Tản mạn lời mời “Hãy Đến Mà Xem !”
Tản mạn lời mời “Hãy Đến Mà Xem !”
“Họ thưa với Ngài : Rabbi, nghĩa là : thưa Thầy, Thầy ở đâu ?”. Người đáp : “Hãy đến mà xem !” ( Ga 1,38–39)
Người ta hỏi : “Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?” … và Chúa Giêsu đáp ngay lại được : “Hãy đến mà xem!” … thì chắc chắn là cái chỗ Ngài trú lúc ấy nó cũng không khá hơn cái máng cỏ trong hang bò lừa thủa Ngài chào đời là bao …
Vậy mà lời mời lại tiềm ẩn một nỗi niềm hãnh diện … và chắc nịch một lập trường sống …
Tình cờ đọc được mẩu chuyện về “Bố Già Xóm Núi !” của tác giả Duyên Lãng Hà Tiến Nhất ghi lại một kỷ niệm thời đang được “học tập – cải tạo” ở một miền núi nào đó ngoài miền Bắc … Vào một dịp tết … khi ông và ba bạn cải tạo viên được phân bổ đi bắt heo ngoài xã về trại để ăn tết … Ở đó ông gặp “Bố Già !” … vốn là một Linh Mục được chỉ định cư trú tại đấy … và “Bố Già!” là danh xưng bà con trong xã dành cho Ông Cụ – con người không có một lời rao giảng nào … nhưng chỉ với cách sống và những hướng dẫn cụ thể cũng như sự lăn xả trong lao động – Ông Cụ đã làm cho cái xã miền núi khô cằn và vỏn vẹn mười một hộ gia đình ấy trở thành một hợp tác xã đủ ăn, đủ mặc ở cái thời mà mọi nơi, mọi chốn còn đang vất vả lắm mới có được miếng cơm độn hằng ngày … Câu chuyện “Bố Già !” của Việt Nam gợi nhớ cho tác giả về một Vi Linh Mục người Ý – Cha Pio ở họ đạo Rosala nào đó – mà tác giả đọc được trước đây … Tác giả kể lại với một chút thú vị về Cha Pio là : một hôm Cha Pio đang cắm cúi cuốc … thì nghe có tiếng hỏi : Cụ ơi ! Cha Quản Xứ ở đây đâu rồi ? Ngẩng lên, Ngài thấy Đức Giám Mục Giáo Phận … Ngài ú ớ chỉ tay về phía Nhà Xứ rồi lật đật chạy đi như là để gọi Cha Quản Xứ vậy … Về Nhà Xứ, ngài thay áo dòng và chạy ra đón tiếp Đức Giám Mục … Tác giả cũng kể lại rằng : mười một hộ gia đình ở xóm Núi ấy trước đây chỉ có hai gia đình có đạo … nhưng Bố Già sống và chia sẻ … nên khi đó thì chỉ còn lại hai gia đình thờ Ông Bà thôi …
“Hãy đến mà xem” : lời mời tiềm ẩn một nỗi niềm hãnh diện … và chắc nịch một lập trường sống…
Họ đã đến – hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả – họ đến và xem chỗ Ngài ở, ở lại với Ngài một ngày … rồi lật đật đi tìm những người thân thiết để dẫn đến và giới thiệu với Chúa Giêsu …
Nghĩa là họ bị thuyết phục về “chỗ” Ngài ở … và “cách” Ngài sống …
Duyên Lãng Hà Tiến Nhất cũng đâu có ở với “Bố Già Xóm Núi” bao nhiêu giờ đồng hồ đâu và “Bố Già” cũng đâu có cho anh ta gì đâu ngoài điếu thuốc lào chia sẻ giữa cái lạnh giá của những ngày cận tết ở một miền núi phía Bắc … nhưng … phong cách của Ông Cụ … đã thuyết phục anh … và anh thấy phải ghi lại kỷ niệm ấy …
Những ngày này Giáo Hội Việt Nam đang chuẩn bị những chứng cứ cho việc tôn phong Người Tôi Tớ Chúa – Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận …
Tấm hình mình vẫn thích và nhiều người thích là Thánh Lễ được ngài cử hành trong Nhà Tù với một trái nho tươi, một mẩu bánh nhỏ … Lễ Phục là chiếc áo maillot, chiếc quần bà ba … Thế nhưng khuôn mặt, phong cách thì lại rất an nhiên tự tại, rất bình yên thanh thản : dấu chứng của một tâm hồn sống đức tin – đức cậy – đức mến … Và … – khi còn tại vị là Giám Mục Giáo Phận -ngài cũng đã từng tập cho ông thầy tài xế của ngài phải khởi động và tắt máy cái fiat của ngài như thế nào cho đúng phép tắc của một tài xế lái xe cho một nhân vật có thế giá …
“Hãy đến mà xem” … không biết trong Giáo Hội Việt Nam … có còn nữa không những “Bố Già” … như ông “Bố Già !” tác giả Duyên Lãng Hà Tiến Nhất từng gặp …
Không biết đây đó trên thế giới này và trong Giáo Hội Toàn Cầu … có còn nữa không những Cha Pio ở Rosala mà tác giả nhớ ngay được khi ngồi lại vài ba giờ đồng hồ với ông “Bố Già Xóm Núi” ấy không …
Dù sao thì lời mời “Hãy Đến Mà Xem” vẫn luôn đầy thách thức và nặng nỗi ray rứt của từng ngày đời mục tử …
Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp.