Kỷ niệm 30 năm công bố Tông huấn về Gia đình ”Familiaris Consortio”
Kỷ niệm 30 năm công bố Tông huấn về Gia đình ”Familiaris Consortio”
Trong các ngày 29-11 tới 1-12-2011, Hội đồng Toà Thánh về Gia đình triệu hội nghị khoáng đại tại Rôma, nhân dịp kỷ niệm niệm 30 năm Đức Gioan Phaolô II công bố Tông huấn “Familiaris Consortio” và thành lập Hội đồng Toà Thánh về Gia đình.
Ngoài ra, mục đích của khoá họp cũng là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ quốc tế gia đình lần thứ VII sẽ diễn ra tại Milano, bắc Italia, trong các ngày từ 30-5 tới 3-6-2012; đồng thời duyệt xét lại việc thực thi các đường nét hướng dẫn của Tông huấn. Với lời mời gọi “Hỡi gia đình, hãy trở thành điều ngươi là”, Tông huấn là một “tuyên ngôn” về giá trị và vai trò của gia đình trong Giáo Hội và xã hội ngày nay.
Giáo Hội muốn nâng đỡ và trợ giúp các gia đình để chúng có thể thực hiện ơn gọi duy nhất của chúng trong xã hội. Chính trong gia đình mà con người học yêu thương mà không nghĩ tới các lợi lộc riêng tư, học tinh thần liên đới và trao ban ý nghĩa cho các tương quan giữa con người với nhau.
Trong số các thuyết trình viên tại khoá họp cũng có ĐHY Dionigi Tettamanzi, nguyên Tổng Giám mục Giáo phận Milano. Đức Hồng Y sẽ nói về đề tài “Gia đình cộng đồng được cứu độ và cộng đồng cứu độ để tái truyền giảng Tin Mừng. Linh đạo và trách nhiệm thừa sai dưới ánh sáng Tông huấn Familiaris Consortio”.
Tại hội nghị cũng có phần tường trình về tình hình gia đình tại các châu lục trên thế giới. Trưa thứ năm 1-12-2011, các tham dự viên sẽ được Đức Thánh Cha tiếp kiến. Ban chiều cùng ngày, ĐHY Ennio Antonelli sẽ thuyết trình về đề tài: “Những đường hướng của Tông huấn Familiaris Consortio và những nhu cầu mục vụ cấp thiết ngày nay”.
Ngay trong phần dẫn nhập Tông huấn, Đức Gioan Phaolô II đã ghi nhận các thay đổi sâu rộng và mau chóng của xã hội và nền văn hoá ngày nay, khiến cho nhiều gia đình gặp khủng hoảng vì rơi vào các bất ổn, nghi hoặc và lạc hướng. Bên cạnh đó là các tình trạng bất công đã ngăn cản gia đình chu toàn nhiệm vụ của mình và thực hiện các quyền căn bản của nó. Vì ý thức được rằng gia đình là một trong các thiện ích quý báu nhất của nhân loại, Giáo Hội muốn góp tiếng và cống hiến sự trợ giúp cho những ai bất an và lo âu tìm kiếm chân lý, và bị ngăn cản một cách bất công trong việc sống dự án gia đình của họ.
Khi nâng đỡ những người trung thành sống ơn gọi hôn nhân và soi sáng cho những ai nghi hoặc, âu lo, Giáo Hội phục vụ mọi người ưu tư cho các vận mệnh của hôn nhân và gia đình. Cách riêng, Giáo Hội hướng tới các người trẻ bắt đầu bước vào con đường dẫn tới hôn nhân và gia đình, để mở ra cho họ các chân trời mới, bằng cách trợ giúp họ khám phá ra vẻ đẹp và sự cao cả trong ơn gọi của tình yêu và phục vụ sự sống.
Trong số 76, Tông huấn ngỏ lời với giới truyền thông nắm giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống xã hội ngày nay; vì các phương triện truyền thông có các ảnh hưởng sâu rộng đối với con người trên bình diện trí thức cũng như tình cảm, trên bình diện luân lý đạo đức cũng như tôn giáo. Chính vì thế, chúng có thể gây ảnh hưởng tốt trên đời sống và phong hoá của gia đình và việc giáo dục con cái. Nhưng đồng thời các phương tiện truyền thông cũng chứa đựng các phỉnh gạt và nguy hiểm không thể coi thường, và chúng có thể trở thành phương tiện chuyển tải các ý thức hệ phá hoại và các quan niệm lệch lạc về cuộc sống của gia đình, của tôn giáo và luân lý, mà không tôn trọng phẩm giá và ước muốn đích thực của con người, bị lèo lái một cách có hệ thống, như đã xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Nguy hiểm đó lại càng thật hơn nữa, đặc biệt trong các nước kỹ nghệ phát triển, kiểu sống ngày nay rất thường dẫn đưa các gia đình tới chỗ tháo bỏ trách nhiệm giáo dục của mình bằng cách để cho các trẻ em và người trẻ giải trí hay sinh hoạt với truyền hình và các loại ấn loát nào đó…
Vì ảnh hưởng rộng lớn của các phương tiện truyền thông trên việc đào tạo giới trẻ, các bậc cha mẹ phải nắm phần tích cực trong việc sử dụng các phương tiện này một cách chừng mực, với óc phê bình, thức tỉnh và thận trọng. Họ cũng phải tìm cách gây ảnh hưởng trên việc lựa chọn và sản xuất các chương trình truyền hình, làm sao để chúng thông truyền cho người trẻ các giá trị nền tảng thuộc kho tàng thiện ích chung của xã hội… Mỗi một xúc phạm đến các giá trị nền tảng của gia đình – dù đó là chủ trương khiêu dâm, hay bạo lực, bênh vực ly dị, hay các thái độ bài xã hội của người trẻ – đều là một xúc phạm đến thiện ích đích thực của con người.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của ĐHY Ennio Antonelli về các đề tài và sự độc đáo của Tông huấn “Familiaris Consortio”.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, đâu là sự độc đáo của Tông huấn “Familiaris Consortio” đã được Đức Chân phước Giáo hoàng Giona Phaolô II công bố cách đây 30 năm?
Đáp: Sự độc đáo của Tông huấn có thể được nhận ra trong nhiều khía cạnh trên bình diện giáo thuyết và nhất là trên bình diện mục vụ. Trên bình diện giáo thuyết, tôi thấy cần ghi nhận xác tín gia đình là một hình ảnh đặc biệt ý nghĩa, và diễn tả chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Một gia đình thành công một cách nhân loại, và còn hơn thế nữa, một gia đình Kitô, là một sự tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, là một sự hiệp thông các bản vị “rất toàn hảo”. Như thế, ơn gọi của gia đình, của gia đình đơn thuần nhân loại, là sống tình yêu thương dâng hiến, là sống tình yêu thương hiệp thông, và như vậy là trở thành một hình ảnh của Thiên Chúa trên trái đất này, một mạc khải của Thiên Chúa trên trần gian này. Đó là ơn gọi của mọi gia đình, thế rồi Bí tích Hôn Nhân, bí tích của giao ước mới đã hoàn hảo hoá gia đình.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã nhắc tới chiều kích nhân bản của gia đình và sự kiện gia đình có thể diễn tả sự thực hiện tràn đầy của một người nam và một người nữ. Tuy nhiên, ngày nay, trái lại, mô thức gia đình bị coi như là một tư tưởng của Giáo Hội, làm như thể nó chỉ là một mô thức tôn giáo, chứ không phải là một mô thức tự nhiên. Đức Hồng Y nghĩ sao?
Đáp: Trong một cách thức nào đó, mọi người đều trực giác được rằng sống một mình thì không tốt, có đúng thế không? Mọi người đều trực giác được rằng sự cô đơn là một nỗi đau lớn và là nguồn gốc của các nỗi đau khổ. Nhưng rồi phải xem đâu là bản chất đích thực của gia đình và không coi nó ngang hàng với các hình thái tình bạn và sự chung sống khác. Gia đình mà Giáo Hội đề nghị là sự kết hợp ổn định giữa một người nam và một người nữ, rộng mở cho sự sống mới, rộng mở cho con cái. Nói cho cùng, đây là mẫu gia đình không chỉ hiện diện trong Kitô giáo, mà cũng hiện diện trong tất cả mọi nền văn hoá nữa.
Hỏi: Trong 30 năm qua, kể từ khi Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố Tông huấn về Gia đình và thành lập Hội đồng Toà Thánh về Gia đình, người ta nhận thấy gia đình bị khủng hoảng về phía đời cũng như về phía đạo, và cả bên trong cộng đoàn Kitô. Như là linh mục và giám mục, Đức Hồng Y chắc chắn đã lắng nghe nhiều cặp vợ chồng thổ lộ các khó khăn và các khổ đau của họ. Đức Hồng Y có cho rằng mô thức mà Giáo Hội đề nghị đã thất bại hay không, và mô thức thề hứa trung thành với nhau suốt đời có phải là một mô thức không thể thi hành được hay không?
Đáp: Không, mô thức Giáo Hội đề nghị không phải là một thất bại. Chính vì thế mà trước hết cần phải thăng tiến các gia đình gương mẫu, để khi trông thấy các gia đình gương mẫu ấy trong mọi giáo xứ, trong các phong trào, trong các hiệp hội, người ta thấy rằng hôn nhân do Giáo Hội đề nghị, hôn nhân Kitô giáo, là một hôn nhân tốt đẹp, là một cuộc sống xinh đẹp, trao ban niềm vui. Dĩ nhiên là cũng có các hy sinh nữa, bởi vì không thể có điều gì xinh đẹp mà lại không có hy sinh; và tự nó, nó trao ban hạnh phúc. Hôn nhân Kitô giáo, hôn nhân một vợ một chồng trung thành với nhau suốt đời xinh đẹp, có thể sống và có thể thực hiện được.
Hỏi: Đối với Tông huấn “Familiaris Consortio”, hoạt động của gia đình không bị đóng kín trong lĩnh vực riêng tư, vì thế Tông thư nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiệp hội gia đình và vai trò chúng có thể có bên trong lòng xã hội, có đúng thế không, thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Đúng thế, có một điều nền tảng đó là các gia đình gặp gỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm, tạo thành các mạng lưới tình bạn, mạng lưới tu đức gia đình, mạng lưới trợ giúp nhau một cách cụ thể, kể cả việc ăn uống và chung vui với nhau. Thật quan trọng, khi các gia đình cùng nhau sống các kinh nghiệm cụ thể, không phải chỉ trong gia đình riêng rẽ, mà trong một “gia đình của các gia đình”. Thế rồi còn có các hiệp hội khác nhau, có khi là cùng các hiệp hội ấy, có khi chúng là các hiệp hội khác, giúp dấn thân trong lĩnh vực dân sự, nhằm thăng tiến các quyền của gia đình trong xã hội dân sự. Các hiệp hội và đoàn thể này cần thiết, và mục vụ bình thường của Giáo Hội phải huy động và khích lệ các gia đình gia nhập và tham gia vào các hiệp hội hay phong trào ấy, bởi vì khi hiệp nhất và kết đoàn như thế, các gia đình có thể bảo vệ các quyền lợi của mình một cách mạnh mẽ và hữu hiệu hơn.
(RG 24-11-2011)
Linh tiến Khải