Lectio Divina 

Lectio: Chúa Nhật Lễ Lá (C)

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu:

Khi tình yêu đi đến điểm cuối cùng

Lc 22:14-23,56

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Thánh Thần,

đã được ban xuống thế gian bởi cái chết của Chúa,

xin hãy hướng dẫn chúng con chiêm niệm và hiểu được

con đường thập giá của Đấng Cứu Độ chúng con

và tình yêu mà Người đã đi trên con đường này.

Xin hãy ban cho chúng con đôi mắt và trái tim của những người thật sự tin vào Chúa,

Để chúng con có thể cảm nhận được

Mầu nhiệm vinh quang của thập giá.

“Nhờ cây thập giá, qua đó chúng con không còn phải lang thang trong sa mạc,

Bởi vì chúng con đã biết con đường chân chính;

Chúng con không còn sống bên ngoài nhà của Thiên Chúa, Vua của chúng con,

Bởi vì chúng con đã tìm thấy lối vào;

Chúng con không con sợ những ngọn giáo ngụt cháy của quỷ dữ,

Bởi vì chúng con đã tìm thấy được suối nước.

Nhờ Người, chúng con không còn đơn côi,

Bởi vì chúng con đã tìm lại được người phối ngẫu;

Chúng con không còn lo sợ thế gian,

Bởi vì giờ đây chúng con đã tìm được vị Mục Tử Nhân Lành.

Nhờ cây thập giá

Những bất công của kẻ quyền thế không làm chúng con sợ hãi nữa,

Bởi vì chúng con được ngồi vào cùng bàn với Đấng Quân Vương” (trích thánh Gioan Kim Khẩu).

2.  Bài Đọc 

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

lelaBối cảnh phụng vụ:  truyền thống cổ xưa của việc rao giảng Tin Mừng về cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu Kitô trong dịp cử hành ngày Chúa Nhật trước lễ Phục Sinh, quay ngược thời gian khi việc cử hành Tuần Thánh bị giảm tới mức tối thiểu.  Mục đích của bài đọc là để hướng dẫn người nghe chiêm niệm về mầu nhiệm cái chết để chuẩn bị cho sự phục sinh của Chúa và vì thế, đó là điều kiện mà người tín hữu tham gia vào “cuộc sống mới” trong Đức Kitô.  Tập quán của việc đọc bài Tin Mừng dài này chia thành nhiều đoạn, không những chỉ giúp cho bài đọc bớt phần đơn điệu để tạo điều kiện cho việc chăm chú lắng nghe, mà cũng để bao gồm cả cảm xúc thông phần của người nghe, gần như làm cho họ cảm thấy hiện diện và dự phần trong bài tường thuật.

Hai bài đọc trước bài Phúc Âm của Chúa Nhật tuần này giúp chúng ta với lời giải thích đưa ra một quan điểm nhất định về văn bản:  Người Tôi Tớ của Đấng Gia-Vê là Đức Giêsu, Chúa Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng mà qua cái chết nhục nhã của Người, đi vào vinh quang của Thiên Chúa Cha và thông hiệp chính sự sống mình với những ai lắng nghe và tiếp nhận Người.

Bối cảnh Tin Mừng:  Ai cũng biết rằng trọng tâm môi trường văn học mà các sách Tin Mừng được viết là Lễ Vượt Qua của Chúa:  cuộc thương khó, cái chết và sự sống lại của Người.  Vì vậy, chúng ta có ở đây một văn bản cổ đại và đồng nhất trong cấu trúc văn học của nó, dù rằng nó đã được viết qua một quá trình từ từ.  Tuy nhiên, tầm quan trọng của nó thì tột bực:  trong đó chúng ta được biết sự kiện căn bản của đức tin Kitô giáo, điều mà mọi tín hữu phải đối diện và tuân theo (mặc dù văn bản phụng vụ của Chúa Nhật tuần này kết thúc với việc mai táng của Chúa Giêsu).

Như thường lệ, Luca chứng tỏ là một người kể chuyện hiệu quả và tinh tế, là người để ý đến các chi tiết và có khả năng làm cho độc giả có ý niệm đại cương về cảm xúc và động lực nội tâm của các nhân vật chính, hơn hết cả là Đức Giêsu.  Sự đau khổ khủng khiếp và bất công mà Chúa Giêsu gánh chịu được gạn lọc qua thái độ bất di bất dịch của lòng thương xót đối với tất cả mọi người, ngay cả những kẻ bắt bớ và sát hại Người.  Một số những người này đã xúc động vì cách Người đối diện với sự thống khổ và cái chết, đến nỗi mà họ cho thấy dấu hiệu của niềm tin vào Người:  sự đau khổ của cuộc thương khó được trở thành dịu dàng bởi quyền năng tình yêu Thiên Chúa của Đức Giêsu.

Trong bối cảnh của sách Tin Mừng thứ ba, Chúa Giêsu đi vào Thành Thánh chỉ một lần:  thời điểm quyết định đối với lịch sử nhân loại của Đức Kitô và cho lịch sử ơn cứu độ.  Toàn bộ quyển sách Tin Mừng của Luca cũng giống như sự chuẩn bị lâu dài cho các sự kiện vào những ngày cuối cùng mà Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, rao giảng và hoạt động tại những thời điểm thậm chí một cách quy mô (đặc biệt là việc xua đuổi những kẻ buôn bán trong Đền Thờ 19:45-48), vào những lúc khác thì một cách bí ẩn hoặc trong một phong cách trêu chọc (đặc biệt là câu trả lời liên quan đến việc nộp thuế cho Xêsarê, 20:19-26).  Chẳng phải là việc tình cờ mà Thánh Sử lại xếp đặt nhiều sự kiện và lời nói cùng với nhau trong những ngày cuối cùng này trong khi các sách Phúc Âm Nhất Lãm khác thì đặt những nơi khác trong đời sống công khai của Chúa Giêsu.  Tất cả những điều này xảy ra trong khi mưu đồ của các thượng tế trong xứ ngày càng phức tạp ly kỳ và trở nên hiển nhiên hơn bao giờ hết, cho đến khi Giuđa cho họ một cơ hội bằng vàng và bất ngờ (22:2-6).

Trong giai đoạn cuối cùng và dứt khoát này của cuộc đời Chúa, vị Thánh Sử thứ ba đã sử dụng các thuật ngữ khác nhau như “ra đi” hay là “cuộc xuất hành” (9:31), “đi lên” (9:51) và “hoàn tất” (13:32).  Do đó, thánh Luca hướng dẫn chúng ta tìm hiểu, trước sự việc, làm thế nào giải thích cái chết khủng khiếp và nhục nhã của Đức Kitô là Đấng mà họ đã giao phó cuộc đời họ:  Người hoàn tất một giai đoạn đau đớn và khó hiểu, nhưng “cần thiết” trong chương trình cứu rỗi (9:22; 13:33; 17:35; 22:37) để mang lại thành công (“hoàn thành”) cuộc hành trình của Người hướng tới vinh quang  (xem 24:26; 17:25).  Cuộc hành trình này của Đức Giêsu là khuôn mẫu cho cuộc hành trình phải đạt được bởi mỗi môn đệ của Người (Cv 14:22).

b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:

Câu chuyện bữa tiệc ly:  từ câu 22:7 đến câu 22:38;

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Vườn Giệtsêmani:  từ câu 22:39 đến câu 22:46;

Việc bắt giữ và trình tự với người Do Thái:  từ câu 22:47 đến câu 22:71;

Việc xử án trước tổng trấn Philatô và vua Hêrôđê:  từ câu 23:1 đến câu 23:35;

Bản án, việc đóng đinh và cái chết:  từ câu 23:26 đến câu 23:49;

Các sự kiện sau cái chết:  từ câu 23:50 đến câu 23:56. 

c) Tin Mừng:  

Câu chuyện bữa tiệc ly

14 Đến giờ, Chúa Giêsu vào bàn ăn với mười hai tông đồ 15 và bảo các ông: “Thầy đã tha thiết ước ao ăn Lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu khổ nạn. 16 Thầy bảo các con, Thầy sẽ chẳng bao giờ ăn lễ này nữa, cho đến khi lễ này được thực hiện trong nước Thiên Chúa”. 17 Rồi Người cầm chén, tạ ơn và phán: “Các con hãy lãnh nhận chén này mà chia cho nhau: 18 Thầy bảo cho các con biết: Thầy sẽ không uống thứ nho này nữa cho đến khi nước Thiên Chúa đến!” 19 Đoạn Người cầm bánh và tạ ơn, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Này là Mình Ta hiến ban vì các con, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. 20 Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén mà phán: “Chén này là Tân ước trong Máu Ta sẽ đổ ra vì các con. 21 Vả lại này tay kẻ nộp Ta đang ở gần Ta, ngay trên bàn này. 22 Đành rằng Con Người sẽ ra đi như đã được ấn định, nhưng vô phúc cho kẻ nộp Người!” 23 Bấy giờ các ông bắt đầu hỏi nhau xem ai trong nhóm họ là kẻ làm điều đó.

24 Giữa các ông cũng xảy ra một cuộc tranh giành xem ai trong họ được coi là cao trọng hơn hết. 25 Nhưng Người bảo: “Vua chúa các dân ngoại thì thống trị dân, và những kẻ có quyền hành trên dân thì bắt dân gọi mình là ân nhân. 26 Phần các con, thì không như thế, vì ai cao trọng hơn các con thì hãy trở thành như người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu, hãy trở thành như người hầu bàn. 27 Vì người ngồi ăn và kẻ hầu hạ, ai trọng hơn, nào chẳng phải là người ngồi ăn ư? Thế mà Thầy, Thầy ở giữa các con như người hầu hạ. 28 Còn các con, các con đã kiên trì với Thầy trong các cơn gian nan của Thầy, 29 và Thầy xếp đặt nước trời cho các con như Cha Thầy đã xếp đặt cho Thầy, 30 để các con sẽ được ăn uống đồng bàn trong nước Thầy, và được ngồi trên toà xét xử mười hai chi tộc Israel!”

31 Rồi Chúa nói: “Simon, Simon, này ma quỷ đã đòi sàng các con như sàng gạo, 32 nhưng Ta đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin. Và phần con, khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin”. 33 Ông thưa Người: “Lạy Thầy, con sẵn sàng theo Thầy, dù vào tù hay đi chịu chết”. 34 Nhưng Người đáp: “Phêrô, Thầy bảo cho con biết: hôm nay khi gà chưa gáy, con đã chối rằng không biết Thầy”. 35 Và Người bảo các ông: “Khi Thầy sai các con đi không mang theo túi tiền, không bị, không giày dép, nào các con có thiếu thốn sự gì không?” Các ông thưa:  “Không thiếu gì cả”. 36 Vậy Người nói: “Nhưng bây giờ ai có túi tiền, hãy cầm lấy, ai có bị, cũng hãy làm như vậy, và ai không có gươm, thì hãy bán áo choàng mình mà mua lấy gươm. 37 Vì Thầy bảo các con hay: còn điều này chép về Thầy cũng cần phải được ứng nghiệm: ‘Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác’. Vì mọi điều đã chép về Thầy phải được hoàn tất”. 38 Các ông thưa Người:  “Thưa Thầy, này có hai thanh gươm đây”. Và Người bảo: “Đủ rồi”.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Vườn Giệtsêmani

39 Đoạn Người ra đi lên núi cây ôliu như thường lệ. Các môn đệ cũng đi theo Người. 40 Đến nơi, Người bảo các ông: “Các con hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ”. 41 Rồi Người đi xa các ông một quãng bằng ném một hòn đá và quỳ gối cầu nguyện rằng: 42 “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cất chén này xa con. Nhưng xin đừng theo ý con muốn, một theo ý Cha”. 43 Bấy giờ có thiên thần từ trời hiện ra an ủi Người. 44 Và lâm cơn hấp hối, Người cầu nguyện thiết tha hơn, và mồ hôi Người chảy ra như những giọt máu rơi xuống đất. 45 Cầu nguyện xong, Người đứng dậy, trở lại chỗ các môn đệ, và thấy các ông còn đang ngủ vì buồn sầu. 46 Người liền bảo: “Các con ngủ ư? Hãy dậy và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ”.

Việc bắt giữ và tố tụng của người Do Thái

47 Người còn đang nói, thì này đây một lũ đông, và một người trong nhóm Mười Hai là Giuđa dẫn đầu. Hắn lại gần Chúa Giêsu để hôn Người. 48 Chúa Giêsu bảo hắn: “Giuđa, ngươi lấy cái hôn để nộp Con Người ư?” 49Thấy các sự sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi:  “Thưa Thầy, chúng con có nên dùng gươm mà chém không?” 50 Và một người trong các ông chém tên đầy tớ thầy thượng tế đứt tai phải. 51Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo: “Thôi, đủ rồi”.  Và Người sờ vào tai người đầy tớ ấy mà chữa cho y lành lại.52 Rồi Chúa Giêsu bảo các kẻ đến bắt Người gồm các thượng tế, trưởng vệ binh đền thờ và kỳ lão rằng: “Các ngươi cầm gươm giáo gậy gộc đi bắt Ta như bắt tên cướp ư? 53 Hằng ngày Ta ngồi trong đền thờ giữa các ngươi mà các ngươi không bắt Ta. Nhưng đây là giờ của các ngươi và của quyền lực tối tăm”.

54 Chúng liền bắt Người và điệu tới nhà thầy thượng tế. Còn Phêrô đi theo xa xa. 55 Họ đốt lửa ngay giữa sân và ngồi vòng quanh, Phêrô cũng ngồi lẫn với họ. 56 Một đứa đầy tớ gái thấy ông ngồi gần lửa, thì nhìn kỹ ông và bảo: “Cả ông này cũng theo hắn”. 57 Nhưng ông chối và nói:  “Này chị, tôi đâu quen biết người ấy”. 58 Một lát sau, có người khác nhìn ông và nói:  “Chính ông cũng là người trong bọn đó”.  Nhưng Phêrô đáp: “Này anh, đâu có phải tôi”. 59 Chừng một giờ sau, một người khác lại quả quyết rằng: “Đúng ông này cũng theo người ấy: vì ông ta cũng là người xứ Galilêa”. 60 Phêrô đáp: “Này anh, tôi không biết anh muốn nói gì?” Khi ông còn đang nói, thì lập tức gà liền gáy. 61 Chúa Giêsu quay lại nhìn Phêrô. Bấy giờ Phêrô mới sực nhớ lời Chúa đã bảo ông trước: Khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần. 62 Phêrô liền ra ngoài và khóc lóc thảm thiết.

63 Những kẻ canh giữ người, nhạo cười và đánh đập Người. 64 Chúng che mặt Người, vả mặt mà hỏi Người rằng: “Hãy đoán xem ai đánh ngươi đó”. 65 Và chúng còn thốt ra nhiều lời khác nhục mạ Người.

66 Vừa sáng ngày, các kỳ lão trong dân, các thượng tế và các luật sĩ hội lại và cho điệu Người ra trước công nghị mà nói: 67 “Nếu ông là Đấng Kitô, hãy nói cho chúng tôi hay”. Người trả lời: “Tôi có nói, các ông cũng chẳng tin tôi, 68 và nếu tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời và cũng chẳng tha tôi. 69 Nhưng từ giờ đây, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng”. 70 Mọi người đều hỏi lại: “Vậy ông là Con Thiên Chúa ư?” Người đáp: “Các ông nói đúng, Ta là Con Thiên Chúa”. 71 Bấy giờ họ nói: “Chúng ta còn cần chứng cớ chi nữa? Vì chính chúng ta cũng nghe y nói”.

Việc xử án trước tổng trấn Philatô và vua Hêrôđê

Đoạn tất cả bọn họ đứng dậy và giải Người đến Philatô. Họ bắt đầu tố cáo Người rằng:  “Chúng tôi đã thấy người này xúi giục dân nổi loạn, ngăn cản nộp thuế cho Cêsarê, và còn tự xưng là Kitô Vua”. Philatô hỏi Người:  “Ông là Vua dân Do Thái ư? Người trả lời:  “Chính ngài nói đó.” Philatô bảo các thượng tế và đám đông rằng: “Ta không thấy người này có tội gì”. Nhưng họ cố nài rằng:  “Người này đã làm náo động dân chúng, giảng dạy khắp xứ Giuđêa, bắt đầu từ Galilêa đến đây”.

Philatô vừa nghe nói đến Galilêa, liền hỏi cho biết có phải đương sự là người xứ Galilêa không. Và khi đã biết Người thuộc thẩm quyền Hêrôđê, quan liền sai giải Người cho Hêrôđê cũng có mặt tại Giêrusalem trong những ngày ấy. Hêrôđê thấy Chúa Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu, ông ao ước thấy Người, bởi đã nghe nói về Người rất nhiều, và hy vọng xem Người làm một vài phép lạ. Nhà vua hỏi Người rất nhiều lời, nhưng Người không đáp gì hết. 10 Trong khi ấy, các thượng tế và luật sĩ ở đó tố cáo Người dữ dội. 11 Còn Hêrôđê cùng các quan lính thì khinh dể và nhạo báng Người, đoạn khoác cho Người một cái áo choàng trắng và gởi trả Người cho Philatô. 12 Chính ngày đó, Hêrôđê và Philatô trở thành bạn hữu, vì trước kia họ là thù địch với nhau.

13 Bấy giờ Philatô triệu tập các thượng tế, các thủ lãnh và dân chúng lại, 14 rồi bảo họ: “Các ngươi đã nộp cho ta người này như một kẻ xúi giục dân làm loạn, nhưng đây ta đã tra xét trước mặt các ngươi, và ta không thấy người này phạm tội nào trong những tội các ngươi tố cáo. 15 Cả vua Hêrôđê cũng thấy như vậy, vì ta đã cử các ngươi đến nhà vua và nhà vua cũng không thấy có chi đáng tội chết cả. 16 Vậy ta sẽ cho sửa phạt, rồi tha đi”.

18 Mỗi dịp lễ, quan tổng trấn phải phóng thích cho họ một người tù. Vậy toàn dân đồng thanh kêu lên: “Hãy giết người này, và tha Baraba cho chúng tôi”. 19 Tên này vì dấy loạn trong thành và giết người, nên đã bị tống ngục. 20 Nhưng Philatô muốn tha Chúa Giêsu, nên lại nói với dân chúng. 21 Nhưng chúng càng la to hơn và nói:  “Hãy đóng đinh nó, hãy đóng đinh nó vào thập giá!” 22 Lần thứ ba, quan lại nói với dân chúng:  “Người này đã làm gì xấu? Ta không thấy nơi ông ấy có lý do để lên án tử hình. Vậy ta sẽ trừng phạt, rồi tha đi”. 23Chúng lại la lớn tiếng, nhất định đòi đóng đinh Người vào thập giá, và tiếng la hét của chúng càng dữ dội hơn. 24 Philatô liền tuyên án theo lời chúng yêu cầu. 25 Vậy quan phóng thích tên đã bị cầm tù vì dấy loạn và giết người, là kẻ mà chúng đã xin tha, còn Chúa Giêsu thì quan trao phó để mặc ý chúng.

Bản án, việc đóng đinh và cái chết

26 Khi điệu Người đi, chúng bắt một người xứ Xyrênê, tên Simon, ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác thập giá theo sau Chúa Giêsu. 27 Đám đông dân chúng theo Người, có cả mấy người phụ nữ khóc thương Người.28 Nhưng Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại bảo họ rằng: “Hỡi con gái Giêrusalem, đừng khóc thương Ta, hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi. 29 Vì này, sắp đến ngày người ta sẽ than rằng: “Phúc cho người son sẻ, phúc cho những lòng không sinh nở và những vú không nuôi con”. 30 Bấy giờ người ta sẽ lên tiếng với núi non rằng: “Hãy đổ xuống đè chúng tôi”, và nói với các gò nổng rằng: “Hãy che lấp chúng tôi đi”. 31 Vì nếu cây tươi còn bị xử như vậy, thì gỗ khô sẽ ra sao?”

32 Cùng với Người, chúng còn điệu hai tên gian ác nữa đi xử tử. 33 Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu và một đứa bên tả Người. 34 Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”.  Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. 35 Dân chúng đứng đó nhìn xem, và các thủ lãnh thì cười nhạo Người mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”. 36Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống 37 và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. 38 Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người này là vua dân Do-thái”.

39 Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng:  “Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. 40 Đối lại, tên kia mắng nó rằng:  “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao. 41 Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn Ông này, Ông có làm gì xấu đâu?” 42 Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. 43 Chúa Giêsu đáp: “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

44 Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. 45 Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa. Lúc đó Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha”. Nói đoạn, Người trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

47 Thấy sự việc xảy ra, viên sĩ quan ca tụng Thiên Chúa rằng:  “Ông này quả thật là người công chính”. 48 Và tất cả dân chúng có mặt thấy cảnh tượng đó, và chứng kiến những sự việc xảy ra, liền đấm ngực trở về. 49Đứng xa xa, có những kẻ quen biết Người, và mấy phụ nữ đi theo Người từ xứ Galilêa, họ cũng chứng kiến.

Các sự kiện sau cái chết

50 Tuy nhiên, có một công nghị viên tên là Giuse, ông quê ở thành Arimathia trong xứ Giuđêa, người tốt lành và công chính. 51 Ông này đã không đồng ý với mưu toan và hành động của các công nghị viên khác, chính ông cũng trông đợi nước Chúa. 52 Ông đến gặp Philatô và xin xác Chúa Giêsu. 53 Đoạn ông hạ xác Người xuống, liệm trong khăn và táng trong mồ đã đục sẵn, nơi chưa táng xác ai. 54 Hôm đó là ngày chuẩn bị và sắp bước sang ngày Sabbát. 55 Trong khi đó, những người phụ nữ đã đi với Người từ xứ Galilêa, cũng theo đến xem mồ và xác Người được táng như thế nào. 56 Rồi các bà về sửa soạn thuốc thơm và dầu thơm. Nhưng trong ngày Sabbát, các bà nghỉ theo đúng luật.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để cho Lời Chúa có thể thấm nhập vào lòng chúng ta và chiếu soi trên đời sống chúng ta.

5.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm và cầu nguyện cá nhân.

a)  Vào cuối bài đọc dài này, những cảm giác nào đang xâm chiếm hồn tôi:  đó có phải là cảm giác thở ra nhẹ nhõm vì bài đọc đã kết thúc, hay sự ngưỡng mộ đối với Chúa Giêsu, đau đớn cho nỗi đau của Người, vui mừng vì ơn cứu độ đã hoàn thành, hay là cảm giác nào khác?

b)  Tôi đọc lại bài đọc và đặc biệt chú ý đến phương cách mà những “kẻ quyền thế” đã ứng xử:  các kỳ lão, các Luật Sĩ và Biệt Phái, tổng trấn Philatô, vua Hêrôđê.  Tôi nghĩ gì về họ?  Tôi nghĩ mình sẽ suy nghĩ, hành động, nói năng và quyết định như thế nào nếu tôi ở trong hoàn cảnh của họ?

c)  Tôi đọc lại bài Thương Khó một lần nữa, và lần này, chú ý đến hành vi của “những kẻ nhỏ bé”:  các môn đệ, dân chúng, những cá nhân, các người phụ nữ, những người lính và những người khác.  Tôi nghĩ gì về họ?  Tôi sẽ hành xử, suy nghĩ và nói năng như thế nào nếu tôi ở trong hoàn cảnh của họ?

d)  Cuối cùng, tôi nhìn lại phong cách cư xử trong đời sống hằng ngày của tôi.  Tôi có thể nhận ra mình gần giống với nhân vật chính hoặc nhân vật phụ nào?   Tôi muốn mình được đồng hóa với nhân vật nào đây?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc 

Cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề. 

Lời bình luận về văn bản với sự nhấn mạnh đặc biệt trên một số điểm chính: 

22:14:  Đến giờ, Chúa Giêsu vào bàn với mười hai tông đồ:  Mặc dù Luca đang viết cho một cộng đoàn Kitô hữu hầu hết có nguồn gốc là dân ngoại, nhưng ông nhấn mạnh rằng bữa tiệc ly của Chúa Giêsu là một phần nghi thức lễ vượt qua của người Do Thái.  Ngay trước bữa ăn, ông mô tả việc chuẩn bị (các câu 7-13).

22:15:  Thầy đã ao ước được ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu khổ nạn:  Câu này gợi nhớ lại lời trong chương 12:50:  “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (xem Ga 12:32).  Luca cho chúng ta một tia sáng vào chiều kích nội tâm của Chúa Giêsu khi Người đang chuẩn bị để chịu khổ nạn và chịu chết:  điều mà đã thúc đẩy Người là, cũng như luôn luôn đối với Người, sự chọn lựa triệt để tuân theo thánh ý của Chúa Cha (xem 2:49), nhưng trong những lời này chúng ta thấy thoáng qua có một sự mong mỏi rất con người vì tình huynh đệ, vì sự chia sẻ và vì nghĩa bằng hữu.

22:17:  Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn:  Chúng ta chưa hẳn đã tiến đến chén Thánh Thể, mà chỉ đến bốn chén rượu đầu tiên được uống tại bữa ăn lễ vượt qua.

22:18:  Thầy bảo cho các con biết:  Thầy sẽ không uống thứ rượu nho này nữa cho đến khi nước Thiên Chúa đến: Đây là điều ám chỉ rõ ràng lần thứ hai nói về cái chết gần kề của Người.  Đó là một sự lặp lại của lời công bố liên quan đến cuộc thương khó (9:22,44; 12:50; 18:31-32) và, giống như những lần khác, nó ám chỉ đến sự phục sinh.  Tuy nhiên, lời công bố, thậm chí ở thời điểm nghiêm trọng hơn hết, vẫn chứa đựng những gợi ý cho sự hy vọng và niềm kỳ vọng cánh chung, cùng với điều chắc chắn rằng Chúa Cha sẽ không bỏ rơi Người cho cái chết.  Đức Giêsu nhận thức được những gì Người phải đối mặt, nhưng lại khá thanh thản, nội tâm thư thái, chắc chắn về số phận sau cùng của mình và về kết quả cuối cùng của những gì Người sắp sửa trải qua.

22:19-20:  câu chuyện về việc lập Phép Thánh Thể thì khá tương tự như câu chuyện được nói đến ở trong thư của thánh Phaolô (1Cr 11:23-25) và có một nhân vật hy sinh được nhắc tới:  Đức Giêsu hiến ban thân mình, không phải là tế vật, như một của lễ cho những ai tin vào Người.

22:21:  Ngay trên bàn này với Ta, này tay kẻ đang nộp Ta:  cùng ăn với Người, Chúa Giêsu cho phép ngay cả Giuđa được tham gia vào việc hiệp thông với Người, nhưng Người biết rõ rằng người môn đệ này sắp sửa nộp Người một cách thẳng tay.  Sự tương phản thì rất rõ ràng và được cố ý xếp đặt bởi Thánh Sử, cũng như ở những nơi khác trong đoạn Tin Mừng này.

22:28:  Các con đã kiên trì với Thầy trong các gian nan của Thầy:  không giống như Giuđa, các môn đệ khác “đã kiên trì với Đức Giêsu trong lúc Người bị luận án”, bởi vì các ông đã ở lại với Người ít ra là cho đến lúc này.  Khi ấy, Chúa thừa nhận rằng họ đã đạt đến cao điểm về sự hiệp thông với Người để xứng đang được hưởng vinh dự đặc biệt trong vinh quang của Chúa Cha (câu 29).

Sau đó, chính Đức Giêsu đã tạo ra sự tương đương mật thiết giữa việc hiệp thông liên tục của các môn đệ Người (cho những người bấy giờ và cho cả những người ngày nay) với sự khổ nạn của Người và sự chia sẻ cuối cùng và vĩnh cửu trong vinh quang của Người (“ăn và uống”, câu 30).

22:31-37:  Simon, Simon!  Này ma quỷ đã đòi sàng các con như sàng gạo; nhưng Ta đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin:   Đoạn này dường như được trích từ một bối cảnh khác.  Lời Chúa Giêsu nói về Satan và hành động của Người đối với các môn đệ gợi nhớ lại những gì Thánh Sử đã nói liên quan đến nguyên nhân gây ra sự phản bội của Giuđa (22:3) và gần như song song với quan điểm của Luca về cuộc thương khó như là sự tấn công cuối cùng của Satan chống lại Chúa Giêsu (xem 4:13; 22:53).

Ông Phêrô thì được che chở khỏi cạm bẫy của những cám dỗ qua lời cầu nguyện của chính Chúa Giêsu và bởi vì ông đã quyết tâm làm môn đệ Chúa, cũng bởi vì ông có một sứ vụ đặc biệt đối với các anh chị em mình trong đức tin (câu 32b).  Chúa Giêsu vội vàng cảnh báo ông:  đối với ông, cũng như đối với các môn đệ khác, cuộc thương khó khủng khiếp của Chúa Giêsu sẽ đòi hỏi họ một cuộc chiến đấu khó khăn chống lại Satan và nhiều cuộc mai phục mà, trong nhiều hình thức khác nhau, sẽ tấn công các môn đệ, những người sẽ được gần gũi với Chúa Giêsu trong các giai đoạn khác nhau của cuộc thương khó (các câu 35-36) về sự việc của cuộc xử án kinh hoàng mà Người sẽ phải chịu đựng (câu 37); những lời cuối này một cách rõ ràng nói đến văn bản trong sách tiên tri Isaia liên quan đến “Người Tôi Tớ phải đau khổ” (Is 53:12), Đấng mà Chúa Giêsu được xác định rõ ràng.

22:33-34:  Lạy Thầy… con sẵn sàng theo Thầy, dù vào tù hay đi chịu chết…  Phêrô, Thầy bảo cho con biết, hôm nay khi gà chưa gáy thì con sẽ chối Thầy ba lần rằng con không biết Thầy:  Phêrô là một người hào phóng, cũng là người thiếu kiên nhẫn, như chúng ta thấy trong lời nói của ông, dường như để nài ép Chúa Giêsu nói cho ông biết về lời phủ nhận.  Như trong các câu 24-27, các thày cả của cộng đoàn Kitô hữu đã phải đối diện với trách nhiệm của họ là “các tôi tớ” của đức tin các anh chị em giao phó cho họ, cho nên giờ đây họ được nhắc nhở về nhiệm vụ của họ là phải cẩn trọng và cảnh giác đối với bản thân và các khuyết điểm của mình.

22:39-46:  câu chuyện về nỗi thống khổ đạo đức-tinh thần trong vườn Giệtsêmani theo sát với văn bản của sách Tin Mừng Máccô (14:32-42), ngoại trừ một số chi tiết, đặc biệt là những chi tiết đề cập đến việc có thiên thần hiện ra an ủi Người (câu 43).

Thời điểm khó khăn và nguy hiểm nhất trong đời của Người đang đến gần, Chúa Giêsu tăng thêm lời cầu nguyện.  Như Luca cho biết, vườn Giệtsêmani như “thường lệ” (câu 37) là nơi mà Chúa Giêsu thường trú qua đêm (21:37).

22:47-53:  cuộc thương khó thực sự bắt đầu với việc bắt giữ Chúa Giêsu.  Đoạn này trình bày các sự kiện sau đây như là “giờ của quyền lực tối tăm” (câu 53) và cho thấy Chúa Giêsu như là Đấng vượt qua và sẽ chiến thắng bạo lực bằng sự kiên nhẫn và khả năng yêu thương ngay cả với những kẻ bách hại mình (câu 51); đó là lý do tại sao những lời buồn bã nhưng yêu thương Chúa nói với Giuđa lại nổi bật lên:  “Giuđa, ngươi lấy cái hôn để nộp Con Người ư?” (câu 48).

22:54-71:  Việc tố tụng của người Do Thái không tiến triển trong đêm đó.  Không có điều gì được nói về việc Chúa Giêsu bị xem như là tù nhân cho đến buổi sáng.  Việc thiếu các tin tức liên quan đến Chúa Giêsu trong thời gian ngay sau khi bị bắt cho đến khi bắt đầu vụ án là sự tiêu biểu Phúc Âm Luca.

22:60-62:  Phêrô đáp: “Này anh, tôi không biết anh muốn nói gì”…  Chúa Giêsu quay lại nhìn Phêrô và Phêrô mới sực nhớ lời Chúa Giêsu đã bảo…  Và Phêrô liền ra ngoài khóc lóc thảm thiết:  hai ánh mắt nhìn chạm nhau, những người biết bằng cách nào chúng đã xảy ra trong lúc bối rối của đêm đen vô tận ấy, đánh dấu thời khắc khi Phêrô trở nên ý thức:  bất kể lời tuyên bố dũng cảm về lòng trung thành của mình, ông nhận ra những gì Đức Giêsu đã bảo cho ông biết trước đó không lâu.  Trong cái nhìn ấy, Phêrô trực tiếp trải nghiệm lòng thương xót của Chúa mà ông đã được nghe Đức Giêsu nói đến: nó không dấu diếm được thực tế của tội lỗi, nhưng chữa lành và đem người ta trở lại một nhận thức đầy đủ về tình trạng của họ và về tình yêu của Thiên Chúa dành riêng cho họ.

22:70-71: Vậy ông là Con Thiên Chúa ư?… Các ông nói đúng Ta là Con Thiên Chúa…  Chúng ta còn cần chứng cớ chi nữa?  Vì chính chúng ta cũng nghe y nói:  việc tố tụng của người Do Thái chính thức bắt đầu vào tảng sáng của ngày hôm đó (câu 66) và tập trung vào việc tìm kiếm chứng cớ (có một số sự thật, trong sách Luca, nhưng có thể xem trong sách Máccô 14:55-59) để đưa ra bản án tử hình cho Chúa Giêsu.  Sau đó, theo Tin Mừng Luca, các thượng tế người Do Thái đã không trưng ra những lời chứng dối, nhưng – ngay cả trong ác cảm dã man của họ đối với Chúa Giêsu – họ cư xử với Người trong một phong cách có phần nào hợp pháp.

Để trả lời một cách tích cực cho câu hỏi “Vậy ông là Con Thiên Chúa ư”, Chúa Giêsu cho thấy rằng Người hoàn toàn ý thức về phẩm giá thiêng liêng của mình.  Qua sự nhận thức này, nỗi đau khổ, cái chết và sự phục sinh của Người là nhân chứng hùng hồn cho ý muốn nhân từ của Chúa Cha đối với nhân loại.  Tuy nhiên, như vậy Người “ký tên” vào chính bản án tử hình của mình:  đó là một sự báng bổ làm ô uế Danh Thánh và rất Đấng Gia-Vê bởi vì Người dõng dạc tuyên bố một cách rõ ràng là “Con Thiên Chúa”.

23:3-5:  “Ông là Vua dân Do Thái ư?…  Chính ngài nói đó…  Người này đã làm náo động dân chúng với lời giảng dạy của ông ta:  chúng ta đang chuyển từ một quá trình pháp lý của người Do Thái sang của người La Mã:  các trưởng lão người Do Thái giao nộp người bị kết án cho quan tổng trấn để ông ta có thể thi hành bản án và, để trình cho quan một lý do khả tín, họ “khai thác” các vận động về bản án của họ, trình bày chúng trong màu sắc chính trị.  Như vậy, Chúa Giêsu bị tố cáo như người làm náo động dân chúng và toan tính lật đổ vương triều nhà Israel (mà lúc ấy chỉ là một dĩ vãng và hoàn toàn hư danh).

Các phương cách được dùng bởi Chúa Giêsu để thực hiện tội ác của Người, như có cơ hội, là lời giáo huấn của Người:  những lời của sự hòa bình và lòng thương xót mà Người lan truyền rộng rãi giờ đây được sử dụng để chống lại Người!

Chúa Giêsu xác nhận lời buộc tội, nhưng có điều chắc chắn rằng Người đã không bị buộc tội về việc mưu đồ tìm kiếm vị thế hoàng tộc, mà chỉ là một trong những phản ảnh về bản tính Thiên Chúa của mình.  Tuy nhiên, về điều này thì chính Philatô hoặc những kẻ khác cũng không thể hiểu được.

23:6-12:  Quan liền sai giải Người cho Hêrôđê:  Có lẽ qua trực giác Philatô cảm nhận rằng họ đang cố gắng chơi một “thủ thuật bẩn” với ông, vì vậy ông ta có lẽ cố gắng lánh xa phạm nhân bằng cách viện dẫn việc tôn trọng thẩm quyền:  Chúa Giêsu đến từ một xứ, mà vào lúc thời điểm lịch sử đó, không thuộc trách nhiệm của người La Mã mà thuộc về vua Hêrôđê Antipát.

Vua Hêrôđê thì được trình bày trong các sách Phúc Âm như một người khá mơ hồ:  ông ta ngưỡng mộ và cùng lúc lại có ác cảm với Gioan Tiền Hô, bởi vì vị tiên tri này đã lên tiếng khiển trách về tình trạng hôn nhân của ông ta, đó là tình trạng bất thường và gần như là loạn luân, và cuối cùng thì vị tiên tri đã bị bắt và sau đó bị xử tử như không phải chặt đầu một nhân vật bất hạnh trước mặt các quan khách dự tiệc (3:19-20; Mc 6:17-29).  Sau đó ông ta ao ước gặp gỡ Đức Giêsu vì tính hiếu kỳ, bởi vì ông ta đã nghe nói về tiếng tăm của Chúa như người làm nhiều phép lạ, và ông ta dàn dựng chuyện tố tụng chống lại Người (câu 10).  Vua đích thân tra hỏi Chúa Giêsu, nhưng khi ấy – trước sự im lặng bướng bỉnh của Chúa Giêsu (câu 9) – đã bỏ mặc Người cho sự nhạo báng của các quân lính, như đã xảy ra vào đoạn cuối của cuộc thượng hội đồng (22:63-65) và như sẽ xảy ra khi Chúa Giêsu bị đóng đinh (các câu 35-38).  Cuối cùng nhà vua gởi trả Chúa Giêsu lại cho Philatô.

Luca kết thúc cảnh này với một ghi chú thú vị:  Philatô tỏ cử chỉ bắt đầu tình bạn hữu với Hêrôđê.  Những chi tiết tình huống nói lên một cách rõ ràng về sự trong sáng của động lực cho tình bằng hữu này.

23:13-25:  Các ngươi đã nộp cho ta người này…  như một kẻ xúi giục; …ta không thấy người này phạm tội nào trong những tội các ngươi tố cáo:  như ông ta đã nghi ngờ từ buổi gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giêsu (câu 4) và như ông sẽ lặp lại sau đó (câu 22), Philatô tuyên bố Người vô tội.  Ông ta cố gắng thuyết phục các trưởng lão và dân chúng hãy tha cho Chúa Giêsu, nhưng họ đã quyết định rằng Người phải chết (các câu 18, 21, 23) và khăng khăng về bản án tử hình.

Bản chất cuộc thẩm vấn của quan tổng trấn là gì?  Không nhiều, theo như một ít câu nói mà Luca thuật lại (câu 3). Tuy nhiên, Chúa Giêsu trả lời một cách tích cực cho Philatô, tuyên bố mình là “vua dân Do Thái”!  Vào lúc này, rõ ràng là Philatô đã không coi Chúa Giêsu như là một người nguy hiểm cho lãnh vực chính trị, cũng chẳng cho trật tự công cộng, có lẽ bởi vì phong thái lời tuyên bố của Chúa Giêsu đã cho thấy là không có gì nghi ngờ về những lãnh vực này.

Mực đích của Thánh Sử thì khá rõ ràng trong đó ông tìm cách làm giảm bớt trách nhiệm của quan tổng trấn La Mã.  Tuy nhiên, sau đó dựa theo các dữ liệu lịch sử thì được biết ông ta là “một người không nhân nhượng và, ngoài tính kiêu ngạo, khó khăn thì ông ta chỉ có khả năng tống tiền, bạo lực, cướp bóc, tàn bạo, tra tấn, hành quyết không cần xử án, đáng sợ và độc ác vô hạn” (Philo Alexandria) và rằng “ông ta ưa khiêu khích các dân tộc được trao phó cho ông ta, đôi khi bằng sự thô lỗ và vào những thời điểm khác thì bằng cách trấn áp hà khắc (Josephus Flavius).

23:16,22:  Vậy ta sẽ cho sửa phạt, rồi tha đi… :  thực tế là Đức Giêsu đã được xem như là vô tội đáng lẽ được tha khỏi bị “sự trừng phạt” nặng nề, bắt phải chịu như vậy chẳng qua là để không làm thất vọng các trưởng lão người Do Thái.

23:16,18,25:  Hãy giết nó đi!  Và tha Baraba cho chúng tôi!  Quan phóng thích người đã bị cầm tù vì dấy loạn và giết người, và trao Chúa Giêsu cho chúng để mặc ý chúng:  cuối cùng, Philatô hoàn toàn nhượng bộ trước lời kêu cầu van lơn của các trưởng lão, cho dù quan không hề tuyên bố một bản án chính thức nào về Chúa Giêsu.

Baraba, một tên thực sự phạm pháp và dấy loạn chính trị, vì thế trở thành kẻ thứ nhất được cứu rỗi (ít ra là vào thời điểm đó) bởi sự hy sinh của Chúa Giêsu.

23:26-27:  Họ bắt một người xứ Xyrênê, tên là Simon, ở ngoài đồng về, và chúng bắt ông vác thập giá theo sau Chúa Giêsu.  Đám đông dân chúng đi theo Người, có cả mấy người phụ nữ khóc thương Người:  Simon và những người phụ nữ không chỉ là những người được ưu tiên làm nhân chứng về cuộc thương khó, mà trong sách Tin Mừng Luca, họ còn là những mẫu mực cho tình đồ đệ, những người cho độc giả thấy cách để đi theo Chúa trong hành động.  Ngoài ra, nhờ họ và nhờ đám đông dân chúng, Chúa Giêsu đã không cô độc khi Người tiếp cận vời cái chết, mà được bao quanh bởi những người thân cận sâu xa và tình cảm gắn bó với Người, dù rằng họ cần phải hoán cải, một vấn đề mà Người nhắc nhớ họ mặc dù tình trạng khủng khiếp của Người (các câu 28-31).

Simon xứ Xyrênê đã “bị bắt”, nhưng Luca không nói rằng ông đã ngại ngùng để giúp Chúa (xem Mc 15:20-21).

“Đám đông dân chúng” thì cũng khá tham gia vào những gì đang xảy ra cho Chúa Giêsu.  Điều này tương phản gay gắt với đàm đông mà, trước đó không lâu, đã đòi hỏi Philatô tuyên án tử hình Chúa.

23:34:  Lạy Cha, xin tha cho chúng; vì chúng không biết việc chúng làm:  Luca cho thấy mối quan tâm chính của Chúa chịu đóng đinh, Đấng mặc dù đang trong cơn đau đớn thể xác cách dã man bởi việc đóng đinh vào thập giá, đã cầu nguyện cho họ với Chúa Cha:  Người đã không màng tới tình trạng của chính mình hay là tới những nguyên nhân lịch sử đã tạo ra tình trạng ấy, mà chỉ chú trọng tới sự cứu rỗi của cả nhân loại.  Thánh Stêphanô tử đạo sẽ hành động giống như Ngài (Cv 7:60), để cho thấy đặc tính kiểu mẫu về sự sống và cái chết của Đức Giêsu vì sự tồn tại của mọi Kitô hữu.

Để nhấn mạnh đến xu hướng mạnh mẽ này của Chúa Giêsu, Luca bỏ qua tiếng than ai oán được ghi lại qua các sách Phúc Âm Nhất Lãm khác:  “Lạy Chúa con, lạy Chúa con, sao Chúa đành bỏ rơi con?”

23:33,39-43:  Chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp… Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin Ngài hãy nhớ đến tôi…  Quả thật, Ta bảo ngươi…  ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta:  cuộc đối thoại với một trong hai kẻ đồng chịu án của mình là một sự tiêu biểu phương cách Luca hiểu biết về cái chết của Đức Giêsu:  một hành động tự hiến mình cho tình yêu và trong tình yêu để mang lại ơn cứu độ cho vô số người bất kể trong điều kiện hoặc tình huống nào của họ.

“Ngay hôm nay” (câu 43):  tên trộm nói về việc trong tương lai, nhưng Chúa Giêsu lại trả lời bằng cách dùng động từ trong thì hiện tại:  ơn cứu độ Người ban cho thì ngay lập tức, “ngày sau hết” bắt đầu với sự kiện cứu rỗi này.

“Ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (câu 43):  câu nói này cho thấy sự hiệp thông hoàn toàn mạnh mẽ giữa Chúa và những ai mà chính Ngài đón tiếp vào cõi đời đời (xem 1Tx 4:17).  Theo một số các ngụy thư của cuối thời kỳ Do Thái, chính Đấng Cứu Thế đã “mở cửa thiên đàng”.

23:44-46:  Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu…  Chúa Giêsu kêu lên lớn tiếng rằng:  Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha.  Nói đoạn, Người trút hơi thở:  những lời cuối cùng của Chúa Giêsu, bởi bản chất tốt đẹp của nó, dường như tương phản với những lời Người kêu lớn tiếng trước đó.

Đi dần đến kết thúc cuộc đời làm người của mình, Chúa Giêsu, làm một cử chỉ lúc lâm chung tin cậy vào Chúa Cha, Đấng vì vâng theo ý muốn mà Người đã chịu nhiều đau khổ.  Trong những lời này, chúng ta có thể thoáng thấy một gợi ý về sự sống lại:  Chúa Cha sẽ trao lại Người sự sống này mà Chúa Giêsu bây giờ phó thác nơi Chúa Cha (xem Tv 16:10; Cv 2:27; 13:35).

Thánh Luca đã viết một cách rất chính xác về những khoảnh khắc cuối cùng của Chúa Giêsu:  ông không quan tâm ở những chi tiết mà sẽ đem đến sự thỏa mãn cho một số lòng hiếu kỳ ma quái, giống như điều mà đã thu hút và vẫn còn thu hút rất nhiều khán giả vào lúc hành quyết tại nhiều quảng trường trên thế giới.

23:47-48:  Khi thấy sự việc xảy ra, viên sĩ quan ca tụng Thiên Chúa rằng:  “Ông này quả thật là người công chính”. Và tất cả dân chúng…  đấm ngực trở về nhà:  hiệu quả ơn cứu chuộc về sự hy sinh của Chúa Giêsu tác động gần như ngay lập tức đơn thuần dựa trên bằng chứng về những gì đã xảy ra:  dân ngoại (như viên đội trưởng chỉ huy trung đội phụ trách việc hành hình), dân Do Thái (đám đông dân chúng) bắt đầu thay đổi.  Viên sĩ quan “ca tụng Thiên Chúa” và có vẻ như là chỉ cần một bước nữa thì sẽ trở thành một Kitô hữu.  Dân chúng Do Thái, có lẽ đã không có ý thức, đã trở về bằng cách sử dụng cử chỉ của sự ăn năn như Chúa Giêsu đã yêu cầu những người phụ nữ thành Giêrusalem (câu 38).

23:49:  Đứng xa xa, những kẻ quen biết Người cũng đã chứng kiến:  từ một khoảng cách thận trọng, biết rằng thái độ người La Mã cấm ngặt những cử chỉ than khóc tang chế cho những kẻ bị kết án phải chịu đóng đinh (đau đớn vì chính mình bị đóng đinh), nhóm các môn đệ hiện diện chết lặng vì toàn bộ khung cảnh.  Luca không đưa ra một gợi ý nào về cảm xúc hoặc thái độ của các ông:  có lẽ sự đớn đau và cảnh bạo hành đã làm họ choáng váng đến độ khiến cho các ông không còn có khả năng phát tiết ra bên ngoài bất kỳ một phản ứng nào.

Tương tự như vậy, những người phụ nữ môn đệ đã không tham dự vào bất kỳ việc nào trong việc mai táng Chúa Giêsu của ông Giuse Arimathia:  họ chỉ đứng nhìn (câu 55).

23:53:  Ông Giuse hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá:  Chúa Giêsu đã thực sự trải qua cuộc tra tấn.  Chúa thực sự đã chết, cũng giống như nhiều người khác trước và sau Người, trên thập giá, trong một thân xác thông thường.  Sự kiện này, nếu không xảy ra thì sẽ không có ơn cứu rỗi hay sự sống đời đời cho bất cứ ai, được xác nhận bởi thực tế rằng cần phải chôn cất Người.  Điều này đúng đến nỗi mà Luca thêm vào một số chi tiết liên quan đến tốc độ mà nghi thức mai táng được thực hiện bởi ông Giuse (các câu 52-54).

23:56:  Vào ngày Sabbát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền:  như Đấng Tạo Hóa nghỉ ngơi và ngày thứ bảy của việc sáng tạo, do đó ngày Sabbát được thánh hóa (St 2:2-3), vì vậy giờ đây Chúa nghỉ lễ ngày Sabbát trong mồ.

Giờ đây, không có một người nào của Chúa dường như có thể hy vọng được bất cứ điều gì:  Lời của Chúa Giêsu liên quan đến sự sống lại dường như đã bị lãng quên.  Những người phụ nữ tự giới hạn mình trong việc chuẩn bị một số dầu và thuốc thơm dành cho việc chôn cất Chúa một cách trang nghiêm hơn.

Tin Mừng về “Ngày Chúa Nhật Thương Khó” này kết thúc ở đây, bỏ lại câu chuyện về việc khám phá ra ngôi mộ trống (24:1-12) và để cho chúng ta thưởng thức sự hy sinh cay đắng ngọt ngào của Chiên Thiên Chúa, chúng ta ở lại trong tình trạng đau buồn và hụt hẫng nơi mà chúng ta còn đắm mình, dù rằng chúng ta biết rõ kết quả cuối cùng của câu chuyện Tin Mừng.  Cái chết kinh hoàng của vị thày cả trẻ làng Nagiarét không làm mất đi ý nghĩa về sự phục sinh của Người, nhưng thu được một giá trị hoàn toàn mới mẻ và bất ngờ, mà không lấy đi bất cứ điều gì từ chiều kích của việc đã bị giết chết trong sự tự nguyện hy sinh được chấp nhận bởi vì việc tôn trọng “cách quá mức” cho quyền hạn hiểu biết của loài người chúng ta:  đó là thuần khiết mầu nhiệm.

6.  Cầu Nguyện với sách Tiên Tri Isaia 50:4-10

“Chúa là Thiên Chúa phù trợ tôi”

ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng
đã cho tôi nói năng như một người môn đệ,
để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.
Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi
để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.
ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi,
còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi,
vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.
Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên.
Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà!
Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi!
Này, có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi,
ai còn dám kết tội?
Này, tất cả chúng sẽ mục đi như chiếc áo, và sẽ bị mối ăn.
Ai trong các ngươi kính sợ ĐỨC CHÚA,
nghe theo tiếng tôi tớ của Người,
ai đi trong bóng tối, không một tia sáng nào chiếu rọi,
hãy tin tưởng vào danh ĐỨC CHÚA
và tìm nương tựa nơi Thiên Chúa mình thờ.

7.  Lời Nguyện Kết

Trích từ Kinh nguyện Thánh Thể cho Chúa Nhật tuần này

Lạy Chúa toàn năng và hằng hữu, Chúa ban cho loài người chúng con Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ chúng con như một mẫu mực của đức khiêm nhường.  Người đã chu toàn thánh ý Chúa bằng cách xuống thế làm người và hiến ban mạng sống Người trên thập giá.  Xin giúp chúng con làm chứng cho Chúa bằng cách noi gương sự khổ nạn của Chúa Giêsu và làm cho chúng con xứng đáng để chia sẻ trong sự phục sinh của Người.

———————————–

về tác giả và dịch giả:

Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.

Nguồn : dongcatminh

Related posts