Ngày Chúa trở lại

Thứ sáu - 12/11/2021 18:29 382 0
 
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN NĂM B : MC 13,24-32
(LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM)
 
 

            
Khi ấy, Đức Giê-su nói với môn đệ về ngày quang lâm của Người rằng: “Trong những ngày ấy, sau cơn gian nan lớn lao, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.
           
 “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật anh em : thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi”.

 
 
NGÀY CHÚA TRỞ LẠI
            
Chúng ta đi đến cuối năm phụng vụ. Từ Chúa nhật này sang Chúa nhật khác, dưới sự hướng dẫn của thánh Mác-cô, chúng ta đã theo chân Đức Giê-su. Người đã phán dạy bằng dụ ngôn, đã chữa lành lắm bệnh tật, đã giải thoát nhiều kẻ bị quỷ ám, đã trả lời cho các kinh sư, đã huấn luyện bao môn đệ. Chúng ta hẳn có cảm tưởng biết rõ Người, Đức Giê-su ấy ! Thế mà, chỉ đến hôm nay Người mới mạc khải cho ta tất cả tầm vóc của “bản thân” Người. Chỉ còn vài ngày nữa là Người chết. Người ra khỏi Đền thờ Giê-ru-sa-lem để chẳng bao giờ trở lại đó nữa. Nghe môn đệ lưu ý về vẻ đẹp của tòa nhà. Người đáp : “Sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ”. Bấy giờ Phê-rô, Gia-cô-bê, Gio-an và An-rê đồng thanh hỏi : “Bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy đến?” Trả lời cho câu hỏi đó là đại diễn từ sau hết của ĐGS, thường được gọi là “diễn từ cánh chung” hay “diễn từ về thời cùng tận”. Bản văn đọc hôm nay là trung tâm của diễn từ này.
           
 1. Phải chăng là ngày khủng khiếp ?
            
“Trong những ngày ấy, sau cơn gian nan lớn lao…”. Phải xem lại văn mạch đi trước để hiểu chữ “gian nan lớn lao” (hay “khốn quẫn” này. Đức Giê-su loan báo ba tai ương làm dấu chỉ tiên báo Đền thờ bị tàn phá: 1- Nhiều ngôn sứ và kitô giả lừa gạt lắm người (x. Mc 13,5-6). 2- Nhiều tai họa, chiến tranh, động đất, đói kém xảy ra (x. Mc 13,7-8). 3- Nhiều cuộc bắt bớ giáng xuống trên các môn đệ (x. Mc 13,9-13). Lúc đó mới đến cơn khốn quẫn khủng khiếp là việc phá hủy Đền thờ, là “đồ ghê tởm khốc hại” (x. Mc 13,14) đã được ngôn sứ tiên báo (x. Đn 9,27). Xét theo lịch sử, chúng ta biết Đền thờ đã bị đội quân ngoại giáo của Ti-tô xâm phạm và phá hủy năm 70. Chớ quên rằng Mác-cô đã viết trình thuật của mình gần như vào thời ấy, lúc tất cả xem ra sụp đổ. Cuộc bắt đạo của Nê-rông đã suýt làm Giáo Hội sơ khai tan biến : vị giáo hoàng đầu tiên, Phê-rô, đã bị đóng đinh thân mình dốc ngược… Phao-lô thì bị chặt đầu… các Ki-tô hữu thành Rô-ma thì bị thiêu sống trong vườn thượng uyển Va-ti-can. Và nay cũng chính Đế quốc Rô-ma ấy phá hủy Đền thờ Giê-ru-sa-lem, nơi Thiên Chúa hiện diện. Nỗi lo âu của các tín hữu đã lên tới cực điểm : đức tin của chúng ta phải chăng vô ích ? Các lời Thiên Chúa hứa phải chăng chỉ là một giấc mơ hoa không có thực? Nước Trời phải chăng là như thế đó ?
            
Lúc ấy, “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển”. Đức Giê-su sử dụng ở đây ngôn ngữ truyền thống của các “khải huyền”: hình ảnh vĩ đại, kiểu nói khuôn đúc, ngôn ngữ biểu tượng, hết sức thông dụng trong Kinh Thánh (x. Is 13,10; 34,4; Ge 2,10; 4,15; Ed 32,7 v.v…). Trong những khải huyền cùng thời, các hình ảnh còn dữ dội hơn : “Mặt trời sẽ chiếu sáng ban đêm, mặt trăng sẽ chiếu sáng ban ngày, máu sẽ chảy ra từ cây cối, và đá sẽ kêu lên ầm ĩ” (4Et-ra
[1] 5,4). Chớ hiểu các mô tả này theo nghĩa “vật chất”: chúng chỉ muốn gợi lên một thực tại khó tả. Đó là sự trở về với “hỗn mang” nguyên thủy để chuẩn bị cho một cuộc sáng tạo mới, một sự sinh thành mới, một thế giới mới: “Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5,17).
            
Đó cũng là những hình ảnh gợi lên sự mỏng dòn của chúng ta và thế giới chúng ta. Con người luôn bị cám dỗ “làm thần” và khoái chí với những từ đao to búa lớn: nào xây dựng thế giới, nào thống trị vũ trụ, nào chinh phục không gian… Thế nhưng sẽ đến một ngày (mà các cơn khủng hoảng lớn của thế giới là dấu chỉ tiên báo), tất cả những gì chúng ta tưởng là vững chắc, đột ngột trở thành vô nghĩa. Những gì không xây dựng trên sự thật, công lý và tình thương, nghĩa là không xây dựng trên Thiên Chúa, sẽ chẳng tồn tại.
            
“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”. Từ lúc sinh ra nghèo khó trong máng cỏ Bê-lem cho tới hôm nay, Đức Giê-su đã chẳng bao giờ nói về mình như vậy. Đột nhiên, Người trở nên vĩ đại, vinh hiển biết bao trên nền trời ! Người tự coi minh là Thẩm phán của ngày tận thế, vai trò vốn chỉ dành cho Thiên Chúa thôi. Người sẽ lặp lại điều đó trước các quan án tại Thượng hội đồng, trong vài hôm nữa (x. Mc 14,62). Cho đến đây, Người đã dần dần giúp ta quen thuộc với tước hiệu Con Người này, nhưng luôn luôn trong bối cảnh lời loan báo cuộc khổ nạn (x. Mc 8,31; 9,31; 10,33; 10,45). Qua tước hiệu ấy, Đức Giê-su áp dụng vào mình sấm ngôn nổi tiếng của Đa-ni-en (7,13-14). Tác phẩm của một tay “kháng chiến” dưới thời bách hại của An-ti-ô-khô IV Ê-pi-phan này khẳng quyết Thiên Chúa sẽ chiến thắng nhờ một “Con Người đến trên mây trời”. Vâng, các tà lực, các kẻ độc ác, bách hại người nghèo, đàn áp tôn giáo không thể là tiếng nói cuối cùng của lịch sử !
           
 2. Không ! Một ngày tươi đẹp !

            
Tất cả ngôn ngữ khải huyền chúng ta vừa nghe thành thử đã chỉ được sử dụng để làm nổi bật tiếng kêu hy vọng này : Đức Giê-su đến… trong chiến thắng ! Các giáo phái đủ loại cũng như các tay cuồng tưởng của những thời đại khủng hoảng, không ngừng tra tấn lỗ tai chúng ta với những “đe dọa”, những “lời sấm về tai ương và hình phạt” của họ. Đối với Đức Giê-su, sự phá hủy Đền thánh, biểu tượng sự phá hủy thế giới, nghịch lý thay lại là một “Tin Mừng”, như Đoản thi hôm nay hát lên: “Đối với chúng con trời đã tối sầm. Chẳng còn ngôi sao nào trong đêm tối. Nhưng chúng con biết Ngài sắp trở lại. Lạy Chúa Giê-su, xin đến ngay cho! Marana tha!”
            
Các Ki-tô hữu tiên khởi đã cảm nghiệm mãnh liệt nỗi mong ước này. Từ “Marana tha!” trên môi họ (x. 1Cr 16,22; Kh 22,20) là một thành ngữ A-ram, tiếng mẹ đẻ của Đức Giê-su, đã được đưa vào phụng vụ nguyên thủy và có nghĩa: “Lạy Chúa, xin hãy đến!”. Sau Công đồng Va-ti-can II, mỗi một thánh lễ đều khôi phục cho chúng ta lời ước nguyện này: “Chúng con đợi Ngài tới trong Vinh quang! Chúng con chờ Ngài hiển vang trở lại! Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến!” “Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi và Người sẽ tập họp những kẻ được tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời”. Phải nói ngay rằng vài tác giả hiện đại đã muốn giản lược Đức Giê-su vào chiều kích “con người làng Na-da-rét” thôi! Thế nhưng nhân vật nhỏ bé chẳng bao giờ ra khỏi xứ Pa-lét-ti-na nhỏ bé ấy bảo mình có “thiên thần” riêng để sử dụng, để quy tụ “mọi” người trên khắp mặt đất!
            
Trong các khải huyền truyền thống được Đức Giê-su lấy lại hình ảnh, các đảo lộn vũ trụ mở màn cho hình phạt lớn lao Thiên Chúa giáng xuống lũ vô đạo. Ở đây, trên môi miệng Đức Giê-su, chẳng có gì như thế: chỉ có vấn đề “tập họp” những kẻ được tuyển chọn! Đức Giê-su đến trong vinh quang, ngày tận thế, chính là để quy tụ thân thuộc của mình từ bốn phương trời: một lễ hội bao la của thế giới, của hoàn vũ, một sự hoàn thành chung cục, tốt đẹp (ý nghĩa của từ “cánh chung”). Con người mà vài hôm nữa sẽ chết quả có cái nhìn vĩ đại, hết sức vĩ đại…
           
 “Ở với Đức Giê-su”: tận thế chính là vậy. Chiến tranh, tai ương, cơn bắt bớ, cuộc diệt chủng, điều ghê tởm khốc hại, sự phá hủy Đền thờ, việc lũ vô đạo xâm phạm các nơi thánh… thành thử chỉ chuẩn bị cho điều ấy thôi! Đây là tiếng kêu hy vọng kỳ diệu nhất mà một con người có thể lắng nghe, dẫu khi mọi sự sụp đổ chung quanh mình, dẫu khi cái chết đến gần và xem ra chiến thắng. Do đó, đúng là chẳng hiểu gì về tư tưởng Đức Giê-su khi muốn làm “ngôn sứ tiên báo bất hạnh”. Người rõ ràng muốn mở cho nhân loại niềm hy vọng một thế giới mới: “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà tìm hiểu. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra….”. Tận thế chính là mùa hè đang tiến đến, “mùa tươi đẹp” đang tới gần. Ôi, dụ ngôn bé tí tuyệt vời, dụ ngôn cuối cùng trước khi Đức Giê-su từ giã thế gian: “Vâng, trong khốn quẫn hãi sợ kinh hoàng. Mọi sự đều trôi qua và dẫy chết. Nhưng chúng con biết hè xanh tươi đến. Lạy Chúa Giê-su, xin tới cho rồi!”
            
Đây cũng là ước nguyện của Thánh Giáo hoàng Gio-an 23 trong những ngày tháng cuối đời. Lúc đó, ngài đã ngã bệnh nặng. Tuy các bác sĩ không nói gì về bệnh tình, nhưng ngài biết mình khó sống và thường bảo: “Tôi đã sắp sẵn hành trang”. Vào ngày cuối cùng, cha thư ký riêng tới bên giường hôn tay vị Giáo chủ và hỏi thăm ngài cảm thấy ra sao. Đức Gio-an 23 trả lời: “Cha thấy dễ chịu và bình an trong tay Chúa, nhưng cũng hơi lo”. Vị thư ký nói: “Cha khỏi phải lo. Nhưng chúng con đang lo đây này. Chúng con mới nói chuyện với các bác sĩ…” Đức Gio-an 23 ngắt lời hỏi: “Họ nói với con thế nào?” Vị linh mục thư ký nghẹn ngào tâu: “Thưa Đức Thánh Cha, con phải nói sự thật: Hôm nay là ngày của Chúa, hôm nay Cha sẽ về Thiên đàng”. Nói xong vị thư ký quỳ xuống bên giường ôm mặt khóc. Đức Giáo hoàng âu yếm xoa đầu cha và ôn tồn nói: “Mọi khi con can đảm lắm, sao giờ mềm yếu vậy? Con vừa cho ta nghe những lời hay đẹp nhất mà một linh mục có thể nói: Hôm nay Cha sẽ về Thiên đàng. Ngày Chúa đến với những kẻ tin thì có gì mà phải sợ! Đáng mong ước là đàng khác!”


 

[1] Sách Ét-ra 4 hay còn mang tên Khải huyền Ét-ra là một loại ngoại thư Cựu Ước, viết vào thế kỷ thứ I TCN và được gán cho ký lục Ét-ra. Mặc dầu thế, nó đã được nhiều tác giả Ki-tô giáo trích dẫn, như Clément d’Alexandrie, Tertullien và đặc biệt là Ambroise de Milan (theo Wikipedia)

 

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây