Họa phúc do đâu?

Thứ sáu - 11/02/2022 17:59 767 0
 
 
 
CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN NĂM C: LC 6,17.20-26

Khi ấy, Đức Giê-su ở trên núi xuống cùng với Nhóm Mười Hai, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, có nhiều môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn.
Thấy vậy, Đức Giê-su ngước mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ
nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.
“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế”.

 
 
PHÚC HỌA DO ĐÂU?

Năm 1951, cuốn phim “Quo vadis?” (“Thầy đi đâu?”, do đạo diễn người Ý Enrico Guazzoni thực hiện theo cuốn truyện cùng tên của văn sĩ Ba Lan Henryk Sienkiewicz, Nobel văn chương 1958) được phát hành, với nữ diễn viên Deborah Kerr (1921-2007) người Anh thủ vai nữ chính (Phim này đã có chiếu tại Việt Nam, truyện cũng đã được dịch ra tiếng Việt). Chuyện phim nói về cuộc bắt bớ và hành tội các Ki-tô hữu tại Rô-ma trong những thế kỷ đầu. Ngày nọ, sau khi Deborah đóng xong một pha nguy hiểm, một phóng viên báo chí đến hỏi cô: “Cô không sợ hãi khi bầy sư tử xông vào cô ở trong đấu trường à?” Deborah đáp lại: “Không sợ chút nào cả, bởi lẽ tôi đã đọc trước chuyện phim và biết chắc rằng tôi sẽ được cứu thoát”. Niềm tin như trẻ thơ mà Deborah Kerr đặt vào tay các võ sĩ được chỉ định bảo vệ cô là một minh họa sống động cho niềm tin mà bài Tin Mừng hôm nay kêu gọi những kẻ nghèo hãy đặt nơi Thiên Chúa và Nước Trời, một niềm tin sẽ  khiến họ thành người có phúc.

1. Phúc vì có Nước Trời

Nói đến các mối phúc, ta thường nghĩ đến Mát-thêu, bởi lẽ bản văn của ông (Mt 5,3-12) được đọc trong lễ Chư thánh và đem vào kinh nguyện (“Tám mối phúc thật”). Nhưng hôm nay, Giáo Hội mời ta suy niệm các “mối phúc theo Tin Mừng Lu-ca”. Ông cũng có nét độc đáo riêng của mình. Mở đầu, Lu-ca trình bày cho thấy Đức Giê-su, như Mô-sê xưa (Xh 19,21), xuống khỏi một ngọn núi, nơi Người đã cùng Thiên Chúa gặp gỡ. Vâng, trước khi nói cho ta biết hiến chương của Người, Đức Giê-su đã “thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6,12), để có con mắt của Thiên Chúa mà nhìn sự việc. Đối với chúng ta, hạnh phúc là được may mắn, sức khỏe, tiền bạc, thành công. Nhưng đối với Thiên Chúa, qua miệng Đức Giê-su, hạnh phúc là vấn đề lựa chọn: nó tùy sự định đoạt của con người! Phúc thay những người bất hạnh, Đức Giê-su sắp nói thế. Bạn có thể hạnh phúc, cho dẫu khó nghèo, đói khát, bị lăng nhục! Ngược đời ư? Không tưởng ư? Hãy nghe Đức Giê-su đã. “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó… đói khát… khóc lóc…”. Trong truyền thống Kinh Thánh (x. Tv 1,1), “phúc” đây chỉ sự dư tràn niềm vui, đầy ắp hoan hỉ. Khi loan báo hạnh phúc, niềm hoan hỉ cho những kẻ bị tước đoạt trong thế giới này, Đức Giê-su đáp ứng nỗi chờ mong bao la của họ. Những kẻ đó, trước mắt Người hôm ấy, thực tế là những kẻ “làm nghề hèn mọn kiếm ăn”, những kẻ “ốm đau không tiền chạy thuốc”, những kẻ “khốn đốn vì uế thần quấy nhiễu” (Lc 6,18). Trong lúc Mát-thêu đã thiêng liêng hóa mà dịch: “những ai có tâm hồn nghèo khó!” thì Lu-ca lại nói đến những kẻ nghèo khó, đói khát, đau đớn thật sự. Trạng từ “bây giờ” được xác định ở đây thật ý nghĩa. Lu-ca gợi cho thấy sắp có một sự đảo lộn tình thế: bây giờ đang khóc, các bạn sẽ cười!

Người ta sẽ còn tranh luận lâu dài để xem Đức Giê-su đã thật sự nói sao trong thực tế… truyền bản (version) của tác giả nào là chân thực. Tuy nhiên, nếu đọc toàn bộ Tin Mừng, thì xem ra lối giải thích của Lu-ca gần với tư tưởng của Chúa Ki-tô hơn. Đức Giê-su là “Đấng Mê-si-a của người nghèo” vì đã thực sự sống nghèo và đã lắm phen tỏ ra ưu ái kẻ nghèo. Qua thân xác mình, Người đã hiệp thông với thân phận khốn đốn của những kẻ bị tước đoạt. Khi chia sẻ số phận của họ, từ máng cỏ đến thập giá, “chẳng phiến đá gối đầu”, Người đã cảm thấy tim mình đập vì họ. Là Đấng Mê-si-a của kẻ nghèo, bị Do-thái giáo của giới trí thức Giê-ru-sa-lem coi thường, Đức Giê-su đã cùng với “dân đen” chịu sự lăng nhục và khinh bỉ của “hạng phú túc đầy no”. Vậy Đức Giê-su hứa gì với những người khốn đốn ấy?

“Nước Thiên Chúa là của anh em… anh em sẽ được no lòng… anh em sẽ được vui cười…”. Làm sao những người bất hạnh lại có thể hạnh phúc? Bởi vì, Đức Giê-su nói, Nước Thiên Chúa là của họ. Giê-rê-mi-a (17,5-8), trong bài đọc I chúng ta nghe hôm nay, cũng nói với ta về chân lý ấy: “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa… Nhưng phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa”. Nguy cơ lớn lao của giàu có là gây nên một sự no nê ảo tưởng. Kẻ thỏa mãn với của cải vật chất dần dần nghĩ rằng mình rất có thể không cần Thiên Chúa… Người nghèo trái lại, vì chẳng có chốn nương tựa nơi con người, thì như được mời gọi hướng lòng về Đấng Tối Cao. Chính của cải khiến kẻ giàu lâm nguy, vì cất khỏi lòng y mọi “đói khát Thiên Chúa” mà chỉ khép kín trong những hạnh phúc nhỏ bé trần tục của mình. Bất hạnh của kẻ giàu, đó là đặt cược quá thấp, quên đi Thiên Chúa là Đấng duy nhất có khả năng đổ đầy nỗi khao khát hạnh phúc vô biên trong ta. Kẻ giàu mãn nguyện bị tiền bạc lừa dối (x. Lc 16,9). Y như một tay cá ngựa liên tục đánh trên một con ngựa chẳng bao giờ đến đích. Thế mà, đây là điều chắc chắn: tài khoản ngân hàng sẽ chẳng bao giờ vượt qua “lằn ranh” vĩnh cửu, trừ phi nhờ người nghèo (“Ai giúp người nghèo là cho Thiên Chúa mượn”; “Dưới đất, người giàu giúp kẻ nghèo; trên trời, người nghèo giúp kẻ giàu lại” như người ta hay nói). Người giàu muốn có phúc thật đời này lẫn đời sau thì hãy làm như thế. Vì hạnh phúc duy nhất, chung quyết, tuyệt đối, đó là Tình Yêu, đó là Thiên Chúa, đó là Nước Trời!
Nhưng nếu chỉ nói thế thì e rằng Tin Mừng trở thành một liều thuốc ru ngủ. Đức Giê-su chắc hẳn còn nhắm một cái gì hiện thực. Đúng thế, hỡi người khốn khổ hãy vui lên vì Nước Thiên Chúa là GH sắp xuất hiện: “Nước Thiên Chúa là của anh em” (động từ ở thì hiện tại). GH sẽ đứng về phía anh em, sẽ hành động để giải phóng anh em, sẽ dùng Tin Mừng xóa bỏ mọi cơ cấu áp bức để tạo công lý bình đẳng ngay trong hiện tại, sẽ đấu tranh để đem lại cơm áo no ấm nụ cười cho anh em ngay trên cõi đời này. Đây chẳng phải là một thách thức khủng khiếp đối với Ki-tô hữu chúng ta sao? Đừng bảo tôn giáo không dính dáng gì tới chính trị. Giáo dân có bổn phận làm chính trị đảng phái, chính trị nghị trường; còn linh mục tu sĩ thì cũng phải làm chính trị công dân: lên tiếng truyền rao sự thật, bảo vệ công lý, bênh vực người bị áp bức (tức là những ai nghèo về nhân quyền), nhất là dưới những chế độ vô thần duy vật, độc tài đảng trị. Dĩ nhiên trong tinh thần bất bạo động !! Và đây chính là cách truyền giáo hữu hiệu hơn cả, trong cái thế giới đầy dẫy bất công hiện thời !

“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa”. Như bao câu khác trong Tin Mừng, câu này cho thấy nghèo khổ hay bất hạnh chưa đủ để được “hạnh phúc của Thiên Chúa”, như kiểu tự động. Vì thực ra, đau khổ dễ khiến người ta cứng lòng hay bất mãn, đến độ chống lại Thiên Chúa. Để ngay giữa thử thách có thể đạt tới hạnh phúc được hứa như thế, phải hiểu và đón nhận thử thách ấy trong chính ánh sáng của Đức Giê-su, Con Người. Chính mối thông hiệp với Người là nguồn vui. “Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng từng bị cha ông họ đối xử như vậy”. Đức Giê-su không giải thích vấn đề sự ác, chẳng biện minh cho vấn đề đau khổ. Suốt Tin Mừng, Người thường chiến đấu chống lại nó bằng cách chữa lành, xoa dịu, thứ tha. Nhưng ở đây, Người mạnh mẽ và bình thản quả quyết: đau khổ có thể trở thành nguồn phát sinh một niềm vui mầu nhiệm, một “vũ khúc hân hoan”. Ngoài ra hãy ghi nhận sự tinh tế của tư tưởng này: niềm vui hứa ban sẽ chỉ tươi nở trọn vẹn dứt khoát trên trời… tuy nhiên, nó đã khởi sự ngay “ngay ngày” người ta đau khổ. Đức tin là một kiểu tham dự trước vào Nước Trời, vào sự sống vĩnh cửu.

2. Họa vì có của cải

Nhưng khác với Mát-thêu, Lu-ca còn đặt trên miệng Đức Giê-su bốn câu hoàn toàn song đối với bốn mối phúc, và người ta đôi lúc gọi là “bốn lời chúc dữ” (Nguyễn Thế Thuấn). Tuy nhiên, khó tưởng tượng ra những lời chúc dữ trong quả tim của một con người đến cứu vớt chứ chẳng đến xử phạt. Trong bản văn Hy-lạp, chẳng có nguyền rủa (“Trời tru đất diệt các ngươi, hỡi lũ sang giàu!”) … cũng chẳng có kết án (“Tai họa sắp đến với các ngươi rồi, hỡi lũ giàu sang!”) … nhưng chỉ là những lời thở than ái ngại: “Ôi, giàu có quả là mối họa!”. Chữ mà chúng ta dịch ra “khốn cho” là một tán thán từ đau đớn (ouai): “Thương thay, tội nghiệp các ngươi là những kẻ giàu!” Vâng, trong một tiếng kêu đau đớn, Đức Giê-su phàn nàn cho những kẻ giàu: tiếc quá, họ nhắm mắt trước các giá trị chân thật, trước các giá trị “vượt quá lằn ranh”! Buồn thay khi một con người đặt vào cái hư nát trọn niềm tin tưởng! “Ai giàu của cải và chỉ có từng ấy thôi là kẻ nghèo nhất trên đời!” Nhưng hãy coi chừng! Lời cảnh cáo này không dành cho những kẻ khác. Tôi chính là kẻ giàu có thường liều lĩnh quên mất điều cơ bản.

Và Đức Giê-su thật sự loan báo một sự đảo lộn tình thế: “Các ngươi sẽ phải đói… các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than…” Y như tất cả tư tưởng Kinh Thánh và Do-thái, tư tưởng của Đức Giê-su là một tư tưởng tuyệt đối, song luận, thế đôi ngã: “hoặc là… hoặc là…”. Qua các phản đề song song này, có một đối chọi không thể giải quyết giữa Nước Trời và tiền bạc. Người ta không thể phụng sự cùng lúc Thiên Chúa với Thần tài (Lc 16,13). Đó đã là lời ca được Đức Ma-ri-a hát trong kinh “Hồn tôi ngợi khen Chúa”: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ khó nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng”. Phải chăng chúng ta tiếp tục để cho ảo ảnh lừa dối? Hay đi theo con đường của Đức Giê-su, “Đấng vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên khó nghèo!” (2Cr 8,9).


 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay7,917
  • Tháng hiện tại141,869
  • Tổng lượt truy cập4,216,023
Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây