Ngày từ biệt

Thứ sáu - 27/05/2022 19:46 148 0
 
 


            Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
            Phần Thầy, Thầy sẽ gởi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”.
            Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.


 
NGÀY TỪ BIỆT

            Như đối với mọi trình thuật Khổ nạn và Phục sinh, chúng ta nên suy niệm các trình thuật Thăng thiên khác nhau đã được để lại, trong tính độc đáo của chúng, chứ chẳng nên coi cái nào cũng giống cái nào. Năm nay, chúng ta thậm chí có cơ hội nghe được hai trình thuật về cùng một biến cố do cùng một tác giả là Lu-ca kể lại. Sở dĩ ông đã chẳng tìm cách hòa hợp hoàn toàn hai bài mô tả của mình, hiển nhiên là vì chính các khác biệt có một ý nghĩa đối với ông, một ý nghĩa vượt lên  trên các chi tiết lịch sử.
            Trong Tin Mừng, Lu-ca trình bày cuộc Thăng thiên vào chính chiều ngày Phục sinh hay thậm chí trong đêm tiếp theo ngày đầu tuần ấy (x. Lc 24,1.13.36.50), nếu ta nhớ lại rằng “đã xế chiều” (Lc 24,29) khi hai môn đệ Em-mau ngồi vào bàn ăn, rằng họ phải cuốc bộ khoảng 12 km trong “hai giờ” (Lc 24,13) để trở về Giê-ru-sa-lem, rằng Đức Giê-su đã bỏ thời gian giải thích “Lề luật, Ngôn sứ và Thánh vịnh đã chép về Người” cho các môn đệ (Lc 24, 44) chính tối ngày Phục sinh ấy… trước khi dẫn họ đến Bê-ta-ni-a nơi Người được đưa lên trời (Lc 24,50). Trong Công vụ Tông đồ thì ngược lại, cũng chính Lu-ca đặt cuộc Thăng thiên vào cuối “bốn mươi ngày” (Cv 1,3).

            Vượt lên trên mọi tưởng tượng ấu trĩ, chúng ta phải thấy rõ ràng là Đức Giê-su, giữa các lần “hiện ra” khác nhau, đã chẳng trốn trong một phường nào đó của Giê-ru-sa-lem, tại một nơi bí mật, chờ ngày “lên” với Cha trên trời! Trong thực tế, Phục sinh, Thăng thiên và Hiện xuống là ba mặt của cùng một “mầu nhiệm” duy nhất[1]: chính ngay khi phục sinh mà Đức Giê-su đã đi vào Vinh quang Chúa Cha, ngự “bên hữu Người” theo ngôn ngữ khải huyền mô tả, và ban Thánh Thần như hồn sống của Thân thể Mầu nhiệm vừa được khai sinh. Lu-ca đặc biệt nhấn mạnh sự kiện Đức Giê-su “rời khỏi” những ai Người hiện ra cho thấy… Người biến đi trước mắt họ (x. Lc 24,31.51).
            Như thế, cuộc Thăng thiên chiều ngày Phục sinh đến đóng ấn lên cuộc sống nhân loài của Đức Giê-su, bằng việc tôn vinh Người làm Chúa… và đây là trang Tin Mừng cuối cùng! Trong khi cuộc Thăng thiên “ngày thứ bốn mươi” đến khai mở cuộc sống mới của Đức Giê-su qua không gian lẫn thời gian… và đó là trang đầu tiên của sách Công vụ! “Thời gian của Đức Giê-su Na-da-rét chấm dứt” là “thời gian của Giáo Hội bắt đầu”.
Ở đây chúng ta có thể thắc mắc: Đức Giê-su nán thêm “40 ngày” sau khi sống lại để làm gì? Trước hết để bổ túc những giáo huấn đã ban cho các Tông đồ, nhất là để dạy các ông phải đọc toàn bộ Thánh Kinh và nhìn cuộc sống Người dưới ánh sáng biến cố Phục sinh (xem dưới). Thứ đến là để cho các ông thấy Thầy của họ đã sống lại, không phải như một thiên thần thiêng liêng hay một con ma vô xương vô thịt (x. Lc 24,39), cũng chả phải với hình hài cũ (như La-da-rô, như con bà góa…), nhưng là với một thể xác đã biến đổi, chẳng còn lệ thuộc không gian lẫn thời gian, hết chịu những định luật vật lý lẫn hóa học thông thường. Và như thế là mạc khải cho các Tông đồ và chúng ta biết là sự Phục sinh của Chúa đã khai mào một cách thức hiện hữu mới, với những đặc tính mới, của vật chất, của thể xác, mà con người dương gian đầu tiên được thụ hưởng chính là Đức Mẹ (tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời).
            1. Nhận chỉ thị để đi làm chứng nhân
            Để hiểu được trọn vẹn bài Tin Mừng hôm nay, thiết tưởng nên đọc nó bắt đầu từ câu 44: “Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh thánh”. Câu “Khi Thầy còn ở với anh em” là dấu cho thấy Đức Giê-su chẳng còn ở trên trần gian như trước. Cuộc Thăng thiên lát nữa sẽ chỉ diễn lại cái đã xảy ra trong cuộc Phục sinh rồi: từ nay, sự hiện diện của Người trong tư thế phục sinh, dẫu rất thật, vẫn mang bản chất khác hẳn… Người đã đi vào trong thế giới Thiên Chúa. Và đức tin là phương tiện duy nhất giúp đi vào “thế giới” nầy, nơi Đức Giê-su đang ở sau khi đã giã từ cách hiện diện cũ với chúng ta. Ngay trên đường Em-mau, Người đã quở trách hai lữ khách là những kẻ “chậm tin và ngu độn” (Lc 24,25). Ngu độn và chậm tin “những gì đã chép về Người trong Lề luật, Ngôn sứ và Thánh vịnh” cũng phải. Vì chỉ sau khi Đức Giê-su “chết và sống lại” đã, người ta mới có thể thấy những gì đã được loan báo lúc đọc lại Thánh Kinh.                            
                Thật vậy, Lu-ca nêu bật sự kiện chỉ vào lúc Phục sinh, các môn đệ rốt cục mới hiểu “điều đã được viết”. Vâng, các biến cố trong cuộc đời Đức Giê-su đều gây ngỡ ngàng, khó hiểu trước ngày đó! “Đau khổ” của Người trên thập giá đã xuất hiện như một rủi ro, một tai nạn, một thất bại. Nhưng này nó cho thấy đó là sự “hoàn thành” một ý định nhiệm mầu của Chúa Cha: “Phải hoàn tất những gì đã được loan báo…”. Đây không phải là một định mệnh bi đát, một số phận khắt khe… nhưng là một dự định “cứu rỗi”, mang lại ơn “tha thứ cho mọi người”! Một dự phóng tình yêu! Nhưng cho tới ngày đó thì các môn đồ không thấy được. Giờ họ sắp trở thành những “người chứng”. Họ phải ra đi, nhân danh Thầy mà rao giảng, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi mọi người sám hối để được ơn tha tội.
            Hôm nay, phải chăng chúng ta luôn làm chứng nhân cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa? Chứng nhân cho Đức Giê-su là Đấng, trước nỗi công phẫn của hạng “thanh sạch”, đã đứng về phía những tay lạc giáo, những kẻ trệch đường, những cô gái bán thân… những người dốt nát bị hạng thông thái khinh bỉ… những kẻ thỏa hiệp với lũ ngoại bang, những tay thu thuế cộng tác với quân xâm lược… những kẻ nghèo hèn, yếu đuối, bệnh tật, phong cùi bị xã hội loại bỏ? Thay vì hình phạt của Thiên Chúa như được Lề luật loan báo, Đức Giê-su đã công bố “ơn tha tội” vô giới hạn, chẳng loại trừ ai khỏi cứu rỗi phổ quát tặng ban cho mọi người. Vâng, Thiên Chúa là Cha các tội nhân. Tất cả đều được Người tha thứ. Và ai nấy phải bắt chước Người mà tha thứ cho tất cả, ngay cả kẻ thù mình! Chính vì rao giảng hết thảy những điều ấy mà Đức Giê-su đã bị lên án đóng đinh như một “tên phạm thượng”. Nhưng chính cuộc phục sinh đến xác nhận rằng Người có lý. Các đại diện Lề luật đều lầm lạc. Kẻ bị đóng đinh vẫn sống! Tất cả những gì Đức Giê-su đã nói và làm… sắp được tiếp tục, với sự xác nhận của chính Thiên Chúa. Và “anh em là chứng nhân về những điều này!”
Nhưng để được thế, “Thầy sẽ gởi cho anh em điều Chúa Cha đã hứa. Vậy anh em hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời ban”. Họ rất cần điều nầy! Ta cũng cần “sức mạnh” này, vốn không bởi ta nhưng từ trên cao mà đến! Vì các môn đệ sắp phải sống và nói trong một thế giới chẳng có chi thay đổi xét theo bên ngoài: sự dữ, bạo lực, hận thù, cái chết, các lạc giáo, các sai lệch, các áp bức đủ loại… sẽ còn tiếp tục. Đấng sắp ban sức mạnh đó không được nêu danh ở đây, vì như Chúa Cha, “Đấng đã chẳng ai thấy bao giờ”, và khác với Đức Giê-su, “Hình ảnh cụ thể của Thiên Chúa”, Thánh Thần không có khuôn mặt, vì Người là “Thiên-Chúa-ở-trong-chúng-ta”. Khi cây nến lớn phục sinh tắt vào ngày Thăng thiên, thì này thắp lên những ngọn lửa xuyên thâu mỗi môn đệ ngày Ngũ tuần.
            2. Lãnh phúc lành để lên đường phụng sự
            “Sau đó, Người dẫn các ông mãi tới gần Bê-ta-ni-a, rồi Người giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời”. Đây là sự “từ biệt” (như kiểu dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn: “thì Người đã từ biệt họ”)! Và Lu-ca là kẻ duy nhất sử dụng tiếng ý nghĩa nầy. So với cùng trình thuật trong sách Công vụ Tông đồ, ta nhận thấy bản văn Tin Mừng rất giản dị. Ở đây không có yếu tố mô tả nào, chẳng “mây” lẫn những người “đàn ông mặc áo trắng”. Không phải Lu-ca bất biết ngôn ngữ khải huyền. Ông sẽ sử dụng nó trong trình thuật kia. Nhưng trong đoạn văn này, ông muốn đơn giản hóa nó.
            Tất cả đều rất kín đáo: “Người dẫn môn đệ…”, “giơ tay chúc lành…”, “rời khỏi các ông và được đem lên trời…”. “Chúc lành” cho các Tông đồ, việc này Đức Giê-su chưa bao giờ làm cả. Nhưng đây là cảnh giã biệt. Và Lu-ca tiếp nối một truyền thống Kinh Thánh phong phú. Các đại nhân vật của Thánh Kinh đều kết thúc cuộc sống bằng việc chúc lành cho những ai kế tục sự nghiệp: Gia-cóp (x. St 49), Mô-sê (x. Đnl 33), Đa-vít (x. 1Sb 28-29). Nhưng riêng Lu-ca, thì mở đầu sách Tin Mừng, ông đã cho thấy tư tế Da-ca-ri-a bị câm vì thiếu lòng tin, và do đó không thể chúc lành cho dân: phụng tự thời Cựu Ước bị gián đoạn, bất lực trong việc thánh hóa dân Ít-ra-en, và sẽ bị phế bỏ. Kết thúc sách Tin Mừng, Đức Giê-su chúc lành cho môn đệ tượng trưng cho Ít-ra-en mới và được đem lên trời (cùng một động từ Hy-lạp dùng để nói làn khói hương bay tỏa lên trời và được Thiên Chúa chấp nhận). Phụng tự thời Cựu Ước đã nhường chỗ cho phụng tự của Giao Ước mới! Việc “chúc lành” của Đức Giê-su là cử chỉ sau hết của Người. Một cử chỉ Người sẽ không ngừng làm khi mỗi linh mục, đại diện của Người, “giơ tay” chúc lành cho ta nhân danh Ba Ngôi lúc giã biệt trong Thánh lễ.
            “Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa”. Một nghịch lý. Đức Giê-su đã “rời khỏi” môn đệ, thế mà họ chẳng buồn, trái lại càng vui tươi. Cộng đoàn môn đệ Người đã trở nên nhóm “bái lạy” Người và cùng nhau hát ca “chúc tụng Thiên Chúa”. Tôn sư “lên Thiên quốc trên trời”. Môn đệ “trú Đền thờ dưới thế”. Cả một sự đối xứng đầy tính biểu tượng… Một phụng tự mới bắt đầu. Và cũng bắt đầu một công cuộc phụng sự mới.             

 

[1] Có thể thêm mặt thứ tư: Chết. Vì chính khi chết thật (chết tuyệt đối, đêm thứ 7 rạng Chúa nhật) thì Chúa bước vào cõi Phục sinh. Bởi lẽ theo khoa học, cái chết có 3 giai đoạn: chết lâm sàng, chết tương đối và chết tuyệt đối. Đối với Chúa Giê-su, chết lâm sàng là khi vừa tắt thở trên thập giá và chết tương đối là từ đó cho đến đêm thứ 7 rạng Chúa nhật. Giai đoạn chết tương đối dài hay ngắn tùy trường hợp: mắc cơn bệnh có sức tàn phá nhanh hay chậm, gặp tai nạn có sức hủy hoại mạnh hay yếu. Con trai bà góa, con gái ông Gia-ia và ông La-da-rô đều được hồi sinh trong giai đoạn chết tương đối, vì khi đã tiến đến giai đoạn (đúng ra là thời điểm) chết tuyệt đối thì con người bước qua cõi vĩnh cửu rồi, không lui lại dương gian được nữa. Xin xem lại bài chú giải “Chúa nhật thứ 2 Phục sinh năm C” của chúng tôi.
@font-face {font-family:"Cambria Math"; panose-1:0 0 0 0 0 0 0 0 0 0; mso-font-charset:0; mso-generic-font-family:roman; mso-font-pitch:variable; mso-font-signature:-536869121 1107305727 33554432 0 415 0;}p.MsoNormal, li.MsoNormal, div.MsoNormal {mso-style-unhide:no; mso-style-qformat:yes; mso-style-parent:""; margin:0cm; mso-pagination:widow-orphan; font-size:12.0pt; font-family:"Times New Roman",serif; mso-fareast-font-family:"Times New Roman";}h1 {mso-style-priority:9; mso-style-unhide:no; mso-style-qformat:yes; mso-style-link:"Heading 1 Char"; mso-margin-top-alt:auto; margin-right:0cm; mso-margin-bottom-alt:auto; margin-left:0cm; mso-pagination:widow-orphan; mso-outline-level:1; font-size:24.0pt; font-family:"Times New Roman",serif; font-weight:bold;}p.MsoFootnoteText, li.MsoFootnoteText, div.MsoFootnoteText {mso-style-unhide:no; mso-style-link:"Footnote Text Char"; margin:0cm; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman",serif; mso-fareast-font-family:"Times New Roman";}span.MsoFootnoteReference {mso-style-unhide:no; mso-style-parent:""; vertical-align:super;}a:link, span.MsoHyperlink {mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; color:blue; text-decoration:underline; text-underline:single;}a:visited, span.MsoHyperlinkFollowed {mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; color:#954F72; mso-themecolor:followedhyperlink; text-decoration:underline; text-underline:single;}p {mso-style-priority:99; mso-margin-top-alt:auto; margin-right:0cm; mso-margin-bottom-alt:auto; margin-left:0cm; mso-pagination:widow-orphan; font-size:12.0pt; font-family:"Times New Roman",serif; mso-fareast-font-family:"Times New Roman";}span.Heading1Char {mso-style-name:"Heading 1 Char"; mso-style-priority:9; mso-style-unhide:no; mso-style-locked:yes; mso-style-link:"Heading 1"; mso-ansi-font-size:24.0pt; mso-bidi-font-size:24.0pt; mso-font-kerning:18.0pt; font-weight:bold;}span.FootnoteTextChar {mso-style-name:"Footnote Text Char"; mso-style-unhide:no; mso-style-locked:yes; mso-style-link:"Footnote Text";}.MsoChpDefault {mso-style-type:export-only; mso-default-props:yes; font-size:10.0pt; mso-ansi-font-size:10.0pt; mso-bidi-font-size:10.0pt;}div.WordSection1 {page:WordSection1;}

 
 
 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây