Giáo lý 

Giải đáp thắc mắc : Sống đức tin trong cộng đoàn

Trong phần giải đáp thắc mắc hôm nay, linh mục Nguyễn Tất Thắng nói về đề tài “ Sống Đức tin trong cộng đoàn”

 H. Trong thế giới mở rộng như hiện nay, con người có thể đón nhận nhiều thông tin hữu ích trị liên quan đến đời sống con người. Những nguyên tắc có giá trị về tâm lý xã hội được nhiều người đón nhận để sống như chỉ nam cuộc sống. Vì vậy, nhiều người nghĩ rằng họ có thể chọn lựa những nguyên tắc giá trị để sống mà không cần đến niềm tin tôn giáo. Suy nghĩ như vậy có đúng không, thưa Cha?

          T. Nhiều nguyên tắc cũng như những kỹ năng sống của ngành tâm lý xã hội đã trở thành những tiêu chuẩn giá trị và ích lợi cho cuộc sống con người. Nói cách cụ thể hơn, những nguyên tắc sống bao gồm: sống trung trực, đối thoại, cởi mở, thông cảm, tế nhị, hài hòa, công bằng, nhân ái với người khác ..v.v. Ở đây, chúng ta cần xác định rằng nhcommunity_connectionsững giá trị khoa học và tôn giáo giúp con người theo mục đích khác nhau: 1. Khoa học giúp con người hiểu biết về cuộc sống con người. Tôn giáo giúp con người hiểu biết về mục đích cuộc sống con người. 2. Khoa học nhắm đến những ích lợi thực tế.  Tôn giáo nhắm đến ích lợi sâu xa. 3. Khoa học có thể thay đổi những nguyên tắc đối xử theo ước muốn của con người. Tôn giáo không thay đổi những nguyên tắc liên quan đến đạo lý và luân lý. 4. Khoa học không cần con người tin tưởng vào những kết quả khoa học. Tôn giáo đòi hỏi con người tin tưởng Đấng Tạo hóa cách tuyệt đối. Khoa học gia Einstein nói rằng: “Khoa học không có khả năng dẫn con người đến chân lý, nhưng khoa học chỉ có thể dẫn con người đến cái bóng của những ký hiệu”. Đúng vậy, niềm tin tôn giáo là toàn bộ nhận thức và thái độ cá nhân đối với Đấng Tạo hóa. Niềm tin tôn giáo nói lên việc con người thừa nhận sự giới hạn và yếu đuối của con người để hoàn toàn phục tùng Đấng Tạo Hóa toàn năng và tốt lành. Nhờ niềm tin tôn giáo, con người hiểu rõ nguồn gốc và cùng đích, ý nghĩa và ích lợi của cuộc đời trong tương quan với Đấng Tạo Hóa và với người khác. Đó chính là ý nghĩa của từ tôn giáo “religio” trong từ la tinh có nghĩa là nối lại liên hệ.

 H. Nhiều người nói rằng niềm tin tôn giáo nên giữ trong tâm hồn thay vì bộc lộ công khai. Đối với họ, sống đạo có nghĩa là sống tại tâm. Hơn nữa, tín hữu có thể sống niềm tin theo phong cách cá nhân chứ không cần theo luật lệ chung. Thưa Cha, hành vi đức tin Kitô mang tính cách cá nhân hay cộng đoàn?

          T. Niềm tin hay đức tin Kitô được diễn tả qua 2 tính cách cá nhân và cộng đoàn, kín đáo và công khai. Hành vi đức tin là một hành động tuyệt đối cá nhân vì xảy ra trong nơi sâu thẳm nhất. “Tôi tin một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình…v.v..” “Tôi tin” nói lên rằng cuộc đời Kitô hữu được rộng mở cho tình yêu Thiên Chúa, sống trong tương quan cá nhân với Thiên Chúa. Tuy nhiên, đức tin là quà tặng của Thiên Chúa ban cho mỗi cá nhân qua cộng đoàn đức tin là Giáo Hội. Giáo Hội là nơi của đức tin và thông truyền đức tin. Nhờ Giáo Hội, mỗi Kitô hữu được hướng dẫn học hỏi về đức tin, cử hành mầu nhiệm và loan truyền đức tin cho thế giới. Trong thánh lễ Chúa Nhật, khi đọc kinh “Tôi tin kính”, mỗi  Kitô hữu tuyên xưng đức tin duy nhất của Giáo Hội với những tín hữu khác trong cộng đoàn. Đức tin nảy sinh từ Giáo Hội, dẫn tới Giáo Hội và sống trong Giáo Hội. Sách Giáo Lý Công Giáo (số 181) nói rõ: “Tin” là một cử chỉ giáo hội. Đức tin của Giáo Hội đi trước, sinh ra, nâng đỡ và dưỡng nuôi đức tin của các Kitô hữu. Giáo Hội là Mẹ của tất cả mọi tín hữu. “Không ai có thể nói Thiên Chúa là Cha, nếu không có Giáo Hội là Mẹ “(Thánh Cipriano)

 H. Có tín hữu Kitô nghĩ rằng họ đã học hỏi và trưởng thành trong đức tin nên họ có thể lựa chọn sống theo lương tâm họ. Theo họ, tham gia sinh hoạt cộng đoàn mất thời giờ và có thể gây chia rẽ nên họ thích sống đức tin theo cách riêng biệt vì họ cảm thấy đức tin cá nhân của họ chắc chắn hơn. Thưa Cha, Kitô hữu có thế sống ngoài cộng đồng đức tin không?

T. Qua bí tích Rửa Tội, Kitô hữu được trở nên con cái Thiên Chúa và hội nhập gia đình của Thiên Chúa là Giáo Hội. Họ hiệp thông với tất cả anh chị em Kitô hữu sống đức tin, đức cậy và đức mến. Từ ban đầu, các tín hữu đã sống liên đới với nhau trong cộng đoàn đức tin. Họ chuyên cần nghe các Tông giảng dậy, hiệp thông với nhau trong việc cử hành Lời Chúa và Thánh Thể, cầu nguyện chung và sống tinh thần bác ái qua việc chia sẻ cơm áo. Họ đồng tâm nhất trí, ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến (Cv 2,42-47). Ngày nay, nhiều người coi trọng chủ nghĩa cá nhân, coi đức tin thuộc lãnh vực riêng tư nên họ từ chối tương quan cần thiết với cộng đoàn đức tin. Vì vậy, đức tin của họ trở nên mỏng giòn, cô lập và tàn lụi. Khi Kitô hữu để Giáo Hội hướng dẫn và huấn luyện đức tin, họ được tiếp xúc với ánh sáng của Thiên Chúa hằng sống. Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập để liên đới mọi Kitô  hữu với nhau trong tình yêu Thiên Chúa, sống và chia sẻ yêu thương của Thiên Chúa đến với nhân loại.

 H. Nhiều giáo dân vẫn nghĩ rằng rao truyền đức tin hay rao giảng Tin Mừng dành cho các đấng các bậc. Hơn nữa, họ sợ không làm được hoặc sợ người khác sẽ xét đoán là làm việc của người khác. Hay là vì họ chưa nhận lãnh đầy tràn Chúa Thánh Thần nên họ không dám thi hành sứ mệnh Chúa Giêsu trao phó?

T. Ban đầu, chính các Tông Đồ cũng sợ rao giảng những gì các vị đã nghe, đã thấy và đã kinh nghiệm với Chúa Giêsu. Sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 2,1-13) ghi lại việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các môn đệ với quyền năng, các vị bắt đầu công khai loan báo mầu nhiệm ơn cứu độ như là các chứng nhân đức tin. Khi đó, Giáo Hội khai sinh nhận được sức mạnh để thực thi sứ mệnh Chúa Giêsu phục sinh trao phó: đó là rao giảng khắp nơi Tin Mừng Nước Thiên Chúa, dẫn đưa mọi người tới gặp Chúa, tới đức tin cứu độ. Thánh Phêrô mạnh dạn rao giảng về Chúa Kitô phục sinh: “Với Người chúng tôi đã được bước vào ơn cứu độ vĩnh viễn do các ngôn sứ loan báo, và ai kêu cầu danh Người thì sẽ được ơn cứu rỗi” (x.Cv 1,17-24). Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa. Qua bí tích Thêm sức, Kitô hữu nhận lãnh ấn tín và ân sủng của Chúa Thánh Thấn: khôn ngoan và thông hiểu, lo liệu và sức mạnh, suy biết và đạo đức, ơn biết kính sợ Chúa. Từ đó, mỗi Kitô hữu có thể trở thành nhân chứng của Chúa Kitô trong hoàn cảnh và đời sống riêng của họ như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: Chính anh em là muối cho đời. Chính anh em là ánh sang cho trần gian (Mt 5,13-14). Mỗi Kitô hữu cần dấn thân hơn để thông truyền đức tin bằng lời nói và hành động nhờ sức mạnh của đức tin duy nhất của Giáo Hội. Trong thông điệp “Sứ mệnh Đấng Cứu Thế”, chân phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 khẳng định rằng: “Việc truyền giáo canh tân Giáo Hội, làm cho đức tin và căn tính Kitô được mạnh mẽ, trao ban niềm hăng say và các lý do mới. Đức tin được vững mạnh khi được cho đi” (s.2)

         H. Có những người lý luận rằng đức tin không làm cho đời sống con người khác biệt. Do đó, đức tin không cần thiết cho con người. Cha nghĩ thế nào về suy nghĩ này?

          T. Đức tin cần thiết cho đời sống tâm linh của con người vì nó giúp con người mở rộng tầm nhìn về Thiên Chúa thương yêu (2Ga 4,8) đã tạo dựng con người “giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27) và muốn mọi người nhận biết chân lý cứu độ (1Tm 2:4). Vì vậy, đức tin là điều kiện tiên quyết và cần thiết cho ta được cứu độ nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, Đấng đã “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20,28). Hơn nữa, đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám (Dt 11,1-2). Abraham đã sẵn sàng giết con trai duy nhất để chứng tỏ lòng tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa đã chúc lành cho ông và làm cho dòng dõi ông nên nhiều như sao trên trời và như cát ngoài bãi biển (St 22, 15-18). “Những ai dựa vào đức tin thì được chúc phúc làm một với ông Ápbraham, người có đức tin” (Gl 3,9). Thánh Phaolô nói “tôi biết tôi tin vào ai và xác tín rằng Người có đủ quyền năng bảo toàn nhửng gì tôi phó thác nơi Ngài (2 Tm 1,12). Thánh Phêrô nhắn nhủ: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người”. (1Pr 8-9)

Lm, Jos. Nguyễn Tất Thắng OP

Related posts