Văn hóa & Đức tin 

Người Samaritano nhân hậu

Nói đến chuyện vô cảm trước nỗi đau của người khác, không thể không nhớ đến câu chuyện người Samaritan nhân hậu (good Samaritan) được chép trong Phúc Âm thánh Luca:

“Bấy giờ, một thầy dạy luật đứng dậy hỏi đặng thử Chúa Giê-xu rằng:
– Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?

Ngài phán rằng:
– Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó?

Thưa rằng:
– Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí khôn mà kính mến Chúa là Thiên Chúa ngươi; và yêu người lân cận như mình.

Chúa Giê-xu phán rằng:
– Ngươi đáp phải lắm; hãy làm điều đó, thì được sống.

Song thầy ấy muốn xưng mình là công bình, nên thưa cùng Chúa Giê-xu rằng:
– Ai là người lân cận tôi?

Chúa Giê-xu lại cất tiếng phán rằng:

– Có một người từ thành Jerusalem xuống thành Jericho, lâm vào tay kẻ cướp, nó trấn lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để ngươi đó nửa sống nửa chết. Vả, một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Levite cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi. Song có một người Samaria đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương; bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho. Đến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả công. Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là người lân cận với kẻ bị cướp?

Thầy dạy luật thưa rằng: Ấy là người đã lấy lòng thương xót đãi người. Chúa Giê-xu phán rằng: Hãy đi, làm theo như vậy.”

Câu chuyện rất thú vị. Nó tiết lộ nhiều điều: Thứ nhất, nạn vô cảm đã có từ xưa; thứ hai, không phải cứ tu hành hay nói chuyện đạo đức nhiều là tránh được sự vô cảm; thứ ba, nó không có tính chủng tộc: ở đâu cũng có nạn vô cảm, và ngược lại, ở đâu và thành phần nào, ngay ở những thành phần bị kỳ thị nặng nề (như trường hợp người Samaria – còn gọi là Somron – dưới mắt người Do Thái thời xưa) cũng có người từ tâm, sẵn sàng giúp đỡ người khác; và thứ tư, tình thương không nên chỉ giới hạn ở cái khung gia đình, thân thuộc hay láng giềng, thậm chí, dân tộc, mà cần được mở rộng đến bất cứ ai cần được cứu giúp.

Dưới ảnh hưởng của Phúc Âm Luca, chữ “Samaritan” trở thành biểu tượng của sự từ ái nói chung. Và từ thế kỷ 17, nó nhập vào kho từ vựng tiếng Anh, với nghĩa là người có thiện tâm, biết đồng cảm với nỗi đau của người khác và không ngại cứu giúp người khác. Không phải chỉ giới hạn trong văn chương. Nó còn biến thành luật. Trong thuật ngữ luật pháp, có chữ luật “Good Samaritan” rất phổ biến, với ý nghĩa là “một người nào đó sẵn sàng cứu giúp một kẻ khác đang bị thương hoặc có nguy cơ bị thương chỉ vì thiện chí và không hề tính toán đến chuyện được đền đáp hay bất cứ một phần thưởng nào khác.”

Nội dung khái niệm luật “Good Samaritan” thay đổi theo từng nước.[1] Ở một số nơi, luật ấy chỉ quy định miễn thuế trên số tiền người dân cống hiến cho các quỹ từ thiện cũng như miễn tội cho những thiệt hại hay những sai phạm có tính kỹ thuật mà những người muốn cứu giúp người khác có thể mắc phải trong lúc khẩn cấp. Ở một số nước, như Pháp hay Đức, luật “Good Samaritan” còn buộc tội bất cứ ai thấy người gặp nạn cần cứu giúp mà không cứu giúp, từ những người gây ra tai nạn (ví dụ tài xế), đến thân nhân nạn nhân (bố mẹ, anh em trước những nguy hiểm của người thân trong nhà) đến cả những người đi qua đường.

Tại Úc, luật “Good Samaritan” chỉ giới hạn trong việc miễn truy tố những thiệt hại do người có thiện chí cứu giúp người khác gây ra (nếu có) nhưng lại không kết tội những kẻ bàng quan vô cảm (trừ đối với những kẻ gây ra tai nạn). Gần đây, đối diện với hiện tượng dửng dưng trước những người gặp tai nạn cần được cứu giúp, nhiều người, đứng đầu là Giáo hội Công giáo tại Úc, đề nghị thêm vào luật “Good Samaritan” một điều khoản mới, về bổn phận giúp đỡ người khác (duty to aid). Nội dung của điều khoản này là: việc cứu giúp người bị nạn không phải chỉ là một vấn đề đạo đức mà còn là một vấn đề pháp lý; không phải chỉ là chuyện thuộc lương tâm mà còn là bổn phận của mọi công dân. Theo luật này, ai thấy người khác đang gặp nạn mà không ra tay cứu giúp có thể bị truy tố và phạt tội. Dĩ nhiên, cái gọi là “cứu giúp” ở đây còn tùy thuộc vào điều kiện và khả năng của từng người. Nhưng ít nhất, có một điều tối thiểu mà ai cũng làm được: kêu cứu (gọi người chung quanh, báo cho cảnh sát hoặc sở cấp cứu).[2]

Nói đến luật, lại nhớ đến chuyện ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, một số tài xế, sau khi cán người, thấy nạn nhân chưa chết, bèn lùi xe lại cán thêm lần thứ hai hay thứ ba để bảo đảm là nạn nhân đã chết hẳn. Những chuyện rùng rợn như vậy xảy ra không phải một lần. Mà là nhiều lần. Lý do là vì, ở Việt Nam, “các tài xế truyền tai nhau nếu gây tai nạn thà cán chết còn hơn là làm bị thương vì phải nuôi dưỡng nạn nhân rất tốn kém và mệt mỏi.” (http://www.giaoduc.edu.vn/news/gia-dinh-xa-hoi-659/tai-xe-container-can-nguoi-phai-nhan-khung-phat-cao-nhat-141255.aspx) Riêng trong trường hợp bé Yue Yue ở Trung Quốc, nghe nói tên tài xế thứ nhất cán lên em cũng nghĩ như thế. Hắn nói: “Nếu con bé ấy chết, tôi chỉ trả khoảng 20.000 đồng nguyên (3.125 Mỹ kim). Nhưng nếu nó bị thương thì chi phí có thể lên đến hàng trăm ngàn đồng nguyên”. (http://chinadigitaltimes.net/china/sichuan/)

Trước hiện trạng ấy, điều cần làm gấp, ngoài chuyện tăng cường giáo dục và nâng cấp văn hóa, còn có vấn đề sửa đổi luật pháp. Ở Trung Quốc, đã có người đề nghị chính phủ đưa ra luật “Good Samaritan” dưới tên là “luật Yueyue”.
(http://www.newyorker.com/online/blogs/evanosnos/2011/10/chinas-bystander-effect.html#ixzz1cxTnTZJb)

Còn ở Việt Nam? Thay vì làm những luật cần thiết như thế, Quốc Hội Việt Nam, mới đây, lại định bàn về luật Nhà văn hay luật Nhà thơ gì đó. Nhảm hết sức.

[1] Xem bài “The Good Samaritan Law Across Europe” của The Dan Legal network trên http://www.daneurope.org/c/document_library/get_file?uuid=c09228f3-a745-480b-9549-d9fc8bbbd535&groupId=10103%E2%80%9D

[2] http://au.news.yahoo.com/thewest/a/-/latest/9861935/call-for-good-samaritan-laws/

———————
Ts. Nguyễn Hưng Quốc

Related posts