Lectio: Chúa Nhật XIX Thường Niên (C)
Lectio: Chúa Nhật XIX Thường Niên (C)
Lời giáo huấn của Chúa Giêsu về sự tỉnh thức
Lc 12:32–48
Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, xin đổ đầy các tâm hồn trung nghĩa của Chúa.
Chúa là Đấng đã đến để làm cho chúng con trở nên trung kiên,
giờ đây xin hãy đến để cho chúng con được ơn phúc.
Chúa là Đấng đã đến, để với sự trợ giúp của Chúa,
chúng con có thể tự hào với niềm hy vọng chia xẻ
trong vinh quang của con cái Thiên Chúa,
Xin Chúa hãy ngự đến lần nữa để chúng con có thể cũng hãnh diện trong sự sở hữu ấy.
Vì chính Chúa là Đấng xác nhận, củng cố, kiện toàn và mang đến sự viên mãn.
Đức Chúa Cha đã tạo dựng nên chúng con, Đức Chúa con đã cứu chuộc chúng con:
sau đó chính Chúa là Đấng hoàn thành.
Xin hãy mở tâm trí chúng con với toàn bộ chân lý, để chúng con được tận hưởng điều tốt lành nhất,
đến trong tầm mắt của Chúa Cha, tràn đầy niềm hân hoan,
niềm vui mừng trong mọi tất cả niềm vui mừng. Amen.
(Gualtiero di S. Vittore)
1. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Ở đây chúng ta có hai bối cảnh: việc hình thành tổ chức các môn đệ trong cuộc hành trình của Chúa Giêsu đi về Giêrusalem (9:51 – 19:28) và phản ứng của các dân ngoại cải đạo trong các cộng đoàn của Luca sau sự nhiệt tình ban đầu của họ và trông ngóng sự trở lại của Chúa. Các môn đệ đã lo sợ (9:45) với ý tưởng mới về sứ vụ của Chúa Giêsu phải chịu nhiều đau khổ (9:22, 43-44); và trong lòng các ông ý tưởng an ủi về một Đấng Cứu Thế vinh quang hơn vẫn tiếp tục chi phối các ông. Một cách tương tự, trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (của thập niên 80), sự hồi sinh tinh thần tà giáo đã bắt đầu phát triển. Người ta nấn ná cho tới khi biết chắc chắn gia nhập đạo và theo đạo một cách sâu xa thì mới thay đổi cách sống và lối suy nghĩ này. Chúa Giêsu cam đoan với các môn đệ mình với ba dụ ngôn và làm cho các ông suy nghĩ về ý nghĩa gặp gỡ Thiên Chúa, về ý nghĩa của sự tỉnh thức và về trách nhiệm của mỗi người trong tình trạng hiện tại.
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
12:32-35 Lời giới thiệu
12:36-38 Dụ ngôn người chủ đi ăn cưới trở về
12:39 Dụ ngôn về kẻ trộm đào ngạch vào nhà
12:40-41 Các môn đệ bị làm liên can vào
12:42-46 Dụ ngôn về người quản lý
12:47-48 Kết luận
c) Phúc Âm:
32 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. 33 Các con hãy bán những của cải các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. 34 Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.
35 “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, 36 và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. 37 Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. 38 Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy! 39 Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. 40 Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. 41 Phêrô thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?” 42 Chúa phán: “Vậy các con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, đã đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ?” 43 Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. 44 Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. 45 Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn,” nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa, 46 chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. 47 Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Còn đày tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn.
2. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để cho Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống của chúng ta.
a) Một vài câu hỏi gợi ý
- Tôi có cảm nghĩ gì khi đọc đoạn Phúc Âm này? Lo sợ, tín thác, ngạc nhiên, hân hoan, hy vọng, hay bối rối…..?
- Đời sống Kitô hữu mang ý nghĩa của sự hân hoan nhiều hay ít đối với tôi ra sao? Và đó là một gánh nặng đến mức độ nào? Đời sống đó là vì bổn phận đến mức độ nào, và vì tình yêu đến mức độ nào?
- Tôi có cảm tưởng gì khi nghĩ đến một cái chết đến bất ngờ cho tôi?
- Đối với tôi, việc hiệp thông với Thiên Chúa đến nay vẫn là một kỳ vọng ở mức độ nào và tôi đã có những gì?
- Suy nghĩ tà đạo của “lối sống hưởng thụ qua ngày” (carpe diem), trái ngược với các giá trị của Tin Mừng, nó đang biểu hiện như thế nào ngày nay?
- Trong đời sống của tôi, sự tỉnh thức, trung tín, làm việc cho Nước Trời và chuẩn bị sẵn sàng mang ý nghĩa gì?
b) Lời chú giải:
Đây là một tín lý về sự tái quang lâm của Chúa.
12:32 Không có lý do gì phải lo sợ.
Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Khi các môn đệ đang lo sợ, Chúa Giêsu an ủi các ông với các chữ ẩn dụ đoàn chiên (Ga 10; 21:15-17) và người mục tử nhân lành. Người ta phải coi chừng các ngôn sứ giả (Mt 7:15). Ý của Chúa Cha là không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất (Mt 18:12-16), Người sẽ ban cho chúng ta tất cả (Rm 8:28-32). Một vương quốc đã được dọn sẵn cho chúng ta từ thuở tạo thiên lập địa (Mt 25:34), chúng ta là những người đồng thừa tự cùng với Con Người (1Pr 1:3-5).
12:33-34 Hôm nay chúng ta chào đón sự phong phú của việc được sở hữu Thiên Chúa, điều tốt lành duy nhất. Chỉ có Chúa thôi là quá đủ!
Các con hãy bán những của cải các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.
Chúa Giêsu đã nói chúng ta đừng dự trữ kho tàng (Mt 6:20;21). Cộng đoàn Kitô hữu đã hiểu ý nghĩa của sự tự do thanh thản khi không phải lệ thuộc vào của cải và sự chia sẻ những của cải đó (Cv 4:34) bởi vì thời giờ chẳng còn bao lâu (1Cor 7:29-31). Đời sống mới trong Chúa Kitô trở nên tiêu chuẩn cho sự sở hữu của bất kỳ của cải nào.
12:35 Cam kết hằng ngày
Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay;
Bởi vì Đức Chúa Cha đã sẵn lòng dọn sẵn cho chúng ta một vương quốc, chúng ta phải sẵn sàng để đón nhận lấy, sau khi chúng ta đã bỏ lại đằng sau mọi trở ngại. Người Do-thái thắt áo choàng của họ ở thắt lưng để có thể làm việc một cách hữu hiệu hơn. Tiên tri Êlia đã thắt lưng mình để chạy (1V 18:46). Thái độ mà Chúa Giêsu khuyên nhủ cho những ai đang mong đợi ngày Chúa quang lâm là hãy bắt tay vào làm việc và đừng biếng nhác (1Ts 5:6-8; 1Pr 5:8; 1:13). Tỉnh thức là nền tảng cho người Kitô hữu. Cách sống của người Kitô hữu thì không chỉ là một thái độ bởi vì người ấy giờ đây đã mặc lấy Đức Kitô và dành trọn cho vương quốc của Người.
12:37-38 Việc gặp gỡ Thiên Chúa sẽ tuyệt vời.
Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy!
Hành động mà người chủ đi hầu hạ các tôi tớ mình thì thật là đáng ngạc nhiên! Đây là những gì Chúa Giêsu đã làm khi Người rửa chân cho các môn đệ (Ga 13:4-5). Việc chia ban đêm ra làm nhiều phần (Mc 13:35) theo phong tục người La-mã, làm cho những người muốn tỉnh thức phải khó khăn hơn. Đối với những người hết lòng trung tín với Chúa, tương lai của họ đã được bảo đảm.
12:39 Chúng ta đừng lãng phí thời gian (và tiền bạc!) trong cố gắng tìm kiếm cho tương lai.
Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình.
Một điều lợi trong việc tỉnh thức là chúng ta không biết khi nào Chúa sẽ đến (Mt 24:42-51). Ngày phán xét chung và cả ngày chết của từng cá nhân cũng không ai biết. Ngày trở lại quang lâm của Chúa không thể đoán được (Kh 3:3). Điều này đã gây ra một ấn tượng sâu xa với các môn đệ (1Tx 2:1-2; 2Pr 3:10).
12:40-41 Tình yêu không phải là một thẻ hội viện chính thức nhưng chính là sức mạnh của chúng ta.
Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. Phêrô thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?”
Chính bản thân Phêrô vẫn còn mơ ước được hưởng một số đặc quyền bởi vì ông đã bỏ lại đằng sau tất cả mọi thứ để đi theo Chúa Giêsu (Mt 19:27). Đức Giêsu đã giúp ông Phêrô trưởng thành trong tâm thức bằng cách trả lời cách gián tiếp qua dụ ngôn về người quản lý trung tín.
Sự cải hoán là một quá trình lâu dài, cũng như vậy đối với những người cảm thấy gần gũi với Chúa.
12:42-44 Kết hợp sự tỉnh thức và trung tín trở thành nhiệm vụ được ủy thác cho chúng ta.
Chúa phán: “Vậy các con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, đã đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ?” Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình.
Luca đã dùng chữ “quản lý” thay vì “đày tớ” (Mt 24:25) gần như đề nghị cho câu hỏi của Phêrô. Những người có tinh thần trách nhiệm, nói riêng, phải trung tín trong công việc của họ.
12:45-46 Đừng làm chậm trễ việc hoán cải của chúng ta đến một ngày mai không bao giờ tới.
Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn,” nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa, chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung.
Có những người chào đón nhiệt tình Tin Mừng, nhưng bây giờ, khi phải đối diện với những khó khăn hiện tại và hệ quả của việc dấn thân, bắt đầu ngoái nhìn lại những thói tật cũ: bạo hành, quá độ, và không nghe theo lương tâm. Tất cả những giá trị trái với Tin Mừng.
12:47 Cho đi theo như mức độ mà chúng ta đã nhận.
Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn.
Chúa sẽ thưởng cho mỗi người theo như việc làm của người ấy (Mt 16:27) và theo như ân sủng nhận được (Rm 11:11-24). Người Do-Thái, dân ngoại, những người cải đạo hoặc những ai trung thành với đức tin tôn giáo của họ thì sẽ được phán xét theo như lương tâm công chính của họ.
12:48 Bởi vì điều cao quý nhất là được thông hiệp với Thiên Chúa đến muôn đời.
Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn.
Thánh Gioan Thập Giá nói rằng vào cuối cuộc đời chúng ta sẽ được phán xét dựa trên tình yêu. Xem Tin Mừng Matthêu 25:15-16
3. Thánh Vịnh 33:1-5; 13-15; 18-22
Người công chính, hãy reo hò mừng CHÚA!
Kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen.
Tạ ơn CHÚA, gieo vạn tiếng đàn cầm,
Kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt!
Nào dâng Chúa một khúc tân ca,
rập tiếng hoan hô, nhã nhạc vang lừng.
Vì lời CHÚA phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.
Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương CHÚA chan hoà mặt đất.
Từ trời cao nhìn xuống, CHÚA thấy hết mọi người.
Từ thiên cung Chúa ngự, Chúa dõi theo người thế.
Lòng mỗi người, chính Chúa dựng nên,
việc họ làm, Chúa thông suốt cả.
CHÚA để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,
hầu cứu họ khỏi tay thần chết
và nuôi sống trong buổi cơ hàn.
Tâm hồn chúng tôi đợi trông CHÚA,
bởi Người luôn che chở phù trì.
Vâng, có Người, chúng tôi mừng rỡ,
vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh.
Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy CHÚA,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.
4. Lời nguyện kết
Lạy Cha, nguyện xin cho ngọn lửa đức tin đốt cháy trong lòng chúng con cũng giống như là ngọn lửa đã thúc giục ông Abraham sống trên đời này như một khách hành hương. Nguyện xin cho ngọn đèn của chúng con không bao giờ mờ, với lòng cảnh giác trong sự trông đợi giờ Chúa đến, để chúng con có thể được Chúa đưa về quê hương vĩnh cửu của chúng con.
—————————-
Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.
dongcatminh