Trong ngày phán xét,Tyrô và Siđon sẽ được phán xét khoan dung hơn các ngươi

Chủ nhật - 14/07/2024 20:41 162 0


TRONG NGÀY PHÁN XÉT, TYRÔ VÀ SIĐON
SẼ ĐƯỢC XÉT XỬ KHOAN DUNG HƠN CÁC NGƯƠI

(16.07.2024 - THỨ BA TUẦN 15 THƯỜNG NIÊN)

 

Bài Ðọc I: Is 7, 1-9

“Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không còn tồn tại nữa”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Xảy ra trong đời Acaz con của Gioatham, Gioatham con của Ozia, vua nước Giuđa, Rasin vua nước Syria, và Phaxê con của Rômêlia, vua Israel, tiến lên gây chiến với Giêrusalem, nhưng không thể thắng trận được. Người ta báo tin cho nhà Ðavít rằng: “Syria đã đóng quân ở Ephraim”. Nghe vậy, vua và dân đều run sợ, như cây trong rừng rung động trước gió.

Và Chúa phán cùng Isaia rằng: “Ngươi và con ngươi là Giasub, hãy đi đón vua Acaz đang ở cuối cống ao thượng, trên đường ra ruộng Fullon, và nói rằng: “Hãy cẩn thận ở yên lặng, đừng sợ, và đừng nao núng trước hai ngọn đuốc xông khói này là cơn thịnh nộ của Rasin, vua nước Syria, và của con trai Rômêlia, vì chưng Syria, Ephraim và con trai của Rômêlia đã toan mưu hại ngươi, họ nói rằng: “Chúng ta hãy tiến đánh Giuđa, quấy rối nó và lôi cuốn nó theo ta, và đặt con trai Tabeel làm vua”.

Chúa phán thế này: “Sự việc này không thành và không xảy ra đâu, vì Ðamas là thủ đô của Syria, và Rasin là thủ lãnh của Ðamas. Còn sáu mươi lăm năm nữa, thì Ephraim sẽ bị tiêu diệt và không còn là một dân tộc nữa. Thủ đô của Ephraim là Samaria, và thủ lãnh của Samaria là con của Rômêlia. Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không còn tồn tại”.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 47, 2-3a. 3b-4. 5-6. 7-8

Ðáp: Thiên Chúa kiên thủ thành trì của Người tới muôn đời.

Xướng: 1) Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen trong thành trì của Thiên Chúa chúng ta. Núi thánh của Người là ngọn đồi duyên dáng, là niềm hoan lạc của khắp cả địa cầu.

Ðáp: Thiên Chúa kiên thủ thành trì của Người tới muôn đời.

2) Núi Sion là cùng kiệt phương Bắc, là thành trì của Ðức Ðại Ðế. Thiên Chúa ngự trong thành quách của Người, tự chứng tỏ Người là an toàn chiến lũy.

Ðáp: Thiên Chúa kiên thủ thành trì của Người tới muôn đời.

3) Bởi chưng, kìa các vua chúa đã họp nhau, họ đã nhất tề xung phong tác chiến. Nhưng thoạt nhìn thấy, họ đã ngẩn người ra, họ đã thất kinh và chạy trốn.

Ðáp: Thiên Chúa kiên thủ thành trì của Người tới muôn đời.

4) Chính tại đây, họ đã khiếp run sợ hãi, đau đớn như người phụ nữ lúc lâm bồn, và lúc Chúa dùng ngọn gió Ðông đánh cho những chiến thuyền Tác-xi tan vỡ.

Ðáp: Thiên Chúa kiên thủ thành trì của Người tới muôn đời.

 

Alleluia: Tv 24,4c

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa, và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 11, 20-24

“Trong ngày phán xét, Tyro và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối: “Hỡi Crozain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi. Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

 

Suy niệm: 

Lời giảng đầu tiên của Đức Giêsu là một lời mời sám hối (Mt 4, 17).

Những phép lạ Ngài làm cũng là một lời mời tương tự.

Phép lạ không phải chỉ là những biểu lộ của uy quyền và tình thương.

nhằm vén mở khuôn mặt của Thiên Chúa và của Con Ngài.

Phép lạ còn là lời mời gọi đổi đời, vì Nước Trời đã gần đến.

Đức Giêsu quở trách các thành đã lần lữa không chịu sám hối,

dù họ đã được chứng kiến phần lớn các phép lạ Ngài làm (c. 20).

 

“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Betsaiđa!”

Đức Giêsu đã kêu than như một ngôn sứ, buồn phiền và đau đớn,

trước sự cứng lòng của những nơi mà Ngài đã đặt chân và thi ân.

Khoradin là một vùng ở Tây Bắc Hồ Galilê (Mc 10, 13).

Nay chỉ còn là cánh đồng gạch vụn, với dấu tích của một hội đường.

Betsaiđa nghĩa là “nhà của cá”, nằm nơi sông Giođan đổ vào Hồ nói trên.

Thành này ngày nay cũng biến mất, có lẽ vì bị tràn ngập bởi phù sa.

Đức Giêsu đã so sánh hai thành này với hai thành dân ngoại Tyrô và Siđôn.

Nếu Tyrô và Siđôn nhận được sự hiện diện của Đức Giêsu,

hẳn họ đã ăn năn sám hối từ lâu rồi (c. 21).

 

Caphanaum được coi là trụ sở của Đức Giêsu khi thi hành sứ vụ.

Nơi đây Ngài đã làm bao điều tốt lành (Mt 4, 13; 8, 5; 9, 1; 17, 24).

Vậy mà có vẻ nó lại không muốn đón nhận Đấng mang ơn cứu độ.

Phải chăng vì nó đã tự hào, tự cao trước những ơn Chúa ban?

“Ngươi sẽ được đưa lên tới tận trời sao? Ngươi sẽ bị tống xuống âm phủ.”

Đức Giêsu dám so sánh Caphanaum với Sôđôm.

Sôđôm là một thành phố trụy lạc, đã bị thiêu hủy hoàn toàn (St 19, 25).

Ngài cho rằng Sôđôm mà được thấy những điều kỳ diệu Ngài làm,

hẳn nó đã hoán cải và còn tồn tại đến nay (c. 23).

 

Đến ngày phán xét, con người sẽ bị xét xử theo điều mình đã lãnh nhận.

Lãnh ít thì sẽ được khoan hồng nhiều hơn.

Mỗi người chúng ta thật sự chẳng rõ mình đã nhận được bao nhiêu.

Chúng ta dễ có thái độ tự cao của những người được gần gũi Chúa.

“Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài,

và Ngài cũng đã từng dạy dỗ trên các đường phố của chúng tôi” (Lc 13,26).

Nhưng điều quan trọng không phải là đã nghe giảng và đã thấy phép lạ.

Điều quan trọng là sám hối.

Những ơn lộc Chúa ban cho đời Kitô hữu lại đòi ta phải hoán cải nhiều hơn.

Chúng ta không thể coi mình là Caphanaum để khinh Sôđôm được.

Thiên Chúa xét xử theo điều Ngài ban cho từng con người,

từng nền văn hóa hay văn minh, từng vùng đất hay từng tôn giáo.

 

Làm sao tôi có thể thấy được những phép lạ Chúa làm cho tôi mỗi ngày?

Có những phép lạ xảy ra đều đặn và bình thường nên tôi không nhận ra.

Mỗi cử chỉ yêu thương tôi nhận được cũng là phép lạ.

Mong tôi đáp lại phép lạ đó bằng một cử chỉ yêu thương.

 

Cầu nguyện: 

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,

những ơn con thấy được,

và những ơn con không nhận là ơn.

Con biết rằng

con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,

biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

 

Con thường đau khổ vì những gì

Cha không ban cho con,

và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

 

Tạ ơn Cha vì những gì

Cha cương quyết không ban

bởi lẽ điều đó có hại cho con,

hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

 

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha

dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.

 

Tác giả bài viết: Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây