CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN NĂM C : LC 1,1-4; 4,14-21
Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.
Khi ấy, được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.
Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.
Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.
LÀM GÌ CHO TIN MỪNG?
Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai đoạn cách xa nhau: một đoạn mở đầu tác phẩm và một đoạn mở đầu hoạt động rao giảng của Đức Giê-su.
1. Theo gương Lu-ca, nghiên cứu học hỏi
Trong đoạn mở đầu tác phẩm, Lu-ca cho hay trước khi ông viết cuốn Tin Mừng của mình, thì cũng đã có nhiều người biên soạn loại sách như thế, Mác-cô chẳng hạn. Lu-ca biết đến tác phẩm này, vì ông sử dụng nó và theo sát nó một đôi khi. Nhưng rõ ràng là có nhiều cách để bàn đến cùng một chuyện. Không chỉ trích những người đi trước, Lu-ca dự định viết cách khác, theo kiểu riêng, với những điểm nhấn riêng của mình.
Trước hết, ông thú nhận rằng mình là một kẻ đã chẳng thấy Chúa, vì thuộc thế hệ Ki-tô hữu thứ hai. Nhưng vì gần với các biến cố đời Đức Giê-su, nên ông đã điều tra cẩn thận và dự tính chuyển lại cho chúng ta những gì chính ông đã nhận lãnh. Tiếp đến, Lu-ca minh nhiên thừa nhận ý hướng huấn giáo của mình: củng cố đức tin của người đọc (được ông gọi là Thê-ô-phi-lô. Đây là một tên riêng mà cũng có thể là một tên chung, tên biểu tượng, vì có nghĩa: “người yêu mến Chúa”). Tin Mừng chẳng phải là một phát minh, một huyền thoại, song là một cái gì có thực và rất nghiêm túc. Viết cho lương dân trở lại, nên theo gương thầy mình là thánh Phao-lô, Lu-ca sẽ nêu bật những khía cạnh mang tính chất phổ cập và giảm thiểu những khía cạnh thuộc riêng Do-thái. Tin Mừng của ông là một tác phẩm độc đáo và đã là bạn đường của nhiều Ki-tô hữu suốt bao thế kỷ.
Thế nhưng, theo cha André Sève, một chuyên gia phỏng vấn nổi tiếng[1], thì rất nhiều tín hữu khác nhau ngài gặp giống nhau ở một điểm là biết rất mơ hồ về Tin Mừng. Một số đã đọc trọn vẹn 4 sách Tin Mừng, nhưng chẳng mấy ai đã nghiên cứu các tác phẩm ấy từng câu, với những lời chú giải. Nhiều kẻ miệt mài với các sách tu đức, với những lớp thường huấn hay bổ túc về giáo lý; họ chực chờ ngày ra mắt của những sách tôn giáo thú vị. Dĩ nhiên, không thể trách họ về điều này. Nhưng e rằng họ sẽ chết trước khi được nuôi dưỡng bởi chính bản văn Tin Mừng! Vì Thánh Kinh là nền tảng của thần học, tu đức, giáo lý, như thánh Lu-ca nhắn gởi: “Sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì tôi thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc”. Vững chắc vì xây trên nền tảng Kinh Thánh. Nhiều người ngoại đạo đã ngạc nhiên mà bảo: “Các Ki-tô hữu có một cuốn sách nói với họ đủ mọi điều, thế mà họ biết nó quá ít!”
2. Theo gương Đức Ki-tô, đem vào cuộc sống
Trong đoạn nói về việc Đức Giê-su khởi sự rao giảng, Lu-ca cho thấy Người cũng là một là một kẻ hiểu rõ (nếu không muốn nói là thành thạo) Thánh Kinh, biết đem Thánh Kinh vào mọi hoạt động của mình.
Được nguồn lực nội tâm thường xuyên là “quyền năng Thần Khí thúc đẩy” (x. Lc 1,35; 3,22; 4,1.14.18), Đức Giê-su đã đến “giảng dạy trong hội đường”. Giảng dạy trong hội đường trước hết là giải thích Cựu Ước. Đức Giê-su giảng dạy những gì? Người nối dài, tinh diễn (diễn đạt tinh vi), chú giải “Ngôn sứ và Lề luật”. Dẫu mới mẻ, Tin Mừng của Đức Giê-su vẫn dựa sâu xa trên các lời hứa của Kinh Thánh. Việc Công đồng tái đưa Cựu Ước vào bài đọc thứ nhất mỗi Chúa nhật là một sự canh tân nối tiếp một truyền thống cổ! Nhờ Vatican II, chúng ta làm lại điều Đức Giê-su đã làm.
Tuy nhiên, vì là Đấng Mê-si-a của kẻ nghèo, Đức Giê-su không tìm cách làm cho mình nổi bật. Người chẳng đến rao giảng tại Giê-ru-sa-lem, thành của vua chúa và giáo trưởng, nhưng trong một tỉnh xa xôi và bị khinh bỉ, “Ga-li-lê của dân ngoại” (Mt 4,15), vùng đất của những kẻ khiêm tốn nghèo hèn. Là Đấng Mê-si-a-Tư tế, Đức Giê-su không lên Đền thờ để cử hành ở đó nhiều nghi thức, lắm hy lễ, nhưng đi vào một hội đường làng quê, nơi khiêm tốn để cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa, tập trung tất cả vào sách Thánh Kinh! Người cho thấy chức tư tế của mình trước tiên là làm ngôn sứ.
Ngày nay cũng thế, trước hết chúng ta hiệp thông với Đức Giê-su trong phần đầu của Thánh lễ mà người ta gọi là “phụng vụ Lời Chúa”. Đây không phải là một dẫn nhập phụ tùy, chẳng bó buộc, song đã là Thánh lễ. Đức Giê-su chỉ “thánh hiến” (truyền phép) một lần duy nhất trong đời, ngày thứ Năm thánh. Nhưng Người đã “cất lời” nhiều phen: đó đã là chức tư tế của Người. Khi nói mình “lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa” (Rm 15,16), thánh Phao-lô tỏ ra hiểu điều này rất rõ.
Cuốn sách Đức Giê-su cầm hôm đó, cuốn sách tay Người mở ra và mắt Người đã đọc thì vẫn còn mãi. Cuốn sách linh thánh này, bạn có ở nhà không? Phải chăng bạn dành thời giờ đọc nó? Phải chăng nó thuộc vào số những sách ưa thích của bạn? Và nhất là bạn có biến nó thành chỉ nam cho cuộc đời mình? thành “cuốn sách biến đổi thế giới”?
“Người mở sách ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi…”. Trong ngôn ngữ Ít-ra-en, cụm từ “Thần Khí Chúa ngự trên tôi” có nghĩa: tôi là ngôn sứ, tôi được Thiên Chúa sai đi để nói nhân danh Người, để bày tỏ sứ điệp của Người. Đức Giê-su thành thử định nghĩa sứ mạng mình là làm ngôn sứ. Và Người đặt mình dưới sự bảo trợ của vị ngôn sứ lớn nhất: I-sai-a. Qua các thủ bản Qumran (gần Biển Chết), ta biết I-sai-a là một trong những sách được sử dụng nhất thời Đức Giê-su và các Tông đồ; thủ bản Thánh Kinh xưa nhất thế giới (tk I) tìm thấy thập niên 50 thế kỷ trước trong một hang động và hiện được giữ ở viện Bảo tàng Kinh thánh tại Giê-ru-sa-lem, chính là cuộn chỉ thảo trên đó viết tay toàn bộ sách I-sai-a. Ở đây Đức Giê-su đọc các câu 1-2 chương 61.
Đoạn sách nói tiếp: “… vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. Trong tiếng Hy-lạp, từ “xức dầu” được viết là “chrisma”, và “kẻ được xức dầu” được viết là “christos”. Đây là nguồn gốc danh hiệu “Ki-tô”. Đức Giê-su chính là con người được xâm nhập, được xức dầu, được thấm nhuần chính Thần khí Thiên Chúa, như dầu thấm cơ thể. Kiểu nói “loan báo Tin Mừng” thoạt tiên đã được I-sai-a viết cho những kẻ bị lưu đày bên Ba-by-lon, để loan báo tin mừng là họ được giải thoát và Giê-ru-sa-lem được khôi phục! (Is 52,7). Nhưng một mối thất vọng bao la đã tiếp theo lời loan báo của vị ngôn sứ. Nhiều kẻ tiếp tục bị đồng loại áp bức, gặp bất hạnh, chỉ còn biết trông cậy Đức Chúa, và Thánh Kinh gọi họ là những “người nghèo”. Từ “nghèo” này không những gợi lên một thân phận thiệt thòi về kinh tế hay xã hội (nghèo cơm áo, nghèo văn hóa, nghèo tình thương, nghèo nhân quyền…), nhưng còn diễn tả thái độ nội tâm của người không ai nâng đỡ trước những kẻ mạnh thế trần gian, nên quay về với Thiên Chúa. Lu-ca sẽ đặc biệt thích thú nhấn mạnh chủ đề “Thiên Chúa ưu ái kẻ nghèo” này. Những ai cảm thấy bị loại khỏi hạnh phúc kiểu thế gian, hãy nhớ rằng mình là hạng được Đức Giê-su ngỏ lời trước hết. Có một hạnh phúc khả dĩ cho họ, hãy tìm từ phía Người!
Vì Người “công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Tùy theo tính khí, người ta sẽ tiếp tục giải thích sứ điệp phổ quát này theo hai hướng đối nghịch, trừ phi chọn cả hai: một sự giải thoát cụ thể trên bình diện chính trị và xã hội cho những kẻ bị giam cầm, bị mù lòa, bị áp bức… hay là một sự giải thoát mang tính tinh thần và thiêng liêng hơn.
Dĩ nhiên Đức Giê-su đã chẳng mở hết mọi nhà tù, đã chẳng chữa lành mọi kẻ bệnh tật, đã chẳng xóa khỏi hành tinh chúng ta những áp bức, than ôi! Vậy phải chăng đó là một lời hứa hão, dối gạt? Không! Chính chúng ta, môn đệ của Đức Giê-su, chi thể của Người, là có tội vì đã chẳng thực hiện sấm ngôn này, đã chưa làm đủ để giải thoát bênh vực những người bị đàn áp, để xoa dịu đỡ đần những kẻ lâm bệnh tật, thậm chí có lúc còn kết án hay mặc kệ những anh chị em đấu tranh cho nhân quyền.
Nhưng cũng chắc chắn rằng cảnh áp bức tồi tệ nhất là sự nô lệ tâm hồn mà tội lỗi gây nên trong ta. Từ được dịch là “trả lại tự do” ở đây cũng có nghĩa là “tha thứ” (Lc 1,77; 3, 3; 24, 47; Cv 2,38; 5,31…). Vâng, lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con, xin giải thoát chúng con khỏi ách nô lệ khủng khiếp trong tâm hồn là bị cầm giữ bởi hận thù, kiêu căng, dửng dưng, sợ hãi, xác thịt, tiền bạc, tiện nghi, lạc thú!... Công cuộc giải phóng đó đặc biệt cần cho thế giới của thế kỷ thứ 21 này, và chúng con có trách nhiệm làm cho nó được thể hiện: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Hôm nay phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh chúng ta vừa nghe! Hôm nay tôi phải cảm nhận ánh sáng soi chiếu và sức mạnh thúc đẩy của Tin Mừng như nhân vật trong câu chuyện dưới đây:
Một chuyên gia ngôn ngữ trẻ, người Trung Hoa, được mời dịch Tân Ước sang tiếng mẹ đẻ của mình. Ban đầu, anh làm việc cách thản nhiên, nhưng ít tuần sau anh đến gặp vị linh mục đã mời mình cộng tác và xúc động nói: “Thưa cha, quyển Tân Ước thật diệu kỳ!” - “Tại sao thế hả con?” - “Bởi vì sách nói rõ về chính bản thân con. Sách biết mọi điều có nơi con, từ thắc mắc suy nghĩ đến ưu tư khát vọng. Đấng sáng tạo ra sách ấy chính là Đấng đã sáng tạo ra con. Sách ấy cho con biết mình là ai và mình phải làm gì”.
[1] Cha Sève cũng là tác giả cuốn “L’Évangile du jour. 324 méditations” (Tin Mừng trong ngày, 324 bài suy niệm), Nhà xuất bản Bayard, Paris, 1997. 346 trang. Vắn gọn nhưng sâu sắc.