Lectio Divina 

Lectio: Chúa Nhật XVI Thường Niên (C)

Maria và Máctha, bạn của Chúa Giêsu   

Phần nào tốt hơn đã được chọn bởi Maria?  

Lc 10:34–42

matta

 

1.  Lời nguyện mở đầu

 

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 

2.  Bài đọc

 

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

 

Bài Phúc Âm của Chúa Nhật tuần này thuật lại chuyến viếng thăm của Chúa Giêsu tại nhà của hai bà Máctha và Maria.  Chúa Giêsu nói với Máctha:  “Maria đã chọn phần tốt hơn và sẽ không bị ai lấy mất!” Trải qua nhiều thế kỷ, nhiều lần những lời này đã được giải thích như là một sự xác nhận phần sự thật về Chúa Giêsu đó là đời sống chiêm niệm, sống ẩn mình trong các tu viện thì tốt hơn và cao cả hơn là cuộc sống tích cực của những người làm việc trong lĩnh vực truyền giáo.  Cách lý giải này không được chính xác cho lắm, bởi vì nó thiếu nền tảng của nguyên bản.  Để hiểu được ý nghĩa những lời này của Chúa Giêsu (và bất cứ lời nào), điều quan trọng là phải lưu tâm đến bối cảnh, có nghĩa là xem xét bối cảnh của Phúc Âm Luca cũng như bối cảnh rộng lớn hơn về các tác phẩm của Luca trong đó bao gồm sách Tin Mừng và sách Tông Đồ Công Vụ.  Trước khi minh xác một bối cảnh rộng lớn hơn của sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta hãy cố gắng ghé mắt một chút vào chính đoạn văn bản và cố gắng để xem bằng cách nào nó được đặt trong bối cảnh trực tiếp của sách Tin Mừng Luca.  Trong khi đọc, chúng ta hãy cố gắng cảm thấy rằng mình đang hiện diện trong nhà của bà Maria, cảm thấy thật gần gũi với khung cảnh và tiếp cận với những lời vàng ngọc của Chúa Giêsu, không chỉ có Máctha nghe thấy những lời này, nhưng cộng đoàn mà quyển Tin Mừng của Luca hướng tới cũng nghe những lời này và làm thế nào cả chúng ta cũng nghe nữa; chúng ta, những người ngày hôm nay cũng được nghe những lời truyền cảm này của Chúa Giêsu.

 

c)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

 

Lc 10:38:  Máctha rước Chúa Giêsu vào nhà mình

Lc 10:39-40a:  Maria lắng nghe lời Chúa Giêsu, Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách

Lc 10:40b:  Máctha than phiền và xin Chúa Giêsu can thiệp

Lc 10:41-42:  Câu trả lời của Chúa Giêsu

 

d)  Tin Mừng

 

38 Trong cuộc hành trình, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Máctha rước Người vào nhà mình. 39 Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. 40 Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách, bà đứng lại thưa với Người rằng:  “Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao?  Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi với.” 41 Nhưng Chúa đáp:  “Máctha, Máctha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. 42 Chỉ có một sự cần mà thôi.  Maria đã chọn phần tốt hơn và sẽ không bị ai lấy mất.”

 

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

 

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta

 

4. Một vài câu hỏi gợi ý

 

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân

 

a)  Điều gì trong đoạn Tin Mừng này làm bạn hài lòng nhất hoặc làm bạn cảm động nhất?  Tại sao?

b)  Chúa Giêsu muốn nói điều gì với lời khẳng định:  “Chỉ có một sự cần mà thôi”?

c)  “Phần tốt hơn” mà bà Maria đã chọn là phần nào và điều gì sẽ không bị ai lấy mất?

d)  Một sự kiện lịch sử có thể có một ý nghĩa có tính cách tượng trưng sâu sắc hơn.  Bạn đã thành công trong việc tìm ra một ý nghĩa có tính cách tượng trưng trong cách thức mà Luca mô tả chuyến viếng thăm của Chúa Giêsu đến nhà của Máctha và Maria chưa?

e)  Bạn hãy đọc kỹ Sách Tông Đồ Công Vụ đoạn 6:1-6 và hãy cố gắng tìm ra sự liên hệ giữa vấn đề của các tông đồ và cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và bà Máctha.

 

5.  Chìa khóa dẫn đến bài Tin Mừng

 

Để giúp những ai muốn đào sâu hơn vào chủ đề

 

a)  Bối cảnh của Tin Mừng Luca:  

 

Theo sách Luca chương 9, câu 51, bắt đầu giai đoạn thứ hai việc hoạt động tông đồ của Chúa Giêsu, cuộc hành trình dài từ Galilê đi lên thành Giêrusalem.  Vào lúc bắt đầu cuộc hành trình, Chúa Giêsu bước ra khỏi thế giới của người Do-Thái và đi vào thế giới của người Samaria (Lc 9:52).  Mặc dù Chúa không được người Samaria đón nhận nồng nhiệt (Lc 9:53), Người vẫn tiếp tục hoạt động trong lãnh thổ của họ và thậm chí còn quở trách các môn đệ có tư tưởng khác biệt (Lc 9:54-55). Để trả lời cho những ai muốn xin đi theo Người, Chúa Giêsu đã làm rõ ràng ý nghĩa của tất cả những gì đã xảy ra, và chỉ ra cho họ biết những đòi hỏi của sứ vụ (Lc 9:56-62).

 

Sau đó, Chúa Giêsu chọn thêm bảy mươi hai môn đệ nữa đi làm sứ vụ trước những nơi mà Người sẽ đến. Việc sai đi của nhóm Mười Hai (Lc 9:1-6) là để vào trong thế giới của người Do Thái.  Việc sai đi của nhóm Bảy Mươi Hai là cho thế giới bên ngoài người Do Thái.  Sau khi hoàn thành sứ vụ, Chúa Giêsu và các Môn Đệ họp lại và duyệt xét các công việc của sứ vụ, và các Môn Đệ thuật lại các việc họ đã làm, nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng việc chắc chắn nhất là tên của các ông đã được ghi trên Thiên Đàng (Lc 10:17-37).

 

Tiếp theo là đoạn Tin Mừng mô tả chuyến thăm viếng của Chúa Giêsu tại nhà các bà Máctha và Maria (Lc 10:38-42). Luca đã không đặc biệt chỉ rõ nơi làng của Máctha và Maria là ở đâu, nhưng trong bối cảnh địa lý của Tin Mừng Luca, người đọc có thể mường tượng được ngôi làng ấy nằm trong vùng Samaria.  Từ quyển Tin Mừng viết bởi Gioan, chúng ta biết được Máctha và Maria sống ở Bếtania, một ngôi làng nhỏ gần thành Giêrusalem (Ga 11:1).  Thêm vào đó, Gioan còn cho chúng ta biết rằng hai bà có người em trai tên là Lagiarô.

b)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:

 

Lc 10:38:  Máctha rước Chúa Giêsu vào nhà mình

“Trong cuộc hành trình, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Máctha rước Người vào nhà mình”.  Chúa Giêsu đang trên đường đi.  Luca không luôn cho biết rõ nơi nào Chúa Giêsu đi ngang qua, nhưng nhiều lần cho biết Chúa đang trên đường đi (Lc 9:51,53-57; 10:1-38; 11:1; 13:22-23; 14:25; 17:11; 18:31-35; 19:1,11,28-29,41,45; và 20:1).  Bởi vì Chúa Giêsu đã dứt khoát quyết định đi lên Giêrusalem (Lc 9:51).  Quyết định này đã định hướng cho Người trong tất cả các giai đoạn của cuộc hành trình.  Lối vào làng và vào nhà của Máctha và Maria là một giai đoạn nữa của cuộc hành trình dài này lên đến Giêrusalem và tạo thành một phần việc thực hiện sứ vụ của Chúa Giêsu.  Ngay từ ban đầu, mục đích của cuộc hành trình này là nhất quyết: thực hiện sứ mạng Người Tôi Trung của Chúa, được công bố bởi tiên tri Isaia (Is 53:2-10; 61:1-2) và được đảm trách bởi Đức Giêsu thành Nagiarét (Lc 4:16-21).

 

Lc 10:39-40a:  Maria lắng nghe lời Chúa Giêsu, Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách

“Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người; Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách”.  Một bữa ăn tối bình thường ở nhà, trong gia đình.  Trong khi một số người nói chuyện, những người khác phải lo chuẩn bị thức ăn.  Hai công việc đều quan trọng và cần thiết, cả hai bổ sung cho nhau, đặc biệt là khi phải đón tiếp khách đến thăm gia đình.  Trong lời khẳng định rằng “Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách” (diaconia: việc phục vụ), Luca gợi lại việc nhóm bảy-mươi-hai môn đệ cũng bận rộn với nhiều hoạt động của công việc truyền giáo (Lc 10:17-18).

 

Lc 10:40b:  Máctha than phiền và xin Chúa Giêsu can thiệp

“Máctha đứng lại thưa với Người rằng:  ‘Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao?  Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi với.’”  Một cảnh tượng quen thuộc khác, nhưng không bình thường.  Chỉ có Máctha bận rộn với việc chuẩn bị thức ăn, trong khi ấy thì Maria đang ngồi và tiếp chuyện với Chúa Giêsu. Máctha phàn nàn.  Đáng lẽ Chúa Giêsu nên can thiệp và nói điều gì đó với người em để xem Maria có sẽ giúp chị cô một tay trong công việc phục vụ không.  Máctha tự coi mình là một người tôi tớ và nghĩ rằng công việc của một người tôi tớ là chuẩn bị bữa ăn và sự phục vụ của mình trong nhà bếp là quan trọng hơn so với người em gái chỉ biết ngồi tiếp chuyện với Chúa Giêsu.  Đối với Máctha, những gì Maria làm không phải là sự phục dịch, bởi vì bà nói:  “Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao?”  Nhưng Máctha không phải là người tôi tớ duy nhất.  Chúa Giêsu cũng đảm nhận vai trò của mình như một người tôi tớ, đó là Người Tôi Trung được công bố bởi Tiên-tri Isaia.  Tiên tri Isaia đã nói rằng việc phục vụ chính yếu của người Tôi Trung là đến trước Thiên Chúa trong lời cầu nguyện lắng nghe để có thể tìm thấy được một lời an ủi đem đến cho những người đang chán nản.  Người Tôi Trung đã nói:  “Đức Chúa là Chúa Cả đã ban cho tôi miệng lưỡi của một người môn đệ, để cho tôi biết lựa lời nâng đỡ đến những ai đang rã rời kiệt sức.  Sáng sáng, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ” (Is 50:4).  Giờ đây, Maria đã có một thái độ cầu nguyện trước Chúa Giêsu.  Và một câu hỏi được đặt ra là:  Ai đã hoàn thành việc phục dịch của một người tôi tớ cách tốt đẹp hơn:  Máctha hay là Maria?

 

Lc 10:41-42:   Câu trả lời của Chúa Giêsu

“Nhưng Chúa đáp:  ‘Máctha, Máctha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện.  Chỉ có một sự cần mà thôi.  Maria đã chọn phần tốt hơn và sẽ không bị ai lấy mất.’”  Một câu trả lời tuyệt vời và rất nhân bản.  Đối với Chúa Giêsu, một cuộc trò chuyện tâm đắc với những người bạn thì quan trọng và thậm chí còn quan trọng hơn cả việc ăn uống (Ga 4:32).  Chúa Giêsu không đồng ý với những điều lo lắng của Máctha.  Người không muốn việc chuẩn bị cho bữa ăn làm gián đoạn cuộc đàm thoại, và chừng như Chúa muốn nói:  “Máctha, con không cần phải sửa soạn quá nhiều thức như vậy!  Một ít thôi là đủ rồi!  Và sau đó hãy đến để tham dự vào cuộc đối thoại tốt đẹp này!”  Đây là ý nghĩa chính, Lời của Chúa Giêsu thật đơn giản và đượm tình người.  Chúa Giêsu ưa thích một cuộc trò chuyện tốt đẹp.  Và một cuộc trò chuyện tốt đẹp với Chúa Giêsu nảy sinh ra cuộc trò chuyện.  Nhưng trong bối cảnh của Tin Mừng Luca, những lời dứt khoát này của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa biểu hiện sâu sắc hơn:

 

i)  Giống như Máctha, các môn đệ cũng thế, trong khi thi hành sứ vụ, đã lo lắng về nhiều thứ, nhưng Chúa Giêsu đã minh xác một cách rõ ràng rằng điều quan trọng hơn cả là tên của họ được ghi trên Thiên Đàng, đó là, được biết đến và được yêu mến bởi Thiên Chúa (Lc 10:20).  Chúa Giêsu lặp lại điều này với Máctha:  “Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện.  Chỉ có một sự cần mà thôi”.

 

ii)  Một thời gian ngắn trước khi nhà thông luật đã giảm rút các điều răn xuống còn lại một:  “Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu anh em mình như chính bản thân mình vậy” (Lc 10:27).  Chỉ cần tuân giữ giới răn quan trọng này, người ta sẽ sẵn sàng hành động với tình yêu, như người Samaria tốt lành và không giống như thày tư tế hay thày phó tế Lêvi đã không làm tròn nhiệm vụ của họ (Lc 10:25-42).  Nhiều công việc phục dịch của Máctha nên được thực hiện ngay lúc bắt đầu bởi việc phục vụ duy nhất thật sự cần thiết này là lòng quan tâm yêu thương đến người khác.  Đây là phần tốt hơn mà Maria đã chọn và sẽ không bị ai lấy mất.

 

iii)  Máctha thì lo lắng về việc phục vụ (bác ái).  Bà muốn được Maria đỡ cho một tay trong việc phục vụ tại bàn ăn.  Nhưng Thiên Chúa muốn sự phục dịch nào?  Đây là câu hỏi căn bản.  Maria thì có vẻ thích hợp hơn với thái độ của Người Tôi Trung của Thiên Chúa, bởi vì, giống như Người Tôi Trung, bà hiện đang ở trong tư thế cầu nguyện trong sự hiện diện của Chúa Giêsu.  Maria không thể rời bỏ tư thế cầu nguyện trong sự hiện diện của Thiên Chúa.  Vì nếu Maria đi giúp chị thì bà sẽ không thể tìm thấy được lời an ủi để đem đến cho những người đang chán nản.  Đây là việc phục vụ thực sự mà Thiên Chúa đang đòi hỏi mọi người chúng ta.

 

c)  Phần phụ chú:

 

Một bối cảnh rộng lớn hơn về Sách Tông Đồ Công Vụ

 

Sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, các cộng đoàn được thành hình.  Họ sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề mới, bởi vì họ chưa có các giải pháp đã vạch sẵn.  Để định hướng cho mình trong việc đi tìm giải pháp cho các vấn đề, các cộng đoàn đã cố gắng nhớ những lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu để có thể mang lại cho họ một chút ánh sáng.  Do đó, cảnh cuộc việc thăm viếng của Chúa Giêsu tại nhà của các bà Máctha và Maria đã được nhắc lại và kể ra để giúp làm cho rõ vấn đề được mô tả trong sách Tông Đồ Công Vụ chương 6:1-6.

 

Sự phát triển nhanh chóng về số lượng người Kitô hữu đã tạo ra sự chia rẽ trong cộng đoàn.  Các tín hữu gốc Hy-Lạp đã bắt đầu than phiền những tín hữu gốc Do-Thái bản xứ và nói rằng các bà góa trong nhóm họ đã bị gạt sang bên lề, bị quên lãng, trong cuộc sống hằng ngày. Có sự phân biệt đối xử trong môi trường sinh hoạt cộng đoàn và người ta bị thiếu sót những dịch vụ khác nhau.  Tính đến thời điểm ấy, nhu cầu đã không được đề đạt đến những người khác trong việc phối hợp của cộng đoàn và trong việc hoàn thành các dịch vụ. Giống như ông Môisen, sau khi rời khỏi đất Ai-Cập (Xh 18:14; Ds 11:14-15), các vị Tông Đồ cũng đã phải tự mình cáng đáng mọi việc.  Nhưng với ông Môisen, bị ràng buộc bởi các sự kiện, đã chia sẻ quyền lực và triệu tập bảy mươi người lãnh đạo khác để lo cho các dịch vụ cần thiết trong số Dân Riêng Thiên Chúa (Xh 18:17-23; Ds 11:16-17).  Chúa Giêsu đã làm điều tương tự:  Người triệu tập bảy mươi hai môn đệ khác (Lc 10:1).  Bây giờ, khi đối diện với những vấn đề mới, các vị Tông Đồ cũng làm theo như vậy.  Các ông tập họp cộng đoàn lại và đặt vấn đề trước mọi người.  Không còn nghi ngờ gì, lời của Chúa Giêsu nói với Máctha đã giúp các ông đạt được một giải pháp.  Hai đoạn văn bản dưới đây có thể được đọc song song với nhau.  Bạn hãy cố gắng tìm hiểu hai đoạn này đã làm sáng tỏ cho nhau như thế nào:

 

1 Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.2 Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải.3 Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó.4 Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.”  (Cv 6:1-4)

 

38  Trong cuộc hành trình, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Máctha rước Người vào nhà mình.  39 Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người.  40  Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách, bà đứng lại thưa với Người rằng:  “Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao?  Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi với.”  41 Nhưng Chúa đáp:  “Máctha, Máctha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện.  42  Chỉ có một sự cần mà thôi.  Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất.”

Các vị Tông Đồ nhận thấy họ đang đứng giữa hai nhu cầu thiết thực, cả hai đều rất quan trọng, được xác định như sự phục vụ (bác ái):  sự phục vụ Lời Chúa và sự phục vụ bàn ăn.  Phải làm sao đây?  Trong hai việc, việc nào quan trọng hơn?  Câu trả lời của Chúa Giêsu nói với bà Máctha đã giúp các ông nhận thức được vấn đề.  Chúa Giêsu nói rằng bà Maria không thể bỏ bê việc trò chuyện với Chúa để đi phụ giúp việc trong nhà bếp.  Vì thế, Phêrô đã kết luận:  Đó là việc không chính đáng nếu chúng ta bỏ bê việc rao giảng Lời Chúa để mà đi phân phát thức ăn!  Và Phêrô xác định nhiệm vụ của các Tông Đồ là:  “họ phải tận tụy với việc cầu nguyện và công việc rao giảng Lời Chúa.”

Điều này không có nghĩa là việc phục vụ này thì xứng đáng hơn việc kia.  Điều mà không thể chấp nhận được là sứ vụ rao giảng Lời Chúa bị cản trở bởi những nhu cầu không lường trước được của việc phục dịch bữa ăn. Cộng đoàn có nhiệm vụ phải đối diện với vấn đề, phải quan tâm tới việc có đủ người cho tất cả các dịch vụ; ngược lại, vì để có thể giữ việc phục vụ Lời Chúa trong tính cách vẹn toàn của nó.  Việc phục vụ Lời Chúa đúng đắn cho các vị Tông Đồ (và với bà Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu) có hai khía cạnh:  một mặt là lắng nghe Lời Chúa, nhận lãnh, thể hiện, công bố, phổ biến Lời Chúa qua các công tác truyền giáo tích cực, và mặt khác, nhân danh cộng đoàn, đáp ứng với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, đại diện cộng đoàn trong thái độ cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa.  Đây không phải là một câu hỏi của sự đối chọi nhau giữa hai việc phục vụ:  Lời Chúa và việc bác ái.  Cả hai đều quan trọng và cần thiết cho đời sống của cộng đoàn.  Thật cần thiết để có những người sẵn sàng cho cả hai việc.  Bên cạnh đó, trong cơ cấu tổ chức của Nước Trời, việc phục vụ Lời Chúa (Việc Truyền Bá Phúc Âm) là cội rễ, là nguồn gốc.  Đó là phần tốt hơn mà bà Maria đã chọn.  Việc phục vụ nơi bàn ăn là kết quả, là hoa trái, đó là sự mặc khải của nó.  Đối với Luca và các Kitô hữu tiên khởi, “phần tốt hơn” mà Chúa Giêsu nói với bà Máctha là việc phục vụ truyền bá Phúc Âm, chính là cội rễ của tất cả các phần còn lại.

Nhà thần học Mester Eckhart, tu sĩ dòng Đa-Minh, chuyên về siêu hình của thời Trung Cổ diễn giải đoạn này một cách dí dỏm.  Ông nói rằng Máctha đã biết cách làm việc và sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Maria thì chưa biết và còn đang học hỏi.  Đây là lý do tại sao bà ấy không thể bị làm gián đoạn.  Những điều mầu nhiệm tuyệt vời là bằng chứng cho thấy rằng đoạn Tin Mừng này không thể được giải thích như là lời xác nhận về một phần của Chúa Giêsu rằng đời sống chiêm niệm thì quý giá hơn và cao cả hơn đời sống hoạt động.  Thật là không đúng nếu chúng ta tách rời hai điều này, bởi vì một việc thì được hoàn thành, được thành lập và được thực hiện rõ ràng nhờ vào việc kia.  Thánh Gioan Thánh Giá, tu sĩ dòng Cát Minh, trong hơn mười năm, ngài đi một quãng đường 27 ngàn cây số qua Tây-ban-nha.  Thánh Têrêsa thành Avila đã luôn di chuyển, rất bận rộn, vì bà là nhà sáng lập của rất nhiều tu viện.  Chính Chúa Giêsu cũng đã sống trong sự hiệp nhất sâu xa của đời sống chiêm niệm và hoạt động.

6.  Đọc lại một bài Thánh Vịnh

 

Thánh Vịnh 145 (144):  Thiên Chúa đáng được tán dương

Lạy Thiên Chúa con tôn thờ là Vua của con,
con nguyện tán dương Chúa
và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng.
Người cao cả khôn dò khôn thấu.
Đời nọ tới đời kia, thiên hạ đề cao sự nghiệp Chúa
và truyền tụng những chiến công của Ngài,
tuyên bố Ngài oai phong vinh hiển,
kể lại rằng: Ngài thực hiện những kỳ công,
bảo cho nhau: sức mạnh Ngài đáng sợ,
loan truyền rằng: Ngài cao cả lắm thay!
Nhắc nhở luôn: Ngài nhân ái vô cùng,
hoan hô Ngài công chính.
CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm bất bình và chan chứa tình thương.
CHÚA nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.

Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng,
để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.
Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.
Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.

Ai quỵ ngã, CHÚA đều nâng dậy,
kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.
Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
Khi Ngài rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.

CHÚA công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,

mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.
Kẻ kính sợ Người, Người cho toại nguyện,
nghe tiếng họ kêu than, và ban ơn giải cứu,
CHÚA gìn giữ mọi kẻ mến yêu Người,
nhưng lại diệt trừ hết bọn ác nhân.

Môi miệng tôi, hãy dâng lời ca ngợi CHÚA,
chúng sinh hết thảy, nào chúc tụng Thánh Danh
đến muôn thuở muôn đời!

7. Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

 ———————————————-

về tác giả và dịch giả: Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.

Related posts