Đoàn chiên Thiên Chúa

Thứ sáu - 06/05/2022 19:51 605 0
 
 
 
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH NĂM C : GA 10,27-30

            Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một”.
 
ĐOÀN CHIÊN THIÊN CHÚA

            Một hôm, cha Gio-an Bosco, vị thánh lo cho giới trẻ, bị một tên cướp chận đường trong rừng. Hắn hô lên: “Đưa tiền đây, không thì chết!” Vị thánh trả lời: “Tiền à? Tôi không có! Còn sống hay chết thì do Chúa định!” Tên cướp bực mình la lên: “Nói tào lao! Nếu mày không đưa tiền, tao sẽ giết mày ngay lập tức!” Lúc đó, thánh nhân mới nhận ra tên chận đường: đó là học viên giáo lý của ngài tại nhà tù Turin (Italia). Ngài nói: “Tonio đó phải không? Con đã dốc lòng như thế ư? Ta đặt tin tưởng nơi con nhiều hơn thế nữa mà!” Nhận ra người đối diện, tên cướp xin lỗi: “Ô! Nếu biết là cha thì con đã để cha đi qua rồi!” - Đâu có đủ! Phải đổi đời. Con đang thách thức Thiên Chúa đấy! Nếu không gấp rút trở lại, có thể con chẳng đủ thì giờ ăn năn sám hối lúc chết đâu” - “Con hứa sẽ ăn năn” - “Thế thì lo xưng tội! Khi nào thì con đi xưng?” - Ít hôm nữa” - “Không! Phải xưng tội ngay bây giờ”. Lập tức cha Bosco ngồi xuống trên mô đất, giải tội cho hắn. Và sau khi đã đem hắn trở lại làm hòa cùng Chúa, ngài âu yếm ôm hắn vào lòng, cho hắn số ít tiền ngài mang theo với mẫu ảnh Đức Mẹ, và xin hắn theo mình đến tận cửa thành. Tên cướp sau đó đã đổi đời, trở nên một con người rất lương thiện.
  1. Lắng nghe và bước theo Mục tử

            Thánh Gio-an Bosco đúng là một mục tử. Nhờ biết rõ chiên mình cũng như nhờ nó đã biết lắng nghe, ngài đã đem nó về lại cuộc sống đích thực. Cha quả đã theo gương vị Mục tử nhân lành được trình bày trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Đoạn này -theo nhiều chuyên gia phụng vụ- lẽ ra nên khai mở với một câu thật ra nằm xa trước đó (c. 11): “Mục tử nhân lành, chính là Ta” (cách dịch sát của linh mục Nguyễn Thế Thuấn). Một khẳng định mới nghe có vẻ bình thường. Thật ra, phải chú ý đến kiểu nói “Chính là Ta” này. Đây là một cụm từ đặc biệt, được Đức Giê-su sử dụng với nhiều bạo dạn và trong nhiều trường hợp, nơi Tin Mừng thánh Gio-an (Ga 4,26; 6,20; 7,29; 8,57; 13,19; 14,3.20, 17,24; 18,5.6). Theo các nhà chú giải, ba từ đó gợi nhớ “Tứ tự khôn tả”, “Bốn chữ không thể đọc lên”, “Danh tính nhiệm mầu” mà Thiên Chúa đã tự gọi mình trước mặt Mô-sê trên núi Sinai: YHWH, phiên thành YaHWeH (hay Yahvé, Jéhovah, Jéhova, Gia-vê: “Chính là Ta”, “Ta Hằng Hữu”, “Ta có sao Ta có vậy”…) và được đọc trại là “Adonai”, “Đức Chúa”[1]. Ngoài các trích dẫn khá nhiều trên đây, Tin Mừng Gio-an còn sử dụng cụm từ “Chính là Ta” này 13 lần nữa, với một hạn định từ kèm theo (Ga 6,35.41.48.51; 8,12; 9,5; 11,25; 15,1.5; 10,7.9; 10,11.14). Theo các nhà chú giải nghiêm túc, các kiểu nói này gợi lên bản tính thần linh của Đức Giê-su, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga 1,14).
            “Mục tử nhân lành, chính là Ta”. Ở đây, Đức Giê-su không chỉ sử dụng một hình ảnh dân gian và thôn dã, nhưng trước hết là một thành ngữ Thánh Kinh có ý nghĩa đậm đặc. Trong tất cả phương Đông cổ, vua chúa vẫn thường tự xưng là mục tử của của dân nước mình. Chính Giavê cũng đã nhận vai trò này nhân cuộc giải phóng khỏi Ai-cập: “Còn dân Chúa, Người dẫn đi như thể đàn cừu, đem họ vào sa mạc chẳng khác bầy chiên” (Tv 78,52). Ông vua lý tưởng của tương lai, Đấng Mê-si-a, Đa-vít mới, cũng được loan báo như một “mục tử”: “Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng, đó là Đa-vít, tôi tớ của Ta” (Ed 34,23).
 Mọi thính giả của Đức Giê-su cũng như chính Người đều có trong đầu óc các câu Thánh Kinh vừa nói, đặc biệt là chương 34 thời danh của Ê-dê-ki-en, chương mô tả dài dòng các mục tử xấu (vua chúa đương thời) bỏ bê chiên mình, trước khi khẳng định rằng Thiên Chúa sẽ đích thân đến thay thế họ: “Có lời Đức Chúa phán rằng: Ta đích thân đến tìm kiếm đàn chiên của Ta để săn sóc chúng… Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác… Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi… Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về…” (Ed 34,1-31). Rõ ràng Đức Giê-su đòi hỏi chính địa vị của Thiên Chúa! Kể ra thính giả của Người đã không lầm. Họ rất hiểu tham vọng ấy: “Nhiều người nói: ông ấy điên khùng rồi! Kẻ khác bảo: ông nói phạm thượng: vì ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,20.33). Và vì vậy họ lấy đá ném Người.
            Chúng ta nên chiêm niệm hình ảnh biểu tượng “mục tử” này, bằng cách sử dụng Thánh vịnh 22 chẳng hạn: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi…”. Đức Giê-su cũng lặp lại y như thế, trong cung giọng người mục tử: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi… tôi cho chúng được sống dồi dào”. Tuy nhiên, hình ảnh chiên cừu ngày nay dễ mang một nghĩa xấu, với những kiểu nói “Đừng như con cừu thụ động! Chớ im lặng như thể bầy cừu!” Trong thực tế, hình ảnh Thánh Kinh có ý nghĩa hoàn toàn trái ngược. Vì cả ba từ được Đức Giê-su thốt lên ở đây là những từ hoạt động, mang tính cá nhân rất cao: nghe, biết, theo. 1/ “Nghe”: Một thái độ chủ yếu trong mối tương quan giữa hai hữu thể. Biết nghe là dấu chỉ của tình yêu chân thực. Biết bao lần, dẫu nơi một nhóm, dẫu quanh một bàn, dẫu trong cái gọi là đối thoại, chúng ta đã chẳng thật sự biết nghe. Các ngôn sứ Cựu Ước đã không ngớt mời gọi Ít-ra-en thực hiện điều này: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en!” (Đnl 6,4; Am 3,1; Gr 7,2; Tv 29,3.9). Lắng nghe, đó là khởi sự tin tưởng. Thánh Gio-an đã trình bày Đức Giê-su như Lời được Chúa Cha ngỏ với thế gian: “Này là Con chí ái của Ta, hãy nghe lời Người” (Mt 17,5). 2/ “Theo”: Cũng là một hành vi chẳng có gì thụ động, nhưng biểu lộ một thái độ tự do: gắn bó tất cả bản thân mình vào bản thân của một người. Theo nghĩa là quyến luyến: “Hãy theo tôi!” Đức Giê-su từng bảo vậy (Ga 1,43). 3/ “Biết!” Trong Thánh Kinh, từ này trước tiên chẳng có nghĩa tri thức. Chính tình yêu giúp ta biết ai đó thật sự, đến độ thông suốt. Đây là kiểu thân mật (kết hiệp tâm hồn thể xác, hiểu biết kính trọng sâu xa...) ghi dấu tình yêu vợ chồng (x. St 4,1).  
          
  1. Được sống vĩnh cửu và mãi an toàn

            “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và chẳng ai cướp chúng khỏi tay tôi được”. Đây là việc cùng chung số phận giữa mục tử với chiên, giữa Đức Giê-su với “những ai nghe tiếng Người và bước theo Người”. Một sự kết hiệp vĩnh viễn! Một cuộc sống thần linh (sự sống của Đấng Đời Đời) có được ngay từ hôm nay và sẽ kéo dài bất tận! Một sự an toàn mãi mãi “trong bàn tay Chúa”. Nhưng đâu chỉ có thế. Còn một bàn tay khác nữa: “...và cũng không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha”. Vậy là chúng ta được “hai bàn tay” nắm lấy! Như một đứa bé có ba một bên, má một bên, dẫn dắt cách tuyệt đối an toàn. Hình ảnh thật đẹp! Tuy nhiên, chúng ta cũng đoán ra được bối cảnh không màu mè ủy mị kiểu “mục tử hiền lành” và “cừu non dễ thương”. Người chăn chiên Đông phương là một tay mục tử dũng mạnh, một thứ chiến binh có khả năng bảo vệ chiên khỏi gấu hay sư tử đến bắt một con khỏi đàn (1Sm 17,34-35). Khi nói những lời này, Đức Giê-su nghĩ đến cuộc chiến đấu bi thảm Người sắp thực hiện trong cuộc khổ nạn, để Địch thủ “khỏi cướp được” một trong các con chiên khỏi tay Người. Ngược với kẻ chăn thuê chạy trốn trước chó sói, Đức Giê-su sẽ hiến mạng và mất mạng vì chiên (Ga 10,12-15).            
                 “Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi... Không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha...” Nhưng lạy Chúa, thế thì làm sao giải thích được những thiếu sót, những bất trung nhận thấy quanh chúng con và trong cuộc sống chúng con? Đó là mầu nhiệm sự tự do của con người! Tuy nhiên, chúng ta nay biết một chuyện, đó là chẳng bao giờ Thiên Chúa bỏ rơi con người mà chỉ có con người bỏ rơi Thiên Chúa. Nhưng ngay cả sau khi con người thả tay, Thiên Chúa vẫn tìm cách tiếp xúc lại. “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?” (Lc 15,4). Hoặc giả như chúng ta định đổi hướng, lên đường trở về với Chúa, thì khi vừa xoay mình, thì đã thấy Người chình ình trước mặt! Thành thử chúng ta đã tạo cho mình một hình ảnh sai lạc khi nghĩ rằng Người có thể kết án các tội nhân. Nhưng cũng nên cố gắng ít phạm tội đối với vị Thiên Chúa tình yêu ấy. Một nền luân lý đầy trách nhiệm!
            Cuối cùng, sỡ dĩ Đức Giê-su nói chiên đã được Thiên Chúa Cha ban cho Người, song dù vậy chúng vẫn ở trong tay Cha, đó là vì “Tôi với Chúa Cha là một”. Kiểu nói này đưa chúng ta đi sâu vào một thứ vực thẳm chóng mặt, vào mầu nhiệm bản thân Đức Giê-su thành Na-da-rét: trong con người đích thực này, sinh bởi một phụ nữ, đã lớn lên, sẽ đổ máu và chịu chết... chính Thiên Chúa đang hiện diện, nói năng và hành động. Đức Giê-su, đó là Thiên Chúa đã tự mạc khải vì tình thương con người. “Chúa Cha và tôi là một!” Các Công đồng sẽ cố gắng xác định điều này. Nhưng sẽ chẳng có công thức nào giúp ta hiểu được mầu nhiệm bản thân Đức Giê-su hơn công thức vừa thấy mà ta phải “nghe” trong đức tin: “Chúa Cha và tôi là một... Thiên Chúa và tôi, Giê-su, chúng tôi là một…”
            Vì thế tại sao Đức Giê-su dám nói mình “ban sự sống đời đời”… Vì thế tại sao, như Thiên Chúa, Người có thể phán: “Ta Hằng Hữu” (= “Chính là Ta”). Vì thế tại sao Người đã bị kết án là một tên phạm thượng phải bị đóng đinh, nhưng Thiên Chúa đã “chứng thực” bằng cách cho Người sống lại từ cõi chết…

 

 
[1] Dominus/Seigneur/Lord. Từ năm 2001, Giáo hội yêu cầu chỉ dùng từ “Đức Chúa” trong các bản dịch Kinh thánh và bản văn Phụng vụ, tránh chữ “Yahvé”, “Gia-vê”, kẻo bất kính.
   
 
 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây