Giáo lý 

Thủ tục phong Chân Phước và phong Thánh trong Giáo Hội Công Giáo

Trong mục giải đáp thắc mắc hôm nay, LM Nguyễn Tất Thắng, Dòng Đaminh, sẽ đề cập đến vấn đề “Thủ tục phong Chân Phước và phong Thánh trong Giáo Hội Công Giáo”.

H. Thưa Cha, trong kinh Tin Kính, các tín hữu Kitô tuyên xưng Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Giáo Hội Công Giáo thánh thiện được hiểu theo nghĩa nào?

            Đ. Mọi tín hữu Kitô tin rằng Giáo Hội thánh thiện. Đúng như vậy.  Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa, Ðấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được ca tụng là “Ðấng Thánh duy nhất”, đã yêu dấu Hội Thánh như Hiền Thê của mình và đã hiến thân để thánh hóa Hội Thánh. Người kết hiệp với Hội Thánh như Thân Thể mình, và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa” (x. LG 39). Vì thế, Hội Thánh là “Dân Thánh của Thiên Chúa” (x. LG l2) và các thành viên của Hội Thánh được gọi là “thánh” (x Cv 9, l3; 1Cr 6, l;l6, l).

            Nhờ kết hiệp với Ðức Ki-tô, Hội Thánh được Người thánh hóa. Nhờ Người và trong Người, Hội Thánh cũng thánh hóa. ”Tất cả các công việc của Hội Thánh đều hướng về cứu cánh là thánh hóa loài người trong Ðức Ki-tô và tôn vinh Thiên Chúa” (x. SC l0). Hội Thánh được ủy thác “đầy đủ các phương tiện cứu độ” (x. UR 3). Chính trong Hội Thánh, “chúng ta đạt đến sự thánh thiện nhờ ơn Thiên Chúa” (LG 48). “Dưới thế, Hội Thánh được trang điểm bằng một sự thánh thiện đích thật, tuy chưa hoàn hảo” (x. LG 48). Nhưng các chi thể của Hội Thánh còn phải phấn đấu để đạt tới sự thánh thiện hoàn hảo: ”Ðược ban cho những phương tiện cứu rỗi dồi dào và cao cả như thế, mọi Ki-tô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự thánh thiện trọn hảo như sự trọn hảo của Chúa Cha, mỗi người trong con đường của mình” (LG 11). (Xem GLGHCG số 823-826) 

H. Trong nhiều năm qua, Giáo hội tổ chức lễ phong Chân Phước hoặc phong Thánh, việc tôn phong các tín hữu Kitô lên bậc Chân phước hoặc Thánh có ý nghĩa gì?

            Đ. Sách GLGHCG số 828 dậy rằng: “Khi phong thánh cho một số tín hữu, nghĩa là long trọng công bố rằng các tín hữu này đã thực hành các nhân đức một cách anh hùng và đã sống trung thành với ân sủng của Thiên Chúa, Giáo Hội thừa nhận nơi mình có Thần Khí của sự thánh thiện, và Giáo Hội nâng đỡ niềm hy vọng của các tín hữu bằng cách đưa các thánh ra làm khuôn mẫu và là những đấng chuyển cầu cho họ. Các thánh nam nữ vẫn luôn luôn là nguồn mạch và nguồn gốc của đổi mới trong những giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử Giáo Hội”

Dân Thiên Chúa, nhất là các tín hữu giáo dân, có thể tìm ở các vị thánh, những vị mô phạm mới cho việc nên thánh, những chứng nhân mới của các nhân đức anh hùng, được thực hiện trong những cảnh sống thông thường hằng ngày. Các Nghị Phụ Thượng Hôi Đồng Giám Mục năm 1987 về vai trò giáo dân đã đề nghị: “ Các Giáo Hội địa phương nhất là các Giáo Hội non trẻ phải lưu ý tìm xem trong con cái mình, những giáo dân nam nữ sống đời thường ở trần thế và sống bậc vợ chồng đã sống như chứng nhân thánh thiện và có thể trở nên gương mẫu cho người khác, nên được phong Chân Phước  hoặc phong Thánh[1]. 

H. Xin Cha giải thích thêm về tiến trình phong Thánh theo qui định hiện nay của Giáo Hội.

            Đ. Vụ án phong Chân Phước hoặc phong Thánh có liên quan đến một người Công Giáo tiếng tăm về sự thánh thiện trong khi sống, khi chết hoặc sau khi chết, qua việc thực hành các nhân đức Kitô cách anh hùng hoặc qua việc tử đạo vì muốn theo Chúa Kitô gần hơn nên đã hi sinh mạng sống trong hành vi tử đạo. Khi bắt đầu thủ tục phong Chân Phước và phong Thánh, ứng viên công giáo được gọi là Tôi Tớ Chúa (Sanctorum Mater số  4)

Tiến trình phong thánh được quy định bởi Giáo luật và những chuẩn mực chi tiết do Đức Giáo Hoàng qui định[2]. Tiến trình phong Thánh được thực hiện trong bốn giai đoạn. 1/Giai đoạn chuẩn bị.. 2/ Giai đoạn điều tra tại giáo phận. 3/ Giai đoạn cứu xét tại Bộ Phong Thánh, 3/ Tuyên phong Tôi Tớ Chúa lên bậc Chân Phước. 4/ Tuyên phong Chân phước lên bậc Thánh. Theo quy định hiện nay, vụ án phong Thánh hoặc phong Chân Phước[3] chỉ được tiến hành ít nhất năm năm sau ngày ứng viên đó qua đời, hoặc không tiến hành vụ án 30 năm sau, kể từ ngày ứng viên qua đời, trừ phi việc trì hoãn lại được xét là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chuẩn chước cho vụ án phong Chân Phước của Mẹ Têrêsa Calcutta được cứu xét trước thời hiệu năm năm. Đức Giáo Hoàng Benedict 16 cũng chuẩn chước để bắt đầu sớm thủ tục phong Chân Phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2. 

H. Tiến trình phongThánh hoặc phong Chân Phước ở cấp Địa phận như thế nào, thưa Cha?

Đ. Khi một thể nhân hay một  pháp nhân trong Giáo hội muốn đề xướng một người làm ứng viên để xin phong thánh, bước đầu tiên phải làm là liên lạc với Giám Mục của giáo phận nơi ứng viên đã qua đời.

Nếu được Giám Mục chấp thuận, người hoặc nhóm đề xướng cử ra một Cáo Thỉnh Viên để thực hiện vụ án đúng theo qui định của Giáo Hội: thu thập thông tin về cuộc đời của ứng viên, tiếng tăm về sự thánh thiện và ý nghĩa của vụ án phong thánh đối với Giáo Hội, chuẩn bị một danh sách những người có thể làm chứng về nhân đức hoặc hành vi tử đạo của ứng viên.

Cáo Thỉnh Viên trình Hồ sơ (supplex libellus) lên Đức Giám Mục giáo phận xin bắt đầu vụ án của ứng viên sau khi qua đời được năm năm. Trước khi nhận Hồ Sơ, Đức Giám Mục  phải xác minh về tiếng tăm về sự thánh thiện hoặc hành vi tử đạo cũng như quyền năng chuyển cầu của ứng viên trong Dân Chúa (SM số 25), tham khảo với Hội Ðồng Giám Mục, gửi đến Bộ về Thủ tục phong Thánh bản báo cáo ngắn về tiểu sử và hoạt động của vị Tôi Tớ Chúa trong Giáo Hội cũng như sự quan trọng của vụ án, đồng thời xin phép Tòa Thánh mở vụ án. Đức Giám Mục địa phận chỉ có thể bắt đầu thủ tục điều tra sau khi nhận được chỉ thị của Bộ Phong Thánh (SM số 24).

Trong giai đoạn điều tra tại cấp địa phận,  Giám Mục phải xem xét những ấn phẩm của Tôi Tớ Chúa, mời các chứng nhân đến làm chứng trước mặt các chuyên gia có thẩm quyền. Việc cứu xét các Phép Lạ được tiến hành riêng rẽ. Những người nhận mình được chữa lành cách lạ lùng và các bác sĩ làm thẩm định y khoa phải được tra hỏi bởi những người có thẩm quyền và lời chứng này cũng được gởi về Tòa Thánh. Đức Giám Mục gởi về Tòa Thánh một báo cáo về cuộc đời ứng viên và ý kiến của ngài về vụ án. Đức Giám Mục hay người được ngài ủy quyền phải đi thăm phần mộ của ứng viên và những nơi mà ứng viên đã sống để kiểm chứng rằng người ta không tôn kính ứng viên cách công khai trước khi Giáo Hội có phán quyết chung thẩm (SM số 117-119). Các chứng từ và hồ sơ thu thập trong vụ án phải được niêm phong và lưu giữ ở văn khố Tòa Giám Mục. Một bản sao trung thực và được niêm phong của hồ sơ này, cùng với những ấn phẩm của ứng viên, được gởi đến Bộ Phong Thánh. 

H. Tiến trình phongThánh hoặc phong Chân Phước ở cấp Tòa Thánh ra sao, thưa Cha?

Đ. Tại Tòa Thánh, một chức sắc của Bộ Phong Thánh sẽ kiểm tra tiến trình vụ án để xem xét tiến trình có làm đúng theo các quy định không và chuẩn bị một báo cáo nói rõ lập trường về nhân đức hoặc sự tử đạo của ứng viên. Ý kiến của các cố vấn và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực sẽ được các Hồng Y và Giám Mục thành viên của của Bộ Phong Thánh xem xét. Ý kiến của Bộ được chuyển đến Ðức Giáo Hoàng vì ngài người duy nhất có quyền cho phép phong Chân Phước hoặc phong Thánh cho một ứng viên. Về việc phong chân phước, Tòa Thánh đòi hỏi chứng cớ của một phép lạ được gán cho sự cầu bầu của ứng viên, ngoại trừ ứng viên tử đạo vì đức tin. Phép lạ thứ hai cần thiết để được phong Thánh. Trong một diễn từ với Bộ Phong Thánh năm 2006, Đức Giáo Hoàng Benedict 16 nói: “Ngoài việc đảm bảo cho chúng ta là Người Đầy Tớ của Thiên Chúa đang sống trên Thiên Đàng trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, các phép lạ là sự xác nhận thiêng liêng về phán quyết được trình bầy bởi các giới chức trong Giáo hội về đời sống thánh thiện của ứng viên” 

H. Có những khác biệt giữa việc phong Chân Phước và phong Thánh không, thưa Cha?

            Đ. Có 4 khác biệt chính. 1/ Trong một nghi thức phong chân phước, Đức Giám Mục giáo phận nơi ứng viên qua đời là người xin cho ứng viên được tuyên phong Chân phước; trong nghi thức phong thánh, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh xin cho Chân phước được phong Thánh dưới danh nghĩa của toàn thể Giáo hội. 2/ Chân phước được tôn kính công khai tại các nơi chốn gần gũi với đời sống và công việc tông đồ của vị này, thông thường đó là giáo phận nơi vị này sinh sống hay qua đời. Vị thánh được tôn kính trong các nghi thức phụng vụ và khắp nơi trong Giáo hội. 3/ Các thánh đường có thể được cung hiến cho vị Thánh, nhưng muốn cung hiến cho Chân Phước cần có phép của Đức Giáo Hoàng. 4/ Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, cũng cố gắng để giúp cho dân chúng thấy có sự khác biệt giữa phong Thánh và phong Chân Phước bằng việc ngài chỉ chủ sự lễ phong Thánh 6 năm qua, trừ hai dịp đặc biệt ngài phong Chân phước cho Đức Hồng Y John Henry Newman tại Anh Quốc (19.9.2010) và cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 tại Roma (1.5.2011).


[1] Xem Tông Huấn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 về Người Tín Hữu Giáo Dân, số 17.

[2] Xem can. 1403 § 1 CIC 1983; can. 1057 CCEO. Các tiêu chuẩn do Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặt ra năm 1983 với nhan đề “Tôn Sư của Sự Trọn Lành” (Divinus Perfectionis Magister), là bản điều chỉnh lại tiến trình trước đây đã do Ðức Giáo Hoàng Sixtus V (1585-1590) qui định và do Ðức Giáo Hoàng Bênêđitô XIV (1740-1758) công bố.

[3] Hướng dẫn Sanctorum Mater (Mẹ của Các Thánh) do Bộ Thủ tục phong Thánh ban hành 17.5.2007

Linh mục Giuse Nguyễn Tất Thắng OP

Related posts