Thiên Chúa không bao giờ nói lời vĩnh biệt
LỄ HIỂN LINH (2012)
LM. Giuse Trương Đình Hiền
1. Thiên Chúa không nói lời “vĩnh biệt” :
Kể từ khi “cửa địa đàng đóng lại”, nhân loại cứ ngỡ rằng, rồi đây “đất trời nghìn trùng xa cách”, Thiên Chúa sẽ bặt vô âm tín trong cõi vĩnh hằng.
Nhưng mọi sự đã không như thế. Vì Thiên Chúa vẫn là “Thiên Chúa của tình thương”, nên Ngài vẫn tìm đường đến với nhân loại, như lời khẳng định trong Kinh Nguyện Thánh Thể thứ 4 :
“Và khi con người đã mất tình nghĩa với Cha vì tội bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền sư chết. Thật vậy, Cha đã thương cứu giúp mọi người, để những ai tìm Cha đều gặp Cha…”
Và rồi, sau bao nhiêu cuộc “hiển linh ngoạn mục” của thời Cựu ước, sau bao nhiêu cuộc tỏ mình, mặc khải, giao ước qua các vị sứ ngôn, đã đến lúc Thiên Chúa “hiển linh” cách rõ ràng, hiện thực qua chính Người Con Một được ban tặng cho thế giới.
“Cha đã yêu thương thế gian, đến nổi khi tới thời viên mãn, Cha đã sai Con Một đến làm Đấng Cứu Độ chúng con…” (KNTT IV).
Nhưng cũng thật “tội cho Thiên Chúa”. Trong chính cuộc tỏ mình quan trọng nhất khi Con Chúa giáng sinh làm người, thì dân Bêlem, Giêrusalem, những người đã bao đời nghiền ngẫm các lời tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, đã ngủ vùi trong thái độ lãnh đạm, thờ ơ, vô cảm. May mắn cho Đấng Emmanuel, chính trong cuộc hiển linh có một không hai đó đã có các mục đồng Bêlem đế thờ lạy, và như truyện kể của Tin Mừng hôm nay, các các đạo sĩ Phương đông theo ánh sao lạ dẫn đường, đến cung bái.
Qua thời Tân Ước, hình như Thiên Chúa đã chọn một cung cách “hiển linh” rất đời thường, rất bình dị, rất nhân bản, mà đôi khi, qua lăng kính nhuốm màu trần tục, kiêu hảnh, giả hình, nhân loại khó mà nhận ra dấu vết của Ngài.
Mà đúng thật như thế. Từ lúc sinh ra cho đến mãi 30 tuổi, Vị Cứu Thế Giêsu, Đấng là Ngôi Hai Thiên Chúa, âm thầm sống như một kẻ cùng đinh lao động ; cho nên, nào có ai nhận ra em bé Giêsu con bà Maria, hay chàng thanh niên Giêsu con bác phó mộc Giuse trong căn hộ nghèo nàn ở làng quê Na-da-rét kia là Đấng Mêsia thiên hạ đợi trông, là “Con Vua Đa-vít”, là “Đấng Kitô” phải đến để cứu độ loài người ! Và nhất là làm sao con người lại nhận ra Ngài khi Ngài “hiển linh” trong chính những con người nghèo hèn khốn nạn, như chính Ngài đã minh họa trong “Dụ Ngôn ngày phán xét :
“Vì xưa ta đói, các ngươi đã không cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã không cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước ; Ta trần truồng các ngươi đã không cho mặc ; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” (Mt 25, 42-43)…
Và còn thê thảm hơn nữa, Ngài hiển linh trong thân phận của một tên tù mạt hạng, bị quân dữ “dần cho te tua” và sắp bị lên án tử mà quan Tổng Trấn Philatô đã mỉa mai giới thiệu cho đám đông : “Ecce Homo” (Nầy là Người)…, hay như tấm bảng để nhạo cười nhục mạ treo trên thập giá : INRI (Giêsu Na-da-rét Vua dân Do Thái).
Thế nhưng, chúng ta cũng đừng quên rằng : đã có một vài lần, Ngài đã “hiển linh” trong cung cách rất trang trọng, uy nghiêm, để minh chứng vai trò và sứ mệnh của một Đấng Kitô do chính Chúa Cha sai đến : đó là biến cố của buổi sáng huy hoàng bên bờ sống Gio-đa-nô, khi “trời mở ra, có tiếng Chúa Cha phán : “Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta…”, hay khi “hàng trăm lít nước lã đột nhiên biến thành rượu ngon” để tiệc cưới ở Cana khỏi một phen bẽ bàng vì tai nạn “rượu thiếu”…thì một số ít người mới dần dần nhận ra : “Ông nầy quả là Con Thiên Chúa”.
Và rồi, trong 3 năm công khai rao giảng Tin Mừng, Đức Kitô trong quyền năng của Chúa Thánh Thần đã thực hiện “hàng trăm cuộc hiển linh” như thế : cho kẻ điếc nghe, kẻ câm nói, kẻ què đi, kẻ phung cùi được lành sạch, kẻ chết cũng hồi sinh ; quát bảo cuồng phong, cuồng phong im tiếng, dùng vài tấm bánh với mấy con cá nhỏ nuôi dư dật mấy ngàn người, tự mình bước đi trên sóng nước, biến hình rạng rỡ trên núi Ta-bo…Nhờ vậy, mà không ít người đã thấy và đã tin, đã gặp và đã trở thành môn sinh, đã chọn và trung thành cho tới chết.
Quả thật, như trong trong Bài đọc 1 hôm nay, qua cái nhìn và cảm nhận của sứ ngôn I-sa-i-a chúng ta lại được chỉ bảo rằng : nếu không có ánh sáng của Thiên Chúa hiển linh, nếu Thiên Chúa không “cắm dùi ở giữ nhân loại” để trở thành Đấng Emmanuel, thì mãi mãi nhân loại bị giam cầm trong bóng tối sự chết, thì Belem, hay Giêrsalem cũng chỉ là những địa danh mờ nhạt mất hút trong muôn ngàn địa chỉ của nhân loại, chứ không thể rạng rỡ huy hoàng như Isaia loan báo :
“Kìa bóng tôí bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân ; còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua Chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước…”
2. Hãy là những vì sao trong cuộc đời.
Kể từ khi Con Một được ban tặng cho thế giới, kể từ khi “Vị Hoàng Tử Bình An đã chấp chánh đăng quang”, cho dù một cuộc đăng quang chẳng giống ai, một cuộc “hiển linh” ngược đời : với mảo gai và thập giá, với tủi nhục và đau thương, với ngày Thứ Sáu thảm sầu trên đồi Sọ, nhất là với “ngày Thứ Nhất trong tuần khi phục sinh từ cõi chết…thì một “luồng sáng đã chiếu rọi khắp địa cầu”, Thánh Linh với lửa sáng rạng ngời đã nhen lên khắp cùng bờ cõi trái đất.
Thánh Phaolô đã xác nhận điều nầy trong thư gởi giáo đoàn Ê-Phê-sô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc 2 hôm nay :
“…nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông đồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là : trong Đức Kitô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”
Kể từ lần xuất hiện của ngôi sao lạ dẫn dắt đưa đường cho Ba Vua Phương Đông đến cung bái Hài Nhi Giêsu, cho đến mãi hôm nay trên vòm trời thế giới đã không ngừng xuất hiện những “ánh sao lạ” diệu kỳ, cho dù đó không là những phép lạ cả thể…mà giản đơn chỉ là những con người bằng xương bằng thịt :
– như tên dân chài xứ Ga-li-lê bị đóng đinh ngược đầu xuống đất mang tên Phêrô, vị giáo hoàng đầu tiên của Kitô giáo,
– như như một Maria Goretti, mới 14 tuổi mà đã can đảm thà lãnh mấy chục nhát dao đâm cho tới chết chẳng thà mất đức khiết tịnh,
– hoặc như một Maximilien Kolbe sẵn sàng chết thay cho bạn tù, như một Têrêsa Calcutta quyết chọn những người nghèo nhất bị bỏ rơi trong xã hội để phục vụ và yêu thương, một Anrê Phú Yên vui tươi hớn hở đi đến pháp trường thọ án tử hình mà miệng không ngớt mời gọi mọi người “đem tình yêu đáp trả tình yêu, lấy mạng sống báo đến mạng sống…”…
Phải chăng chính nhờ hàng hàng lớp lớp những “ánh sao lạ” tuyệt vời đó, những chứng nhân anh hùng đó, mà muôn dân muôn nước hôm nay đã lần lượt tiến bước về “Bê-lem”, tiến tới giếng Rửa tội, tiến về mái ấm Giáo Hội để gặp gỡ tôn thờ Đức Giêsu-Kitô, Đấng Cứu thế. Họ mang về cho Chúa Giêsu những của lễ đạc biệt : thay cho “vàng” là lòng vâng phục kính yêu, thay cho nhủ hương là niềm tin yêu phó thác, thay cho mộc dược là trái tim son sắt trung thành.
Và như thế, mầu nhiệm Hiển Linh không chỉ là cuộc “cử hành tưởng niệm Ba Vua Phương Đông triều bái Chúa” mà còn là “cử hành ra đi”, cử hành cuộc sống chứng nhân và truyền giáo, cử hành mầu nhiệm “Sứ Vụ” của Dân Chúa như trong định hướng Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam. Sống mầu nhiệm Hiển Linh hôm nay cũng có nghĩa là biết từng ngày can đảm bỏ lại đằng sau “vương quốc cuả Hê-rô-đê”, đó là tránh xa những nẻo đường dẫn tới dục vọng và đam mê đen tối, ích kỷ và hận thù, tham lam ác độc…để “theo lối khác mà trở về”, là lối của công bình chính trực, của bác ái yêu thương, của hy sinh từ bỏ…
Tóm lại, nếu “Hiển Linh” đó là mầu nhiệm “Thiên Chúa tỏ mình” thì đây cũng là lời mời gọi chúng ta lên đường tiến về phía của Thiên Chúa, của hang đá máng cỏ, của Ngôi Lời Nhập Thể, của Đấng Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, của mầu nhiệm Thánh Thể được cử hành mọi ngày trên bàn thờ trần thế, mà tiếng gọi mời của Chúa chưa bao giờ ngừng tắt :
“Nầy đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).
Và như thế, cho dù mùa Giáng Sinh có qua đi, sao lạ, máng cỏ không còn nữa, lễ Hiển Linh đã khép lại…thì chúng ta vẫn luôn tìm thấy Chúa hiện diện và đồng hành với chúng ta, trong thế giới, mọi ngày, mãi mãi. Bởi chưng, Thiên Chúa không bao giờ nói lời vĩnh biệt với con người. Amen.