Thực thi lòng hoán cải

Thứ sáu - 10/12/2021 19:00 1.344 0
 

 
CHÚA NHẬT THỨ 3 MÙA VỌNG NĂM C: LC 3, 10-18
            
Khi ấy, dân chúng lũ lượt đến xin ông Gio-an làm phép rửa, họ hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh”. Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình”.
           

 Hồi đó, dân chúng đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.


 
THỰC THI LÒNG HOÁN CẢI

            
Tại bộ Tài chánh Hoa Kỳ ở thủ đô Washington có một văn phòng đặc biệt dùng làm trụ sở của Quỹ Lương Tâm. Đây là một dịch vụ dành cho những ai đã có lần lường gạt hoặc gian lận của Nhà nước. Tính đến năm 1971, tức là 160 năm kể từ ngày thành lập, Quỹ Lương Tâm đã nhận được ba triệu đôla Mỹ. Quỹ này bắt đầu được thành lập vào năm 1811, khi một công dân Mỹ ở New York gởi đến bộ Tài chánh 6 đôla vì lương tâm hối hận cắn rứt, sau khi ông gian lận của Nhà nước số tiền này. Trong lịch sử của Quỹ thì năm 1950 là năm Quỹ nhận được nhiều tiền nhất: 370.285 đôla, và kẻ trả lại nhiều nhất là một người ở Luân-đôn với 14.250 đôla hồi cuối thế kỷ 19. Thường thường, khi gởi tiền đến Quỹ Lương Tâm, người gởi kèm theo một lá thư giải thích lý do hối hận. Người ta đã đọc được những câu như sau: “Tôi thấy lương tâm tôi nay được trong sáng và yên hàn…”. “Tôi không muốn mình bị thiêu đốt trong hỏa ngục chỉ vì một nhúm đôla…”.
           
 1. Hãy mở tủ áo ví tiền cho tha nhân
            

Tuần trước, ta đã nghe Gio-an Tẩy giả “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối, để được ơn tha tội”. Đám dân Palestina thời Đức Giê-su ấy gồm những nông dân đơn sơ, thực tiễn: như các nhân vật của câu chuyện trên muốn sống những đòi hỏi của lương tâm, họ cũng muốn sống những đòi hỏi của phép rửa mình đã nhận: “Chúng tôi phải thay đổi gì trong cuộc sống?” “Chúng tôi phải làm gì?”
            
Phần chúng ta thì đã nhận phép rửa tha tội trong vô thức khi còn thơ bé. Nhưng chính trong cả cuộc sống ý thức trưởng thành mà chúng ta phải thực thi bí tích hoán cải này. Và chúng ta biết: vì bí tích thánh tẩy đúng nghĩa không làm lại, nên chúng ta có sẵn cái mà thần học truyền thống gọi là “phép rửa thứ hai”, tức bí tích Cáo giải, mà chúng ta đang dọn lòng lãnh nhận để chính mình cũng đón tiếp Đấng đang đến. Như quần chúng Palestina, chúng ta không thể nói suông, bằng lòng với những nghi lễ. Chúng ta cũng phải đặt cho Thiên Chúa câu hỏi can đảm: “Lạy Chúa, con phải làm gì để xứng đáng là người Ki-tô?”
            
Câu đáp của Gio-an Tẩy giả thật rõ ràng, chính xác, không được thực hiện chậm trễ: “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”. Chẳng có chút chi duy trí, bí truyền. Chính trong cái tầm thường nhất của cuộc sống mọi ngày (ăn, mặc...) mà ta phải biểu lộ cách cụ thể lòng “hối cải”. Thành ra, để xem các lời tuyên tín của bạn có thật không, đừng kiểm chứng qua các sách thần học to đùng… đúng hơn hãy nhìn tủ áo, ngăn kéo, chạn thức ăn, tài khoản của bạn. Hãy chia sẻ! Hãy cho một nửa!
  
Ở đây, chúng ta nhận ra phong cách của “nhà loan báo Tin Mừng” Lu-ca. Rồi đây, ông sẽ đưa hành vi điên rồ của tên tổng thầu thuế vô lại Da-kêu làm tiêu biểu: “Phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo” (Lc 19,8); sẽ kể lại rằng Đức Giê-su đã phán với những tay giàu có đương thời là hãy chia sẻ, thay vì quá ưu tư vấn đề “trong sạch” (Lc 11,41); sẽ đưa ra cho chúng ta gương mẫu của mọi cộng đoàn Ki-tô hữu: “Họ để mọi sự làm của chung” (Cv 2,44; 4,32-35).
            
Tuy nhiên, trong đám quần chúng, Lu-ca nêu bật hai hạng: những người thu thuế và những cảnh binh. Đó là những kẻ bị xem thường nhất thời ấy, ở vị trí bất thuận lợi nhất để đón tiếp Đức Giê-su: họ là giới cùng đinh đáng bỉ, thứ tội nhân tiêu biểu, bọn “đểu cáng hèn hạ”! Đây cũng còn là một phong cách của Lu-ca: ông sẽ cho ta thấy Đức Giê-su “ăn uống tại nhà quân thu thuế” trước sự căm tức của những người “công chính” (Lc 5,27-30), “vào trọ tại nhà bọn tội lỗi” trước sự phẫn nộ của hạng “đường hoàng” (Lc 19,7), công bố rằng mình không đến vì những “bậc chính nhân”! (Lc 5,32), song sẽ khiến “mọi người phàm được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa!” (Lc 3,6).
            
Với những kẻ thu thuế và cảnh binh của đội quân xâm lược này, Gio-an Tẩy giả chẳng đòi phải đổi nghề, chỉ yêu cầu xử sự theo cách mới: tôn trọng công lý, không dùng vũ lực, tuân hành pháp luật và ý thức công dân. Mọi lời khuyên đó đều thuộc lãnh vực nghề nghiệp. Chúng nhắm các tội trong đó nhân viên thu thuế và binh lính thời ấy thường sa vào: làm giàu bằng cách lợi dụng nghề nghiệp… lạm dụng việc mình là kẻ mạnh hơn…
            
Phần tôi thế nào? Đâu là các tội quen phạm thuộc nghề nghiệp và hoàn cảnh? Tội của linh mục? Tội của tu sĩ? Tội của thầy giáo? Tội của nhân viên? Tội của y tá? Tội của bác sĩ? Tội của quan chức? Tội của giám đốc? Tội của công nhân? Tội của thương gia? Tội của trẻ em? Tội của cha mẹ? Xã hội được canh tân biết bao nếu những người đã chịu phép rửa biết thực hành “phụng vụ thống hối”!
            
Trình thuật của Lu-ca có thể dừng lại đó. Nhu cầu “hoán cải” có thể dừng lại ở khía cạnh nhân loại, xã hội, luân lý này. Thế nhưng quần chúng vẫn chờ một cái gì khác.

 2. Hãy mở tâm lòng trí não cho Thiên Chúa
            
“Hồi đó, dân chúng đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a!” Đám đông vô danh chờ đợi không chỉ một cái gì đó, mà còn một người nào đó… Khát vọng căn bản của họ là một ước muốn bí mật, giấu kín tận đáy lòng, chẳng biết hay chẳng dám biểu lộ ra. Bao con người nam nữ hôm nay cũng không biết “kêu danh Đấng họ mong đợi trong cõi lòng”: Phải chăng có một Thiên Chúa, một vị Cứu tinh để cứu chúng ta, như lời một thi sĩ nọ: “Lạy Thượng Đế, nếu có một Thượng Đế. Xin cứu linh hồn tôi, nếu tôi có một linh hồn” !?! Phải chăng chúng ta có thể trông cậy vào một “Đấng Thiên sai” sẽ triệt để giải thoát chúng ta khỏi mọi tai họa?
            
Nhờ một thứ ơn tiên tri, Gio-an Tẩy giả đã đọc được trong lòng quần chúng: “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Gio-an đã kêu mời họ mở tủ áo và chạn thức ăn… Giờ đây ông kêu gọi họ mở tâm lòng để gặp Đấng đang đến với họ. Phải chăng tôi cũng biết lắng nghe cái che giấu trong lòng các bạn đồng nghiệp, hàng xóm, bạn bè? Phải chăng từ những câu hỏi về nhân quyền, tôi đi đến chỗ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa?
            
Đối với Gio-an, không phải chỉ có những diễn viên hữu hình trên sân khấu: quần chúng, thu thuế, binh sĩ v.v… còn có một Diễn viên chính yếu, đang giấu mặt: “Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và lửa”. Trung tâm của trình thuật Tin Mừng là đây: sự can thiệp tất yếu của Thiên Chúa. Hoán cải có thể xem ra là một hành vi tầm thường và dễ dàng, vì Gio-an Tẩy giả đã chỉ yêu cầu những chuyện thường thôi. Nhưng thật ra, cái Thiên Chúa đòi hỏi trong thực tế không dễ thực hiện: chuyện “hoán cải” là bất khả với nguyên sức con người. Phải có một “hành động của Thiên Chúa”.
            
Để mô tả hành động này, Gio-an Tẩy giả sử dụng ba hình ảnh: dìm, gió và lửa. Trong tiếng A-ram lẫn tiếng Hip-ri, cũng một từ “ruah” vừa có nghĩa là “gió” vừa có nghĩa là “thần khí”. Lối chơi chữ muốn cho chúng ta hiểu rằng Thần Khí Thiên Chúa sắp xô ngã chúng ta như một ngọn gió, như một cơn bão trong đó ta bị dìm vào. Và Thần Khí Thiên Chúa cũng như một ngọn lửa sắp thiêu đốt và cạo sạch mọi nhơ bẩn của chúng ta. Trong thực tế, khi Lu-ca mô tả phép rửa trong Thánh Thần vốn “hoán cải” các Tông đồ ngày Hiện xuống, đó sẽ là một “ngọn gió mạnh” và “nhiều lưỡi lửa” ! (Cv 2,2-3).
            
Để hình dung bí tích Cáo giải bạn sẽ chịu vào dịp Giáng sinh (“phép rửa thứ hai”), hãy cố gắng tưởng tượng mình đang ở trong một cơn bão lửa sắp canh tân mình. Việc đốt thiêu của Thần Khí Thiên Chúa bao giờ cũng đem lại hồng phúc! Chúng ta có khuynh hướng biến “thuốc nổ” Tin Mừng thành những “kẹo ngọt”, tuy nhiên đâu có như thế! Tin Mừng là muối chứ đâu phải là đường!

 “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân, thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. Đây đúng là hình ảnh Đức Giê-su, đến với “nia” trong tay như Đấng Thẩm phán ngày sau hết để quét sạch dẹp gọn, làm một cuộc tổng vệ sinh cuối cùng. Bạn đã bao giờ thấy một người sảy lúa trong sân chưa? Một ngày gió to, ông/bà ta đứng thẳng, tay cầm “nia lớn” xúc một đống gồm hạt mẩy, hạt lép và bụi bặm… rồi nghiêng cái nia. Hạt mẩy rơi thẳng đứng… còn hạt lép, bụi bặm thì gió cuốn xa hơn. Người ta cất thóc mẩy vào kho, bỏ thóc lép vào lửa.
            
Thành thử chúng ta chớ tự dối mình, cũng đừng lừa dối Thiên Chúa! Một ngày kia, thiên hạ sẽ thấy cái gì đã có giá trị, có trọng lượng và cái gì không trong đời sống chúng ta. Ước chi “gió và lửa” của Thần Khí, ngay tự hôm nay, đã giúp ta sống theo sự thật! Qua “phép rửa thứ hai” của mình, tôi sẽ cố gắng thực thi sự thật, thực thi lòng hoán cải, cố gắng lọc lựa, trong đời tôi, giữa ích kỷ với tình yêu, giữa đàn áp với công lý, giữa tình yêu nhơ bẩn với tình yêu trong sạch, giữa niềm mong đợi Thiên Chúa với thái độ dửng dưng duy vật chết người. Hãy cố gắng làm một hành vi đại loại như những người đã đến với Quỹ Lương Tâm…

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây