Gia đình Văn hóa & Đức tin 

SỨ VỤ CHUYỂN GIAO ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI MẸ CÔNG GIÁO

SỨ VỤ CHUYỂN GIAO ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI MẸ CÔNG GIÁO

Thân mến chào tất cả Chị Em Hiền Mẫu Giáo Miền Kon Tum,

Chị Em có nghĩ là dịp Mừng Lễ Bổn Mạng năm nay – Năm Đức Tin – là thời khắc riêng tư nhất, ấn tượng nhất để chúng ta rà soát lại Sứ vụ Chuyển Giao Đức Tin của từng người chúng ta trong vai trò là Vợ, là Mẹ của mình không?

Thánh Mônica đã hoàn thành sứ mạng mà Thiên Chúa trao ban qua ơn gọi làm vợ và làm mẹ của Ngài một cách tuyệt vời. Làm vợ, ngài hết tình yêu thương và chiều chuộng chồng, tính nết hiền lành và đạo đức đó là bí quyết mà thánh nhân dùng để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Làm mẹ, ngài tận tình chăm sóc và giáo dục con cái, nhất là đời sống đạo đức. Nhờ đó mà chồng con đều lần lượt trở lại đạo Chúa. Mônica nên thánh trong một đời sống gia đình rất bình thường như những gia đình của mỗi người. Điều đó cũng làm cho chúng ta, nhất là các bà mẹ công giáo phải đặt lại vấn đề, tại sao tôi không dùng chính đời sống gia đình của mình để làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày? Là một người vợ hay một người mẹ, tôi đã cầu nguyện với Chúa mỗi khi chồng con khô khan, nguội lạnh hay thậm chí mất đức tin chưa?

Trong ngày Gặp Mặt này, xin mời  Chị Em cùng nhìn lại  và củng cố Sứ Vụ Chuyển Giao Đức Tin của Người Mẹ Công Giáo chúng ta; hầu cuộc sống Gia Đình của Chị Em được nở hoa và vươn lên theo đúng tầm vóc mà Thiên Chúa đã tin tưởng giao phó và mong đợi nơi từng người.

I- CHUYỂN GIAO ĐỨC TIN LÀ SỨ VỤ ĐẶC THÙ CỦA PHỤ NỮ ?

Trong “Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin”, Thông Điệp đầu tiên trong Sứ Vụ Giáo Hoàng của mình,  Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở cho các Gia Đình chúng ta:

“ Môi trường đầu tiên trong đó đức tin soi sáng thành của con người là gia đình… Trong gia đình, đức tin đi cùng với mọi lứa tuổi của cuộc đời, bắt đầu với tuổi ấu thơ: trẻ em học cách tin tưởng vào tình yêu của cha mẹ. Đó là lý do tại sao điều rất quan trọng trong gia đình là cha mẹ khuyến khích chia sẻ đức tin để có thể giúp trẻ em từ từ trưởng thành trong đức tin của chúng. Đặc biệt là người trẻ, đang trải qua một giai đoạn trong cuộc sống rất phức tạp, phong phú và quan trọng đối với đức tin của các em. Các em cần phải cảm thấy sự gần gũi và nâng đỡ thường xuyên của gia đình và Hội Thánh trong cuộc hành trình đức tin của các em… Được hấp thụ và đào sâu trong gia đình, đức tin trở thành ánh sáng có khả năng soi sáng tất cả mọi mối liên hệ của chúng ta trong xã hội.”(chương 4, số 52-54).

Chúng ta cũng hãy nghe lại lời kêu gọi mà Đức Phao-lô VI đã ngỏ lời với cha mẹ: “Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho các con nhỏ của mình những lời kinh của người Ki-tô hữu không? Chị em có cộng tác với các linh mục để chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các bí tích của thời niên thiếu: xưng tội, rước lễ, thêm sức không? Nếu chúng đau ốm, chị em có tập cho chúng quen nghĩ tới những sự đau khổ của Đức Ki-tô, quen kêu cầu sự giúp đỡ của Đức Mẹ Đồng Trinh và các thánh không? Chị em có lần hạt chung với chúng ở gia đình không ?”

Lời của Đấng Đại Diện Thiên Chúa ở trần gian đã quá rõ ràng để chúng thấy được việc Chuyển Giao Đức Tin là một Sứ Vụ đặc biệt của phụ nữ. Nhờ Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, tất cả mọi người đều được tham dự vào ba chức vụ của Đức Giêsu Kitô Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả; vì thế chúng ta cũng tham gia vào Sứ vụ Tông Đồ của Giáo Hội là bổn phận của mọi người. Riêng các phụ nữ chúng ta, nhờ các ân huệ riêng của mình, chúng ta sẽ chu toàn sứ mạng của mình theo cung cách của người phụ nữ.

II- CHUYỂN GIAO ĐỨC TIN BẰNG CÁCH NÀO?

        1/ CHỈ CÓ THỂ CHO CÁI MÌNH CÓ

Không ai có thể cho cái mình không có; cũng thế, muốn chuyển giao Đức Tin cho người khác thì trước tiên mình phải là người có một Đức Tin mạnh mẽ,vững chắc… thì mới có thể trao cho người khác. Đức Tin mà chúng ta có được là do Thiên Chúa ban cho, đó là một Hồng Ân; và hồng ân này cần được nuôi dưỡng và củng cố để nó có thể tiếp tục hướng dẫn cuộc hành trình của chúng ta.

        ♦  Có hai thứ Đức tin : Đức tin “phương tiện” và Đức tin “đối tượng”.

 Đức tin “phương tiện” là Đức tin nhờ đó mà ta tin. Đức tin này được chuyển giao bằng gương sáng hay chứng từ đời sống.

 Đức tin “đối tượng” là những điều phải tin trong đạo. Đức tin này được chuyển giao bằng dạy dỗ hay truyền đạt dưới mọi hình thức.

        ♦ Ta phải dạy gì ?

Tất nhiên là những điều Chúa dạy và Hội Thánh truyền, hay nói đơn giản là dạy Lời Chúa trong Kinh Thánh và Giáo Huấn của Giáo Hội.

 Trong năm Đức tin này, Đức Giám Mục Giáo Phận thường nhắc đi nhắc lại ba điều căn bản sau đây, mà ngài gọi là ba cái “một”:

        – Một Cha trên trời (vậy mọi người là con của Cha và là anh chị em với nhau),

        – Một lệnh truyền: hãy yêu thương nhau (vậy phải sống bác ái),

        – Một sứ vụ: hãy ra đi (vậy phải truyền giáo).

Đó là những điều cần thiết chị em có thể và phải dạy cho con cái ngay từ tấm bé.

        2/ NGƯỜI MẸ PHẢI TRANG BỊ CHO MÌNH MỘT ĐỨC TIN VỮNG MẠNH

 Có bột mới gột nên hồ! Trong vai trò vừa là Mẹ, vừa là người Giáo dân, chúng ta được giao nhiệm vụ xây dựng các Cộng đoàn Giáo Hội ngày càng nên giống các gia đình, có thể phản chiếu vẻ đẹp của Chúa Ba Ngôi và loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời, mà  bằng sự “tỏa sáng”, nhờ sức mạnh của việc sống yêu thương. Muốn chu toàn được Sứ Mạng ấy, trước tiên chúng ta phải biết củng cố lại chính Đức Tin của mình:

 *  Đức Tin cần phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và các Bí tích

 *  Đức Tin rất cần đến tinh thần sám hối và canh tân đích thực.

Có một lòng yêu mến Chúa nồng nàn, có một tâm hồn bình an thì chúng ta mới có can đảm đến với Thiên Chúa là Đấng ban Đức Tin cho chúng ta và luôn mời gọi chúng ta bước vào Tình Yêu của Người. Và từ đó, Người sẽ dạy cho chúng ta cách chuyển giao Tình yêu và Niềm Tin ấy cho người xung quanh.

III – CHUYỂN GIAO ĐỨC TIN TRONG GIA ĐÌNH:

        1/ CHUYỂN GIAO ĐỨC TIN CHO NGƯỜI BẠN ĐỜI

Ngày đã kết ước với nhau trước mặt Thiên Chúa và Cộng đoàn, chị em đã chọn chồng mình làm người Bạn Đời để cùng nhau đi trọn cuộc sống. Như thế, tất cả những gì của Chồng đều liên quan đến Chị Em. Không chỉ thể chất mà cả tinh thần, thậm chí Đức Tin và Phần Rỗi của người ấy nữa. Bởi đó, cả Vợ lẫn Chồng đều phải giúp nhau nên thánh.

Đức Tin là món quà mà Thiên Chúa đã trao tặng cho từng người chúng ta qua Hội Thánh, chúng ta có bổn phận phải làm nảy nở Đức Tin này. Vì thế, khi thấy Đức tin của Chồng, Con mình có phần yếu kém hoặc lung lay, chúng ta cần phải hết lòng hết sức đem cuộc sống mình ra để cộng tác với Ơn Chúa mà giúp họ củng cố và kiện toàn.

Thánh Mônica của chúng ta đã trải nghiệm điều này hầu như trong suốt cuộc sống của Bà. Mônica đã vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius thuộc dòng dõi quý phái, ông này có nhiều năng lực, nhưng tính khí lại hung bạo và không chung thủy; ông lớn gấp đôi tuổi của bà. Thêm vào đó, bà mẹ chồng không thích Mônica và thường gây cho bà nhiều rắc rối. Dù rất khổ tâm nhưng Mônica vẫn vui vẻ với hy vọng sẽ cứu được linh hồn của họ. Quả vậy, nhờ lời cầu nguyện, đức kiên nhẫn và đời sống gương mẫu, cuối cùng Thánh Mônica cũng đã chuyển giao được Đức Tin cho chồng cũng như mẹ chồng. Bà  đã đưa họ trở về với Đức Tin Kitô Giáo.

Chị em thân mến,

Mỗi chúng ta hãy nhìn lại mình và nhìn về gia đình mình; Đức Tin của Chị Em so với Chồng mình như thế nào?  Nếu may mắn, Chị Em có Người Bạn Đời gương  mẫu, đạo đức, nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, Chị Em sẽ cộng tác với Anh như thế nào? Còn nếu Người Bạn Đời của Chị Em lơ là trong việc đạo nghĩa hoặc là người khác tôn giáo với Chị Em, Chị em có phương cách nào để chăm sóc Đức Tin cho Chồng mình?

        2/ CHUYỂN GIAO ĐỨC TIN CHO CON CÁI

Việc chuyển giao Đức tin cho con cái là bổn phận của cha mẹ. Tuy nhiên, với thiên chức làm mẹ, người phụ nữ có bổn phận đặc biệt chuyển giao Đức tin qua việc gần gũi con cái. Thật vậy “trong việc giáo dục con cái, người mẹ có một vai trò ưu việt nhất. Vì mối tương quan đặc biệt nối kết người mẹ với đứa con, nhất là trong những năm đầu đời… mối tương quan nguyên thủy giữa mẹ và con này còn có một giá trị giáo dục đặc biệt trên lãnh vực tôn giáo, bởi vì nó giúp hướng trí lòng con cái về Thiên Chúa rất sớm, cả trước khi chính thức bắt đầu việc giáo dục con cái” (ĐTC Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới lần XXVIII – 1.1.1995).

Vậy, để chuyển giao Đức Tin cho con em mình, chúng ta cần chú ý giáo dục về cả hai mặt Nhân Bản và Đức Tin. Vì nếu không có một nhân bản vững chắc thì Đức tin cũng rất dễ lung lay.

        ♦ GIÁO DỤC NHÂN BẢN

Chắc chắn tất cả Chị Em đang ngồi đây đều có nỗi canh cánh bên lòng về những đứa con của mình; nhưng tự sức mình, làm sao chúng ta có thể nào dẫn dắt con mình theo ý muốn. Chúng ta hãy lắng nghe Văn Hào Kahlil Gibran nói: “Con cái các bạn là con cái của Đấng Đời Đời. Do các bạn mà chúng được sinh ra; nhưng chẳng phải tự tay các bạn tạo dựng chúng… Các bạn có thể cho chúng tình yêu, nhưng không thể cho chúng tư tưởng mình;  vì chúng có tư tưởng riêng của chúng… Các bạn là những Cây Cung, từ đấy con cái các bạn tựa những Mũi Tên sống được bắn đi. Người Bắn Cung thấy đích trên đường vô cùng. Ngài uốn các bạn bằng sức mạnh để những Mũi Tên của Ngài được bắn đi xa. Các Bạn hãy hoan hỉ trong tay Người Bắn Cung. Vì dẫu yêu Mũi Tên bay đi, Ngài cũng yêu Cây Cung vững chắc!” (The Prophet).

Vâng, con của chúng ta là do Chúa dựng nên như Ngài đã dựng nên chúng ta. Con của chúng ta là một nhân vị đã được được Chúa phú ban cho tự do riêng của chúng…Và chúng ta, những bậc làm Cha Mẹ, chúng ta chính là những khí cụ Chúa dùng để chăm sóc những nhân vị  mà Ngài đã cho phát xuất từ máu huyết của chúng ta; con cái chúng ta là những của riêng vô cùng quý báu…độc nhất trên đời; không ai có thể là cha mẹ của con cái chúng ta ngoại trừ chúng ta!  Đây chính là Mầu Nhiệm mà Đấng Tạo Thành  đã ký thác cho chúng ta, để chúng ta thay mặt Ngài chăm sóc. Và đây cũng chính là lý do tại sao Cha Mẹ lại phải có trách nhiệm trên con cái mình. Bởi đó nỗi lo làm sao để giáo dục, dạy dỗ cho con mình nên người; rồi làm thế nào để con mình nên thánh… luôn là những mong ước cháy bỏng; đồng thời cũng là bổn phận của của Các Bậc Cha Mẹ chúng ta.

Sự xuống cấp về mặt đạo lý đã đem đến biết bao đau thương cho các gia đình, có những trường hợp con cái lại trở thành tai họa cho Cha Mẹ, cho Gia đình ngay cả khi đã được dạy dỗ, giáo dục kỹ lưỡng.

Vấn đề giáo dục con cái trong xã hội hiện đại khó hơn ngày xưa rất nhiều, bởi vì các người bây giờ có nhiều mối quan hệ bạn bè cũng như nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin từ khắp nơi trên thế giới. Vì thế càng ngày con cái chúng ta càng có xu hướng muốn tự khẳng định cái tôi độc lập của mình. Bởi đó, để dạy con nên người, cha mẹ cần phải học hỏi tích lũy kiến thức về tâm lý từng lứa tuổi, nhất là giai đoạn dậy thì, cha mẹ cần xem trẻ như một người bạn. Mọi phương pháp giáo dục cần dựa trên thái độ tôn trọng và tình yêu thương.

Việc Giáo dục con cái là chuyện vừa cũ lại vừa mới, lúc nào cũng cần thiết, lúc nào cũng cấp bách. Những nguyên tắc vàng để dạy con, có lẽ chúng ta đã nằm lòng… Thế nhưng việc của người ta thì có lẽ mình rất sáng; nhưng khi tới trường hợp phải áp dụng cho con mình đôi khi chúng ta dễ mềm lòng và đâm ra bị quáng.

* NHỮNG  SAI  LẦM  CỦA CHA MẸ  KHI  GIÁO DỤC CON CÁI:

Quá cưng chiều hoặc quá khắt khe trong việc giáo dục trẻ, cả hai khuynh hướng này đều không mang lại hiệu quả. Cha Mẹ cần biết dung hòa mới mong giáo dục con cái nên người. Phần đông Cha Mẹ thường mắc phải những sai lầm trong cách dạy con:

        1.   Thương phải cho roi cho vọt.

        2.  Nuông chiều con thái quá, rồi đưa đến việc Thiếu kỷ luật với con.

        3.  So sánh  con với một người khác hoặc chê bai con trước mặt mọi người.

        4.  Cha mẹ luôn nói “cấm” mà không phân tích, chỉ ra điều tốt, xấu cho con hiểu.

        5.  Thiếu quan tâm đến đời sống, tình cảm của con cái.

        6.  Dạy con nghe lời một cách máy móc, Tiết Kiệm lời khen đối với con.

        7.  Chụp mũ, in trí con.

        8.  Cha Mẹ không đồng nhất khi răn dạy con.

        9.  Coi trẻ là một người lớn, rồi  kỳ vọng quá mức và đòi hỏi trẻ phải hoàn hảo.

        10. Thiếu Đối thoại với con mà chỉ ra lệnh.

*  NHỮNG ĐIỀU TỐT  CHA MẸ NÊN DẠY CHO CON:

        1.  Dạy con biết  giá trị của đồng tiền và biết chi tiêu tiền một cách hợp lý.

      2.  Hãy luôn giúp đỡ và tạo điều kiện cho con cái biết tự lập, để trở thành những con người, những cá  thể theo cách của riêng chúng.

        3.   Cắt nghĩa để trẻ thấy được việc Học tập là điều vô cùng quan trọng.

        4.   Dạy con kỹ năng làm việc nhà.

        5.   Đối xử với con cái công bằng, Dạy con sống công bằng.

        6.   Yêu thương con và dạy con biết yêu thương.

♦ GIÁO DỤC ĐỨC TIN

        – Ngoài nền giáo dục nhân bản, cha mẹ còn phải cho con cái nền giáo dục Công giáo, nghĩa là ngay từ hồi còn tấm bé, đã phải dạy cho con cái biết mến Chúa yêu người, biết tuân giữ những giới luật của Chúa, biết tham dự những công việc đạo đức, biết siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhờ đó con cái sẽ trở thành những Kitô hữu đích thực, nghĩa là những người có Đức Kitô trong tâm hồn và mang Đức Kitô trong cuộc sống, cũng như trở thành những người tín hữu đích thực, nghĩa là những người có đức tin và sống đức tin của mình giữa lòng cuộc đời.

        – Viêc chuyển giao đức tin và giáo dục đức tin cho con cái là điều vô cùng quan trọng. “Những bậc làm cha mẹ, những kẻ tham dự vào tình phụ tử của Thiên Chúa, là những kẻ đầu tiên chịu trách nhiệm giáo dục con cái và là những kẻ đầu tiên rao giảng đức tin cho con cái. Cha mẹ có bổn phận yêu thương và tôn trọng con cái như là những nhân vị và như là những con cái của Thiên Chúa. Ðặc biệt, Cha Mẹ có sứ mạng giáo dục chúng sống đức tin Kitô” (Đức Bênêđictô XVI, Diễn văn bế mạc Đại hội Gia đình Thế giới lần V tại Valencia, Tây Ban Nha, 9.7.2006).

        – Việc chuyển giao đức tin không chỉ đơn thuần là xin cho con cái được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nhưng còn trao ban cho con cái mẫu gương sống đạo của người  mẹ. Người mẹ định hình đời sống đức tin cho con cái qua đời sống đức tin của chính mình. Vì vậy người mẹ luôn nỗ lực tự hoàn thiện chính mình để thực sự trở thành khuôn mẫu hoàn hảo nắn đúc đời sống đạo đức cho con cái. Trên hết mọi sự người mẹ phải là người mang lại nụ cười hạnh phúc trong gia đình. Đời sống đức tin không chỉ đóng khung trong những thói quen đạo đức như đọc kinh đi lễ, nhưng đức tin cần phải là nguồn mạch tuôn chảy niềm vui trong gia đình. Vì vậy trong việc sống đức tin, người mẹ cần vượt thắng những khó khăn trong đời để nụ cười luôn nở trên môi. Đối diện với những âu lo buồn bực, nhưng trên khuôn mặt người mẹ vẫn thể hiện nét tươi sáng. Nụ cười của người mẹ là nụ cười của sự tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Đó là bài học đầu tiên cho con cái về đức tin. “Nếu con cái nhìn thấy rằng cha mẹ của mình – và cách chung những người lớn xung quanh – sống cuộc đời cách vui tươi và hăng say, cả khi gặp những khó khăn, thì con cái sẽ dễ dàng tăng triển niềm vui sống sâu xa; và niềm vui sống này sẽ giúp cho con cái thành công vượt qua được những trở ngại có thể và vượt qua được những nghịch cảnh của đời sống con người” (Đức Bênêđictô XVI, diễn văn bế mạc Đại hội Gia đình Thế giới lần V tại Valencia, Tây Ban Nha, 9.7.2006).

IV.    NGƯỜI PHỤ NỮ –  MẸ  CHUYỂN GIAO ĐỨC TIN CỦA MÌNH BẰNG VIỆC THAM  GIA VÀO SỨ VỤ CỦA HỘI THÁNH.

        1/ CHỖ ĐỨNG CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ – MẸ  TRONG GIÁO HỘI.

 Tông Thư Mulieris dignitatem (Phẩm Giá Phụ Nữ, 15.8.1988) khẳng định rằng: “Phụ nữ đứng ngay ở trọng tâm của biến cố cứu độ” (số 3). “Hẳn là nữ giới không kém về khả năng so với nam giới, chỉ có điều là khác nhau thôi” (số 10). Và khi muốn ám chỉ về cuộc khổ nạn của Ðức Giêsu, văn kiện viết: “Có thể thấy được rằng trong cuộc thử thách ghê gớm nhất đối với niềm tin và lòng trung thành, phụ nữ đã tỏ ra kiên cường hơn các tông đồ; trong những giây hiểm nguy, có “yêu mến nhiều thì mới vượt thắng được sợ hãi”(số 15).

*  Phụ nữ trong Tin Mừng : Đọc qua những trang Tin Mừng, chúng ta có thể thấy được Chúa Giêsu có một mối tương quan với phụ nữ như thế nào :

        1) Nhiều phụ nữ đã nhận được rất nhiều ân huệ của Chúa Giêsu .

        2) Phụ nữ xuất hiện nhiều trong các dụ ngôn.

        3) Chúa Giêsu tham dự vào những tình cảnh lịch sử cụ thể của phụ nữ

        4) Đức Kitô nói với phụ nữ về Thiên Chúa và các phụ nữ đều hiểu được lời Ngài; đã có một âm hưởng thực sự trong tâm trí phụ nữ, và cả thái độ đáp trả đức tin của họ. Chúa Giêsu luôn luôn tỏ ra thán phục và đánh giá cao “những cách ứng xử đầy nữ tính” đặc biệt này (Mt 15,28 người phụ nữ Canaan)

*  Cách các phụ nữ đáp trả lại sứ vụ của Chúa Giêsu :

        – Ngay từ đầu sứ vụ của Đức Kitô, các phụ nữ đã tỏ ra rất nhạy cảm đặc biệt với chính Ngài và với sứ điệp mầu nhiệm của Ngài.

        Nhạy cảm vốn là đặc trưng cố hữu của nữ tính.

        –  Dù không được kêu gọi vào chức vụ thừa tác, nhiều phụ nữ đã theo Ðức Giêsu khi Ngài thi hành sứ vụ và đã phụ giúp các tông đồ (Lc 8,2-3).

        – Các phụ nữ đã hiện diện gần bên thập giá Chúa và tham dự vào việc an táng Chúa

        – Các phụ nữ cũng có mặt trước tiên bên mộ đá, đón nhận rồi truyền lại lời loan báo Chúa Phục sinh (Lc 24,1-10).

        – Các phụ nữ cũng Cầu nguyện cùng các Tông đồ trong nhà Tiệc ly (Cv 1,14).

        – Các phụ nữ cũng giữ một số nhiệm vụ khác nhau trong lòng những cộng đồng Giáo hội tiên khởi và phục vụ những cộng đồng này (Rm 16,1-15; Pl 4,2-3; Cl 4,15; 1Cr 11,5; 1Tm 5,16).

        2/  VÀ HÔM NAY, CÁC PHỤ NỮ-MẸ VẪN LÀ NGUỒN NHÂN LỰC NĂNG ĐỘNG  TRONG VIỆC XÂY DỰNG HỘI THÁNH.

Ngoài việc chăm sóc Đức tin trong gia đình,  Người Phụ Nữ -Mẹ vẫn luôn tham gia vào mọi sinh hoạt trong Giáo hội dưới mọi hình thức từ Loan Báo Tin Mừng , đến Điều Hành cũng như Xây Dựng Giáo Xứ, Giáo Phận cách tích cực và luôn có trách nhiệm.

Trong thông điệp gởi cho phụ nữ vào ngày 8.12.1965, các nghị phụ Công đồng đã bày tỏ rõ ràng về chính kiến của mình đối với phụ nữ: “Đã đến giờ, và trong giờ đó, ơn gọi của phụ nữ được thực hiện cách trọn vẹn, giờ mà người phụ nữ tạo được ảnh hưởng, sự phát triển và sức mạnh trong xã hội, điều mà cho đến bây giờ họ chưa có được. Vì thế nhờ bởi tinh thần Phúc âm người phụ nữ có thể cộng tác cộng tác vào nhiều lãnh vực với ý thức về một sự thay đổi sâu rộng, hầu giúp nhân lọai đạt tới cùng đích của mình”.

        Các Chị Em thân mến,

Hiền mẫu chúng ta thật sự tự hào là một người Công giáo, và nhất là một Bà Mẹ Công giáo. Mỗi ngày chúng ta vừa làm việc mưu sinh, vừa lo chu tất bổn phận trong việc chăm sóc cha mẹ và chồng con…

Ngoài ra, là những con người có đức tin, chúng ta không thể không khao khát được chung tay góp sức Xây dựng Hội Thánh Chúa theo đúng bậc sống của mình.

Bởi đó, chúng ta cần phải mạnh dạn tham gia vào các công việc của Giáo Hội tùy theo khả năng Chúa ban cho mình, không phải vì cớ này, cớ kia mà ươn lười hoặc mặc cảm mà không muốn dấn thấn. Trái lại, chúng ta cần có những suy nghĩ tích cực, sẵn sàng tham gia vào những chương trình huấn luyện mục vụ cụ thể và phù hợp với hoàn cảnh sống của từng người chúng ta; có như thế, chúng ta mới có thể giữ vững Đức Tin và thi hành Sứ Vụ của mình là Chuyển Giao Đức Tin cho mọi người cách tích cực và hiệu quả được.

Xin Mẹ Maria, Người Nữ Tuyệt vời và Thánh Nữ Mônica phù hộ cho chúng ta.

        “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho Chị Em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ Đức Tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, Chị Em được tràn trề hy vọng”. (Rôma 5,13 )

        Mến chào Chị Em.

        Cảm ơn Chị Em đã chú ý lắng nghe.

Năm Đức Tin – Lễ Thánh Mônica 2013

Sr Juliana SPC biên soạn

GPKONTUM (23.08.2013) KONTUM

Related posts