Lectio Divina 

Lectio: Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu (C)

Việc bánh hóa ra nhiều cho những người đang đói

Chúa Giêsu giảng dạy về sự chia sẻ

Lc 9:10-17

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen

2.  Bài Đọc

 

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:  bối cảnh văn học:

Đoạn Tin Mừng của chúng ta được trích từ giữa quyển Phúc Âm viết bởi thánh Luca:  Chúa Giêsu nới rộng và tăng cường sứ vụ của mình trong các làng vùng Galilêa và Người sai mười hai môn đệ đi giúp mình (Lc 9:1-6).  Tin tức này lọt tới tai vua Hê-rô-đê, người đã ra lệnh giết chết Gioan Tẩy Giả (Lc 9:7-9). Khi các môn đệ hoàn thành sứ vụ trở về, Chúa Giêsu mời các ông đi đến một nơi thanh vắng (Lc 9:10). Tiếp theo sau là đoạn Tin Mừng của chúng ta nói về những chiếc bánh hóa ra nhiều (Lc 9:11-17).

Ngay sau sự kiện này, Chúa Giêsu hỏi các ông rằng:  “Người ta nói Thầy là ai?” (Lc 9:18-21).  Thế rồi, lần đầu tiên, Người tiếp tục nói về cuộc thương khó và cái chết của mình và những hệ quả của tất cả các việc này cho các môn đệ nghe (Lc 9:22-28).  Sau đó chúng ta thấy Chúa Giêsu Biến Hình đàm đạo với các ông Môisen và Êlia về cuộc thương khó và sự tử nạn của Chúa ở Giêrusalem (Lc 9:28-43).  Tiếp theo đó là lời công bố nữa về cuộc thương khó của Chúa, rồi đến sự khinh ngạc và không thông hiểu của các môn đệ Người (Lc 9:44-50).  Cuối cùng, Chúa Giêsu quyết định đi đến Giêrusalem để đối diện với cái chết của Người (Lc 9:52).

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Lc 9:10:  Chúa và các môn đệ đi đến một nơi hoang vắng.

Lc 9:11:  Đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu và Người tiếp đón họ.

Lc 9:12:  Các môn đệ lo lắng về việc đám đông sẽ bị đói.

Lc 9:13:  Chúa Giêsu đề nghị và trả lời với các môn đệ.

Lc 9:14-15:  Sáng kiến của Chúa Giêsu để giải quyết vấn đề tìm thức ăn cho đám đông.

Lc 9:16:  Ý thức và ý nghĩa của Phép Thánh Thể.

Lc 9:17:  Phép lạ cao quý: mọi người đều ăn và no nê

 

c)  Phúc Âm:

10 Các Tông Đồ trở về thuật lại cho Đức Giêsu những việc các ông đã làm. Người đem các ông đi riêng với mình, lui về thành kia gọi là Bếtxaiđa. 11 Đám đông dân chúng biết thế, liền đi theo Người. Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. 12 Ngày đã bắt đầu tàn; và Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng.”  13 Nhưng Đức Giêsu bảo: “Chính các con hãy cho họ ăn đi.” Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này.” 14Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông.  Và Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.”  15 Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống.  16 Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. 17 Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê.  Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.

3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng

Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta

4. Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân

a)  Điều gì bạn thích nhất và điều gì đã đánh động bạn nhất trong đoạn Kinh Thánh này?

b)  Theo như đoạn Tin Mừng này, đám đông dân chúng đã ở trong hoàn cảnh nào?

c)  Các môn đệ đã có phản ứng hay cảm nghĩ gì trước tình cảnh của đám đông?

d)  Chúa Giêsu đã có phản ứng hoặc ý nghĩ gì trước hoàn cảnh của đám đông?

e)  Đoạn Tin Mừng này gợi cho chúng ta nhớ lại sự kiện gì đã ghi trong Cựu Ước?

f)  Ngày nay, bạn có biết người nào có những sáng kiến để cung cấp lương thực cho đám đông đang đói để ăn không?

g)  Làm cách nào chúng ta có thể giúp đám đông đây?  Chúng ta sẽ phân phát cá cho họ ăn hay chúng ta sẽ dạy họ cách câu cá để tự tìm thực phẩm?

5.  Ý nghĩa chính của bài Phúc Âm

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề.

a)  Bối cảnh lịch sử của bài Tin Mừng:

Bối cảnh lịch sử của sách Phúc Âm viết bởi Luca luôn có hai khía cạnh: khía cạnh thời đại của Chúa Giêsu, đó là những năm thuộc thập niên 30 tại miền đất Paléstin, và bối cảnh của các cộng đoàn Kitô hữu vào thập niên 80 là các đối tượng mà Luca đang viết sách Phúc Âm của ông.

Vào thời gian Chúa Giêsu sống tại đất Paléstin, người ta đang sống trong sự mong chờ một Đấng Cứu Thế, Đấng sẽ là một Môisen mới và là người sẽ lập lại những việc phép lạ tuyệt vời như Môisen đã làm trong thời gian lưu đày:  lãnh đạo dân chúng qua khỏi sa mạc và cho họ sống bằng bánh manna.  Việc các chiếc bánh hóa ra nhiều trong sa mạc đã cho đám đông một chỉ dấu là thời điểm của đấng cứu tinh đã đến (Ga 6:14-15)

Trong thời đại của ông Luca, trong các cộng đoàn giáo hữu Hy-lạp, việc xác tín của các Kitô hữu về đức tin của họ là điều quan trọng và điều này cho họ tìm được hướng đi ở giữa các khó khăn. Cách mà Luca mô tả những chiếc bánh đã được hóa ra nhiều, nhắc lại việc cử hành Bí Tích Thánh Thể như đã được cử hành trong các cộng đoàn của những năm 80, và giúp cho họ có thể đào sâu sự hiểu biết của mình về Bí Tích Thánh Thể trong cuộc sống hằng ngày của họ.  Ngoài ra, trong lời mô tả của Luca về việc những chiếc bánh hóa ra nhiều, như chúng ta sẽ thấy, ông nhắc lại những nhân vật quan trọng trong lịch sử của dân riêng của Chúa: các ông Môisen, Êlia và Êlisa, cho thấy rằng Chúa Giêsu thực sự là Đấng Cứu Thế, người đến để thực hiện những lời hứa trong quá khứ.

b)  Lời bình luận về văn bản:

Lc 9:10:  Chúa Giêsu đem các môn đệ đi riêng với mình về một nơi hoang vắng

Các môn đệ vừa trở về từ sứ vụ mà các ông đã được sai đi (Lc 9:1-6).  Chúa Giêsu đem các ông đi theo đến một nơi hoang vắng gần Bếtxaiđa, phía bắc hồ Galilê.  Phúc Âm của thánh Máccô viết thêm rằng Chúa bảo các ông hãy nghỉ ngơi một chút (Mc 6:31).  Khi Luca viết về sứ vụ của 72 môn đệ, ông cũng mô tả việc cải sửa các hoạt động mục vụ của Chúa Giêsu, một hoạt động được hoàn thành bởi các môn đệ (Lc 10:17-20).

Lc 9:11:  Đám đông dân chúng biết thế, liền đi theo Người. Người tiếp đón họ

Đám đông dân chúng biết Chúa Giêsu đi đâu và họ đi theo Người.  Máccô thì cho biết một cách chi tiết hơn.  Ông viết là Chúa Giêsu và các môn đệ di chuyển bằng thuyền trong khi đám đông đi bộ theo Người bằng một ngả đường khác đến một nơi định trước.  Đám đông đến nơi trước Chúa Giêsu (Mc 6:32-33). Khi Chúa Giêsu đến nơi để tĩnh dưỡng, Người thấy đám đông và tiếp đón họ.  Chúa nói với họ về Nước Trời và chữa lành những người bệnh.  Máccô thêm rằng đám đông được ví như những con chiên không có người chăn.  Trước tình cảnh như thế, Chúa Giêsu đã phản ứng như một “người chăn chiên tốt lành”, hướng dẫn đám đông bằng lời của Người và cho họ ăn với những chiếc bánh và các con cá (Mc 6:33).

Lc 9:12:  Nỗi lo âu của các môn đệ và sự đói khát của đám đông

Ngày đã tàn, nắng sắp tắt.  Các môn đệ lo lắng và thưa với Chúa Giêsu xin để cho đám đông dân chúng đi về.  Các ông nói rằng không cách nào có thể tìm được đủ thức ăn cho bằng ấy người ở giữa nơi hoang vắng.  Đối với các ông, giải pháp duy nhất là để cho dân chúng đến những làng mạc gần đó tìm mua thức ăn.  Các ông không thể nghĩ ra được một phương kế nào khác.

Nếu đọc thật kỹ qua lời mô tả tình cảnh của đám đông, chúng ta tìm thấy một sự kiện rất quan trọng. Người ta đã quên ăn để được ở bên Chúa Giêsu.  Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu có sức thu hút đám đông, đến nỗi mà họ quên hết tất cả để theo Người vào giữa sa mạc.

Lc 9:13:  Lời đề nghị của Chúa Giêsu và lời đáp lại của các môn đệ

Đức Giêsu bảo: “Chính các con hãy cho họ ăn đi.”  Các môn đệ hoảng sợ, bởi vì các ông chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá.  Vậy mà các ông phải giải quyết vấn nạn và các ông chỉ có thể nghĩ ra một phương cách là để cho đám đông tự đi tìm mua thức ăn.  Các ông chỉ có thể nghĩ ra được một lối giải quyết thông thường, đó là một người nào đó phải đi mua bánh cho đám đông.  Người ấy phải đi lấy tiền, đi mua bánh và phân phát cho đám đông, nhưng lối giải quyết này thì bất khả thi giữa sa mạc.  Các ông không thể tìm ra được một cách giải quyết nào khác.  Nói cách khác, nếu Chúa Giêsu nhất quyết không chịu giải tán đám đông, thì không có một phương cách nào giải quyết được vấn nạn nuôi ăn cho đám đông.  Các ông không hề nghĩ được rằng phương cách giải quyết có thể đến từ chính Đức Giêsu và từ đám đông.

Lc 9:14-15:  Sáng kiến của Chúa Giêsu để giải quyết vấn đề đói của đám đông

Đám đông với năm ngàn người.  Rất nhiều người.  Chúa Giêsu bảo các môn đệ cho đám đông ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.  Vào lúc này, Luca bắt đầu dùng Thánh Kinh để đưa ra ánh sáng các sự thật về cuộc đời Chúa Giêsu.  Ông nhắc đến ông Môisen.  Chính Môisen là người đầu tiên cho đám đông đang đói có chút gì để ăn trong hoang địa sau khi rời bỏ đất Ai-cập (Ds các chương 1-4).  Luca cũng nhắc đến tiên tri Êlisa.  Thật ra, trong Cựu Ước, chính vị tiên tri này đã hóa ít chiếc bánh ra nhiều để có thể nuôi được nhiều người (2V 4:42-44).  Đoạn Tin Mừng cho chúng ta thấy là khi ấy Chúa Giêsu là một ông Môisen mới, một tiên tri mới phải đến với thế gian (Ga 6:14-15). Vô số những người trong các cộng đoàn đã biết Cựu Ước, và một nửa sự ám chỉ là đã đủ cho họ.  Vì vậy họ dần dần khám phá ra được sự mầu nhiệm đang mở ra trong con người của Chúa Giêsu.

Lc 9:16:  Nhắc lại Phép Thánh Thể và ý nghĩa của nó

Khi đám đông đã ngồi xuống đất, Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều và bảo các môn đệ đem phân phát cho họ.  Điều quan trọng cần lưu ý là cách Luca mô tả sự việc này.  Ông viết:  “Chúa Giêsu đã cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng; bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông phân phát cho dân chúng”.  Điều này nói đến các cộng đoàn vào những năm 80 (và vào mọi thời điểm) nhắc lại Phép Thánh Thể. Bởi vì chính những chữ này sẽ được dùng (và vẫn còn được dùng) trong dịp cử hành Bữa Tiệc của Chúa (22:19).  Ông Luca gợi ý rằng Phép Thánh Thể phải dẫn đến việc hóa các chiếc bánh ra nhiều, có nghĩa là, để chia sẻ.  Điều này giúp các Kitô hữu phải để ý chăm sóc đến các nhu cầu cụ thể của người chung quanh.  Đây là bánh hằng sống mang lại lòng dũng cảm và hướng dẫn người Kitô hữu khi phải đối diện với các vấn nạn của đám đông đi theo một phương cách mới, không phải từ bên ngoài, mà từ trong đám đông.

Lc 9:17:  Dấu hiệu tốt lành: mọi người đều ăn và no nê

Mọi người đều ăn, tất cả sẽ no nê và sẽ có những thúng bánh vụn còn sót lại!  Một giải pháp bất ngờ, được thực hiện bởi Chúa Giêsu và phát sinh chính từ trong đám đông, bắt đầu từ cái nhỏ nhặt họ mang đến, năm chiếc bánh và hai con cá.  Và đã có mười hai thúng đầy những mẩu bánh vụn sau khi năm ngàn người đã ăn xong với năm chiếc bánh và hai con cá!

c)  Suy gẫm sâu xa hơn:  một phép lạ trọng đại hơn:

Có người sẽ thắc mắc:  “Đó không phải là phép mầu sao?  Hay đó chỉ là một sự chia sẻ?”  Sau đây là ba sự suy gẫm bằng phương cách dùng câu trả lời:

Suy gẫm thứ nhất:  Phép lạ nào sẽ nên cao trọng hơn ngày nay: vào một ngày nhất định trong năm, ví dụ như lễ Giáng Sinh, mọi người đều có thức ăn đầy đủ và nhận được một giỏ thức ăn Giáng Sinh; hay là người ta bắt đầu chia sẻ thức ăn để không một ai bị đói và rồi sẽ có những thức ăn dư lại cho đám đông khác.  Phép lạ nào cao trọng hơn phép lạ nào?  Bạn nghĩ gì?

Suy gẫm thứ hai:  Chữ Phép lạ (miraculum) xuất phát từ động từ ngưỡng mộ.  Phép lạ là một sự việc ngoại hạng, ngoài sự hiểu biết bình thường, gây ra sự ngưỡng mộ và dẫn đến suy nghĩ về Thiên Chúa.  Phép lạ vĩ đại, phép lạ cao trọng hơn tất cả là (1) Chúa Giêsu, Thiên Chúa mặc lấy xác loài người!  Vì thế, Thiên Chúa trở nên một con người phi phàm như việc Thiên Chúa có thể làm người!  Mộtphép lạ lớn lao khác là (2) sự thay đổi mà Chúa Giêsu đã thành công trong lối làm việc với đám đông đã quen với cách giải quyết từ bên ngoài.  Chúa Giêsu thành công trong việc làm cho đám đông phải đối diện với vấn nạn của họ từ bên trong và chính họ nhận phương cách giải quyết.  Một phép lạ vĩ đại, một việc phi phàm là (3) qua cử chỉ của Chúa Giêsu, tất cả mọi người đều được ăn và lại còn dư!  Khi chúng ta chia sẻ, luôn luôn có thêm …. và lại còn dư thừa!  Như thế là có ba phép lạ vĩ đại:  chính Chúa Giêsu, việc hoán cải của dân chúng, và việc chia sẻ của ăn dẫn đến sự phong phú dư dật!  Ba phép lạ nảy sinh ra một kinh nghiệm mới về Thiên Chúa là Chúa Cha mặc khải cho chúng ta trong Chúa Giêsu.  Kinh nghiệm này về Thiên Chúa đã thay đổi tất cả các não trạng và cách sống, nó mở ra một chân trời hoàn toàn mới lạ và tạo nên một cách sống hòa đồng với những người khác.  Đây là một phép lạ to lớn nhất: một thế giới khác có cơ hội được tạo nên!

Suy gẫm thứ ba:  Rất khó để biết những việc đã xảy ra như thế nào.  Không ai có thể nói rằng Chúa Giêsu đã không làm phép lạ.  Người đã làm nhiều phép lạ!  Nhưng chúng ta không được quên rằng phép lạ lớn nhất là sự phục sinh của Chúa Giêsu.  Qua đức tin vào Chúa Giêsu, người ta bắt đầu sống theo một phương cách mới, chia sẻ cơm bánh với các anh chị em là những người nghèo khó và đang đói:  “Không ai trong số các cộng đoàn phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ” (Cv 4:34-35).  Khi một phép lạ được mô tả trong Thánh Kinh, sự quan tâm lớn hơn được chú ý đến không phải là hướng tới khía cạnh kỳ diệu, mà là hướng tới ý nghĩa phép lạ đã ban cho đời sống và cho đức tin của cộng đoàn những người tin vào Chúa Giêsu, sự mặc khải của Chúa Cha.  Trong nơi gọi là “thế giới thứ nhất” của các quốc gia “Kitô hữu”, các thú vật có dư thừa thức ăn hơn là những con người đang sống trong “thế giới thứ ba”.  Rất nhiều người đang đói khổ!  Điều này có nghĩa là Phép Thánh Thể đã chưa bén rễ sâu xa hoặc là đã chưa lan rộng ra như đã đáng lẽ ra.

6.  Cầu nguyện với Thánh Vịnh: 81 (80)

 

Thiên Chúa giải thoát và nuôi sống dân Người

Reo lên mừng Thiên Chúa, Đấng trợ lực chúng ta!
Hò vang dậy đi nào kính Chúa nhà Giacóp!
Đàn hát lên nào, hoà nhịp trống cơm,
bổng trầm gieo tiếng cầm tiếng sắt.
Rúc lên đi, hãy rúc tù và,
mồng một ngày rằm cho ta mừng lễ.
Đó là luật Ít-ra-en phải cứ,
Thiên Chúa nhà Giacóp đã phán truyền.
Chỉ thị này, nhà Giuse đã nhận khi bỏ miền Ai-cập ra đi.
Một giọng nói tôi nghe khác lạ,
rằng: “Gánh nặng vai dân, Ta đã cất cho,
tay họ thôi cầm chiếc ky người nô lệ.
Lúc ngặt nghèo, ngươi đã kêu lên,
Ta liền giải thoát.
Giữa mây mù sấm chớp, Ta đã đáp lời,
bên mạch nước Mơ-ri-va, Ta thử lòng ngươi.
“Dân Ta hỡi, nghe Ta cảnh cáo, Ít-ra-en này, phải chi ngươi chịu nghe Ta,
thì đừng đem thần lạ về nhà,
thần ngoại bang, chớ hề cúng bái.
Chính Ta là THƯỢNG ĐẾ Chúa ngươi,
đã đưa ngươi lên tự miền Ai-cập,
há miệng ngươi ra, Ta sẽ cho đầy ứ.
“Nhưng dân Ta đã chẳng nghe lời,
Ít-ra-en nào đâu có chịu.
Ta đành mặc họ lòng chai dạ đá,
muốn đi đâu thì cứ việc đi!
“Ôi dân Ta mà đã nghe lời,
Ít-ra-en chịu theo đường Ta chỉ,
thì hết những địch thù của chúng,
những kẻ hà hiếp chúng xưa nay,
Ta tức khắc trở tay quật ngã;
“Kẻ thù CHÚA sẽ cầu thân nịnh bợ,
ấy là số phận chúng muôn đời;
còn dân Ta, Ta sẽ nuôi bằng lúa mì tinh hảo,
mật ong rừng, Ta cho hưởng thoả thuê.”

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

 ———————————-

về tác giả và dịch giả:

Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.

Related posts