Văn hóa Việt Nam – XI
6.
VĂN HOÁ HOÀ BÌNH VN.
VĂN HOÁ ĐÔNG NAM Á
“Ta có thể hình dung không gian văn hoá khu vực Đông Nam Á này như một hình tròn bao quát toàn bộ Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo…” [1]
[ 23 ] Phát hiện “Văn Hoá Hoà Bình”
Một trong những phát hiện lôi cuốn chú ý của các nhà khảo cổ học là phát hiện của bà Colani khi vừa qua một phần tư thế kỷ XX. Nói về “cái nôi” của văn hoá loài người, khảo cổ học không chú mục vào Mesopotamia như trước, mà chú mục vào Hoà Bình Việt Nam.
1. Khởi hành với kinh nghiệm quý
Sau thời gian khảo cổ Bắc Sơn, Colani rút ra được kinh nghiệm bốn điểm:
1.1. Những núi đá từ khi nổi lên trên mặt đất, mà thấy đã bị nước thấm vào xói mòn thành những hang động… đó là những “cái lỗ”, những nơi đầu tiên người tiền sử đã chọn nương náu trong thời “ăn lông ở lỗ”.
1.2. Người sống trong các hang thời xưa ở miền châu thổ đều thuộc thời đồ đá mới.
1.3. Thời Bắc Sơn về trước, người tiền sử khó có giao thông dễ dàng. Vậy họ phải ở gần những nơi có đá cứng để làm dụng cụ. Phải tìm họ ở những nơi có đá cứng; cựu phún thạch thuộc loại này.
1.4. Tuy thế, con người cần nước luôn, nên cũng phải có ít nhiều nước cho họ. Nếu có đá cứng và lại gần sông thì tuyệt.
Tìm toạ độ trên địa đồ Việt Nam, Bắc VN thì đúng hơn, Colani chấm Hoà Bình.
2.Di chỉ Hoà Bình
Tại Hoà Bình, Colani cho đào để tìm di chỉ và đã gặp ở bốn điểm: Sao Đông, Triêng Xen, Xuân Khan, Mương Khan. Bà nhận thấy:
- Những đồ đá thô sơ và to lớn, nặng nề nhất, ở sâu nhất.
- Những đồ nhỏ, mảnh và tinh xảo hơn ở gần mặt đất.
- Loại có trọng lượng và phẩm chất trung bình, ở tầng giữa.
Theo đó, Bà Colani chia làm ba kỳ của thời đồ đá:
* thời cổ xưa période archaique
* thời trung gian période intermédiaire
* thời ít xưa nhất période moins ancienne
- Về thời cổ xưa,
người ta tìm được những đồ dùng như trạng thái đá tự nhiên, hoặc chỉ ghé qua. Đại khái có:
- những búa đập
- những đá kim tự tháp để ném
- đá hình hạch nhân
- những chuỳ
- những đồ để nạo
- một ít búa ngắn.
Những đồ đá đó cổ kính hơn ở Bắc Sơn, người ta tìm được ở các hang Sao Đông và Xuân Khan.
Trong hang Triêng Xen, ngoài những đồ đá như thế, còn gặp xương nhiều động vật, có những loại ngày nay còn, như voi, tê giác.
2.2. Thời trung gian,
Những dụng cụ thuộc loại giống như xưa, nhưng nói chung thì kích cỡ nhỏ hơn, mỏng hơn, nhẹ hơn. Tuy thế, có những búa to hơn, có cái tới 20cm. Tất cả đều được mài một mặt.
Đã xuất hiện một số ít những đồ dùng mài hoặc đẽo hai mặt.
Đồ dùng hình bầu dục.
Nguyên liệu cũng gồm nhiều thứ đá hơn.
2.3. Thời ít xưa
Trong hang Sao Đông và Làng Neo, bên cạnh vài đồ dùng như thời xưa, mà tinh xảo hơn, còn xuất hiện những sáng chế mới: những đồ để cạo có khi nhỏ tới 5cm, những chày giã chừng 7cm. Tất cả đều được mài cạo, dầu chưa được láng như ở Bắc Sơn.
3.Chủ nhân của di chỉ Hoà Bình
Tuy không nói được nhiều về họ, chúng ta lưu ý hai điểm:
3.1. Họ đã để lại dấu vết tiến bộ của loài người: từ thời kỳ đá thô sang thời kỳ đá mài.
3.2. Họ thuộc chủng nào? Những xương đào được trong các di tích cho thấy họ thuộc người Indonésien và Mélanésien.
4.Ưu khuyết của khảo cổ Hoà Bình
Các nhà chuyên môn đều thấy rằng di chỉ Hoà Bình, do đó, công trình của Bà Colani thật quý, xét về những di chỉ phát hiện.
Tuy thế, người ta không thể hài lòng về hai điểm:
- Bà không hề cho biết chiều sâu của ba tầng mà bà tạm chia như mốc ba thời kỳ đồ đá.
- Bà không nhận định được các tầng đất kia rõ rệt.
Có lẽ chính vì thế mà nhiều người tiếp nối nghiên cứu hơn nữa về một kỷ nguyên mà người ta đồng ý gọi là Văn Hoá Hoà Bình.
[ 24 ] Văn hoá Hoà bình trong Khu Vực Đông Nam Á
Chúng ta tiếp đọc [2] nhận định của Giáo sư Wilheim G. Solheim II sẽ thấy phần nào ảnh hưởng “giây chuyền” của những phát hiện Văn Hoá Hoà Bình.
“Đến năm 1963, tôi tổ chức một phái đoàn hỗn hợp của bộ Mĩ Nghệ Thái Lan và trường Đại Học Hawai để tìm kiếm cổ vật trong những vùng sẽ bị chìm sâu dưới mặt nước do việc xây dựng các đập mới trên sông Mêkông và các nhánh của sông này tạo ra. Chúng tôi đã khởi công ở miền Bắc Thái Lan, nơi sẽ xây chiếc đập đầu tiên. Trước kia chưa có công cuộc đào xới quy mô nào để khảo cứu về tiền sử vùng này <…>
Kết quả cuộc đào xới này, cho đến nay đã vào năm thứ bảy, thật là kinh ngạc, nhưng chỉ tiến rất chậm so với những khám phá của chúng tôi trong phòng thí nghiệm ở Honolulu. Trong khi tiếp nhận tư liệu của các thời kỳ ước lượng bằng carbon 14, chúng tôi bắt đầu nhận thấy khu vực đào xới này quả đang đảo lộn hoàn toàn các điều khoa khảo cổ đã biết từ trước.
Trong một chỗ đất chỉ rộng chừng 2,5cm2 có một mảnh đồ gốm có in vết vỏ của một hạt lúa, có niên đại muộn nhất là 3.500 năm trước công nguyên. Như vậy có nghĩa là trước cả ngàn năm so với những hạt lúa tìm thấy ở Ấn Độ và Trung Hoa, cũng được xác định bằng phương pháp cacbon (mà trước đây dựa vào đó các nhà khảo cổ đã cho rằng con người tại đây biết trồng lúa trước tiên).
Cũng bằng phương pháp ước lượng thời gian với carbon đối với các cục than tìm thấy ở đó, chúng tôi được biết thêm là các rìu đồng được đúc trong các khuôn kép bằng đá, đã được chế tạo ít nhất là khoảng 2.300 năm trước công nguyên, có thể là trước cả năm 3000 trước công nguyên nữa. Như vậy là sớm hơn bất cứ một đồ đồng đầu tiên nào đã đúc tại Ấn Độ cả 500 năm và nó cũng còn lâu đời hơn cả những khu vực Cận Đông mà trước đây người ta đã tưởng là nơi xuất phát cách chế tạo đồ đồng đầu tiên. <…>
Khi đào nền hang, Goman tìm thấy những mành cây đã hoá than, cùng cả hai hạt đậu, một hạt đậu tròn dẹp, một hạt dẻ, một hạt tiêu sọ, nhiều mảnh bí và dưa leo, cùng với nhiều đồ dùng bằng đá rất đặc biệt của vùng Hoà Bình. Những mảnh xương súc vật, được chặt thành miếng nhỏ rõ ràng chứ không phải bị đốt, cho phép ta nghĩ rằng thịt được chế biến ở đây không phải bằng cách vùi hoặc nướng trên lửa, mà là được nấu trong một dụng cụ hẳn hoi, có lẽ là trong ống nứa giống như ngày nay người ta vẫn còn làm như vậy ở Đông Nam Á.
Việc xác định thời gian bằng cácbon 14 đối với một loạt những gì tìm được tại đây cho ta thấy một khoảng thời gian từ 6.000 năm đến 9.700 năm trước công nguyên, và hiện còn nhiều vật dụng khác nữa trong các lớp đất sâu hơn đang chờ xác định thời gian. Vào khoảng 6.600 năm trước công nguyên, có nhiều yếu tố mới đã xuất hiện tại nơi này. Đó là những đồ gốm tráng men bóng được khắc sâu và trang trí bằng cách in dấu các sợi dây thừng trong lúc chế tạo, những dụng cụ đồ đá một phía mài bằng và những con dao bằng đá mỏng. Những dấu vết đồ dùng và cây cối thời Hoà Bình đang tiếp tục được khám phá thêm. Như vậy ta có thể coi những khám phá ở Hang Thần ít nhất cũng phù hợp với thuyết của Carl Sauer và nhiều đoàn thám hiểm khác đang đi đến chỗ chứng minh rằng có một nền văn hoá Hoà Bình khá phức tạp đã được phổ biến tương đối sâu rộng. Ông Aung Thaw, giám đốc sở khảo cổ học Mianmar, năm 1968 đã đào được một số dụng cụ rất đáng chú ý về văn hoá Hoà Bình trong những hang Padh Lin ở phía Đông Mianmar. Ngoài nhiều vật dụng, còn tìm thấy cả những hình vẽ trên vách hang. Như vậy, đây là khu vực ở phía cực Tây của nền văn hoá Hoà Bình đã được tìm thấy.
Những cuộc đào xới ở Đài Loan do một đoàn thám hiểm hỗn hợp của trường Đại học Yale thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo sư Kuang Chih Chang thuộc Đại học Yale cũng cho thấy có một nền văn hoá đồ gốm có khắc và in hoa văn dây thừng đồ đá mài và dao nhọn mài, đã xuất hiện khá lâu trước năm 2.500 trước Công nguyên.
*
Căn cứ vào kết quả của các cuộc đào xới mới đây của các thời kỳ mà tôi đã tóm lược, và của những nơi khác có lẽ cũng quan trọng không kém mà tôi chưa ghi chép, có thể thấy rằng một ngày kia tiền sử Đông Nam Á sẽ được hiện ra một cách hết sức thú vị. Trong một số tài liệu tôi đã phác thảo những nét đầu tiên về vấn đề này. Đa số những ý kiến của tôi cần được xem như những giả thuyết hoặc nghi vấn, cần phải khảo cứu sâu hơn nữa mới có thể chấp nhận hay phủ nhận chúng. Trong số các ý kiến đó có những điểm sau:
1. Tôi đồng ý với Sauer rằng sắc dân Hoà Bình ở miền nào đó trong vùng Đông Nam Á là giống người biết trồng cây trước hết trên thế giới. Tôi cũng không ngạc nhiên nếu thời kỳ đó bắt đầu khoảng 15.000 năm trước công nguyên.
2. Tôi cho rằng những đồ dùng bằng đá đẽo có cạnh sắc tìm thấy ở Bắc Úc Châu và được ước định bằng cacbon 14 là xuất hiện vào khoảng 20.000 năm trước công nguyên đều thuộc nguồn gốc Hoà Bình.
3. Trong khi người ta được biết hiện nay đồ gốm cổ xưa nhất tìm được ở Nhật có niên đại khoảng 10.000 năm trước công nguyên, tôi tin rằng khi người ta xác định được tuổi của loại đồ gốm có in hoa văn dây thừng thì ta nhận thấy rằng đồ gốm đó chính là do sắc dân Hoà Bình chế tạo rất lâu trước khoảng 10.000 năm trước công nguyên.
4. Theo truyền thống, người ta cho rằng trong thời kỳ tiền sử, kỹ thuật của miền Đông Nam Á là kết quả của những làn sóng di dân từ phương Bắc mang tới. Riêng tôi cho rằng văn hoá nguyên thuỷ thời đồ đá mới Ngưỡng Thiều (Yanshao) ở Trung Hoa mà người ta biết đến chính là kết quả của một nền văn hoá tiền Hoà Bình đã di chuyển từ miền Bắc Đông Nam Á lên phía Bắc vào khoảng 6 hay 7 ngàn năm trước công nguyên.
5. Tôi cho rằng văn hoá mà sau này được gọi là Văn hoá Long Sơn (Lungshan) vẫn thường được coi là phát triển từ Yangshao ở Bắc Trung Hoa rồi lan ra miền Đông và Đông Nam, thì trái lại, thực ra đã khai sinh ở Nam Trung Hoa và di chuyển lên phía Bắc. Cả hai nền văn hoá này đều bắt nguồn từ gốc Văn hoá Hoà Bình.
6. Xuồng đục từ thân cây có lẽ đã được sử dụng trên các sông rạch Đông Nam Á rất lâu trước 50 thế kỷ trước công nguyên. Rất có thể các bộ phận giữ thăng bằng lồi ra hai bên xuồng cũng được sáng chế tại Đông Nam Á khoảng 4.000 năm trước công nguyên, làm cho xuồng được vững chắc hơn trong khi cần vượt biển. Tôi tin rằng những đợt di chuyển ra khỏi khu vực Đông Nam Á bằng ghe thuyền bắt đầu khoảng 4.000 năm trước công nguyên đã tình cờ đưa cư dân Đông Nam Á lạc tới đất Đài Loan và Nhật Bản, và du nhập vào Nhật cách trồng sắn (khoai mì) và có lẽ cả các hoa màu khác.
7. Vào khoảng 3.000 trước công nguyên, các dân tộc Đông Nam Á bấy giờ đã thành thạo trong việc sử dụng thuyền bè đã đi vào các đảo Inđônêxia và Philippin. Họ mang theo nghệ thuật vẽ hình kỷ hà học gồm những hình xoắn ốc, những hình tam giác, tứ giác trong các dải đường viền trang trí khi chế tạo đồ gốm khắc gỗ văn minh, dệt vải bằng vỏ cây, và sau này là trên các trống đồng tìm thấy ở vùng Đông Sơn mà trước đây người ta vẫn giả thuyết là từ Đông Âu tới.
8. Các dân tộc Đông Nam Á cũng di chuyển về phía Tây tới Madagascar có lẽ vào khoảng 2.000 năm trước đây. Rõ ràng là họ đã đóng góp một phần quan trọng vào nền kinh tế Đông Châu Phi bằng cách trồng các loại hoa màu.
9. Cũng cùng vào khoảng thời gian đó, đã có sự tiếp xúc giữa Việt Nam và miền Địa Trung Hải, có lẽ bằng đường biển do sự phát triển thương mại đem lại. Người ta đã tìm thấy tại tàn tích Đông Sơn một số đông khác thường, rõ ràng bắt nguồn từ Địa Trung Hải… <…>
Lê Xuân Mai dịch [3]
Chúng ta đều nhận thấy rằng một số điểm mà tác giả trên còn do dự, thì những người như Bình Nguyên Lộc đã khẳng định. Thí dụ: Cuộc di cư đến các quần đảo Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Indonesia v.v. của cùng một chủng Mã Lai. Di chỉ đồ đồng Địa Trung Hải không chỉ ở Đông Sơn, mà cả ở “Trăm Phố” dưới rừng U minh hiện nay v.v.
Hiển nhiên ngành khảo cổ Việt Nam còn phải làm sáng tỏ rất nhiều giai đoạn, đặc biệt thời gian và nguyên nhân làm cho chúng ta bị chôn vùi mất quá khứ tiên tiến đó của những lớp người tiền sử vùng này.
Các nhà khảo cổ Việt Nam cũng như các nước Bạn đã và còn đang làm việc đó. Trong giáo trình 1997, giáo sư Trần Ngọc Thêm đã muốn nhận định về giai đoạn tiền sử này:
“Thành tựu lớn nhất ở giai đoạn văn hoá thời tiền sử của cư dân Nam Á là sự hình thành nghề nông nghiệp lúa nước.
Trong năm trung tâm xuất hiện cây trồng [4], Đông Nam Á là một. Theo nhà địa – thực vật học người Mỹ C.O.Sauer thì Đông Nam Á chính là trung tâm nông nghiệp cổ xưa nhất bởi lẽ nơi đây là một vùng nhiệt đới với tính đa dạng cao về động thực vật cũng như cảnh quan địa mạo, sinh thái mà không nơi nào sánh kịp. Việc cây lúa có nguồn gốc từ đây là điều không còn nghi ngờ gì. Cụ thể hơn, theo các tài liệu cổ thực vật học, trung tâm thuần dưỡng lúa tẻ (hạt dài) là vùng Đông Nam Himalaia, còn trung tâm thuần dưỡng lúa nếp (hạt tròn) là khu vực sông nước Đông Nam Á [5] [Gluzdakov, 1960.21; Chử Văn Tần 1988.37]. Vào thiên niên kỷ VI-V trước công nguyên, cùng với việc chuyển sang kinh tế sản xuất, cư dân Đông Nam Á cổ đại (người Indonésien) đã đưa cây lúa thuần dưỡng từ vùng núi xuống đồng bằng [Chesnov 1976:264]. Và ở vùng sông nước này, người Đông Nam Á xưa đã tạo ra cây lúa nước nổi tiếng và đã tích luỹ được một số vốn kỹ thuật trồng lúa nước phong phú. Người cổ Việt Nam sống trong các hang động với nghề săn bắt hái lượm, trong đó hái lượm là chính, và vào thời đá giữa (cách đây 10.000 năm), “trên cơ sở kinh tế hái lượm phát triển ở vùng rừng nhiệt đới, các bộ lạc Hoà Bình đã thực hiện một bước nhảy có ý nghĩa lớn lao trong đời sống nhân loại: phát minh nông nghiệp…. Đông Nam Á là một trong những trung tâm phát sinh nông nghiệp sớm nhất của nhân loại” [6]. Ở các di chỉ khảo cố khác nhau của Việt Nam như Sũng Sàm, Tràng Kênh, Gò Bông, Đồng Đậu, Gò Mun… đã phát hiện được những dấu tích của bào tử phấn lúa, vỏ trấu, gạo cháy, mảnh chõ xôi… có niên đại xưa tới vài nghìn năm trước công nguyên [xem thêm Hà Văn Tấn 1994: 287-296].” [7]
“Trong cuốn Dân tộc học lịch sử các nước Đông Dương [1976: 265], Jaspers. V. Chesnov kết luận: “Ảnh hưởng của Đông Nam Á trong lĩnh vực kinh tế thể hiện ở việc đưa cây lúa thâm nhập vào vùng Đông Á từ vài nghìn năm trước công nguyên. Đông Nam Á đóng vai trò rất lớn trong việc phổ biến lợn, trâu và gà. Đến năm 1450 trước công nguyên, gà đã xuất hiện ở Egíp”. Còn trong tác phẩm nổi tiếng Nguồn gốc các loài, E. Darwin đã khẳng định rằng tất cả các giống gà nuôi trên thế giới đều bắt nguồn từ loài gà rừng Đông Nam Á (tên khoa học là Gallus Bamkiva)” [8]
Nhìn chung, chúng ta phải nhận định rằng Đông Nam Á là một trong những chiếc nôi quan trọng của văn minh nhân loại. Dân Việt Nam chúng ta may mắn là một trong các dân tộc hiện sống trong vùng này. Vì thế, chúng ta không thể đơn giản khẳng định rằng Văn Hoá Hoà Bình là của chúng ta. Nơi mà ngày nay chúng ta gọi là Hoà Bình, là Phùng Nguyên v.v. thì thời Đồ Đá nhất định chưa có tên hoặc mang tên khác. Đến cả nền Văn Hoá Đông Sơn mà chúng ta sắp nhìn lại, cũng không là của riêng dân tộc Việt Nam chúng ta.
Lm. Nguyễn Thế Thoại
[1] Trần Ngọc Thêm, sđd, trang 68
[2] Xin xem lại số [13]
[3] Trích theo Trần Ngọc Thêm, sđd, trang 77-84
[4] Viện sĩ Nga N.I.Vavilov phân biệt 9 trung tâm, trong đó trung tâm Đông Nam Á (ông gọi là “Ấn Độ – Mã Lai”) là cái nôi cây trồng phong phú bậc nhất và là nơi thuần dưỡng lúa (T.N.Thêm)
[5] Các nhà nghiên cứu Nhật Bản gọi hạt dài là loại hình Bengal, còn loại hạt tròn là hình Mêkông.
[6] Phan Huy Lê … 1991: 20
[7] Trần Ngọc Thêm, sđd, trang 83-84
[8] nt, trang 85-86