Mở mắt để bước theo

Thứ sáu - 22/10/2021 21:12 129 0
 
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN NĂM B: MC 10,46-52
 
 
            
Khi ấy, khi Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”
            
Đức Giê-su dừng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!”. Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy đi, Người gọi anh đấy!” Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.


 
 
MỞ MẮT ĐỂ BƯỚC THEO


Tại Lộ Đức (Lourdes, Pháp) cũng như bất cứ trung tâm hành hương nào, du khách và tín hữu đều dâng lên Mẹ Ma-ri-a không biết bao nhiêu lời cầu xin. Đồng thời những người thọ ân cũng để lại không biết bao nhiêu kỷ vật để ghi nhớ các ơn lành của Mẹ. Trong muôn nghìn kỷ vật ấy, người ta thấy có một bức tượng diễn tả một người mù vừa được chữa lành. Sáng mắt là một trong những phép lạ thường xảy ra tại Lộ Đức. Thế nhưng, tượng người mù khỏi bệnh này tượng trưng cho một sự kiện khác, một phép lạ đúng nghĩa. Đó là phép lạ chữa cho một người tìm được ánh sáng đức tin. Bức tượng này do một phụ nữ quý phái cho dựng lên để ghi nhớ biến cố bà gặp được Chúa tại Lộ Đức. Vốn là một người vô thần, chỉ biết tìm kiếm lạc thú vui chơi, bà ta du lịch từ nơi này sang nơi nọ. Mùa hè kia, trên đường đến một trung tâm nghỉ mát nổi tiếng ở miền Nam nước Pháp, bà phải đi qua Lộ Đức. Thấy đám đông tấp nập tại trung tâm Thánh Mẫu, bà cũng tò mò dừng lại xem. Thế rồi, bị đánh động bởi ơn thánh qua việc chứng kiến lòng tin của các tín hữu, bà đã gặp được Chúa và xin trở lại. Để tạ ơn Chúa và Mẹ, bà đã cho dựng lên bức tượng người mù kia với giòng chữ: “Tìm được đức tin là một phép lạ còn vĩ đại hơn là được sáng mắt”.
           
1. Chúng ta là những kẻ mù lòa…
           
Câu chuyện anh mù được sáng mắt và sau đó theo Đức Giê-su hôm nay quả không khác chi câu chuyện của người phụ nữ quý phái vừa nói. Nhưng phép lạ xảy đến cho anh thì xảy ra tại Giê-ri-khô. Về phương diện lịch sử, Giê-ri-khô là một trong những thành phố nổi tiếng nhất hành tinh. Thành phố “thấp” nhất thế giới: nằm trong một miền trũng, 250m dưới mực nước biển! Đây cũng là thành phố “xưa” nhất thế giới, theo khảo cổ học: đã được cư ngụ năm 7800 trước CKT rồi. Đối với các đoàn hành hương mượn đường men sông Gio-đan lên Đền thờ dự lễ, thì đây là chặng cuối cùng, cách thủ đô 35 km. Chớ quên rằng, đối với ĐGS cũng thế, đây là “con đường” dẫn tới Giê-ru-sa-lem. Ngày mai (x. Mc 11,1), Người sẽ vào thành trong một cuộc khải hoàn mong manh, rồi dùng bữa Tiệc ly, chịu khổ nạn và sống lại.
            
“Giê-ri-khô” trong tiếng Hip-ri có nghĩa là “thành phố mặt trăng”, chắc hẳn để ghi nhớ một phụng tự cổ dành cho vị thần của đêm tối! Đó là nơi Đức Giê-su sắp thực hiện “dấu chỉ” sau hết của mình: thắng đêm đen giam hãm một người mù nghèo khổ và qua đó, cũng muốn mở mắt cho môn đệ lẫn dân chúng để họ hiểu đúng về Người.
            
Trong mấy ngày trước, theo trình thuật Mác-cô (ch. 8-10), các môn đồ đã cho thấy họ hoàn toàn “mù lòa” về số phận đích thực của Thầy họ: vẫn mơ tưởng danh vọng và thành công loài người (x. Mc 10,37), trong lúc Thầy thì đã ba lần loan báo với họ về thập giá mình phải gánh (x. Mc 8,31; 9,31; 10,34). Các bài đọc 5 Chúa nhật vừa qua và hôm nay đã cho ta thấy các môn đồ không hiểu và con người khó có thể “bước theo Đức Giê-su” : phải “thí mạng” (8,35), phải nên kẻ “rốt cùng” (9,35), phải “móc mắt, chặt tay” để khỏi phạm tội (9,47), phải anh hùng “chung thủy trong hôn nhân” (10,9)… phải “đem của cải cho kẻ nghèo khó” (10,21)… phải “uống chén đắng và chịu phép rửa” như Đức Giê-su đã chịu, và trở nên “tôi tớ của mọi người” (10,38-44). Lạy Chúa, đâu có được ! Con người, cho dầu là môn đệ Chúa, triệt để không thể hiểu và theo Chúa duy với sức lực phàm nhân.

Câu chuyện hôm nay cho thấy một con người đã bước theo Đức Giê-su được. Đó là một “anh mù… ngồi ăn xin ở vệ đường”. Trong các xứ nghèo Đông phương, kẻ mù vô số. Trước khi phương pháp Braille (giúp người mù dùng tay đọc chữ) được phát minh, họ phải ngồi ăn xin và chịu cảnh bất động. Trong lối biểu tượng Kinh Thánh, người mù chính là hình ảnh của sự nghèo khổ, của kẻ bị bỏ mặc cho sức riêng mình. Đây là hình ảnh của con người, của tôi, của bạn ! Mắt chìm vào đêm đen, tay đưa ra sờ soạng, chân bất động không thể bước, toàn thân lệ thuộc người khác cách bi thảm… Nhưng ngược đời thay, chính “anh mù ăn xin bên vệ đường” này sắp trở nên mẫu mực cho hết thảy chúng ta, cho những môn đệ “tưởng mình nhìn thấy” (x. Ga 10,39-40).
            
“Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên…”. Theo thói quen, Mác-cô rất cụ thể. Ông thường cho ta xem những “bộ phim ngắn” rất sinh động, trong đó mọi chi tiết vừa được ghi nhận cách tinh tế, vừa mang tính biểu tượng rất cao. Người mù, như ta thường thấy, có một thính giác rất phát triển. Nhờ đôi tai, Ba-ti-mê đã biết có Đức Giê-su người Na-da-rét. Ngồi trên gót chân, nơi cửa thành Giê-ri-khô, anh nghe tiếng lao xao của một đám đông đi qua trước mặt, trên đường. Thiên hạ bảo anh đó là Đức Giê-su. “Tôi đã chẳng khi nào thấy mặt Người. Song những kẻ biết Người đã nói về Người với tôi. Từ ngày ấy, tôi chỉ đợi Người đi qua thôi. Và hôm nay tôi nghe rằng Người đến”. Chúng ta cũng ở trong hoàn cảnh giống hệt anh mù : đã chẳng bao giờ thấy mặt Đức Giê-su, nhưng chúng ta đã tin vào lời chứng của những kẻ biết Người, và chúng ta chờ đợi Người “đi qua”, “ngự đến”, để được thấy Người một ngày kia !
            
Từ trong đáy đêm đen của anh mù, một hy vọng phi thường đã chỗi dậy. Anh ta hét lớn : “Xin dủ lòng thương tôi, hỡi Con vua Đa-vít!” Tước hiệu “Con vua Đa-vít!” này cũng sẽ là lời tung hô của đám đông cầm lá vạn tuế trong cuộc khải hoàn ngày mai (x. Mc 11,10). Trước đây Đức Giê-su đã cấm dùng nó, vì biết ai nấy đều “mù tịt” về sứ mạng của Người, bây giờ Người để mặc thiên hạ sử dụng. “Bí mật Mê-si-a” không còn cần thiết nữa. Nay cái chết của “vì vua” hậu duệ Đa-vít gần kề, mọi cách hiểu hàm hồ sặc mùi chính trị về tước hiệu đó đều bị gạt bỏ. Dĩ nhiên Người là “vua”, nhưng chẳng theo kiểu chư dân thiên hạ (x. Mc 10,42; Mt 27,11; Ga 18,33-36). Vương miện của Người là vành gai. Thái tử nhà Đa-vít, sinh ở Bê-lem như tổ tiên, sắp trị vì tại Giê-ru-sa-lem như tổ tiên, nhưng không như quần chúng “mù lòa” mong đợi.

 2…. đã được Đức Ki-tô mở mắt qua phép rửa.
            
Như đã nói, trình thuật này mang tính biểu tượng rất cao, ở đây là biểu tượng về phép rửa. Ta sẽ thấy điều đó qua nhiều chi tiết, nhất là trong phần hai của câu chuyện. “Đức Giê-su đã dừng lại và nói : Gọi anh ta lại đây !” Cử chỉ này theo Mác-cô có nghĩa : Đức Giê-su bảo môn đệ giúp đỡ những ai chưa biết Thiên Chúa. Người dạy “truyền” tiếng kêu của mình qua môn đệ. Thiên Chúa ngỏ với nhân loại qua trung gian Giáo Hội Người… và Giáo Hội chính là chúng ta, các Ki-tô hữu. Chúng ta có chú ý đến những tiếng kêu vang lên quanh mình không ? Có làm dội lại lời mời gọi của Đức Giê-su cho anh em ngoại đạo không, để dẫn đưa họ tới vị Cứu tinh duy nhất của trần đời ? Giáo Hội hiện hữu là để nghe và chuyển tiếng kêu của thế giới cũng như để kêu gọi thế giới đến cùng Đức Giê-su.
            
Và “Giáo Hội” đã chuyển tới cho người mù sứ điệp “Cứ yên tâm, đứng dậy đi, Người gọi anh đấy!” Từ “đứng dậy” này còn có nghĩa là “hãy thức dậy” hay “hãy sống lại!” (x. Mc 2,9-11; 3,3; 5,41; 9,27; 10,49). Ta hãy nghe thánh thi sau đây dùng trong phụng vụ phép rửa của Giáo Hội sơ khai : “Tỉnh giấc đi hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong chỗi dậy đi nào ! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng trên ngươi !” (Ep 5,14). “Hãy sống lại, sống sự sống mới” là sứ điệp mà Giáo Hội, nhân danh Đức Giê-su, luôn gởi đến cho con người, đặc biệt trong ngày họ chịu phép rửa.
            
“Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su”. Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, “áo choàng” là biểu tượng sức lực của con người (x. 1Sm 18,4; 24,6; 2V 2,14; R 3,9). Việc anh mù từ bỏ áo choàng tượng trưng một kiểu “đoạn tuyệt với quá khứ”. Vào thời Mác-cô, người tân tòng rời bỏ áo choàng của mình để mặc chiếc áo mới của phép rửa.
            
Nhưng Đức Giê-su đã đặt cho anh mù một câu hỏi kỳ lạ: “Anh muốn tôi làm gì cho anh”. Người biết rõ anh chờ đợi cái chi nơi mình rồi mà. Thật ra, như đã nói, quang cảnh này được trình bày như biểu tượng của bí tích thanh tẩy : ứng viên được “quang minh” phải tự mình “tuyên tín”. Vào thời thánh sử, phép rửa được gọi là phép “soi sáng, quang minh” (x. Dt 6,4 : “Những kẻ đã một lần được chiếu sáng, đã được nếm thử ân huệ bởi trời…” 10,32 : “Xin anh em nhớ lại những ngày đầu, lúc vừa được ơn chiếu sáng…”). Đây là bí tích mở mắt tâm hồn. Chịu thanh tẩy là đi từ tối tăm sang ánh sáng… là được cứu rỗi : điều không thể đối với con người bị bỏ mặc, thì đã trở nên có thể… và là “bắt đầu theo Đức Giê-su”… “Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và theo Người trên con đường Người đi”. Phải chăng bạn luôn nhớ rằng mình đã được soi sáng về TC, bản thân, ý nghĩa cuộc sống và đã được ban sức mạnh để theo Đức Ki-tô trên đường khổ giá yêu thương từ ngày chịu phép rửa ?


 

Tác giả bài viết:  Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây