Năm A 

Tháng Các Đẳng: không chỉ là tưởng nhớ

Ở Rôma, thủ phủ của Giáo hội Công giáo, giữa hàng trăm ngôi thánh đường lớn nhỏ, vẫn còn đó Nhà thờ kính Thánh Anrê và Grêgôriô với một nét đặc biệt. Trong nhà thờ có 3 tấm pa-nô. Tấm thứ nhất ghi lại lời Đức Giáo hoàng Grêgôriô về việc dâng 30 thánh lễ để cầu nguyện cho các linh hồn. Tấm thứ hai tạc hình Đức Kitô chịu thương khó hiện ra với Đức Giáo hoàng Grêgôriô. Tấm thứ ba ghi lại hình ảnh Đức Grêgôriô đang dâng lễ cầu cho các linh hồn.

Ngôi nhà thờ và những tấm pa-nô này gắn với một sự kiện lịch sử. Đức Grêgôriô là vị Giáo hoàng có thể tạng không được mạnh khoẻ lắm, nên có một tu sĩ và cũng là bác sĩ luôn túc trực bên cạnh chăm sóc cho ngài. Khi vị tu sĩ này bất ngờ lâm trọng bệnh và qua đời, người ta lại phát hiện ông giấu trong người 3 đồng vàng. Như thế là ông vi phạm lời khấn khó nghèo và qua đời trong tình trạng không đẹp lòng Chúa.

Đức Giáo hoàng Grêgôriô đã dâng 30 thánh lễ cầu nguyện cho vị tu sĩ này. Con số 30 bắt nguồn từ truyền thống Cựu Ước than khóc người chết trong 30 ngày. Sau khi dâng 30 thánh lễ, người thân của vị tu sĩ mơ thấy ông hiện về, báo tin đã được giải thoát. Họ vui mừng đến báo tin cho Đức Giáo hoàng nhưng ngài đã biết trước họ. Tin này được loan ra bên ngoài rất nhanh và hình thành tập quán dâng 30 thánh lễ cho người quá cố.

Với não trạng duy vật và duy thực nghiệm ngày nay, người ta có thể phủ nhận sự kiện này cũng như phủ nhận tất cả những gì được gọi là phép lạ. Dù sao chăng nữa, sự kiện này cũng minh họa cho khẳng định chính thức của Giáo Hội: “Ngay từ những thời đầu, Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và dâng lời cầu nguyện cho họ, nhất là dâng Hy Lễ Thánh Thể, để một khi đã được thanh luyện, họ có thể được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa” (GLHTCG, số 1032).

Cho nên vào ngày 2-11 và trong suốt tháng 11, khi người tín hữu đến viếng nghĩa địa, dọn dẹp mộ phần của người thân, đặt một vòng hoa, thắp một nén hương, dâng một lời nguyện, xin một thánh lễ… thì không chỉ đơn thuần là tưởng nhớ người quá cố như một nét đẹp văn hoá vốn đã có từ lâu đời trong truyền thống văn hoá Việt Nam. Sâu xa hơn, người tín hữu đang sống và thể hiện mầu nhiệm hiệp thông các thánh, sự hiệp thông vượt qua cả biên giới của sự chết.

“Mỗi người, ngay sau khi chết, lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình sự trả công muôn đời cho mình trong một cuộc phán xét riêng. Cuộc phán xét đó quy chiếu đời sống họ với Đức Kitô để hoặc họ phải trải qua việc thanh luyện, hoặc họ lập tức được vào hưởng vinh phúc trên trời, hoặc họ lập tức bị luận phạt muôn đời”. “Những ai chết trong ân sủng và tình bằng hữu của Thiên Chúa, và những ai đã được thanh luyện trọn vẹn, thì được sống muôn đời với Đức Kitô… Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt tới sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng” (GLHTCG, số 1021, 1023, 1030).

Dù đã được sống muôn đời với Đức Kitô hoặc còn đang trong thời gian thanh luyện hoặc còn đang sống nơi trần thế, tất cả các tín hữu Kitô đều hiệp thông với nhau, sự hiệp thông không hề bị gián đoạn mà trái lại, còn được tăng cường bằng việc truyền thông cho nhau những lợi ích thiêng liêng. Vì thế, lời cầu nguyện của chúng ta cho những người đã qua đời không những có thể giúp đỡ họ, mà còn làm cho sự chuyển cầu của họ cho chúng ta nên hữu hiệu (GLHTCG, số 959).

Như thế, trong Tháng Các Đẳng này, rất nên ghi nhớ lời Thánh Gioan Kim Khẩu: “Chúng ta hãy giúp đỡ họ và hãy nhớ đến họ. Nếu hy lễ của ông Gióp đã đền được tội cho các con ông, tại sao bạn lại hồ nghi là liệu những lễ tế chúng ta dâng lên để cầu nguyện cho người quá cố có đem đến cho họ một an ủi nào không?… Chúng ta đừng ngần ngại giúp đỡ những người đã qua đời và dâng lời cầu nguyện cho họ”.

Bạn mong các linh hồn phù hộ cho bạn, còn bạn có nhớ đến họ và dâng những hy sinh, việc bác ái, thánh lễ, để cầu nguyện cho họ không?

Và khi đến lượt bạn giã từ trần thế, bạn có mong những người còn sống nhớ đến và cầu nguyện cho bạn không?

Thiên Triệu

Related posts

Leave a Comment