Được gọi theo Thầy

Thứ sáu - 24/06/2022 21:29 187 0
 

 
CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN NĂM C : LC 9,51-62
                       
Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

            
Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Người trả lời: “Con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!”. Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin phép cho tôi về chôn cất cha tôi trước đã”. Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”. Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã”. Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”
.              


 ĐƯỢC GỌI THEO THẦY
            
Nơi Tin Mừng Lu-ca, từ Chúa nhật này, bắt đầu giai đoạn mới trong đời Đức Giê-su. Cho đến đây, Người đã chỉ thi hành sứ vụ tại miền bắc. Trong mười chương tới, chúng ta sẽ thấy Người “lên Giê-ru-sa-lem”. Đây là một lộ trình mang tính thiêng liêng hơn là địa lý cụ thể (Lc 9,51; 13,22; 17,11).

           
 1. Theo tinh thần của Thầy

            
Bản văn mở đầu với một công thức thật long trọng: “Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời”… Cái chết đang đến gần chẳng phải là chuyện tình cờ, song là sự hoàn tất, kết thúc, hiệu chính lần cuối một cuộc sống tròn đầy viên mãn. Tuy nhiên đó cũng là một sự “rước lên”. Lu-ca sử dụng ở đây cùng một từ để nói về cuộc Thăng thiên: Đức Giê-su sẽ được “rước” lên trời (x. Cv 1,2.11.22)… như ngôn sứ Ê-li-a đã được (x. 2V 2,8-11). Chuyện “xảy tới” với Đức Giê-su cũng như với mỗi chúng ta cùng Người… thành thử là một biến cố vừa đau thương vừa hạnh phúc: nó mang tên gọi “Vượt qua”, với hai mặt là chết và đi về cõi sống của Cha trên trời.

            
“Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem”. Bản văn Hy-lạp chứa đựng một hình ảnh: “Người đanh mặt lại”… quyết dấn thân vào nơi Người biết mình sẽ chết. Đây là một trong những trường hợp họa hiếm Tin Mừng nêu bật tâm trạng của Đức Giê-su. Ngày hôm ấy, Người hẳn đã nén sợ hãi và vận dụng tất cả sự can đảm phàm nhân của mình.

            
Mỗi một chúng ta đều cần để thời gian cùng với Đức Giê-su nhớ lại khó khăn hiện thời của bản thân: một thất bại trong kỳ thi, một nỗi cô đơn về tình cảm, một tranh chấp giữa vợ chồng, một bấp bênh trong nghề nghiệp, một tình thế không lối thoát, một cơn bệnh quả nan trị, một cái tang mới xảy ra v.v… Thay vì buông xuôi, tại sao không cùng với Đức Giê-su “đanh mặt lại” để đương đầu với bất cứ giá nào… theo gương “Tôi trung của Thiên Chúa”: “Có Đức Chúa phù trợ tôi, vì thế tôi đã không hổ thẹn, vì thế tôi trơ mặt ra như đá, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng…” (Is 50, 7).

            
Nhưng khi các sứ giả của Đức Giê-su đi vào một làng Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người thì dân làng đã không đón tiếp Người. Điều này chẳng có gì lạ. Dân Sa-ma-ri từng bị dân Do-thái coi như những kẻ ly giáo, kể từ khi họ xây trên đỉnh núi Ga-ri-zim một đền thờ đối thủ với đền thờ Giê-ru-sa-lem. Phải tránh tiếp xúc với hạng “trệch đường” này (x. Ga 4,9.20). Bị người Do-thái khinh bỉ, họ trả đũa và gây phiền nhiễu đủ thứ cho khách hàng hương mượn con đường ngắn nhất từ Ga-li-lê lên Thành thánh là con đường men theo các chỏm núi Sa-ma-ri. Sống trong không khí thù địch, nguy hiểm nầy, Đức Giê-su cũng chẳng bỏ miền đất đang gánh chịu một thứ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và miệt thị lẫn nhau. Người còn từ khước những lối phong tỏa quá đơn giản của công luận. Lu-ca đặc biệt vẽ lên cho chúng ta một Đức Giê-su vô cùng độc lập, biết nêu bật lòng bác ái tích cực của một cư dân Sa-ma-ri tốt lành (x. Lc 10,30), lòng biết ơn của một kẻ phong cùi Sa-ma-ri được chữa khỏi (x. Lc 17,16).


Thế nhưng Gio-an và Gia-cô-bê thì lại nguyền rủa họ. Hai ông xin được quyền khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy dân làng. Đây là hình phạt Ê-li-a từng giáng xuống trên các địch thủ của ông (x. 2V 1,10). Hai “con của sấm sét/thiên lôi” (Mc 3,17) xem ra muốn xứng với biệt danh của mình! Họ còn chưa hiểu gì về sứ điệp và công trình của Đức Giê-su. Trầm trọng hơn cả là chính họ có một ý tưởng hoàn toàn sai lạc về Thiên Chúa: họ tưởng mình đúng là những kẻ truyền đạt ý Thiên Chúa và hết sức xác tín mình chiếm hữu sự thật! Thiên Chúa toàn năng có thể dung túng việc Đấng Mê-si-a của Người phải gánh chịu sự từ chối và thái độ độc đoán của loài người sao? Ngày nay cũng vậy, khi xin Thiên Chúa can thiệp để tiêu diệt kẻ thù của mình là chúng ta cũng muốn thực hiện dự tính của “con cái thiên lôi”. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Đức Giê-su không đến để kết án các tội nhân, song để giải cứu họ (x. Lc 19,10). Thiên Chúa chẳng trừng phạt mà chỉ tha thứ (x. Lc 23,34).
            
Bởi thế, “Đức Giê-su quay lại quở mắng các môn đệ”. Ở đây, Người đưa ra hình ảnh đích thật của Thiên Chúa, Đấng dù toàn năng vẫn không can thiệp như một ông vua chuyên chế để bắt thần dân hay kẻ thù phải phục tùng. Người đã khiêm tốn trông chờ sự hoán cải, đợi mong hành trình chầm chậm của chân lý trong trái tim con người. Rồi Thầy trò đi đến một làng khác, như những kẻ nghèo thường làm khi bị người ta xua đuổi. Hãy chiêm ngưỡng Đức Giê-su đi qua một làng khác… Và tự vấn về những lần bất kiên nhẫn của ta trước các tội riêng của ta, trước các tội lỗi của kẻ khác, trước những chậm chạp hay nặng nề của Giáo Hội.

 
2. Theo lối sống của Thầy.

            
Nhưng vào chính lúc thiên hạ từ chối đón tiếp Đức Giê-su đang về Giê-ru-sa-lem, thì có một kẻ lại tự mình xin theo cách quảng đại và vô điều kiện: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Ta có thể trông chờ Đức Giê-su chấp thuận ngay lập tức. Thế nhưng, thay vì chiều theo sự phấn khởi của ơn gọi này, Người đã đưa ra đủ thứ khó khăn. Một thái độ hoàn toàn đối nghịch với mọi kiểu quảng cáo của chúng ta, vốn khoe sản phẩm đến độ che giấu những khuyết điểm. Đức Giê-su không tìm cách tuyển mộ bằng bất cứ giá nào… Trái lại Người nhấn mạnh: muốn theo Người, sẽ phải chấp nhận cảnh thiếu tiện nghi, bất an, nghèo khó… Điều đó nêu bật ý thức Đức Giê-su có khi lên Giê-ru-sa-lem. Người đi đến một định mệnh bi thảm. Ai muốn theo Người cũng phải sẵn sàng bị từ khước như vậy. Chúng ta có thể suy niệm về cuộc sống lang thang và bấp bênh này của Đức Giê-su, “kẻ sinh ra bên đường, sống trên đường và chết ở một góc đường”! Thật vất vả cho một con người thiếu chăn êm nệm ấm. Điều đó hẳn đã đè nặng lên Đức Giê-su những chiều mệt nhọc. Vì ngay chim trời dã thú cũng có một chỗ dung thân.

            
“Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo!” Kẻ nói lời đó chắc hẳn đã không biết rằng con đường của Đức Giê-su dẫn Người tới Núi sọ. Nhưng phần chúng ta thì biết. Chúng ta cũng biết rằng “qua Tử nạn và Thập giá, chúng ta sẽ đi đến vinh quang của Phục sinh”. Ánh sáng quyết định trên các thử thách của chúng ta là Giê-ru-sa-lem!

            
Với kẻ xin phép “về chôn cất cha trước đã” rồi sẽ theo Người, Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều đại Thiên Chúa”. Đây là một trong những câu cứng cỏi nhất của Tin Mừng… một lời khiêu khích, gây phẫn nộ. Bởi lẽ chôn cất thân nhân của chúng ta là một bổn phận thánh thiêng, dựa trên một luật rõ ràng của Thập điều: “Hãy thảo kính cha mẹ”.

            
Lời nói quá đáng của Đức Giê-su đặt chúng ta trước một thế tiến thoái: -hoặc Người là một kẻ điên không lưu ý tới điều mình đòi hỏi… -hoặc Người thuộc một trật tự khác trái đất, vượt trên người phàm. Thực tế, Đức Giê-su đi đến chỗ cho rằng ai không khám phá ra Nước Thiên Chúa là một “kẻ chết”. Vì rõ ràng là trong câu này, từ “chết” chẳng có cùng một nghĩa: trong một trường hợp, nó hiểu theo nghĩa thông thường, nói đến những “kẻ đã khuất” (nghĩa thể lý)… nhưng trường hợp kia là tất cả những ai đã chẳng gặp được Đức Giê-su, và bị Người mạnh dạn bảo là “đã chết” (nghĩa thiêng liêng)! Đối với Người, ai chẳng lưu tâm đến những chuyện của Thiên Chúa thì không sống theo nghĩa mạnh. Vâng, một lời cứng cỏi khó nghe. Một mạc khải về sự sống duy nhất đích thực, sự sống Thiên Chúa, sự sống Nước Thiên Chúa.

            
Sau hết, với kẻ “xin phép về từ biệt gia đình trước đã”. Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Hỡi Đức Giê-su, vậy Ngài là ai mà đòi chúng con bỏ những thu xếp như thế? Chính Ngài đã yêu cầu chúng con yêu thương cha mẹ, cũng như đã nêu gương gắn bó tế nhị với Thân mẫu khi trối bà cho Gio-an, người bạn tốt nhất của Ngài mà!

 Nhưng việc phục vụ Nước Thiên Chúa đòi hỏi tất cả, tức thì. Thiên Chúa phản bác các ưu tiên của chúng ta: “xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước… xin cho phép tôi về từ biệt gia đình đã”. Đó là những yêu cầu rất chính đáng. Đó là những con người thật ra rất nghiêm túc, phải lẽ. Thế nhưng họ chỉ lập kế hoạch cho mình: “Trước hết là các chuyện riêng của tôi, sau đó là công chuyện của Thiên Chúa… Tôi vừa chấm dứt niên học… tôi đã tiên liệu kế hoạch nghỉ hè; vào giữa tháng chín tôi sẽ gặp lại Thiên Chúa… sau! Mỗi chủ nhật, trước hết tôi nghỉ ngơi, trước hết tôi tập luyện, trước hết tôi dành cho gia đình hay bạn bè; sau đó, nếu còn thời gian thì đi lễ…” Ở ngưỡng cửa mùa hè đang bắt đầu, Đức Giê-su đến đặt lại vấn đề thời dụng biểu của tôi! Đâu là thang giá trị của bạn? Đâu là thứ bậc các điều khẩn cấp của bạn? Rám da trước? Sức khỏe trước? Hay điều chủ yếu trước ? Phao-lô kêu mời chúng “đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa” (Gl 5,1).
            
Dành ưu tiên cho Thiên Chúa như thế, theo lối sống của Đức Giê-su cách triệt để như thế, có lẽ không ai hơn thánh Phan-xi-cô thành Át-xi-di-ô. Hôm bị thân phụ là ông Béc-na-đô-nê lôi đến tòa Giám mục để tố cáo về chuyện bỏ nhà bỏ việc đi “lang thang đầu đường xó chợ”, lân la với hạng phong cùi, “chôm đồ nhà” giúp kẻ thiếu áo thiếu cơm, Phanxicô đã chấp nhận để thân phụ truất quyền thừa kế. Ngài còn nói với Đức Giám mục: “Con không xin một điều gì của thân phụ con, chẳng cần tiền bạc của cải gì cả. Con chỉ xin được noi gương Chúa sống nghèo nàn”. Trước khi phiên xử kết thúc, Phan-xi-cô đã lui sau màn một lát rồi bước ra, trần như nhộng, tay cầm bộ quần áo vừa cởi bỏ trao lại cho thân phụ và nói: “Của cha trần thế xin trả lại cho cha trần thế. 
Từ nay con chỉ còn có một Cha trên trời”!


 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây