Ôn cố tri tân 

Ôn cố tri tân – Cha Chatelet Thuông

CHA CHATELET THUÔNG
(1858-1885)

“Nos missionnaires, précédés d’une étude historique sur la Société des Missions Étrangères”
Adrien Launay
Retaux-Bray, Paris, 1886

Nước Pháp Công giáo cảm thấy đau đớn khi nghe tin về những tai họa thê thảm đã xảy đến cho các Hội Truyền Giáo vùng Viễn Đông; các tạp chí từ lâu đã tận tình phục vụ công việc tông đồ, như Missions Catholiques, Annales de la Propagation de la Foi, Annales de la Sainte Enfance – nay đã đăng tải các bài tường thuật đầy những đau khổ mất mát mà các vị thừa sai hay Đại diện Tông Tòa gửi về. Những bài tường thuật này đã cho mọi người thấy các tai ương kinh khủng và những thảm họa khôn lường mà người Công giáo Việt Nam phải gánh chịu. Các tạp chí này xin người công giáo (Pháp) giúp đỡ bằng lời cầu nguyện và bố thí. Theo gương họ, các chủng sinh, tu sĩ, và giới báo chí công giáo tổ chức các cuộc quyên góp. Lời kêu gọi khẩn thiết của họ đã được đáp ứng. Sự hào phóng của giáo dân cũng vượt xa mong đợi, nhưng than ôi, lại không thể ngăn chặn được thảm họa vẫn cứ tiếp diễn. Và lần thứ 9 trong năm 1885, vị Giám Mục miền Đông Đàng Trong đã viết thư về Tiểu Chủng viện Thừa sai Hải Ngoại, loan báo một cái chết nữa. Cha Chatelet vừa mới bị giết hại.

I
Nhân hậu, đơn sơ, đạo đức và phục vụ là tính cách của cha François Chatelet, theo lời kể của những người từng quen biết ngài. Ngài sinh ngày 20 tháng 4 năm 1858, tại Saint-Didier.

Ngay từ lúc còn nhỏ, cậu bé Chatelet đã biểu lộ ý muốn dâng mình cho Chúa. Khi mẹ cậu đưa cậu đến trường dòng Saint Augustin tại Lyon để theo học, cậu xin mẹ ghé qua làng Ars để hỏi ý cha sở Vianney. Cuộc nói chuyện giữa vị linh mục thánh thiện và vị tử đạo tương lai kéo dài rất lâu. Họ nói với nhau những gì? Không ai biết cả. Nhưng khi cậu bé ra khỏi nhà xứ, gương mặt cậu rạng rỡ một niềm vui lạ thường.

Từ trường Saint Augustin, cậu vào tiểu chủng viện Argentière và cũng tại đây, việc học hành của cậu suýt bị cắt ngang vì chứng điếc mà cậu bị lúc nhỏ. Bác sĩ nói rằng chứng này càng ngày càng nặng thêm, điều này khiến cậu rất lo lắng, vì trở thành linh mục là ước vọng của đời cậu. Cậu liền hướng về Đức Maria, nơi nương tựa và là nguồn ủi an những người đau khổ, và hứa với Mẹ sẽ dâng mình làm linh mục thừa sai nếu Mẹ giúp cậu có thể tiếp tục học hành tại tiểu chủng viện.

Nữ vương các Tông Đồ và các thánh Tử Đạo đã nhậm lời cậu. Chứng điếc đã được chữa khỏi một phần, và cậu được vào Đại chủng viện, sau đó là Chủng viện Thừa sai. Năm 1880, cha Chatelet lên đường đến miền truyền giáo Đông Đàng Trong. Cha Chambost kể lại: “Cha gặp một số khó khăn về thích nghi với khí hậu và học tiếng Việt Nam. Sau khi đã thực thi thừa tác vụ dưới sự hướng dẫn của các linh mục đàn anh, trong nhiều cộng đồng Công giáo lớn, cha Chatelet được bổ nhiệm làm người đứng đầu của một huyện rộng mênh mông, gồm một chục giáo họ nhỏ cách xa nhau, với khoảng 2.000 giáo dân. Huyện này nằm trên vùng cao nguyên thuộc tỉnh Phú Yên, từ biển đi bộ lên mất một ngày đường, và từ đó đi Sàigòn cũng bằng đi Tourane (Đà Nẵng). Ngài có mặt tại đó vào khoảng tháng 7, tháng 8, đúng lúc xảy ra thảm họa khiến miền truyền giáo Đông Đàng Trong bị xoá sổ”.

II
Tại Phú Yên cũng như các tỉnh khác, các quan lại và phiến quân Văn Thân đã tìm mọi biện pháp để không một vị thừa sai hay một giáo dân nào có thể thoát khỏi chiến dịch tàn sát mà họ đã chuẩn bị. Các xã trưởng đã nhận được lệnh vũ trang cho lương dân, canh gác các ngả đường, ngăn chặn mọi lối thoát thân. Họ cũng phát cho mỗi lương dân một thẻ bài bằng tre đề chữ “Lương dân”, có tên người mang và dấu triện của xã. Trong lúc đó, các quan lại, tổng binh, phó tổng binh và các chánh tổng luôn miệng trấn an các giáo sĩ và giáo dân. Khi mọi sự đã sẵn sàng, Văn Thân tấn công đồn lũy, các quan lại bỏ đồn cho họ sau vài giờ giả vờ chống cự, và tuyên bố không thể bảo vệ được thành nữa. Triều đình Việt Nam ngầm giúp đỡ cho phiến quân Văn Thân, nhưng lại chính thức phủ nhận điều này. Trong các tuyên bố của họ, đại diện của triều đình nói rằng họ đã ra sức bảo vệ các thừa sai và giáo dân, nhưng lại thông đồng với những kẻ sát nhân. Đức cha Gaspar viết “Tác giả các cuộc tàn sát là những kẻ ai cũng biết rõ. Các giáo dân thoát chết đã cho tôi biết nhiều tên tuổi, đó là các chức sắc của các làng ngoại giáo”. Đức cha Puginier viết “Quan lại là những người ra lệnh chém giết và Văn thân là những người thi hành lệnh”.

Tại Đông Đàng Trong, kế hoạch của họ đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Miền truyền giáo này có 41.000 giáo dân, nay chỉ còn 17.000… 8 linh mục thừa sai, 7 linh mục bản xứ, 60 giáo lý viên, 270 nữ tu, và 24.000 giáo dân đã bị giết hại. 17 cô nhi viện, 10 tu viện, 4 trang trại, 2 tiểu chủng viện, 2 nhà thuốc, một nhà in, một tòa giám mục và 225 nhà thờ bị phá hủy.

Cuộc tàn sát và phá hoại này đã được thực hiện một cách tinh ranh khủng khiếp và với một sự thù hằn khó tưởng tượng được. Người ta nói người Việt Nam không có khả năng sáng tạo. Về nghệ thuật và khoa học thì đúng, nhưng về giết chóc thì sai.

Họ vượt mặt mọi chuyên gia hành hình từ cổ chí kim; họ biết tất cả, từ cái chết chậm rãi đến tùng xẻo, phanh thây, siết cổ hàng giờ, treo chân, treo tay v.v. Họ có mọi dụng cụ hành hình, từ kẹp nguội đến kẹp nóng, gông, cùm, dao, móc v.v… Mặt khác, họ không phải giết để giết, mà để thưởng thức nghệ thuật giết con mồi như loài hổ dữ. Chắc chắn họ đã rất khoái trá với công việc này.

Tại Láng Mun, tất cả các giáo dân bị chôn sống trong một hố tập thể.

Tại làng Nại, họ cho giáo dân chọn lựa giữa việc bỏ đạo và cái chết. Một vài người yếu lòng bỏ đạo, nhưng rốt cục cũng bị giết.

Tại Dinh Thủy, một số lớn giáo dân bị ném vào một lò lửa khổng lồ được đốt bằng các loại vật liệu dùng để xây dựng một nhà thờ mới. Có 2 ông trùm họ, một người bị chôn sống, người kia bị chặt đầu cùng với vợ và 10 đứa con. Các nữ tu bị ném xuống giếng tu viện. Một nữ tu sau 2 ngày dưới giếng, vẫn còn sống sót. Bà ta kêu cứu. Một lương dân chạy đến. Bà hứa cho hắn 15 quan nếu hắn cứu bà ta. Hắn cứu vị nữ tu, lấy 15 quan tiền, rồi ném vị nữ tu vào đống lửa của căn nhà còn cháy gần đó. Bà ta vùng lên chạy, nhưng hắn đuổi kịp và đánh chết bà ta. Có hàng ngàn trường hợp thương tâm như vậy.

Cha Chatelet là linh mục thừa sai cuối cùng bị giết của miền truyền giáo Đông Đàng Trong. Khi nghe tin giáo dân bị tàn sát, ngài rời Trà Kê, nơi ngài làm chánh xứ, về trú tại Cây Da để dễ bề tự vệ hơn. Nhưng Văn Thân đã phong tỏa mọi nẻo đường nên không ai biết tin tức gì về ngài.

III
Chỉ đến đầu tháng 11, Đức cha Van Camelbeke mới nghe được tin giáo dân tổ chức chống lại loạn quân. Ngay lập tức, ngài phái người đi cứu viện. Một đoàn 250 người dưới quyền của thừa sai Auger lên đường. Sau đó, mọi người đã biết được cha Chatelet chết trong hoàn cảnh nào.

Sau khi rút về họ Cây Da, ngài tập trung các giáo dân và chuẩn bị hết mọi sự để kháng cự, ngài đợi phiến quân đến. Và ngài không phải đợi lâu.

Cha Auger kể lại: “Thứ 2 ngày 24 tháng 8, các nhóm phiến quân Văn Thân vũ trang chiếm các đồi cao phía đông và phía nam. Họ ở đó cả ngày để quan sát. Trong lúc đó, cha Chatelet ban phép giải tội và cổ vũ tinh thần các giáo dân, dạy họ tuân theo ý Chúa theo gương thánh Barthélémy, dù phải đổ đến giọt máu cuối cùng.

“Ngày 25, trời vừa sáng, các nhóm phiến quân lương dân mang phên tre chống tên tiến vào theo hàng ngũ, nhưng rất chậm vì giáo dân gài chông rất nhiều chung quanh nhà thờ. Dù vậy, đến 9 giờ sáng, chúng cũng tiến đến đủ gần để có thể đốt hàng rào chung quanh nhà thờ. Vì sợ hỏa pháo của quân giặc có thể phóng hỏa nhà thờ, cha Chatelet ra lệnh tháo dỡ hết tranh lợp trên mái nhà thờ xuống. Nhà xứ và các căn nhà chung quanh cũng vậy. Vì vậy, đến 11 giờ, phiến quân rút lui mà không làm được gì. Nhưng 2 giờ sau, chúng trở lại, mang theo gỗ và rơm, lấy từ nhà cửa trong làng Công giáo. Bên trong cứ địa, giáo dân tìm cách đẩy lui phiến quân bằng cách bắn tên và bắn đá, trong lúc những người già và phụ nữ lấy nước để dập tắt lửa hàng rào tre đang cháy.

“Đêm đến, phiến quân rút lui, lửa cũng dần dần bị dập tắt. Ngày hôm sau, phiến quân tiếp tục tấn công với nhiều viện quân từ các làng ngoại giáo gần đó. Hàng rào tre lại bị cháy, và đến 4 giờ chiều, dù được chữa cháy liên tục, hàng rào đã bị trống nhiều chỗ.

“Mọi chống cự có vẻ vô ích; giáo dân vây quanh vị chủ chăn, xin ngài ban phép lành lần cuối cùng, rồi rút vào nhà thờ để chờ đợi giây phút hy sinh sau cùng. Sau khi ban phép lành, cha Chatelet vào nhà xứ để cứu chữa cho khoảng 15 người bị thương. Ngài làm việc một cách cẩn thận, không hề nao núng khi nghe đám loạn dân đang bao vây nhà xứ nguyền rủa, chửi bới. Có 3 kẻ hung dữ nhất xông vào nhà xứ, vì nghe nói có bảo vật trong nhà, sau khi đã chửi bới linh mục và giáo lý viên của ngài, thày năm Cậy. Chúng ra lệnh cho ngài ra ngoài sân quỳ xuống để chịu chém đầu. “Muốn chém thì hãy đến đây mà chém. Tôi không chống cự đâu”. Ngài vừa trả lời vừa tiến ra ngoài hàng ba cùng với thày năm Cậy. Chúng tiếp tục nguyền rủa và ném vào ngài mọi thứ chúng có trong tay. Trong lúc đó, một phiến quân bên phải hàng ba lặng lẽ tiến lại đâm ngọn giáo vào hông ngài, khiến ngài té sấp xuống đất. Một kẻ khác dùng đao chém ngài 2 nhát, một vào cổ, một vào gáy. Cha Chatelet đã tử đạo như thế”.

Ngài chết lúc mới 27 tuổi. Cách đây 5 năm, ngài rời nước Pháp và đã nói lời chia tay vĩnh viễn với gia đình và bạn bè. Cái chết của ngài mang vẻ bình tĩnh, an bình và nhẫn nhục khác thường. Ngài không tự vệ, không bỏ chạy, cứ ngồi tại nhà và cầu nguyện cho đến lúc chết. Ngài không hoảng sợ khi thấy bọn đao phủ bủa vây chung quanh, hoàn toàn điềm tĩnh khi nghe chúng nguyền rủa. Ngài hoàn toàn làm chủ bản thân, dấu chỉ của một trái tim thanh tịnh và một tâm hồn thấm nhuần ơn thánh. Lời nói cuối cùng cho thấy ngài là một linh mục tông đồ luôn luôn mạnh mẽ và luôn luôn dịu dàng, một người đã học được cách chịu đau khổ và chịu chết tại ngôi trường của vị Vua Các thánh Tử Đạo.

chuyển ngữ
F. X. Huỳnh Tấn Mạnh (Tuy Hoà)

Related posts