Metanoia theo thánh Phaolô
Đức Cha Vinh-sơn Nguyễn Văn Bản
Anh em thân mến,
Chủ đề của tuần thường huấn này là « Métanoia : Hành trình về với Chúa ». Nếu hiểu từ Métanoia theo nghĩa thông thường là « thay đổi ý kiến, hoán cải », chủ đề này gợi lên cho chúng ta một định hướng rõ nét : trên con đường về với Chúa, con người cần biết điều chỉnh không ngừng những suy nghĩ, lựa chọn của mình, cho phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Sự điều chỉnh này có thể chỉ là một sự thay đổi trong nhận thức[1], nhưng đôi khi sự điều chỉnh đòi hỏi người đón nhận phải thay đổi cả quan niệm sống, cắt đứt với quá khứ, để sống cuộc sống mới[2]. Để có được sự điều chỉnh quan niệm sống hoặc niềm tin một cách dứt khoát, cần phải có ơn Chúa và tấm lòng biết lắng nghe chân thành của người đón nhận. Kinh nghiệm cũng cho thấy rằng sự điều chỉnh này cần phải được thực hiện trong suốt cả cuộc đời, bời vì bản tính tội lỗi của xác thịt nơi con người hoán cải luôn tìm cách thỏa hiệp với khuynh hướng chiều theo ý mình hơn là sống theo ý Chúa.
Trong bài thuyết trình ngắn này, chúng ta sẽ tìm hiểu về « métanoia nơi thánh Phaolô », và bởi vì thời gian không cho phép trình bày nhiều khía cạnh về vấn đề này, chúng ta sẽ tập trung tìm hiểu về kinh nghiệm bản thân của vị Tông Đồ Dân Ngoại về sự hoán cải.
1/ Bối cảnh mở đường cho sự hoán cải
Trong các thư của thánh Phaolô, chúng ta có thể tìm thấy bản văn Gl 1, 11-24 như là lời tự thuật về ơn gọi của ngài. Sau khi khẳng định Tin Mừng mình rao giảng là do chính Chúa Giê-su mạc khải, chứ không phải do bất kỳ ai truyền lại, thánh Phaolô nhắc lại cho cộng đoàn biết cuộc sống của ngài trước và sau khi gặp gỡ Đức Kitô như thế nào.
Thánh Phaolô giới thiệu về mình : « Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo do-thái : tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. » (c. 13). Điều này được kiểm chứng trong TĐCV, khi thánh Luca kể về hoàn cảnh của Giáo Hội sơ khai (8, 1-3) hay kể về cuộc trở lại của Phaolô (9, 1-2 ; 22, 4-5 ; 26, 9-11). Theo cách trình bày của Luca, thái độ hăng say bắt bớ người tín hữu của Phaolô được thúc đẩy do sự trung thành với Lề Luật, nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa (22, 3) và tìm mọi cách để chống lại danh Giê-su, người Nadareth (26, 9).
Tại sao sự nhiệt thành phục vụ Chúa và trung thành với Lề Luật lại đẩy Phaolô đến thái độ « chống lại danh Giê-su, người Nadareth » ? Chúng ta nghe Phaolô tự giới thiệu : « Trong việc giữ đạo do-thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi : hơn ai hết tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông» (Gl 1,14). Trong lời ngỏ với những người do-thái tại Giê-ru-salem đang tìm cách loại trừ mình, thánh Phalô nói : « Tôi là người do-thái, sinh ở Tarsô miền Kilikia, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này ; dưới chân ông Gamaliel, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay ». (22, 3). Dựa trên những chi tiết này, chúng ta có thể vẽ nên bức tranh về cuộc đời của thánh Phaolô trước khi gặp Chúa Giê-su Phục Sinh như sau.
Phaolô được sinh ra trong một gia đình do-thái truyền thống ở Tarse, miền Kilikia, thuộc quyền đế quốc La-mã, nằm ngoài lãnh thổ Palestine. Để bảo đảm cho Phaolô được giáo dục trong truyền thống pharisiêu chính thống, gia đình của Phaolô, cũng giống như những gia đình do-thái đang sống ở hải ngoại mà có điều kiện, đã gởi ông về Giê-ru-salem theo học với thầy Gamaliel (Cv 5, 34-39). Không biết là Phaolô theo học ở Giê-ru-salem vào thời điểm nào, nhưng có lẽ ông không có mặt ở Palestine trong thời gian Chúa Giê-su đi rao giảng công khai, và khi ông trở lại Giê-ru-salem thì Giáo Hội đã phát triển một cách mạnh mẽ (Cv 6, 7). Ông xuất hiện lần đầu tiên trong sách TĐCV vào lúc người ta ném đá Stêphanô và được coi như là đồng tình với hành vi giết người vô tội này (7, 58 ; 8, 1).
Bởi vì không được tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giê-su, cũng như không có mối tương quan mật thiết với các môn đệ, nên những điều Phaolô biết về nhân vật này là qua cách trình bày của nhóm lãnh đạo do-thái và nhóm pharisiêu chống đối lại Tin Mừng. Người ta gán cho Chúa Giê-su các tội : làm điều ác (Ga 18, 30), « tự xưng làm vua » (Ga 18, 33-37), « tự xưng là Con Thiên Chúa » (Ga 19, 7). Những điều tố cáo Chúa Giê-su trước mặt Philatô dịch chuyển từ lãnh vực luân lý, đến chính trị, rồi bước sang lãnh vực tôn giáo. Việc Chúa Giê-su mạc khải mình là Con Thiên Chúa (Ga 5, 18, 20 ; 10, 33) bị coi như là một sự phạm thượng, và theo Luật thì phải chịu án tử (Lv 24, 16). Tin đồn được các Thượng Tế tung ra sau khi Chúa Giê-su sống lại (Mt 28, 11-15) cũng một phần nào củng cố lập trường của những kẻ loại trừ Người.
Có lẽ cách trình bày của những người lãnh đạo do thái, mà phần lớn là những người thuộc phái pharisiêu, đã ảnh hưởng rất nhiều đến người thanh niên đầy nhiệt huyết với Lề Luật này. Vì thế, Phaolô đã có thái độ « chống lại Danh Giê-su, Người Nadareth » để bảo vệ Lề Luật. Ở đây, chúng ta thấy là Phaolô không chống lại Giê-su, vì người này đã chết, nhưng chống lại những người rao giảng nhân Danh Giê-su, nghĩa là các môn đệ của Người. Và Phaolô đã tham dự vào cuộc ném đá Stêphanô.
Cái chết của Êtiên đã để lại trong Phaolô nhiều câu hỏi và nhiều điều chuẩn bị cho ngài đón nhận niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Sự trái nghịch giữa điều người ta tố cáo Êtiên[3] và thái độ của người môn đệ trước những lời vu cáo bất công là một điểm đáng suy nghĩ. Đọc lại bài diễn từ của Êtiên trước Thượng Hội Đồng, chúng ta thấy lời tố cáo này không đúng sự thật; vì từ 7, 2 đến 7, 50, Êtiên chỉ tóm lại lịch sử của dân Chúa qua cách trình bày của sách Xuất Hành; còn từ câu 51 đến 53, Êtiên họa lại lời của các tiên tri lên án thái độ cứng lòng của những người lãnh đạo do-thái. Trong toàn bộ diễn từ này, không có điểm nào xúc phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật như lời người ta tố cáo ngài. Hơn nữa, ngài còn được thấy vinh quang Thiên Chúa và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Đây có thể là một thị kiến hoặc cũng có thể là một cuộc thần hiển. Chắc chắn là những người căm ghét Êtiên không thấy được cảnh tượng này nên họ căm tức lôi ông ra ngoài thành và ném đá. Nhưng về phần Phaolô, ông có thấy điều gì khác lạ không ? Hơn nữa, thái độ của Êtiên khi bị ném đá chứng minh là sự vu cáo và sát hại của những kẻ ghét ngài là vô lý : ngài kêu Tên Cực Trọng Chúa Giêsu và xin Chúa Giêsu đừng chấp tội những người đó. Có kẻ gian ác nào mà dám coi thường cái chết của mình vì vinh quang của Thiên Chúa không ? Có kẻ xấu nào mà lại xin ơn tha thứ cho những kẻ làm hại mình không ? Cái chết của Êtiên vừa là dịp đẩy người thanh niên còn giữ thái độ thụ động trong cuộc hành hình đến thái độ bách hại khốc liệt những người mang Danh Giê-su ; vừa là dịp để Phaolô suy nghĩ về nhân vật Giê-su, kẻ bị những người lãnh đạo do-thái coi là đã chết, nhưng các môn đệ của Người thì lại bảo là vẫn còn đang sống. Lời cầu nguyện của Êtiên trước khi chết « Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con » là lời khấn xin với một Đấng đang hiện diện, chứ không phải là một người đã chết.
2/ Gặp gỡ Đấng Phục Sinh, tác nhân của sự hoán cải
Sự thay đổi cuộc sống của thánh Phaolô bắt nguồn từ sự gặp gỡ với Đức Kitô Phục Sinh trên đường Damas. Theo sách TĐCV, trên đường gần đến Damas, ngài đã thấy một luồng sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy mình, và làm ông ngã xuống đất. Trong ánh sáng này, có tiếng nói gọi đích danh và chất vấn ông : «Sa-un, Sa-un, tại sao người bắt bớ Ta ? » Rồi Đấng ấy giới thiệu mình : « Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ » (9, 5). Sự xuất hiện của Chúa Giê-su Phục Sinh làm cho Phaolô choáng ngợp. Một người tưởng đã chết, thì nay lại xuất hiện như Đấng có uy quyền. Một Đấng được các môn đệ tin là Con Thiên Chúa lại tự đồng hóa mình với những người tín hữu nhỏ bé khốn cùng đang bị truy đuổi.
Đức Kitô Phục Sinh đã hiện ra với Phaolô. Đây là điều không thể giải thích và cũng không thể chối cãi được. Nếu Người đang còn sống, thì niềm tin của những người môn đệ thật có lý. Và từ đó, ông bắt đầu đặt lại vấn đề con đường ông đang đi, những điều ông đã nhân danh để loại trừ danh Giê-su, về con người Chúa Giê-su và niềm tin của các môn đệ. Trong khi bị giằng co và phải tìm hiểu lại ý nghĩa của những vấn đề liên quan đến đời sống tôn giáo của mình, Phaolô vẫn có một lập trường rất rõ rệt : « Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên, cũng chẳng lên Giê-ru-salem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ả-rập, rồi lại trở về Damas » (Gl 1, 16-17).
« Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên », trong bản văn hy-lạp viết « Tôi không chạy theo thịt và máu », lối nói của người do-thái diễn tả con người chỉ biết dựa vào sức lực của riêng mình (x. Mt 16, 17 ; 1 Co 15, 50). Dựa theo sức riêng mình nghĩa là dựa vào cách suy nghĩ, tình cảm của mình, xem cách đánh giá của mình là tiêu chuẩn. Trong trường hợp một người tìm mọi cách biện minh cho hành động của mình hơn là tìm hiểu chân lý, người đó sẵn sàng tiếp tục chống đối cho đến cùng. Trường hợp của những người do-thái tìm mọi cách để loại trừ Chúa Giê-su chứng minh cho điều này. Dẫu cho được thấy những dấu lạ Chúa làm, họ không ngần ngại gán cho Người nhờ tay quỉ vương Bêelzêbul hơn là nhận ra quyền năng của Thiên Chúa đang hiện diện trong Đức Giê-su. Trường hợp của Phaolô thì khác. Ông không bám chắc vào thái độ chống đối của mình, nhưng cần phải để cho chân lý được tỏ hiện. Vì thế, sau khi nghỉ ngơi một thời gian, ông đã đi đến vùng sa mạc Ả-rập. Chính trong không gian yên lặng của sa mạc mà Phaolô có dịp nghiềm ngẫm ý nghĩa của cuộc gặp gỡ trên đường Damas, nhìn lại cuộc đời mình, và khám phá ra điều mà mình cần hoán cải.
Trong bản tự thuật, thánh Phaolô coi sự mạc khải của Chúa Giê-su Phục Sinh trên đường Damas như là biểu hiện của sự lựa chọn « tiền định » và ân sủng của Chúa : « Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người » (Gl 1, 15). Đọc lại những biến cố xảy ra trong cuộc đời mình dưới sự hướng dẫn của đức tin giúp Phaolô hiểu được rằng mình đã được yêu thương và tuyển chọn vào ơn gọi tiên tri (Is 49, 1 ; Jr 1, 5). Tình yêu thương Chúa dành cho ông được diễn tả qua việc « mạc khải Con của Người » và sai đi « loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại » (Gl 1, 16).
Qua lời tự thuật của thánh Phaolô, chúng ta thấy có sự chuyển dịch căn bản. Lòng trung tín với Lề Luật được thay thế bằng lòng yêu mến Chúa Giê-su. Nếu trước kia Lề Luật là trung tâm đời sống và là niềm kiêu hãnh của người pharisiêu nhiệt thành, thì nay Chúa Giê-su Phục Sinh mới là lời giải thích tròn đầy cho tất cả Lề Luật. Cách trình bày về « Bài Giảng Trên Núi » của thánh sử Matthêu trong các chương 5-7 cũng giúp chúng ta hiểu được cảm nghiệm này[4]. Chính sự gặp gỡ với Đấng Phục Sinh đã làm cho Phaolô tin vào Người, và nhờ niềm tin này ông có thể hiểu được ý nghĩa của Lề Luật, của mầu nhiệm con người trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa.
Tin vào Chúa Giê-su, Phaolô không hoàn toàn cắt đứt với quá khứ, nhưng ngài giống như « người chủ nhà kia biết lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ » (Mt 13, 52). Lòng nhiệt thành với Lề Luật vẫn tiếp tục thể hiện trong lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng Chúa Giê-su. Thái độ hăng say truyền giáo cho người do-thái lẫn dân ngoại chứng minh điều này. Xem lại bản đồ của các hành trình truyền giáo của ngài, có lẽ không ai trong số các Tông Đồ có thể theo kịp.
Sự hiểu biết về Lề Luật giúp ngài khám phá ra vai trò của Chúa Giê-su trong lịch sử cứu độ được mạc khải cho dân thánh. Đọc lại lý luận của ngài trong thư Rôma, từ chương 1 đến hết chương 8, chúng ta thấy được cách ngài vận dụng sự hiểu biết về Lề Luật để trình bày giá trị đức tin vào Chúa Giê-su của người kitô hữu, dẫu cho người đó có nguồn gốc do-thái hay hy-lạp. Cách giải thích luật của rabbin do-thái giúp ngài lý luận vững vàng để hệ thống hóa những điều phải tin và làm chứng cho điều mình rao giảng. Điều quan trọng là ngài biết phân biệt rõ ràng giữa điểm chính và những điểm phụ tùy trong niềm tin vào Chúa Giê-su để được ơn cứu rỗi[5].
Là một người do-thái đạo đức, Phaolô không còn coi trọng những yếu tố dành riêng của dân thánh, nhưng ưu tiên cho việc kết hợp với Đức Kitô : « Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người » (Ph 3, 7-9). Đức Kitô trở thành tiêu chuẩn hướng dẫn hành động cho vị Tông Đồ. Vì thế, trong khi đi rao giảng, điều ngài quan tâm không phải là do-thái hay hy-lạp, nhưng là sự gắn bó với Chúa Giê-su và thay đổi đời sống cho phù hợp với Tin Mừng.
Ơn được biết Chúa Giê-su mời gọi Phaolô sống tâm tình hoán cải và thi hành sứ vụ. Sau khi được Khanania đặt tay chữa lành, « Phaolô ở lại Damas mấy hôm, rồi lập tức ông bắt đầu rao giảng Đức Giê-su trong các hội đường rằng Người là Con Thiên Chúa » (Cv 9, 19-20). Khi làm chứng rằng Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, Phaolô không chỉ nói lên niềm tin vào Người, mà còn muốn cho mọi người biết rằng cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh đã làm thay đổi cuộc đời của ông. Chính Chúa Giê-su đã làm cho cuộc đời của ông có ý nghĩa, và vì thế, ông quyết tâm gắn bó với Người, trở nên giống Người. Trong khi đi rao giảng Tin Mừng, thánh Phaolô cũng cố gắng chia sẻ kinh nghiệm mà mình có được qua sự gặp gỡ với Đức Kitô, và ngài cũng ao ước mọi người sống tâm tình yêu mến như thế.
Anh em thân mến,
Chuẩn bị bước vào Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vatican II và 20 năm công bố sách Giáo Lý Công Giáo, những người mục tử trong Giáo Hội cũng cần phải biết đọc, học hỏi và đào sâu các văn kiện trên, để cũng giống như « người chủ nhà kia biết lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ » làm mới lại đức tin và ý nghĩa đời sống dâng hiến của mình, và nhờ đó giúp cho cộng đoàn có được đời sống đức tin vững mạnh và theo đúng đường hướng của Tin Mừng. Điều chỉnh cái nhìn mỗi ngày dựa trên sự hiểu biết Tin Mừng và đường hướng của Giáo Hội luôn là lời mời gọi tha thiết đối với các vị mục tử. Biến cố Damas vẫn còn tiếp tục xảy ra trong cuộc sống hôm nay, nếu chúng ta biết khiêm tốn mở lòng lắng nghe.
[1] Đóng khung cách hiểu trong Lề Luật hay xem Lề Luật là nơi Thiên Chúa mạc khải. Những người pharisiêu coi Lề Luật như là tiêu chuẩn để đánh giá Đấng Mêsia, các môn đệ hiểu Lề Luật dưới sự hướng dẫn của Chúa Giê-su.
[2] Vd. Từ bỏ ngẫu tượng quay về tôn thờ và phục vụ một mình Thiên Chúa.
[3] Hoï ñöa maáy ngöôøi chöùng gian ra khai raèng: “Teân naøy khoâng ngöøng noùi nhöõng lôøi phaïm ñeán Nôi Thaùnh vaø Leà Luaät. Vì chuùng toâi ñaõ nghe haén noùi raèng Gieâ-su ngöôøi Na-da-reùt seõ phaù huyû nôi naøy vaø thay ñoåi nhöõng tuïc leä maø oâng Moâ-seâ ñaõ truyeàn laïi cho chuùng ta.” (Cv 6, 13-14)
[4] Công thức “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết… »
[5] Vấn đề cắt bì hay không cắt bì cho anh em ngoại giáo, ăn của cúng…