Năm A 

Phúc cho ai không vấp ngã vì tôi – Chúa nhật III Mùa vọng A

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG A

Phúc cho ai không vấp ngã vì tôi

Chúa nhật thứ ba Mùa vọng là “Chúa Nhật vui mừng”, hay còn gọi là Chúa nhật hồng. Ta nói như vậy bởi vì Giáng sinh đã gần kề và Phụng vụ mời gọi chúng ta chuẩn bị bằng việc đổi mới trong tất cả mọi sự cho biến cố tuyệt diệu này.

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta một sự kiện hơi khó hiểu một chút. Gioan Tẩy giả bị ở tù vì đã chỉ trích Hêrôđê Antipa một cách công khai vì mối quan hệ tai tiếng với Hêrôđia. Trước đó Gioan Tẩy giả đã chỉ cho các môn đệ của ông biết rằng Chúa Giêsu là Mêsia mà muôn dân hằng mong đợi, Đấng sẽ xóa tội trần gian (x Gv 1,29-34; Mt 3,11-12). Từ trong tù, Gioan Tẩy giả đã sai các môn đệ của mình đến hỏi Chúa Giêsu có thực là Đấng Mêsia không. Tại sao Gioan sai họ đi, mặc dù trước đó ông đã nhận biết cách rõ ràng rằng Chúa Giêsu là Mêsia? Có nhiều câu trả lời khác nhau đã được các nhà nghiên cứu Kinh thánh đưa ra.

Câu trả lời xem ra có tính thuyết phục nhất đó là : Không chỉ Gioan Tẩy giả đã nghi ngờ về chuyện này, nhưng các môn đệ của ông cũng thế. Các ông đang mong đợi một Đấng Mêsia hoàn toàn khác, một Mêsia nghiêm khắc, mạnh mẽ vốn đã quất vào những người tội lỗi ngoan cố bằng sức mạnh. Tất nhiên họ không mong đợi một Đấng Mêsia hiền lành và từ bi. Vì thế Gioan tiền hô đã sai họ đến với Chúa Giêsu để họ biết rằng họ phải theo vị Thầy Nazareth và không còn ai khác nữa. Câu hỏi của các môn đệ là : “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?” (Mt 11,3). “Đấng phải đến” là một kiểu nói của Cựu ước ám chỉ đến đấng Mêsia mà Thiên Chúa đã hứa. Chúa Giêsu trả lời những câu hỏi của họ bằng cách đưa họ trở về với những gì họ “nghe” và “thấy”. Tóm lại họ phải trả lời bằng chính những việc mà Chúa Giêsu đã thực hiện. Vì vậy, các tiên tri đã nói về các dấu chỉ đi kèm với Đấng Mêsia : “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. Vì có nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu”. (Is 35,5-6). Bằng cách này Chúa Giêsu đã trả lời cho các môn đệ của Gioan Tẩy giả : “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó”(Mt 11,4-5).

Chúa Giêsu kết thúc bằng những lời như sau “phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”. (Mt 11,6). Những lời này có nghĩa là những người được chúc phúc không thấy nơi cách đối xử khiêm nhường và từ bi của Chúa Giêsu như một cản trở đối với việc tin vào Người và chấp nhận để trở thành môn đệ Người, bằng cách từ bỏ những ước mơ và hy vọng quá phàm trần. Cho nên, có rất nhiều người đã chờ đợi Đấng Mêsia hoàn toàn khác, một Mêsia toàn thắng theo kiểu con người. Như đã nói lúc ban đầu ngay cả các môn đệ của Gioan Tẩy giả cũng mong đợi một Đấng Mêsia nghiêm khắc và kỷ luật, một Đấng Mêsia khiển trách một cách nghiêm khắc tất cả các tội nhân. Chính vì điều này mà vào lúc cuối đời, Thánh Gioan Tẩy giả đã sai các môn đệ đến với Chúa Giêsu để họ hiểu được bài học thương xót của Người và lời kêu gọi hoán cải của Người. Bài huấn dụ của Chúa Giêsu kết thúc bằng lời khen ngợi dành cho Gioan tiền hô. Chúa Giêsu nói rằng Gioan Tẩy giả thì hơn cả một tiên tri (x. Mt 11,9). Bằng những lời ấy, Chúa Giêsu muốn nói rằng Gioan tiền hô là sứ giả được Thiên Chúa Cha sai đến để dọn đường cho Đấng Mêsia. Sau cùng Chúa Giêsu nói “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,11). Tức là Gioan Tẩy giả giống như đường biên giữa Cựu và Tân ước. Ông là chóp đỉnh của Cựu ước và bước vào cái ngưỡng của Tân ước. Vì vậy, ông còn hơn cả các tiên tri, nhưng vẫn không phải là người chiếm giữ trọn vẹn mạc khải, bởi vì dưới ánh sáng Tin mừng, chúng ta biết rằng Thiên Chúa còn hơn cả Gioan, “người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông”.

Giờ đây đến lượt chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi chúng ta đang mong đợi điều gì nơi Chúa Giêsu. Có rất nhiều người Do thái đã mong đợi một người giải phóng về chính trị; các môn đệ của Gioan Tẩy giả thì đợi một Đấng Mêsia kỷ luật và nghiêm khắc; còn chúng ta thì sao? Mỗi người đều mang hình ảnh và họa ảnh của Người, nhưng ít có ai đã chuẩn bị và đón nhận Người và vì Người cách thực sự. Sứ điệp của Chúa nhật thứ ba Mùa vọng Giáo hội mời gọi chúng ta : hãy đón nhận Chúa Giêsu, đón nhận những điều Người chỉ dạy chúng ta chứ không phải những điều chúng ta muốn. Hãy thực hiện theo cách chúng ta suy nghĩ, nói và hành động. Chúng ta chỉ có được tất cả những điều đó khi chúng ta cầu nguyện thật nhiều và suy niệm Tin mừng của Chúa thật nhiều, hơn bao giờ hết là học nơi Chúa sự khiêm nhượng và từ bi. Chỉ bằng cách này chúng ta mới sống niềm vui trong bình an.

Lm. Jos Hoàng Hà

Related posts