Sau Lễ Hiện Xuống: điều gì xảy ra với Nhóm Mười Hai?
Sau Lễ Hiện Xuống: điều gì xảy ra với Nhóm Mười Hai?
Đôi điều thú vị tổng hợp từ các truyền thuyết, truyền thống, các nguồn Kinh Thánh và lịch sử về những gì xảy ra với Nhóm Mười Hai sau Lễ Hiện Xuống.
Dường như khỏi cần phải bàn cãi về “tông đồ đoàn” nguyên thủy gồm Simon Phêrô, Anrê, Giacôbê (Lớn) và Gioan, Philipphê, Tôma, Matthêô, Giacôbê (Nhỏ), Simon Nhiệt Thành và Giuđa Iscariốt. Hai vị có vấn đề là Barthôlômêô (x. Tin Mừng Matthêô, Marcô, Luca), thường được cho là Nathaniel (chỉ Tin Mừng Gioan đề cập đến), trong khi một Giuđa khác (Jude), con của Giacôbê, có thể là người được gọi là Tađêô (x. Tin Mừng Matthêô, Marcô).
“Simon bar Jonah” hay Simon con Giona
Đức Kitô đã thiết lập Giáo Hội trên tảng đá này. Với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, ngài đã quy tụ 120 môn đệ đang hoang mang và mất tinh thần, và xây dựng một Giáo Hội với con số 5.000 người chỉ trong vài ngày. Thánh Phêrô bắt đầu thi hành sứ vụ với các phép lạ kèm theo và 2 lần ở tù. Trước khi kết thúc sứ vụ tại Roma, ngài đã đi truyền giáo một vòng Tiểu Á (nhiều nguồn nói rằng ngài dẫn theo bà vợ là Perpetua). Bị bắt một lần nữa, truyền thống cho rằng Thánh Phêrô bị cầm tù trong 9 tháng, bị xích vào cột trong ngục tối dơ bẩn. Ngài bị hành hình bằng cách đóng đinh thập giá ngược đầu xuống đất vào ngày 29 tháng 6 năm 67.
Anrê
Trước đây là môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Ngài là một trong những người đầu tiên được Chúa Giêsu mời gọi “Hãy đến và xem”, nhưng sau đó người ta biết rất ít về ngài, dù rằng ngài là một nhân vật nổi trội trong sự kiện nuôi ăn 5.000 người. Sau Lễ Hiện Xuống, Kinh Thánh không nói gì về Anrê trừ việc nói chung chung là hầu hết các tông đồ ở lại Giêrusalem cho đến năm 42, lúc Hêrod Agrippa bách đạo. Sau đó, người ta cho rằng Thánh Anrê đi truyền giáo vùng Biển Đen, rồi Armenia trước khi đến Tiểu Á và cuối cùng tại Patrae, xứ Hy Lạp, nơi ngài bị xử treo thập giá bằng các dây vải chứ không đóng đinh. Theo một truyền thuyết, xác ngài nằm ở Vương cung thánh đường Amalfi, nước Ý.
Giacôbê Lớn
Anh của Gioan, con của ông Dêbêđê và bà Salômê, có lẽ là một trong những tông đồ lớn tuổi nhất. Dầu ở trong “nhóm thân cận” của Chúa Giêsu là Phêrô, Giacôbê và Gioan, người ta không biết gì về ngài cho đến khi ngài chết khoảng vào năm 42 hoặc 44 (x. Cv 12), trong triều đại ngắn ngủi của Hêrod Agrippa. Theo một truyền thống có từ lâu đời, người Tây Ban Nha cho rằng chính Thánh Giacôbê này đã rao giảng tại Tây Ban Nha, nhưng điều này vẫn còn tranh cãi. Nhiều người tin rằng xác ngài hiện nằm tại Vương cung thánh đường Compostela, phía bắc Tây Ban Nha.
Gioan – “Người được yêu”
Sinh ra trong một gia đình ngư phủ, ngài hiện diện dưới chân thập giá và được Chúa Giêsu trao phó chăm sóc Mẹ Maria, Sau Lễ Hiện Xuống, Gioan được Thánh Phaolô đề cập đến như là một trong những cột trụ của Giáo Hội (Gl 2,9). Dầu cũng đã cùng đi với Thánh Phêrô đến Samaria, nhưng dường như ngài là một trong những tông đồ ít du hành nhất. Tuy nhiên, ngài có đến Roma để gặp Phêrô và suýt tử đạo ở đấy, tương truyền ngài đi qua chảo dầu sôi mà vẫn bình an vô sự. Khoảng năm 66 hay 69, sau thời gian lưu đày ở đảo Patmos, tương truyền ngài đi Êphêsô và ở đấy đến hết quảng đời còn lại. Bị bệnh tật hành hạ, ngài chết vì cao niên, khoảng 100 tuổi, và được người đời nhớ đến qua cuốn Tin Mừng, các thư cũng như cuốn Khải Huyền.
Giacôbê Nhỏ
Con ông Alphê. Một truyền thống cho rằng Giacôbê là vị giám mục đầu tiên của Syria, nhưng các nguồn đáng tin cậy hơn cho rằng ngài vẫn ở tại Giêrusalem và bị đám đông cuồng nộ ném đá chết, có lẽ vào năm 62.
Philipphê
Sau cái chết của Stêphanô vào năm 36, người ta cho rằng Philipphê đi Samaria và sau đó là Gaza, trên đường đi thì gặp ông Tổng quản kho bạc người Ethióp (Cv 8). Ngài sống hơn 20 năm ở Caesarea, nơi Phaolô và Luca đã đến thăm ngài (Cv 21,8). Sau nhiều hoạt động truyền giáo ở Tiểu Á và vùng phụ cận, Philipphê phải gánh chịu cơn thịnh nộ của chính quyền Roma và bị đóng đinh ngược trên thập giá vào khoảng năm 90.
Barthôlômêô
Nếu Barthôlômêô thật sự là Nathaniel thì ngài là người đã thốt ra câu “Từ Nazareth thì có gì hay ho đâu?” khi được anh bạn Philipphê mời đến gặp Chúa Giêsu. Những năm sau đó, Barthôlômêô rao giảng tại Lycaonia (một phần của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay), tại Armenia và có lẽ tại Persia vào những năm đầu thập niên 40. Tuy nhiên, vài truyền thống chắc chắn cho rằng Barthôlômêô đến Ấn Độ khoảng năm 60, nhưng sứ vụ kéo dài không bao lâu, ngài bị bắt trong một chiến dịch bách hại các kitô hữu mới, bị đánh bằng gậy, lột da sống và cuối cùng bị chặt đầu.
Tôma
Hầu hết sứ vụ của Tôma “nghi ngờ” đều xảy ra ở bên ngoài lãnh thổ Đế quốc Roma. Ngay sau Lễ Hiện Xuống, Tôma rao giảng Tin Mừng tại Osroene (hiện giờ là lãnh thổ phía Đông của Thổ Nhĩ Kỳ). Ngài cũng đi đến Armenia và có lẽ đã trở về Giêrusalem vào khoảng cuối thập niên 40 trước khi đến miền bắc Ấn Độ. Đầu thập niên 60, Thánh Tôma thực hiện nhiều hành trình truyền giáo, cuối cùng định cư ở Mylapore. Phần lớn các truyền thống cho rằng Thánh Tôma chết vì các vết thương do các tu sĩ Ấn giáo gây ra gần Madras vào ngày 3 tháng 7 năm 72.
Matthêô
Được xem như là “Tông đồ ma” vì quá ít điều được biết về ngài, là con ông Alphê (Mc 2,14), anh em với Giacôbê Nhỏ. Dường như Thánh Matthêô thi hành sứ vụ tại các cộng đoàn Do Thái tại Palestine trong nhiều năm. Vài thông tin cho rằng ngài sống và tử đạo tại Ethiopia, vài nguồn khác nói rằng ngài chết tự nhiên vào khoảng năm 90.
Simon và Giuđa
Hai tông đồ duy nhất cùng chết với nhau là Simon và Giuđa. Vài truyền thuyết cho rằng Simon rao giảng tại Phi Châu, Ai Cập và thậm chí ở Anh Quốc. Giuđa được cho là tông đồ đầu tiên dấn thân vào lĩnh vực truyền giáo. Ngài đến Osroene và rồi sang Armenia và ở đấy nhiều năm trước khi nhập với Simon vào năm 66 và đi Iran. Dầu gặp sự chống đối mạnh mẽ của các các Đạo sĩ, Simon và Giuđa cải đạo cho 60.000 người gia nhập Kitô giáo tại Babylon, và sau đó chuyển đến thành phố Suanair vào năm 79. Tại đây, một đám đông người hò hét ném đá họ; Giuđa bị đâm bằng giáo và Simon bị cưa thành nhiều khúc.
Matthia
Chỉ được nêu tên hai lần trong Kinh Thánh – Cv 1,21-26. Ngài được chọn để thay thế cho Giuđa Iscariốt. Thánh Giáo phụ Clêmetê cho rằng ngài sống đời khổ hạnh theo khuôn mẫu Gioan Tẩy Giả. Thánh Matthias gắn bó với Armenia bên bờ bắc Biển Đen, trước khi trở về Giêrusalem và bị đám đông thù hằn ném đá đến chết vào năm 51. Như vậy có lẽ ngài là vị tông đồ chết sớm thứ hai theo thứ tự (người đầu tiên là Giacôbê Lớn, khoảng năm 42-44).
Theo Louis Power
(catholicireland.net)
Nguồn tin: Gpquinhon.org