Mỹ thật dưới góc nhìn của L.Cadière
MỸ THUẬT HUẾ DƯỚI GÓC NHÌN CỦA LINH MỤC LÉOPOLD CADIÈRE
Phó Giáo sư Họa sĩ Vĩnh Phối
Từ năm 1900, thành lập Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (E.F.E.O), nhiều học giả của Viện đã có những đóng góp trong công cuộc nghiên cứu Khảo cổ học về thời đại Tiền sơ sử Đồ Đá và Đồ dùng Việt Nam, Mỹ thuật Việt Nam và Champa v.v…
Các học giả như các Ông Mansuy, Paul Lesvy, Pajot, d’Argence, Parmentier, Goloubew, Anderson, Olof Jansé, Heine Geldern v.v… đã phổ biến trên tập san của Viện Viễn Đông Bác Cổ (B.E.F.E.O).
Năm 1913, Hội những người bạn Cố đô Huế được thành lập, LM. Cadière là người chủ biên – Tổng biên tập của Tạp chí B.A.V.H, đồng thời là một cộng tác viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Ngài Cadière là một học giả uyên thâm Văn hóa Tây-Đông, hiểu biết nhiều ngôn ngữ; tuy ngài thấm nhuần tư tưởng Ky-tô giáo Augustin của một giáo sĩ Hội thừa sai Paris, song ngài thông hiểu sâu rộng về Nho học, Phật học và Lão học.
Đặc biệt ngài là người yêu Huế, là một học giả uyên bác theo chủ nghĩa nhân bản với quan điểm nhận định tương đối khách quan thuần túy văn hóa, khác hẳn với một số học giả khác người Pháp có tư tưởng thực dân!
Trên lĩnh vực mỹ thuật, ngài là người đầu tiên và là người quan tâm nhất đến Văn hóa Nghệ thuật Cố đô Huế, với mong muốn “cứu vãn nền mỹ thuật ấy ra khỏi sự lãng quên”. Những công trình nghiên cứu tiêu biểu của ngài về khái quát Mỹ thuật ở Huế và những kiểu thức trang trí Huế đã xuất bản ở Tập san những người bạn Cố đô Huế năm 1919.
Đây là những công trình đầu tiên nghiên cứu về Mỹ thuật ở Huế, làm cơ sở cho những Nhà nghiên cứu Mỹ thuật học của Pháp và Việt Nam sau này tham khảo và phát triển.
Với phương pháp nghiên cứu khoa học tổng hợp, so sánh quy nạp, với kiến thức uyên bác của một học giả phương Tây, với góc nhìn xuất phát từ Mỹ thuật Hy Lạp, La Mã, Phục Hưng – Cổ điển ở Châu Âu cũng như những ý niệm tư tưởng tượng trưng biểu tượng trong Nho, Lão, Phật của phương Đông trong nền Mỹ thuật Trung Hoa, Nhật Bản.
Thông qua những công trình nghiên cứu trên, ngài Cadière đã đề cập khái quát Mỹ thuật ở Huế và đặc biệt trong nghiên cứu này, ngài đã chú trọng tính chất, yếu tố trang trí hơn nghệ thuật tạo hình.
Ngài chưa có điều kiện nghiên cứu những công trình Kiến trúc Cố đô Huế như đền đài, miếu điện, lăng tẩm và mỹ thuật dân gian: Chùa chiền, am miếu và các chất liệu phong phú trong trang trí Huế như: Khảm sành sứ thủy tinh màu (vì từ thời Khải Định mới phát triển cũng như về nghệ thuật Pháp lam Huế là 2 chất liệu độc đáo của Mỹ thuật Huế, cũng như đúc đồng, trang trí phù điêu trên Cửu đỉnh có tính hiện thực đã xuất hiện về sau trong Tập san những người bạn Cố đô Huế của những học giả khác kế tục).
Thật sự trang trí kiến trúc – trang trí nội thất và các vật dụng đã tô điểm không gian làm đẹp nội ngoại thất của các công trình kiến trúc Cung đình Huế, làm hài hòa thiên nhiên và con người ở Cố đô Huế.
Tính tư tưởng ngài đã chú trọng Nho học chủ đạo trong Mỹ thuật Huế đồng thời Lão giáo và Phật học.
Thật sự Mỹ thuật Huế chịu ảnh hưởng của Trung Hoa là tất yếu, cũng như các Mỹ thuật Nhật Bản, Triều Tiên. Vì ngày xưa Việt Nam đồng văn tự Trung Hoa cũng như phương Tây văn minh nghệ thuật đều có nguồn gốc La – Hy.
Ngài cũng chưa đề cập đến tính tâm linh của Mỹ thuật Huế vì người phương Tây khác người phương Đông đặc biệt là người Việt Nam.
Về tâm thức nghệ sĩ nghệ nhân Việt Nam, ngài đã đề cập rất nhiều; vì ngày xưa phương Đông mà đặc biệt ở Huế và Việt Nam trình độ hiểu biết kiến thức có hạn, ngoại trừ những thợ cả uyên thâm Nho, Phật, Lão đã biểu hiện trong tính biểu hiện tượng trưng, biểu tượng Mỹ thuật Huế thường thiếu sự sáng tạo, luôn chịu ảnh hưởng sâu đậm những mẫu mực công thức của Mỹ thuật Trung Hoa. Nhưng những nghệ nhân Việt Nam đã có những biến hóa do tâm hồn người Việt, nghệ nhân Huế nên đã tạo dựng được những bản sắc Mỹ thuật Huế.
Thực sự ở phương Đông, những công trình nghệ thuật thường khuyết danh ngoại trừ ở Trung Hoa và Nhật Bản còn để lại tên tuổi của các danh họa.
Trong khi đó người phương Tây như từ thời kỳ Hy Lạp, La Mã đã có những tên tuổi của các nhà kiến trúc sư, nhà điêu khắc, họa sĩ danh tiếng và như thời Phục Hưng có những nhà nghệ sĩ vĩ đại như: Michelangelo, Leonado da Vinci, Rafael.
Thực sự ở Việt Nam ta cũng có những người tài giỏi, ví dụ công trình Sư Nguyên An bị nhà Minh bắt qua Tàu đã tham gia nhiều công trình ở Cố cung Bắc Kinh, Di Hòa Viên đã làm quan dưới 5 triều vua Nhà Minh.
Về lãnh vực trang trí, những kiểu thức trang trí từ thời Hy Lạp Hóa đã ảnh hưởng sâu đậm trong các kiểu thức trang trí các nước Âu Châu. Ngày xưa chưa nghiên cứu sâu về tính dân tộc, tính độc đáo của Mỹ thuật Huế và Việt Nam. Nay đã phát hiện nhiều sự độc đáo của Việt Nam và Huế nói riêng, như Ngọ Môn Huế khác Thiên An Môn của Trung Quốc – Cửu đỉnh Huế khác với Cửu đỉnh thời Thương Chu.
Những con rồng Lý – Trần – Lê – Nguyễn khác những con rồng Trung Hoa, Nhật Bản, Phương Tây v.v…
Thật sự công trình nghiên cứu của ngài Cadière ra đời vào nửa thế kỷ XX. Thời điểm đó những công trình kiến trúc Cố đô Huế tương đối còn nguyên vẹn ngoại trừ nhiều báu vật, cổ vật bị thực dân Pháp cướp đoạt khi xâm lược vào Kinh đô Huế năm 1885.
Đấy là một điều thuận lợi để ngài Cadière nghiên cứu kỹ lưỡng và với sự hợp tác của một số họa sĩ như Ông Nguyễn Văn Nhơn, Trần Phềnh, Tôn Thất Sa và Lê Văn Tùng đạt họa rất tinh tế tỉ mỉ như chúng ta đã thấy trong những Tập san những người bạn Cố đô Huế mãi đến năm cuối cùng 1944.
Nhận định của ngài Cadière rất đúng nền Mỹ thuật Huế có tính chất trang trí, nên công trình nghiên cứu ban đầu này chủ yếu là đề cập đến Mỹ thuật trang trí ở Huế.
Về Mỹ thuật trang trí Huế, ngài rất chú trọng đến nội dung ý nghĩa, chủ đề tư tưởng, tính biểu trưng, tính biểu hiện của các kiểu thức trang trí như: Tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng; Những thú vật: Dơi, Cá, Hổ, Sư tử v.v… Những kiểu thức Bát Bửu, Nho, Phật, Lão; Những hồi văn kiểu thức Kỷ hà, Hồi văn chữ Hán như Phước, Lộc, Thọ, chữ “A”, chữ Công, chữ Vạn…
Những kiểu thức Tứ thời, Tứ Quý, Tứ Hữu, Bát quả và những họa tiết Hoa, Lá, Chim muông.
Trên những trang trí bích họa hay tranh phong cảnh theo quy ước của Nghệ thuật Trung Hoa về Chim với Hoa – Mai + Điểu – Mai + Hạc – Lan + Bướm – Tùng + Nai v.v… Hầu như các kiểu thức đều là ước mơ, chúc tụng Hạnh phúc, an lạc, giàu sang, phú quý.
Ngài Cadière cũng đã nêu những đặc trưng của trang trí Huế: Mang tính cách điệu cao, khái quát cao, song ít tính hiện thực, đặc biệt là sự biến thể như vật linh Rồng, Lân, Quy, Phụng cùng Mai, Lan, Cúc, Trúc, Sen – như Rồng Trúc, Rồng Mai, Phụng-Lan-Rùa-Sen – Rồng Tùng v.v… Đây là đặc trưng sáng tạo của các nghệ nhân Huế, ở miền Bắc ít tìm thấy. Ngài cũng cho rằng về tỷ lệ con người thiếu chuẩn về giải phẫu học. Mỹ thuật ở Huế về con người mang tính dân gian không chuẩn mực song trong mỹ thuật miền Bắc đặc biệt tượng dân gian ở đình chùa những hình tượng ngô nghê, mộc mạc hồn nhiên lại có giá trị thẩm mỹ.
Trong công trình nghiên cứu về Mỹ thuật ở Huế và những kiểu thức trang trí Huế của ngài Cadière chỉ là mở đầu, gợi mở cho những nhà nghiên cứu, học giả về sau triển khai và tiếp tục nghiên cứu như:
Các học giả Pháp đã nghiên cứu như: M.Bernanose – đã viết Les Arts décoratifs au Tonkin 1922, xuất bản ở Paris – Hà Nội – Laurent (những nghệ thuật trang trí ở Bắc Kỳ); L.Bezacier (Art Vietnamien – Mỹ Thuật Việt Nam), xuất bản ở Paris.
Nhiều học giả thường đánh giá Mỹ thuật Huế và Việt Nam nói chung thường có ấn tượng Mỹ thuật Việt Nam là hậu duệ, đàn em của Mỹ thuật Trung Hoa.
Thật sự Mỹ thuật ở Huế và Việt Nam đã biết tiếp thu và Việt Nam hóa các nền nghệ thuật khác nhau do con người-nghệ sĩ-nghệ nhân Việt Nam có tâm linh và tâm hồn Việt Nam hay Huế đã phản ánh được tính dân tộc tạo nên bản sắc văn hóa vùng miền ở Việt Nam.
Mỹ thuật Huế đã tiếp thu và kế thừa từ thời đại tiền sử trong nền Mỹ thuật Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh và các Triều đại Lý, Trần, Lê đến thời các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong của nền Mỹ thuật Chàm và Phương Tây rất sớm. Trang trí các vạc đồng có từ người Bồ Đào Nha như De La Crux và của Pháp, kiểu thức Vauban trong kiến trúc ngoài sự ảnh hưởng của Trung Hoa, Ấn Độ, Chàm.
Nhưng Mỹ thuật trang trí Huế có bản sắc độc đáo đã để lại trong di sản đồ sộ về kiến trúc Mỹ thuật. Ngày nay được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa của nhân loại.
Tóm lại, trên góc nhìn tuy trên khía cạnh có tính chất trang trí Huế, nhưng với quan điểm có tính nhân bản, ngài Cadière là học giả uyên thâm đã có công rất lớn về sự đóng góp cho nền Mỹ thuật Huế và văn hóa Huế nói chung.
Chúng ta nên trân trọng giá trị của những công trình nghiên cứu của ngài đã để lại về Mỹ thuật học.