Thần học 

Đức Giêsu, con người lữ hành

Đức Giêsu, con người lữ hành

(Tin Mừng theo thánh Marcô)
Xuyên qua Tin Mừng theo Marcô, chúng ta có khả năng thấy được con người lịch sử Giêsu Kitô tương đối trung thực hơn các Tin Mừng khác. Thật vậy, vì muốn ghi lại một cách trung thành với lời rao giảng của Phêrô, nên Marcô đã vẽ lại, bằng những nét chấm phá, con người Giêsu Kitô. Đức Giêsu được ghi lại trên bức tranh Tin Mừng bằng một số nét độc đáo, chấm phá. Nếu nhìn và phân tích từng nét của bức tranh, ta khó khám phá ra khuôn mặt thật của Đức Giêsu, vì các nét ấy khô khan, rời rạc. Còn nếu quan sát, chiêm ngắm toàn diện bức tranh, chúng ta sẽ thấy và hiểu được Đức Giêsu là ai: Ngài vừa là một người như mọi người: là một người thợ, sống tại một làng nhỏ, có vui, buồn, giận, bỡ ngỡ, thương xót, yêu thương…; nhưng đồng thời lại là một con người bí ẩn, khó hiểu, sâu xa… khiến ai tiếp xúc với Ngài cũng phải thắc mắc để đi đến một thái độ lựa chọn nào đó.
Marcô đã dùng lối văn nhát gừng (chấm phá) để làm sống lại con người Giêsu. Đó chính là hướng thần học của Marcô.
Chúng ta có thể xem tiêu đề “Đức Giêsu, con người lữ hành” như tựa đề cho bức tranh Tin Mừng mà Marcô đã đem hết tấm chân tình để vẽ lại khuôn mặt Đức Giêsu. Con người lữ hành Giêsu được thể hiện qua những nét sau đây:
CON NGƯỜI TA GẶP GIỮA MỌI NGƯỜI
Hãy nhìn Đức Giêsu đang đứng bên bờ biển! Có lớp người hâm mộ bao quanh Ngài, lắng tai đón nhận lời Ngài. Số người hâm mộ, tò mò kéo đến càng lúc càng đông, đến nỗi Ngài phải lên thuyền, rời ra xa một chút (4,1-2).
Rồi, Ngài dùng thuyền qua bên kia bờ. Trên đường đi chợt bão tố nổi lên, sóng gió mỗi lúc một mạnh, nước ào vào thuyền. Các môn đệ, vì quen nghề chài lưới, đã gắng sức chèo chống, vất vả để giữ cho thuyền khỏi đắm…; còn Ngài, Ngài vẫn nằm ngủ “tỉnh bơ” ở đầu lái (4,35-38).
Rồi, Ngài cùng các môn đệ vào một thành nọ. Có người chạy đến bên Ngài xin Ngài thương chữa cô con gái của ông sắp chết. Ngài đến nhà. Cô bé đã chết. Trong nhà bật lên tiếng khóc than, thương tiếc. Đức Giêsu đến bên, lên tiếng: “Em bé không chết! Nó ngủ đó thôi”. Ngài đánh thức nó dậy. Mọi người kinh ngạc, sửng sốt, ngẩn cả người ra. Còn Ngài, Ngài nhắc gia đình nhớ cho cô bé ăn (5,21-43).
Những hoạt cảnh như thế, chúng ta bắt gặp rất nhiều trong tác phẩm của Marcô. Với lối tả chân đó, Marcô có dụng tâm cho ta thấy Đức Giêsu quả là một con người sống như mọi người, một con người ta gặp thường ngày ở giữa mọi người… Nhưng con người đó lại bí ẩn, khó hiểu (1,44 ; 5,40-43 ; 7,33-36). Ngài làm việc gì, nói lời nào, hình như đều bị các môn đệ hiểu sai ý, khiến đôi khi Ngài phải quở trách họ (6,52 ; 8,14-21). Quả là một con người ở giữa mọi người! Nhưng là một con người bí ẩn, khó hiểu, dễ bị người khác hiểu lầm (ý này rất quan trọng, nhờ đó ta bắt gặp được chủ ý của Marcô khi trình bày nét “bí ẩn về Đấng Cứu Thế” trong thần học của Marcô về mầu nhiệm Giêsu Kitô).
CON NGƯỜI TA GẶP TRÊN ĐƯỜNG ĐI
Nếu như Luca và Matthêu, trong khi ghi lại những đòi hỏi của Đức Giêsu đối với những ai muốn làm môn đệ, muốn đi theo Người, đã nhắc chúng ta về câu nói nổi tiếng của Đức Giêsu: “Chồn có hang, chim trời có tổ, chứ Con Người không có chỗ ngả đầu” (x. Lc 9,57-58 ; Mt 8,18-20); thì Marcô – tuy không ghi lại câu đó – nhưng đã trình bày Đức Giêsu thật sự là con người ta gặp trên đường đi. Nói cách khác, Đức Giêsu luôn di động. Đi đến tìm gặp con người, chứ không phải Người ở một chỗ, để con người phải nghe tiếng, tìm tới gặp Người. Mà vì thế, những ai muốn gặp Đức Giêsu, hãy rời khỏi nhà của mình, hãy rời khỏi con người của mình (theo gương Tổ phụ Abraham), để gặp người trên đường đi (Ecclesia – Ek-kalein: gọi ra khỏi > Hội Thánh). (x. Mc 1,9: Đức Giêsu bỏ Nazareth; 1,14: đến xứ Galilê; 1,16: đi dọc theo bờ biển… đi xa hơn một chút… 1,21: vào Capharnaum; 1, 35: sáng sớm tinh sương, Ngài trỗi dậy ra đi…).
Marcô hầu như đồng hóa con người lữ hành Giêsu với con đường đi. Đức Giêsu là đường. Đường đi về đâu? Cứ đến gặp Ngài và đi theo Ngài thì sẽ biết.
CON NGƯỜI ĐI QUA MÀ KHÔNG BAO GIỜ DỪNG LẠI
Trên đường Đức Giêsu đi qua, không một ai, không một nơi nào, không một biến cố nào – dầu thành công hay thất bại có thể cầm chân được con người lữ hành Giêsu.
Tại Capharnaum, trong một ngày Hưu Lễ, Đức Giêsu giảng thuyết thành công. Người trở nên nổi tiếng. Tất cả mọi người đều chú ý đến Người. Họ tìm cách giữ Người lại cho mình. Và Đức Giêsu đã phản ứng thế nào? – Đang đêm, Người trỗi dậy đi đến một nơi thanh vắng để cầu nguyện một mình (1,21-35). Simon Phêrô tìm được Người: “Thưa Thầy, mọi người đang kiếm Thầy”. Đức Giêsu trả lời: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã lân cận, để Ta rao giảng ở đó nữa, bởi chính vì thế mà Ta đã ra đi” (1,36-38).
Những hình ảnh như thế được Marcô chú ý và ghi lại cẩn thận trong tác phẩm của mình. Vì thế, Marcô có dụng tâm cho chúng ta gặp thấy nơi Đức Giêsu hình ảnh của Vị Truyền Giáo di động: Người luôn tìm đến các đám đông; Người là con người của đám đông (x. 6,30-45 ; 4,35). Nhưng Người không chiều theo thị hiếu của đám đông. Người không lệ thuộc họ. Người không mị dân (x. 6,45 ; 8,9-10.11-13). Người luôn đi qua mà không dừng lại, vì Người là con người lữ hành rao giảng Tin Mừng.
CON NGƯỜI ĐI TRƯỚC MỌI NGƯỜI
Đức Giêsu đi trước mọi người trên mọi chặng đường của cuộc đời. Nhìn vào Tin Mừng, chúng ta sẽ ngạc nhiên, vì không lúc nào Đức Giêsu xuất hiện mà vắng bóng các môn đệ. Và ngay trong những trường hợp đó, Người luôn luôn đi trước các môn đệ. Người gọi các môn đệ để họ luôn luôn đi sau Người (x. 1,18.20 ; 2,14 ; 8,33 ; 10,52).
Các môn đệ hiểu thế, vì họ không bao giờ đi trước mặt Thầy mình. Câu chuyện sau đây giữa Đức Giêsu và Phêrô thật điển hình:
… Tại Kaisaria của Philip, Phêrô thay lời cho Nhóm 12 tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa” (8,27-30). Đáp lại, Người cho các môn đệ biết sự thật về Người: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, và bị hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục phế thải, bị giết đi và sau ba ngày sẽ sống lại” (8,31). Phêrô không chấp nhận nổi ý tưởng đó, ông thương Thầy, “kéo Ngài lại với mình và lên tiếng trách Ngài” (8,32). Trước tình yêu và tâm tình chân thành của Phêrô, Đức Giêsu đã nói gì? – “Quay lại, và nhìn các môn đồ, Ngài mắng Phêrô: “Xéo đi sau Ta, hỡi Satan! Vì ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người”“ (8,33). (Theo quan niệm của Kinh Thánh, Satan là tên để chỉ một nhân vật hay sức mạnh đi ngược và dụ dỗ con người đi ngược chương trình cứu độ của Thiên Chúa).
Ngoài ra, Marcô còn ghi lại một hình ảnh thật cảm động trên đường tiến về Giêrusalem: “Họ đang đi dọc đàng để lên Giêrusalem, và Đức Giêsu dẫn đầu đi trước họ, còn những kẻ theo sau thì sợ hãi” (10,32).
Rồi sau khi sống lại, chính Người cũng lên Galilê trước để đợi các môn đệ ở đây (16,7).
CON NGƯỜI RA KHỎI MỌI RANH GIỚI
Đức Giêsu khởi sự rao giảng Tin Mừng tại Galilê (1,14). Và cũng tại Galilê, Đức Giêsu Phục Sinh đã truyền lệnh cho các môn đệ phải đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (16,15). Đức Giêsu xem vùng đất Galilê là nơi lý tưởng để rao giảng Tin Mừng.
Như vậy, vai trò của Giêrusalem thì sao? – Đó là nơi đã chối từ Đức Giêsu (3,22); đó là nơi các thủ lãnh của Dân Chúa đã kết án Người (14,64); đó là nơi họ đã giao nộp Người cho dân ngoại xử tử (15,1). Giêrusalem đã khép kín tâm hồn lại với Đấng Cứu Thế. Họ đã chối bỏ Người. Vì thế, Đức Giêsu cũng rời bỏ Giêrusalem – nơi từ trước đến nay vẫn là trung tâm tôn giáo – (13,1-2). Có chăng, Người chỉ lưu lại đó một dấu vết: ngôi mộ trống (16,6). Vì thế, nếu muốn tìm Người tại Giêrusalem người ta chỉ gặp được ngôi mộ trống. Người không còn đó nữa! Muốn thấy lại Người, chính các môn đệ cũng phải quay trở về Galilê (16,1-8).
Vậy, đối với Marcô, vùng đất Galilê có đặc điểm gì để trở nên nơi lý tưởng cho việc rao giảng Tin Mừng?
– Galilê là vùng đất không có ranh giới.
Đấy là nhãn quan thần học của Marcô. Lý do là, từ Galilê người ta tiếp xúc dễ dàng với dân ngoại, mà tiêu biểu trong Tin Mừng theo Marcô là vùng đất Tyrô, Siđôn (3,8 ; 7,24.31), hoặc Kaisaria của Philip (8,27)…
Khi chọn Galilê làm nơi để rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã chủ tâm xóa bỏ mọi ranh giới ngăn cách Do Thái với lương dân. Từ nay, không được thu kín Tin Mừng lại một nơi nào nữa – như Giêrusalem chẳng hạn. Nhưng Tin Mừng phải được công bố đi khắp nơi và cho mọi người.
Người môn đệ của Đức Giêsu phải ghi khắc trong tâm khảm của mình chân lý đó.
Như vậy, trong tâm tình của người môn đệ, độc giả Tin Mừng theo Marcô có bổn phận làm sống lại hình ảnh vị Thầy của mình là Đức Giêsu trong cuộc sống thường nhật của mình: Đức Giêsu, con người lữ hành. Lữ hành để rao giảng Tin Mừng.
Bởi thế con người lữ hành của Tin Mừng (người môn đệ) phải là con người sống giữa mọi người, nhưng đi mãi, không bao giờ dừng lại, đi trước mọi người và vượt ra ngoài mọi ranh giới của con người.
Đó chính là mầu nhiệm của người môn đệ của Đức Kitô, sống “trong trần gian, nhưng không thuộc về trần gian”.
––––––––––––––––––––
Giám mục Giuse Võ Đức Minh

Related posts