Thôi phong tỏa chính mình

Thứ sáu - 24/09/2021 18:53 832 0
 


CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM B: MC 9,38-43.45.47-48
 
            
Khi ấy, ông Gio-an nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
            
“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
            
“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi, thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt”.
 
                       
THÔI PHONG TỎA CHÍNH MÌNH
            
Ni cô nọ có một tượng Phật bọc vàng. Cô quý pho tượng lắm, đi đâu cũng mang theo. Trong ngôi chùa cô tu có nhiều tượng Phật, cô vẫn dọn riêng một bàn thờ đặc biệt cho pho tượng của mình. Lúc đốt hương trước tượng này, cô không muốn làn khói hương bay sang các tượng khác, nên đã xoay xở sao cho nó đi thẳng vào mũi pho tượng của mình thôi. Lâu ngày, pho tượng vàng của ni cô, vì đón nhận trọn vẹn lượng khói hương vào mặt mũi, đã trở nên đen sì, xấu xí.
            
Đôi khi lòng nhiệt thành đi đến mức ích kỷ, cũng trở nên nhỏ mọn khó coi. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Đức Giê-su đã không hài lòng về thái độ nhiệt tâm nhưng hẹp hòi đó của các môn đệ. Người dạy các ông phải có tinh thần rộng mở, đón nhận cái tốt nơi những kẻ ở bên ngoài, đồng thời có thái độ chú ý tới tha nhân, nên tôi tớ phục vụ hết mọi người và tránh lôi anh em vào con đường sự dữ.
            
1. Tinh thần rộng mở
            
Mở đầu, có một nhận xét của Gio-an, “người môn đệ Đức Giê-su thương mến”, như ông sẽ tự gọi (x. Ga 21,20). Trong Nhóm Mười Hai, đây là con người xem ra hiểu Đức Giê-su hơn hết, gần gũi Đức Giê-su hơn hết. Gio-an thấy có một kẻ xa lạ nhân danh Thầy mình mà trừ quỷ và các Tông đồ đã cố can ngăn. Thành thử đây là một “sự kiện” trên đường, một “biến cố” nho nhỏ gây nên một phản ứng. Chính trong cuộc sống mọi ngày, qua những hoàn cảnh ngẫu nhiên mà đức tin chân chính được bày tỏ. Tin Mừng đã chuyển lại cho ta kỷ niệm là các môn đệ đã cố gắng trừ quỷ khi vắng Đức Giê-su vài ngày trước đó (x. Mc 9,18). Nhưng họ đã thất bại! Và vì danh tiếng Đức Giê-su lan rộng, nên dễ hiểu là một tay trừ quỷ xa lạ nào đó nay đã thử nhân danh Người. Qua văn chương cổ, chúng ta biết rằng Do-thái lẫn lương dân đã từng đuổi quỷ, như các phù thủy hiện đại, nhờ những thực hành ma thuật rất phổ biến thời Đức Giê-su (x. Cv 8,18).
            
 Như vào thời Gio-an và Đức Giê-su, ngày nay cũng có nhiều thầy trừ quỷ và nhiều loại quỷ: “quỷ thời nay”, chúng ta đều biết, có cả từng đoàn. Nào là thiếu cảm thức luân lý, khinh bỉ sự sống thai nhi, khai thác vô liêm sỉ người yếu đuối bé nhỏ; nào là kỳ thị chủng tộc, phân chia tài sản cách bất công, trả những đồng lương chết đói; nào là đánh mất ý thức đích thực về Thiên Chúa, đàn áp người có tín ngưỡng; tôn thờ mọi thứ thần tượng của thời đại. Đứng trước “lũ quỷ” ấy, chúng ta cũng biết như Gio-an rằng vẫn có những ai đó: trẻ, lớn, già đang cố gắng trừ khử hay tiêu diệt sự ác này được, qua công việc nghề nghiệp, qua sự dấn thân vào một phong trào. Chẳng hạn đó là Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà tranh đấu nổi tiếng cho hòa bình (đã đoạt giải Nobel), là bác sĩ Bernard Kouchner, người thành lập tổ chức “Bác sĩ Không biên giới”, là diễn viên Michel Colucci (Coluche), người xây dựng những “Quán ăn tình thương” dành cho kẻ nghèo khổ…
            
Những người đó không phải là Ki-tô hữu! Họ chẳng thuộc nhóm chúng ta, phe chúng ta. Phải chăng chúng ta sẽ nói: Xin cho xem giấy tờ! À! Các anh đâu phải là tín hữu Công giáo, là người hành đạo!... Hoặc, các anh không thuộc nghiệp đoàn, trường học của tôi… Các anh thuộc phe tả, phe hữu, bảo thủ, cấp tiến… do đó, tôi không nghe các anh! Nếu muốn, tôi có thể khiến các anh im mồm, ngăn cản các anh hành động!
            
Rõ ràng là óc bè phái chưa chết. Nó cũng có trong Giáo Hội, như đã có giữa các Tông đồ. Nhóm Mười Hai bị vướng víu trong các tranh cãi nhỏ nhen của họ vì ngôi thứ, vì ghen tương. Đức Giê-su vừa mới loan báo cuộc Khổ nạn, trong đó Người sẽ hóa nên “kẻ rốt hết và tôi tớ tất cả”, vừa mới khuyên môn đệ dấn thân phục vụ và chớ tìm những chỗ nhất. Thì này phản ứng của Gio-an, một trong những kẻ khá nhất, là một phản ứng thống trị, một ý chí vũ lực, một ưu tư độc quyền. Nhưng chớ phê phán các Tông đồ, chớ phê phán ai hết. Hãy nhìn chính chúng ta. Rõ ràng là đoạn TM ngắn ngủi này bàn đến một trong những vấn đề nóng bỏng thời sự nhất: ơn cứu độ của Đức Kitô phải chăng chỉ tác động bên trong các biên giới “hữu hình” của Giáo hội?
            
Trước vấn đề luôn thời sự này, Đức Giê-su trả lời ra sao? “Đừng ngăn cản người ta. Vì không có ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Không! Nhóm Mười Hai chẳng phải là những kẻ duy nhất được trao ban Thần Khí Thiên Chúa. Tự do như gió, không dự kiến nổi, Thần khí cũng thổi bên ngoài nhà Tiệc ly (x. Ga 3,8). Ngay từ thời Mô-sê, Thần Khí ngôn sứ đã được đổ tràn, và chẳng ai có thể ngăn cản Người tự biểu lộ, ngay cả bên ngoài “nhóm kỳ mục” (x. Ds 11,25-29, x. Bài đọc I), ngay cả trên những kẻ chẳng ở “trong lều trướng”. Và Mô-sê đã mong rằng hồng ân Thần Khí đó được ban cho tất cả: “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” (Ds 11,29). Không thể trói buộc Thần Khí. Người tự do, chẳng bị liên kết với nghi thức nào. Người hoạt động bên ngoài các cơ cấu của chúng ta. Người làm dấy lên nhiều ngôn sứ thậm chí “bên ngoài” nhóm, thậm chí bên ngoài Giáo hội. Lời Đức Giê-su (“Đừng ngăn cản người ta”) rõ ràng muốn nói hàng Giáo phẩm, vốn có sứ mạng bảo đảm đức tin chính thực, phải quan tâm tôn trọng sự tự phát của Thánh Thần trong mỗi tín hữu… và ngay cả nơi những ai nằm ngoài cơ cấu hữu hình của Giáo hội.
            
Đứng trước mọi óc bè phái, mọi thái độ bất khoan dung, chúng ta thấy Đức Giê-su quả có tầm nhìn rộng rãi. Phần chúng ta thì được tinh thần nào cư ngụ? Phải chăng là Tinh thần của Đức Giê-su? Một Tinh thần rộng rãi, thông minh, lớn lao như của Thiên Chúa, rộng mở như của Con Người… Thần Khí ấy thổi từ đầu đến cuối thế gian, làm vỡ vụn óc đoàn thể và thói phe nhóm. Lạy Chúa, xin biến chúng con thành những người “công giáo” đích thực, nghĩa là “phổ quát”, nghĩa là “cảm thông những khác biệt” như công đồng Vatican nhắc nhở chúng con: “Chúng ta cần cổ võ ngay trong lòng Giáo Hội sự quý mến, tôn trọng và hòa thuận với nhau bằng thái độ chấp nhận mọi dị biệt chính đáng… hướng tâm hồn đến tất cả những ai nhìn nhận Thiên Chúa và đang bảo tồn các yếu tố tôn giáo lẫn nhân bản quý giá trong truyền thống riêng của họ…” (MV 92).
            
Bạn còn nhớ không? Sứ điệp đầu tiên của Đức Gioan-Phaolô II hôm lễ tấn phong giáo hoàng là: “Anh em đừng sợ hãi! Các biên giới của anh em hãy mở rộng!” Phải chăng chúng ta đang còn có khuynh hướng tự nhiên là kết án những ai không ở cùng bờ với chúng ta, không tư tưởng như chúng ta? Phải chăng chúng ta có khả năng vui mừng vì phần chân lý các đối thủ chúng ta đang nắm giữ, điều thiện hảo họ có thể làm, những thành công nhân đạo họ thực hiện được? Đừng dập tắt Lửa đang bén, nó phải đốt cháy cả thế gian (x. Lc 12,49).
           
 2. Thái độ lưu tâm
            
Nhưng cởi mở tinh thần, chấp nhận cái tốt của tha nhân vẫn đang còn là một cái gì tiêu cực. Theo Đức Giê-su, cần có một thái độ tích cực là lưu tâm đến mọi người, nhất là những kẻ bé mọn. “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”: Một ly nước, hầu như chẳng có gì. Đây là biểu tượng của việc phục vụ nhỏ nhất mà ta có thể làm cho ai đó. Ở đây Mc gọi môn đệ là kẻ “thuộc về Đấng Ki-tô”. Phẩm giá cao quý lạ lùng! Thì ra tín hữu nhỏ bé nhất cũng đại diện Đức Giê-su Ki-tô được. Người đồng hóa với Ki-tô hữu hèn mọn nhất. Mát-thêu sẽ lấy lại điểm này trong dụ ngôn Ngày Chung thẩm (x. Mt 25,31-45): “Những gì các ngươi đã làm cho kẻ bé mọn nhất trong anh em của Ta là các ngươi đã làm cho Ta”. Những cử chỉ nhỏ bé nhất cũng có tầm quan trọng, vì thật ra chẳng có gì nhỏ bé. Tôi đã lỡ biết bao cơ hội rồi!
            
Sau lời nhủ khuyên (“cho một ly nước”), là giọng cảnh giác (“đừng làm cớ cho kẻ khác sa ngã”). Ở đây ta khám phá ra một khía cạnh khác của Đức Giê-su: sau đầu óc cởi mở, ta bắt gặp sự mãnh liệt nội tâm của Người. Dẫu bao dung, Người vẫn không dửng dưng trước tội ác. Dẫu có yêu cầu chấp nhận sự thiện được thực hiện bên ngoài chúng ta, Người vẫn phẫn nộ việc ta có thể lôi kẻ khác vào sự dữ.
           
 Bởi thế, “nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi… Thà què, cụt, chột mà được vào Nước Thiên Chúa, còn hơn bị ném vào hỏa ngục…”. Chỉ duy Đức Giê-su mới có quyền nói những lời khó tin này. Chỉ duy Người biết thật sự thế nào là “tội lỗi”! Đối với Người, cái đó rất nghiêm trọng, thậm chí nguy kịch. Sự sống đời đời đáng mọi hy sinh. Tình yêu tha nhân xứng mọi từ bỏ. Chúng ta có khả năng thực hiện sự chọn lựa triệt để, tuyệt đối đó chứ?


 

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây