Giê-su từ Chúa Cha mang đến cho loài người. Ân huệ này chính là ơn giải thoát, ơn cứu độ. Bình an này là bình an thấy mình được Thiên Chúa yêu thương ở đời này và được Người cho sống lại trong thế giới mai sau. Bình an này là bình an thấy mình luôn nỗ lực chiến thắng lòng ích kỷ để cố gắng xả thân, và nếu cần thì hiến mạng cho anh em vì lòng yêu mến Chúa. Vậy thì bạn muốn kiểu bình an nào? Thứ bình an dễ dãi nhưng bấp bênh của thế gian, của con người, hay thứ bình an sâu thẳm, vững bền, thủ đắc từ cuộc tử nạn phục sinh mà chúng ta đều được mời gọi trải qua với Đức Giê-su?


 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

 Tags: Suy niệm

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây