Tại sao xăng hồi xưa lại pha chì?
Hỗn hợp Chì Tetraethyl (viết tắt : TEL, công thức (CH3CH2)4Pb) đã từng được sử dụng để pha vào xăng dành cho các động cơ thời kỳ đầu. Hỗn hợp này sẽ làm tăng chỉ số octane và giúp động cơ có thể hoạt động được tốt hơn, bền hơn. Tuy vậy, do hỗn hợp này có ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe nên đã dần bị thay thế bắt đầu từ khoảng năm 1970 cho tới năm 2000 trên toàn thế giới.
Để hiểu rõ hơn về việc tại sao chì lại có ích khi được thêm vào xăng, cần phải hiểu rõ hơn một chút về xăng. Xăng là sản phẩm được chiết xuất từ dầu thô, là sản phẩm hữu cơ do các mạch Cacbon nối với nhau. Xăng được nén ở trong động cơ xe ô tô và xe máy trước khi đốt. Xăng càng được nén mạnh thì động cơ càng dễ đạt công suất cao. Tuy vậy, nếu nén mạnh quá mà chưa kịp đốt thì xăng có thể tự động bốc cháy và gây hại cho động cơ. Chỉ số octane càng cao thì xăng càng có thể nén được nhiều hơn. Xăng 87 (chỉ số octane là 87) là hỗn hợp của 87% octane và 13% heptane hoặc các hỗn hợp khác theo tỷ lệ 87/13.
Ngày 9/12/1921, Charles F.Kettering cùng hai đồng sự là Thomas Midgley + T.A.Boyd đã phát hiện ra TEL có khả năng giúp động cơ hoạt động tốt hơn và giúp xăng có thể tăng được chỉ số octane. Điều này có nghĩa rằng ô tô có thể sử dụng xăng rẻ hơn mà vẫn đạt được độ bốc cần thiết. Ngoài ra, Chì Tetraethyl cũng giúp động cơ hoạt động ổn định hơn. Tuy vậy, ngay từ năm 1922 thì Thomas Midgley đã nhận được cảnh báo từ Charles Klaus rằng đây là một chất độc và có thể gây hại cho con người. Chính Midgley khi thử nghiệm pha chế quá nhiều với chì cũng đã bị dính độc. Tuy vậy, cuối cùng thì xăng pha chì vẫn được đưa ra thị trường vào năm 1923. Ngay lập tức, có khá nhiều người (đặc biệt là công nhân sản xuất) bị nhiễm độc bởi chì nhưng lúc đó vì lợi nhuận người ta vẫn phớt lờ điều này. Tới năm 1974, xăng không pha chì mới bắt đầu được đưa dần ra thị trường. Trong lúc đó thì chỉ tính riêng ở Mỹ đã có hơn 5000 người chết mỗi năm do nhiễm độc chì. Điều nguy hiểm nhất là bạn vẫn có thể mạnh khỏe khi bạn bị nhiễm độc chì và chỉ khi nào bạn đổ bệnh đột ngột thì lúc đó bạn mới biết mình đã bị nhiễm độc.
Vào ngày 27/10/2011, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc đã công bố rằng tình trạng sử dụng xăng pha chì sẽ chấm dứt hoàn toàn trên thế giới vào năm … 2013. Cho tới giờ, chỉ còn 6 quốc gia cho phép sử dụng xăng pha chì là Afghanistan, Algeria, Iraq, North Korea, Myanmar và Yemen.