CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM B: MC 9,30-37
Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?”. Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.
HIẾN DÂNG VÀ PHỤC VỤ
Một vị tu sĩ già đã nhiều năm cầu xin Chúa hiện ra với mình, nhưng điều đó đã chẳng bao giờ xảy đến. Thế rồi, khi ông hoàn toàn mất hy vọng, thì ngày nọ Chúa hiện ra với ông. Vị tu sĩ quá đỗi vui mừng. Oái oăm thay, ngay lúc đó, hồi chuông vang lên báo hiệu giờ phát chẩn cho các kẻ nghèo mỗi ngày tụ tập ở cổng tu viện. Hôm nay, lại đến phiên vị tu sĩ già ra phát chẩn! Nếu ông chậm trễ không ra kịp thì đám dân bất hạnh kia sẽ lặng lẽ rời dòng vì nghĩ rằng dòng hôm nay chẳng có gì cho họ. Vị tu sĩ già bị xâu xé giữa nhiệm vụ trần thế và cuộc diện kiến với Chúa trời cao. Tuy nhiên, trước khi hồi chuông chấm dứt, ông đã quyết định ngưng cuộc gặp gỡ, cho dù lòng trĩu nặng, để đi phát chẩn cho đám dân nghèo. Gần một tiếng sau, tu sĩ trở lại phòng mình. Khi mở cửa, ông không thể nào tin vào mắt mình nổi: Chúa vẫn chờ ông ở đó. Thế là vị tu sĩ già quỳ xuống dâng lời cảm tạ. Chúa liền bảo ông: “Hỡi con, giả như con không chịu đi phát chẩn cho đám dân nghèo, khiến họ bỏ đi, thì Ta cũng đã bỏ đi theo họ!”. Câu chuyện này minh họa cho hai chủ điểm trong bài Tin Mừng hôm nay: Đức Ki-tô là vị Thiên Chúa tự hiến và môn đệ xứng danh của Người phải là con người có tinh thần phục vụ, nhất là phục vụ những kẻ nghèo khổ.
1. Đức Ki-tô, vị Thiên Chúa tự hiến
Một lần nữa, chúng ta gặp lại chủ đề “giấu tên”, “bí mật” của Mác-cô. Bị quần chúng bỏ rơi vì không hiểu, Đức Giê-su giờ đây chuyên tâm vào việc huấn luyện riêng một số môn đệ. Đi khỏi các vùng miền Bắc, phía Xê-da-rê Phi-líp-phê, thượng nguồn sông Gio-đan, Đức Giê-su âm thầm tiến về Giê-ru-sa-lem; Người băng qua Ga-li-lê, nơi mới cách đây vài tháng, Người đã gặt biết bao thành công ngoạn mục, nhưng là một thành công hàm hồ. Lần này, Người chỉ ngỏ lời với các Tông đồ, mầm mống của cộng đoàn Ki-tô hữu tương lai chứ không giảng công khai nữa. Và điều Người sắp nói với các ông, chính là các “quy luật” của cuộc sống cộng đoàn Giáo Hội.
Nhưng để tạo nền tảng cho các quy luật ấy, trước hết Đức Giê-su loan báo: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”. Đang khi không muốn thiên hạ dùng tước hiệu “Con Thiên Chúa”, Đức Giê-su thường xuyên sử dụng tước hiệu “Con Người”, nhất là trong phần hai sứ vụ. Đây là tước hiệu chỉ Đấng Mê-si-a đã được Đa-ni-en loan báo (7,13-14). Con Người này thành thử có một nguồn gốc thiên giới, nhân danh Thiên Chúa đến trên mây trời để hoàn tất công cuộc thần linh. Và các Tông đồ đều hiểu như vậy. Nhưng ta thấy kiểu nói của Đức Giê-su rõ rệt muốn điều chỉnh quan niệm của các Tông đồ! “Nhân vật thiên linh”, oai hùng đến trên mây mà anh em mơ tưởng này, Người sẽ bị nộp “vào tay thế nhân”, vô phương tự vệ. Chớ lầm lẫn về Đấng Mê-si-a cũng như về Thiên Chúa! Đức Giê-su đúng là đến từ Thiên Chúa nhưng không phải từ vị Thiên Chúa như nhân loài thường nghĩ tưởng. Người là một Thiên Chúa “bị nộp”, một Thiên Chúa “tự hiến”, một Thiên Chúa “tình yêu”… chứ đâu phải là một Thiên-Chúa-toàn-năng-chuyên-chế! Chúng ta không tin kính một Thiên Chúa toàn năng nhưng là Cha toàn năng, Đấng tự hiến trọn vẹn, Đấng nộp mình vì ta… và thập giá của Đức Giê-su là “mạc khải” chung quyết về Người. Cụm từ “bị nộp vì chúng ta” này là một trong những tiếng chủ chốt của thần học nguyên thủy: “Đức Giê-su chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 4,25), “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì chúng ta hết thảy” (Rm 8,32), “Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Từ này được nhắc lại cho chúng ta mỗi thánh lễ: “Nầy là Mình Thầy bi nộp… vì anh em!”
Kể từ khi Phê-rô tuyên tín tại Xê-da-rê Phi-líp-phê, đây là lời loan báo lần thứ hai về cuộc Vượt Qua. Tất cả Tin Mừng Mc đưa dẫn chúng ta đến đỉnh cao này. Đây là trung tâm của kinh “tin kính” chúng ta: hai sự kiện lịch sử. Quả là một tiểu sử lạ lùng! Xem ra không phải “cuộc sống”, nhưng là “cái chết” và sự “siêu sinh” của người ấy mới quan trọng! Xin lưu ý rằng con người ấy luôn loan báo đồng thời và bình thản rằng mình “sẽ lại sống” sau khi chết! Như thể cuộc sống “đầu tiên” của ông ta, ở Pa-lét-ti-na, chẳng phải là quan trọng nhất. Cốt tủy đức tin chúng ta chính là mầu nhiệm Vượt Qua nầy. Đây là đặc điểm độc nhất và triệt để của Đức Giê-su. Không một vĩ nhân nào đã có tham vọng giải thoát loài người khỏi định mệnh cuối cùng là sự chết. Phật Thích Ca lẫn Mahomét hay bất cứ ý thức hệ nhân bản nào cũng đã chẳng đề ra giải pháp cho nỗi khắc khoải lớn lao của con người là biết mình sẽ phải tử vong. Chỉ mình Đức Giê-su, bình thản, đơn sơ nói: “Họ sẽ giết Thầy, nhưng Thầy sẽ sống lại…”
“Nhưng các môn đệ không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại”. Các Tông đồ đã chẳng được Phúc Âm tô vẽ. Họ cũng là những con người khốn khổ như chúng ta. Mác-cô nhấn mạnh không ngừng đến đầu óc trì độn, thiển cận, chật hẹp của họ (Mc 6,52; 8,17; 8,21; 9,32). Nhóm Mười Hai thành thử là một mẫu nhân nhân loại thông thường, đúng ra là trung bình. Ta tự hỏi làm sao tất cả phong trào lịch sử bao la của Giáo Hội đã có thể đơn giản nẩy sinh từ óc tưởng tượng lẫn các dự tính của họ? Thật ra, họ đã được một Sự kiện biến đổi, được nâng lên trên chính mình, được mang một sức mạnh mới. Luôn luôn là như thế đối với Giáo Hội: nếu chỉ là của con người, thì Giáo Hội đã bị hủy diệt từ lâu bởi bao vụng về và tội lỗi của các thủ lãnh lẫn thành viên Giáo Hội.
2. Môn đồ Đức Ki-tô, con người phục vụ
Lúc này đây, các tông đồ “sợ” Đức Giê-su và khép mình trong một sự thinh lặng ngượng nghịu. Họ đã chẳng tìm ra được lời. Họ im re trước câu Người hỏi, vì cảm thấy bất đồng trọn vẹn với Tôn sư. Người thì nghĩ tới cái chết, tới chuyện “nộp mình”. Họ thì nghĩ tới những “địa vị ngon lành béo bở”. Bám víu vào quan niệm sai lạc của mình về Đấng Mê-si-a và về Thiên Chúa, họ tiếp tục chờ mong một việc lừng lẫy của Đấng Mê-si-a quyền năng, một Vương triều trần thế, đến nỗi đã tranh luận xem “ai sẽ là Thủ tướng” một khi họ thắng trận rồi! Nhưng xin đừng phê phán quá nghiêm khắc sự hiểu sai vai trò của Đức Giê-su như thế. Cho dẫu được Phục sinh soi sáng, chúng ta hôm nay có thể bảo rằng mình chấp nhận sự vắng mặt bề ngoài của Thiên Chúa, sự thất bại của thập giá hay chăng? Chúng ta không tiếp tục cầu xin Thiên Chúa can thiệp… để toàn thắng đấy à?
“Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Trong cuộc Khổ nạn Người vừa loan báo, Đức Giê-su đã biến mình thành kẻ “rốt hết”, “tôi tớ” của tất cả. Thiên Chúa là như vậy. Tại sao khẳng định này xem ra phạm thượng đối với vài người? Vẫn biết Thiên Chúa là Đấng Đầu hết, là Đấng Cao cả… nhưng đó là “đầu hết trong phục vụ”, “cao cả trong tình yêu”: “Anh em gọi Thầy là Thầy là Chúa, điều đó phải lắm, vì Thầy quả như vậy… Tuy nhiên Thầy đã rửa chân cho anh em như tôi tớ” (Ga 13,13). Thiên Chúa đúng là Đấng Toàn Năng, nhưng là toàn năng trong chuyện “phục vụ tới cùng”: “Thầy ở giữa anh em như kẻ phục vụ” (Lc 22,27; x. Mc 10,42-45).
Trong các xã hội lẫn nhóm người, tự nhiên ai cũng tìm kiếm sức mạnh, kính nể, uy tín, vinh quang, lợi lộc. Đức Giê-su đánh đổ cách sâu xa trật tự vững chãi nầy: “kẻ đứng đầu” hãy làm “người rốt hết”, “chủ nhân” phải trở thành “nô bộc”! Chắc chắn Đức Giê-su đã thật sự nói đến đường lối khiêu khích, cách mạng này. Nhưng không phải để làm một “cuộc cách mạng” trong đó người ta chỉ “đổi chủ”! Đây là cốt đưa ra giải pháp đích thực giúp vượt thắng cuộc đấu tranh không ngừng giữa loài người với nhau nhằm thống trị tha nhân, nắm chắc quyền lực, bảo đảm của cải, tha hồ hưởng lạc.
Bởi lẽ trong tâm hồn, trong các nhóm, trong thế giới của chúng ta, bạo lực không ngớt lớn dần. Giữa cơn thủy triều đen đang dâng lên ấy, Đức Giê-su đề cao sự mong manh của đứa trẻ như một lý tưởng. Trẻ em là hữu thể “nhỏ bé”, ít được xã hội trọng vọng, người ta dễ dàng tống khứ, kể cả bằng tội ác hợp pháp. Trẻ em là “người nghèo” tiêu biểu, vô phương tự vệ, “bị nộp” vào tay những kẻ vũ dũng, quyền lực hơn mình. Thế mà Thiên Chúa lật đổ các tiêu chuẩn xã hội về ngôi thứ như vậy: Người vừa nói kẻ sau rốt trong thực tế là kẻ đứng đầu… bây giờ lại bảo kẻ nhỏ hèn trong thực tế là kẻ lớn nhất. Đức Giê-su đặt đứa trẻ “ở giữa” cộng đoàn Ki-tô hữu. Hãy để thời gian tưởng tượng và chiêm ngắm Người đang âu yếm vuốt ve bồng ẵm đứa bé ấy. Sự cao cả của Ki-tô hữu được đo bằng phẩm chất của việc họ phục vụ những kẻ nhỏ bé nhất, bị thiệt thòi nhất: chúng ta sẽ bị phán xét theo tiêu chuẩn này (x. Mt 25,31). Ngoài ra, đó không còn là một việc “nô dịch”, vì ta phục vụ chính Đức Giê-su khi phục vụ họ… và qua Đức Giê-su, phục vụ Đấng đã tạo dựng thế giới và đã trao ban Con mình. Xin nhớ lại gương vị tu sĩ già!