Tội lỗi trong suy tư của Thánh Kinh
Khi đọc Thánh Kinh chúng ta nhận thấy tội lỗi là một đề tài rất hay được nhắc đến. Tội lỗi là một thực tại của cuộc sống con người nhất là khi được đặt để trong tương quan với Thiên Chúa. Thánh Kinh Cựu Ước dùng nhiều từ khác nhau để diễn tả tội lỗi và các từ thường diễn tả các tương quan của con người với Thiên Chúa, với nhau và với chính mình như: hụt không đạt đích, sự thiếu sót, sự gian ác, việc nổi loạn, bất công vv… Từ thông thường nhất ám chỉ tội lỗi là ”khatah” có nghĩa là không đạt đích, hụt không trúng đích. Phạm tội là không đạt đích, hụt không trúng đích ơn gọi là người và là con cái Chúa của mình.
Do thái giáo sẽ thêm vào ý niệm ”nợ nần” cũng sẽ được dùng trong Thánh Kinh Tân Ước. Nói một cách tổng quát hơn, người tội lỗi được giới thiệu như là kẻ làm diều dữ trước mặt Thiên Chúa, và đối nghịch với người công chính là kẻ gian ác. Tuy nhiên trong chính dọc dài lịch sử kinh thánh xuất hiện bản chất thật của tội lỗi, ác tâm và các chiều kích của nó. Đồng thời với mạc khải này về con người là mạc khải về Thiên Chúa, về tình yêu của Người, bởi vì nói cho cùng lịch sử cứu rỗi không là gì khác hơn là lịch sử của các cố gắng không mệt mỏi của Thiên Chúa Tạo Dựng nhằm giật thoát con người khỏi tội lỗi của nó.
Trong tất cả các trình thuật của Thánh Kinh trình thuật về tội thời khai nguyên vũ trụ, hay còn gọi là tội tổ tông, mở đầu lịch sử nhân loại; nó cống hiến cho chúng ta một giáo huấn vô cùng phong phú. Thiên Chúa dựng nên con người tốt lành và hoàn thiện, nhưng con người đã phạm tội không vâng lời Thiên Chúa nên đánh mất đi bản chất tốt lành hoàn thiện đó của mình. Tội của Ađam là tội kiêu căng muốn bằng Thiên Chúa, muốn thay thế Thiên Chúa và tự quyết định mọi sự theo ý riêng. Nó vượt qúa một hành động ngoại tại không vâng lời Thiên Chúa (St 3,3); nó còn được trình bầy như là một thái độ nội tâm của người yêu sách thay thế Thiên Chúa để quyết định sự lành sự dữ, bằng cách khẳng định sự tự đủ của mình trước mặt Thiên Chúa. Lời con Rắn cám dỗ là một bẫy sập: ”Các ngươi sẽ như các thần linh, biết lành biết dữ” (St 3,5). Bởi vì con người đã được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh của Người nền tương quan của con người với Thiên Chúa không phải chỉ là tương quan tùy thuộc, mà cũng còn là tương quan tình bạn nữa. Trái lại trong thái độ khước từ của mình con người coi Thiên Chúa như là một đối thủ, ghen tức với các đặc quyền và sự cao vượt của Thiên Chúa (St 3, 4tt.). Cây biết lành biết dữ là hình ảnh biểu tượng cho sự toàn tri, mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có được. Khi cho phép con người ăn trái của mọi cây trong vườn Địa Đàng, ngoại trừ cây biết lành biết dữ, là Thiên Chúa dặn con người luôn ý thức được địa vị của mình là thụ tạo tùy thuộc Thiên Chúa. Nhưng con người đã bị cám dỗ phạm tội kiêu căng chiếm địa vị của Thiên Chúa nên gây ra sự đổ bể tương quan với chính mình, với Thiên Chúa, với tha nhân và với cả môi sinh nữa. Tội lỗi làm hư hỏng hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người và lật ngược nó: từ hình ảnh là một sinh vật tự nó tốt lành hoàn thiện trao ban cho một cách nhưng không, con người trở thành một sinh vật vụ lợi và nghèo nàn, lo lắng bảo vệ mình chống lại thụ tạo của mình.
Sự đổ bể tương quan giữa con người với Thiên Chúa, mà con người đã bắt đầu, bị trừng phạt bởi sự phán xử của lương tâm nhận thức ra nó trước khi xảy ra hình phạt. Adong và Evà sợ hãi Thiên Chúa, đi trốn và che dấu chính mình khỏi cái nhìn của Thiên Chúa: ”Nghe thấy tiếng Giavê Elohim đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi khỏi giáp mặt Giavê Elohim. Giavê Elohim gọi con người và nói: ”Ngươi ở đâu?” Con người thưa: ”Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn” (St 3,8-10).
Khi phạm tội, khi xa rời Thiên Chúa con người nhận ra sự trần truồng, hư không khốn nạn của mình. Cuộc sống không còn ơn nghĩa với Thiên Chúa nữa là cuộc sống trần trụi, nghèo nàn, đáng thương. Con người không còn là bạn nữa, mà là kẻ chạy trốn, xa lánh Thiên Chúa. Việc đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng sẽ chỉ là phê chuẩn ý muốn của con người trốn chạy và xa rời Thiên Chúa. Sự đổ bể tương quan thân tình hài hoà với Thiên Chúa cũng bao gồm sự đổ bể tương quan liên bản vị, giữa các thành phần của cộng đoàn nhân loại. Bắt đầu ngay trong cộng đoàn nhỏ nhất là gia đình, giữa người nam và người nữ. Tội lỗi khiến cho con người bị biến thái, con người trở thành hèn nhát, thiếu liêm chính, không thành thật và vô trách nhiệm. Adong đổ tội cho Evà, Evà đổ tội cho con Rắn: ”Giavê Elohim hỏi: ”Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?” Con người thưa: ”Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con ăn trái cây ấy, nên con ăn.” Giavê Elohim hỏi người đàn bà: ”Ngươi đã làm gì thế?” Người đàn bà thưa: ”Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3,11-13).
Khi tố cáo Evà là Adong không liên đới với người mà chính ông đã tuyên bố ”Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”, ”đây là mình tôi” (St 2,23). Không còn hiệp nhất nữa, không còn liên đới nữa.
Các hậu qủa của sự đổ bể tương quan giữa người nam và người nữ lộ hiện ngay trong ơn gọi là người của họ, trong việc truyền sinh, trong tương quan tính dục, trong công việc làm mỗi ngày: ”Với người đàn bà Chúa phán: Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi. Với con người Chúa phán: ”Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ”Ngươi đừng ăn nó”, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn cho đến khi trở vể với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về bụi đất” (St 3,16-19).
Tội lỗi khiến cho việc cưu mang và sinh con trở thành mệt nhọc đau đớn. Tội lỗi khiến cho tương quan vợ chồng không còn là tương quan yêu thương liên bản vị hài hòa bổ túc cho nhau nữa, mà biến hai người trở thành đồ vật, đối tượng của sự thèm khát dục vọng của nhau và thống trị nhau. Từ tình trạng đổ bể này phát sinh ra mọi thứ tội hủy hoại sự sống: việc sinh con cái trở thành gánh nặng mà người ta muốn trốn tránh nên có tệ nạn phá thai, lựa chọn thai nhi lành mạnh, giết bỏ thai nhi tàn tật, giữ bé trai giết bé gái, buôn bán thai nhi, vất bỏ thai nhi vv…. Hàng chục nghĩa trang đồng nhi tại Việt Nam hiện nay là chứng tá đớn đau cho tình trạng băng hoại luân lý và lương tâm con người trong xã hội duy vật.
Vì nam nữ coi nhau như đồ vật để thỏa mãn dục vọng của mình nên sinh ra kỹ nghệ mại dâm dưới nhiều hình thức trá hình khác nhau: mại dâm phụ nữ, mại dâm trẻ em, chợ buôn phụ nữ, dịch vụ đi làm việc ở nước ngoài, đi lấy chồng ngoại quốc vv… Cùng với kỹ nghệ chế tạo buôn bán vũ khí, sản xuất buôn bán ma túy, mại dâm trở thành kỹ nghệ có số doanh thu hàng trăm tỷ mỹ kim mỗi năm. Thế rồi lao động trở thành phương thế con người dùng để trừng phạt, ức hiếp và khai thác bóc lột nhau. Người dân trở thành nô lệ của thiểu số lãnh đạo thu tóm mọi quyền lực và phương tiện trong tay. Nhân dân toàn nước phải lao động sản xuất hết thế hệ này sang thế hệ khác trong hàng chục thập niên để trả các món nợ nước ngoài và các món nợ mà giới lãnh đạo tạo ra nhằm làm giầu cho họ, cho gia đình và phe nhóm, đảng phái của họ.
Và sau cùng tội lỗi đã khiến cho tương quan của con người với thiên nhiên cũng bị băng hoại. Thiên nhiên và các nguồn tài nguyên trên thế giới bị con người tàn phá, khai thác, vơ vét vô độ, gây ra nạn phá rừng bừa bãi, cạt kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi sinh, thay đổi khí hậu, hâm nóng trái đất, lũ lụt và tai ương thiên nhiên nối tiếp nhau không dứt. Các quốc gia nghèo nhưng giầu tài nguyên bêm Phi châu, Á châu và châu Mỹ Latinh trở thành các nạn nhân đầu tiên với cảnh chiến tranh loạn lạc, căng thẳng bất ổn, do các tổ chức siêu quốc và các quốc gia có kỹ nghệ sản xuất và buôn bán vũ khí cố tình tạo ra để vừa dễ vơ vét tài nguyên vừa có chợ buôn bán khí giới. Người dân của các nước ấy không đựơc hưởng gì, hay hưởng rất ít các tài nguyên phong phú ấy, và vẫn phải triền miên sống trong tình trạng nghèo đói, chậm tiến, đốt nát, mù chữ, lạc hậu, không có các cơ cấu an sinh tối thiểu xứng đáng với phẩm giá con người.
Thế nhưng vẫn chưa hết, các hậu của qủa sự đổ bể tương quan giữa con người với chính nó, với Thiên Chúa và với người khác cứ như những làn sóng ngày càng lan rộng mãi trong xã hội loài người gây đổ máu, gieo chết chóc và thù hận chồng chất. Đó là ý nghĩa trình thuật Cain giết em là Abel bị báo thù gấp bẩy lần, Lamec giết người bị báo thù bẩy mươi lần bẩy, nghĩa là luôn mãi không thôi, như kể trong chương 4 sách Sáng Thế. Chúng là các dấu chỉ của vương quốc bạo lực. Và sự đồi bại của loài người dẫn đến lụt hồng thủy thanh tẩy thế giới (St 6-8); thái độ thách thức Thiên Chúa trong câu chuyện cái tháp Babel khiến cho các dân tộc không còn hiểu nhau nữa (St 11). Tất cả đều diễn tả cảnh tội lỗi và sự dữ với các hậu qủa của chúng ngày càng lan tràn trên thế giới.
Nhưng ngay từ đầu Thiên Chúa cũng đã đưa ra sáng kiến hòa giải và sửa chữa lại các hư hỏng do tội lỗi của loài người gây ra. Ngài trao ban cho nhân loại niềm hy vọng. Nếu Evà đã phạm tội khiến cho loài người mất đi cuộc sống hạnh phúc bên Chúa, thì sẽ có một Eva mới sinh Đấng Cứu Chuộc cho nhân loại: ”Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Lòng nhân thứ xót thương ấy của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn sự dữ của con người, được biểu lộ trong việc giữ gìn ông Noê và gia đình ông khỏi sự hư nát và lụt Hồng thủy (St 6,5-8). Với ông Thiên Chúa tạo dựng một vũ trụ mới, và nhất là với Abraham, chương trình hòa giải được trình bầy rõ ràng: ”Nhờ ngươi mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3).
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1146)
Linh Tiến Khải
R.Vatican