Hãy đến với Ta trong Bí tích Thánh Thể – I
HÃY ĐẾN VỚI TA
TRONG BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Gồm các “Giờ Chầu Thánh Thể”
Để suy niệm, cầu nguyện trước Thánh Thể
Tác giả :
Josefino S.Ramirez GM
Vincente Martin Lucia LM
—————————————————————————–
A. Nhận định về sách “Hãy đến với Ta trong Bí tích Thánh Thể” và về việc tổ chức chầu Thánh Thể.
1. ĐGM Felix S. Zafra
Anh chị em thân mến trong Đức Kitô,
Bình an và ân sủng của Thiên Chúa ở cùng anh chị em. Trong lần viếng thăm “Ad limina” tại Roma vừa qua (22/11- 1/12/1990), một nhóm các Gíam mục ở đảo Visayan và Mindanao đã sung sướng được cử hành hy tế Thánh Lễ với Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II tại nhà nguyện riêng của ngài. Chúng tôi vô cùng cảm kích trước tấm gương thinh lặng cầu nguyện của ngài trước Bí tích Thánh Thể.
Ngài không cho chúng tôi bài giảng nào, nhưng sự cầu nguyện thinh lặng của ngài trước Bí tích Thánh Thể đã nói lên mạnh mẽ rằng Chúa Giêsu đang thực sự hiện diện ở nơi đây, chính Chúa Giêsu mới là Cha Sở đích thực của giáo xứ, là Mục Tử nhân lành và là Lương Y của mọi linh hồn. Chúa Giêsu cũng đã đích thân nêu gương cho thấy cần phải có sự cầu nguyện riêng, như trong Tin Mừng ta thường thấy Ngài dành cả đêm để cầu nguyện và hiệp thông với Cha trên trời.
Bài giảng có sức thúc bách nhất mà một linh mục có thể đưa ra để khích lệ dân chúng dấn thân cho Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, không phải là bài giảng được loan đi từ tòa giảng cao chót vót, mà là bài giảng xuất phát từ cung thánh khiêm tốn của một linh mục đang cầu nguyện với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Tôi sung sướng được tặng anh chị em sách “Chầu Giờ Thánh” mang tựa đề “HÃY ĐẾN VỚI TA TRONG BÍ TÍCH THÁNH THỂ” để giúp anh chị em triển khai một nền linh đạo đích thực xoay quanh Bí tích Thánh Thể. Tôi muốn nhân cơ hội này ngỏ lời cám ơn các linh mục trong Giáo phận đã thành lập Phong Trào Chầu Thánh Thể liên tục 7 ngày mỗi tuần và 24 giờ mỗi ngày.
Tôi khiêm tốn cầu nguyện và hết lòng kêu gọi mỗi giáo xứ hãy mở cửa đón Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, suốt trong năm Kim khánh Giáo phận Tagbilaran này.
Xin hết lòng phục vụ anh em trong Chúa Kitô.
Felix S. Zafra, D.D.
2. ĐC Ruben T. Profugo
Có ba sự phản đối chủ yếu thường được nêu ra khi phát động Phong Trào Chầu Thánh Thể Liên Tục tại các giáo xứ. Trước hết là “dân chúng không đủ sức theo, vì họ chưa trưởng thành về mặt tâm linh và bởi đó, họ sẽ sớm mất hứng thú. Thứ đến là ta có thể gây lộn xộn trong việc sắp xếp các ưu tiên, như sẽ có người thích đến nhà nguyện chầu Thánh Thể hơn là đi dâng Thánh Lễ.” Phản đối thứ ba cũng là phản đối mạnh nhất, là “việc chầu Thánh Thể liên tục xem ra quá nguy hiểm vì nó sẽ kéo theo tình trạng một số người phải ra khỏi nhà lúc nửa đêm để đến kịp các giờ chầu lúc sáng sớm”
Tôi viết thư này là nhằm để tuyên bố rằng không có sự phản đối nào trên đây có giá trị. Vì thực tế mà nói, dựa trên bằng chứng và kinh nghiệm của những gì đã xẩy ra trong giáo phận tôi, sự việc hoàn toàn trái ngược.
Chẳng những dân chúng trong giáo phận tôi hưởng ứng rất nhiệt tình, mà sự nhiệt tình ấy còn được duy trì nguyên vẹn, và họ vẫn trung thành với sự cam kết này. Thứ đến, số người tham dự Thánh Lễ ngày càng đông trong các ngày Chúa nhật, cũng như các ngày trong tuần, vì nhiều người đã quay về lại với các Bí tích nhờ chầu Thánh Thể liên tục..
Tuy nhiên, cảm kích nhất là, nhờ chầu Thánh Thể liên tục mà giáo phận tôi đã tránh được bạo lực, trước đó vẫn đe dọa xé tan giáo phận. Cả các linh mục lẫn giáo dân chúng tôi đều tin rằng việc chầu Thánh Thể liên tục đã giúp bảo vệ giáo phận có được sự bình an, trật tự. Chúng tôi đặt tất cả niềm xác tín và lòng tin tưởng của mình vào Tình Yêu quyền năng của Chúa trong Bí tích Thánh Thể, và Ngài đã không làm chúng tôi thất vọng.
Một điều tôi muốn lưu ý: Chúa Giêsu không hiện diện trong Bí tích Thánh Thể một cách “tĩnh”, mà là một cách linh hoạt. Ngài là Vị Mục Tử nhân lành, Ngài không kéo dân chúng ra xa các Bí tích, mà đúng hơn chính Ngài đã đưa họ về với các Bí tích. Ngài không làm cho dân chúng phải mệt mỏi, mà còn làm họ thêm tươi tỉnh, khỏe mạnh. Ngài đúng là Chúa các chúa, Vua các vua. Như thế, chầu Thánh Thể liên tục không hề là một mối nguy hiểm, mà đúng hơn, không chầu Thánh Thể liên tục mới là một mối nguy hiểm, vì Chúa là Đấng duy nhất có thể đứng ra bảo vệ, khôi phục, chữa lành và hợp nhất chúng ta lại thành một
Ruben T.Profugo, D.d
Giám mục Giáo phận Lucena.
3. Lm Roger G. Cortez
Tôi muốn kể lại một kinh nghiệm cá nhân. Trước khi tập sách cầu nguyện này được trao cho nhà xuất bản, một người bạn trao cho tôi bản sao. Đến tối, trước khi đi ngủ, tôi đến viếng Thánh Thể, mang cuốn sách theo với dụng ý liếc qua vài phút trước khi lên giường. Nhưng măi tám giờ sau tôi vẫn còn ở nhà nguyện, vì tôi không thể đặt cuốn sách xuống cho tới khi trải qua 8 giờ
cầu nguyện.
Điều liên tục xẩy ra trên mỗi trang sách, đó là tôi gặp thấy Tình Yêu sâu xa và riêng tư Chúa Giêsu dành cho tôi trong Bí tích Thánh Thể. Tôi cảm động và hứng thú đến nỗi kể từ hôm ấy trở đi mỗi ngày tôi luôn cố gắng làm một giờ chầu Thánh Thể.
Mục đích của tôi khi chia sẻ kinh nghiệm này với anh em linh mục là để giúp nhau ý thức rằng những nhu cầu nặng nề của thừa tác vụ linh mục rất dễ chia năm sẻ bẩy con người chúng ta. Vì thế, ta càng cần cho Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể có cơ hội giúp đỡ ta, để ta có thể giúp đỡ người khác hữu hiệu hơn.
Cuốn sách này đã giúp tôi tìm lại được một cái gì đó rất quý giá, một cái gì đó đã từng làm cho tôi thích thú trong lý tưởng của tuổi trẻ khi còn là chủng sinh; nhưng tôi đã để vuột mất cùng với những đòi hỏi và khó khăn của đời linh mục. Đó chính là sự tin tưởng vào Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Không phải một sự tin tưởng yếu ớt, mà là một sự tin tưởng mãnh liệt dựa trên tình yêu không suy suyễn của Ngài, dù tôi đã bao lần vấp ngã. Đó là sự tin tưởng đã giúp ta thích thú cầu nguyện mỗi khi tâm hồn ta trở nên trống rỗng, tâm trí ta đầy ắp những bận tâm.
Lòng tin tưởng vào Chúa Kitô dậy ta biết rằng dù có bận rộn đến đâu, dù có nhiều việc cần làm đến mấy chăng nữa, thì nhu cầu lớn nhất vẫn phải là dành một ít thời giờ để bầy tỏ lòng tin tưởng và lệ thuộc vào Ngài, bằng cách để ra một giờ cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Giờ này là giờ tốt nhất và hữu ích nhất của ta trên đời này.
Tôi cầu xin cho cuốn sách này sẽ giúp bạn như đã giúp tôi, và bạn sẽ chia sẻ với các giáo dân. Giáo dân cần được dậy dỗ kỹ hơn để họ có thể thêm ý thức kitô giáo về sự hiên diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và tập trung tất cả cuộc sống mình vào Ngài theo linh đạo Thánh Thể. Đã có biết bao giáo dân dành cả ngày để canh thức bên xác chết của người thân, nhưng laị không bao giờ nghĩ đến việc thăm viếng Chúa Cứu Thế Phục sinh trong Bí tích Thánh Thể, là Đấng duy nhất đem lại sự sống cho người sống cũng như cho kẻ chết.
Hiện nay có nhiều kitô hữu đã rời bỏ Hội Thánh và theo các đạo khác vì không có lòng tin vững mạnh đủ. Nhiều người chưa bao giờ đi xa hơn vẻ bên ngoài của đúc tin Công giáo.
Vì thế, ta hãy hết sức chú tâm giúp mọi người phát triển quan hệ cá nhân của họ với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta còn biết hy vọng giữ họ lại trong Hội Thánh bằng cách nào khác nữa đây ?
Tôi tin chắc rằng cuốn sách này sẽ giúp mỗi người nhìn đúng và hiểu đúng, để tất cả mọi người có thể tìm ra kho tàng tình yêu của Chúa Giêsu đang ẩn giấu trong Bí tích Thánh Thể và có thể tập quy hướng đời sống mình vào Chúa ẩn thân ấy.
Roger Cortez
4. Mẹ Têrêxa (Calcuta)
Mỗi ngày tôi chầu Chúa Giêsu Thánh Thể một giờ. Mọi chị em trong Dòng Thừa Sai Bác Ai cũng đều có một giờ chầu mỗi ngày, vì chúng tôi nhận thấy rằng xuyên qua giờ chầu ấy tình yêu của chúng tôi dành cho Chúa Giêsu ngày càng mật thiết hơn, tình yêu giữa chúng tôi với nhau trở nên cảm thông hơn, và tình yêu của chúng tôi đối với người nghèo càng đượm tình thương xót hơn. Giờ chầu ấy cũng là giờ nguyện hằng ngày của chúng tôi: Chúng tôi tụ họp lại, đặt Mình Thánh Chúa và đọc kinh Mân côi trong nửa giờ đầu, rồi để nửa giờ sau cầu nguyện trong thinh lặng.. Nhờ chầu Thánh Thể mà số ơn gọi của chúng tôi đã gia tăng gấp đôi. Năm 1963, chúng tôi cùng làm giờ thánh hằng tuần với nhau. Và chưa tới năm 1973, khi chúng tôi bắt đầu làm giờ chầu Thánh Thể hằng ngày, thì cộng đoàn chúng tôi đã lớn mạnh và triển nở.
Dù đi tới đâu, đến bất cứ nơi nào, tôi đều mang theo cuốn sách cầu nguyện và suy niệm này, vì nó chính là nguồn sáng và là mạch cảm hứng bất tận cho tôi. Nó đã trở nên bạn đồng hành mỗi ngày của tôi. Sách cầu nguyện và suy niệm hằng ngày của tôi chính là tập “Yêu mến Chúa Giêsu bằng Trái tim Mẹ Maria”. Đó là cuốn sách hay nhất, vì mỗi một trang sách đều giúp chúng ta nhìn thấy ngày càng rõ hơn Chúa Giêsu yêu chúng ta dường nào trong Bí tích TT. Tôi đã giới thiệu cuốn “Yêu mến Chúa Giêsu bằng Trái Tim Mẹ Maria” và cuốn “Hãy đến với Ta trong Bí tích Thánh Thể” với tất cả những người tôi gặp gỡ. Tôi mong ước cả thế giới đọc 2 tập sách này để ý thức rằng Chúa Giêsu muốn hết thảy chúng ta đến với Ngài trong Bí tích TT. Ngài thực sự hiện diện ở đó. Đích thân Ngài ở đó để chờ chỉ mình các bạn thôi.!
Tôi đã tặng mỗi chị em trong dòng một cuốn “Yêu Chúa Giêsu bằng Trái Tim Mẹ Maria “, và hiện nay đang gửi cho mỗi nhà của dòng chúng tôi trên khắp thế giới một cuốn “Hãy đến với Ta trong Bí tích Thánh Thể”, vì tôi muốn các chị em chúng tôi hấp thụ linh đạo Thánh Thể, vừa rất phong phú lại vừa dễ hiểu, được chứa đựng trong hai cuốn sách này. Tất cả đều có ở đó. Mọi sự đều nằm trong đó.
Chính vì thế, tôi khuyên bạn cũng hãy dùng cuốn sách này, để nhờ Mẹ Maria – nguồn vui của chúng ta – bạn sẽ khám phá ra không có nơi nào trên thế giới này bạn được tiếp đón nồng hậu hơn, được yêu mến nhiều hơn bởi Chúa Giêsu đang sống và hiện diện thật trong Bí tích Thánh Thể. Thời gian bạn sống với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể chính là thời gian đẹp nhất mà bạn có được trên cõi đời. Mỗi một giây phút bạn ở với Chúa Giêsu sẽ làm cho sự kết hợp giữa bạn với Ngài trở nên sâu xa hơn, linh hồn bạn sáng láng xinh đẹp mãi mãi trên thiên đàng, và sẽ giúp kiến tạo một nền hòa bình vĩnh cửu trên trái đất này.
Khi nhìn lên Thánh giá, bạn hiểu được Chúa Giêsu đã yêu bạn dường nào. Khi nhìn vào Bánh Thánh, bạn hiểu được Chúa Giêsu đang yêu bạn biết mấy. Chính vì thế bạn nên xin Cha sở của bạn mở Phong trào chầu Thánh Thể liên tục trong giáo xứ của bạn. Nếu chưa thể bắt đầu chầu Thánh Thể liên tục mỗi ngày 24 giờ ngay, thì ít ra hãy khởi sự một giờ Chầu mỗi tuần. Tôi nài xin Mẹ chí thánh khơi động tâm hồn các cha sở để các ngài tổ chức giờ chầu Thánh Thể liên tục trong xứ, và quảng bá việc tôn sùng này trên khắp thế giới.
Nguyện Chúa chúc lành cho bạn.
Têrêxa
B. Ít bản văn về Thánh Thể:
1. Công Đồng Vatticanô 2 :
“Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tuyệt đỉnh của toàn thể công việc rao giảng Phúc Âm.
…Tuy nhiên cả những Bí tích khác cũng như các thừa tác vụ trong Hội thánh và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với Bí tích Thánh Thể và quy hướng về đó. Thật vậy, Bí tích Thánh Thể chí thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó là chính Chúa Kitô, Người là Chiên Vượt Qua của chúng ta…Bởi vậy, Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tuyệt đỉnh của toàn thể công việc rao giảng phúc âm
Để trung thành chu toàn thừa tác vụ của mình, các linh mục phải chuyên tâm đàm đạo hằng ngày với Chúa Kitô trong lúc viếng Minh Thánh Chúa và trong việc cá nhân tôn sùng Phép Thánh Thể chí thánh…Nhờ đó các ngài cùng với dân được trao phó sẽ kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô là Đấng Trung Gian của Giao Ước Mới, và như thế, họ có thể kêu lên như những nghĩa tử : “Abba, Cha ơi” (Sắc Lệnh về Chức vụ và đời sông linh mục, số 5)
2. Giáo Luật
“Bí tích Thánh Thể là Bí tích cao trọng nhất, trong đó chính Chúa Giêsu Kitô hiện diện, tự hiến và trở nên lương thực ; nhờ đó, Giáo Hội tiếp tục được sống và tăng trưởng. Hy lễ Thánh Thể, tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa, tiếp diễn mãi mãi Hy lễ Thánh Giá, là tuyệt đỉnh và nguồn suối của tất cả Phụng tự và đời sống kitô giáo. Nhờ Hy lễ Thánh Thể sự hiệp nhất của dân Chúa được biểu lộ và thể hiện, việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô được hoàn tất. Bởi đấy, các Bí tích khác và mọi hoạt đông tông đồ của Giáo Hội đều quy hướng về và liên kết chặt chẽ với Bí tích Thánh Thể.” (Giáo Luật, Đ. 897)
“Các tín hữu phải hết sức tỏ lòng tôn kính Bí tích Thánh Thể: -Tham dự tích cực vào việc cử hành Hy lễ cực trọng này, – siêng năng và sốt sáng nhận lãnh Bí tích, – lại hết lòng thờ phượng kính tôn Thánh Thể. Trong khi giải thích đạo lý về Bí tích Thánh Thể, các chủ chăn phải ân cần dậy cho các tín hữu về nghĩa vụ sùng kính này” (Giáo Luật Đ 898)
3. Món quà của lòng tin và sự hiểu biết
Nhận thức mục đích của việc chầu Thánh Thể liên tục trong giáo xứ, giá trị, sự cần thiết cũng như tầm quan trọng của việc dành một giờ mỗi tuần cầu nguyện với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Người kitô hữu đich thực là người xác tín rằng hôm nay Chúa Giêsu vẫn sống trong Bí tích Thánh Thể. Ngài đang sống, đang ở đó và kêu gọi chúng ta đến với Ngài.
Xin mời bạn hãy đọc một kinh Kính mừng để cầu cho mọi người đáp lại lời mời gọi tham gia việc Chầu Thánh Thể Liên Tục trong giáo xứ. Đây chỉ là vấn đề thể hiện niềm tin của chúng ta trong hành động. Là những tín hữu công giáo, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu yêu thương chúng ta đến nỗi Ngài ở lại với chúng ta đêm ngày trong Bí tích Thánh Thể.
Chầu Thánh Thể liên tục là cách chúng ta đáp trả tình yêu của Ngài ; qua đó, mỗi người chúng ta sẵn lòng dành ra một giờ mỗi tuần để thinh lặng cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa đặt công khai. Tất cả các giờ chầu này được tổ chức sao cho mỗi giờ đều luôn luôn có ít nhất một hay hai người phụ trách, nhờ vậy Chúa Giêsu không bao giờ bị bỏ rơi một mình, và cửa nhà thờ luôn luôn rộng mở để bất cứ ai cũng có thể đến viếng thăm Ngài..
Chúa Giêsu nói với chúng ta về tầm mức quan trọng của việc này như thế nào trong bài diễn từ về Thánh Thể: “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Ngài, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại ngày sau hết”. (Ga 6, 40)
Chầu Thánh thể liên tục là cách chúng ta tuyên xưng đức tin. Là dân Thiên Chúa, là một giáo xứ của Thánh Thể, chúng ta tuyên xưng rằng chúng ta thực sự tin Chúa Giêsu đang ngự đây, rằng Ngài đang được nghênh đón, được yêu mến, được chúng ta thờ lạy. Mỗi khi chúng ta đến viếng thăm Ngài trong Bí tích Thánh thể là chúng ta làm giầu cho đời sống thiêng liêng của mình. Mỗi khi chúng ta tin tưởng nhìn lên Bí tích Thánh Thể, thì Ngài lại nâng chúng ta lên để chúng ta được kết hợp sâu xa hơn với Ngài, và Ngài sẽ làm cho linh hồn chúng ta thêm vinh quang bất diệt trên Thiên đàng.
Kết hiệp với Chúa Giêsu là ơn gọi của chúng ta trong cuộc sống đời này, và là hạnh phúc vĩnh cừu của chúng ta trên thiên đàng mai sau.
4. Giá trị của giờ chầu Thánh Thể
Hết thảy chúng ta đều biết rằng khi người ta yêu ai hết lòng thì họ muốn ở với người mà họ yêu mến đó. Niềm vui sướng của họ là được ở gần kề con người đặc biệt này. Đây là chính bản chất của tình yêu. Chẳng hạn như một người mẹ nôn nao chờ đợi được bồng ẵm đứa con bà mới sinh ra; một người cha vui vì được sống với con cái; ông bà hân hoan sung sướng khi nhìn thấy đàn con cháu; bạn bè trân trọng những giây phút họ sống bên nhau; những đôi tình nhân khó lòng rời xa nhau, và đôi trai gái kết hôn với nhau là vì họ muốn dành hêt chuỗi ngày còn lại trong đời để sống bên người yêu.
Những mối quan hệ nhân loại của chúng ta với nhau giúp chúng ta hiểu được Thánh Tâm Chúa và mối quan hệ giữa Ngài với chúng ta, bởi vì chúng ta thuộc về Thiên Chúa, và mối quan hệ giữa Ngài với chúng ta bao trùm và ôm trọn mọi thứ quan hệ mà chúng ta có với nhau.
Và giả như chúng ta biết được mỗi khi chúng ta dành ra đôi chút thì giờ trong một tuần để thăm viếng Ngài trong Bí tích Thánh Thể, là chúng ta đã làm cho Thánh Tâm Ngài hoan lạc và vinh quang chừng nào; giả như chúng ta biết được điều đó, ắt hẳn chúng ta sẽ không bao giờ muốn lìa xa Thánh Thể Ngài nữa.
Giả như chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương ta dường nào trong Bí tích Thánh Thể, hẳn chúng ta sẽ ngây ngất vì sung sướng. Vì chính Ngài nói với mỗi người trong chúng ta : “Ta đã yêu con bằng một tình yêu vĩnh cửu, và tình yêu của Ta đối với con vững bền mãi mãi” (Gr 31,3) – “Niềm hoan lạc của Ta là được ở với con” và, “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một của Người” (Ga 3,16) – “Ngôi Lời đã thành xác phàm và cư ngụ ở giữa chúng ta “ (Ga 1,14)
Chúa Giêsu trở nên một người giữa chúng ta và chọn danh hiệu “Emmanuen”, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Bởi, nếu chúng ta muốn ở với nhau nhiều chừng nào thì Chúa Giêsu còn mong muốn và khát khao ở gần chúng ta hơn thế gấp bội. Điều đó giúp chúng ta hiểu được lý do của những việc Ngài đã làm trong đêm Thứ Năm Thánh, đêm trước khi Ngài chịu chết, khi Thánh Tâm Ngài không thể chịu nổi việc Ngài phải xa lìa chúng ta.
Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đã tỏ ra cho chúng ta thấy “chiều sâu của tình yêu Ngài” bằng cách thiết lập Bí tích Thánh Thể, rằng Ngài có thể đi vào tâm hồn chúng ta qua việc hiệp lễ và ở với chúng ta mãi mãi trong Bí tích Thánh Thể. Chính nơi Bí tích này mà việc nhập thể của Ngài trên trần gian được tiếp tục ; cũng chính Chúa Giêsu đó, Đấng đã sinh ra 2000 năm về trước trong hình hài một trẻ sơ sinh bé bỏng ở Belem, Đấng đã chết trên thập giá vì tội lỗi chúng ta, Đấng đã sống lại trong ngày Chúa nhật Phục Sinh; cũng Chúa Giêsu đó hiện diện cho chúng ta một cách thực sự bằng xương bằng thịt, bằng chính thân mình Ngài trong Bí tích Thánh Thể này.
Đó là bằng chứng tuyệt đối cho Tình Yêu vinh cửu và bền vững của Ngài đối với mỗi người chúng ta. Bởi vì người ta càng yêu ai thì càng muốn ở với người mà họ yêu mến
Chúa Giêsu yêu chúng ta đến nỗi không bao giờ muốn lìa xa chúng ta. Ngài ở lại với chúng ta, cư ngụ giữa chúng ta, sống với chúng ta suốt 7 ngày trong một tuần, 24 giờ trong một ngày trong Bí tích Thánh Thể, đó là “giao ước mới vĩnh cửu”của Ngài, để ứng nghiệm lời Ngài đã hứa: “Hãy biết rằng Ta ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 30)
Sứ điệp của Thánh Tâm Chúa cho thế giới là : Thánh Thể là chính bản thân Chúa Giêsu, là Đấng mà Trái Tim thần linh luôn bừng cháy bằng một tình yêu nhận biết từng người trong chúng ta, là Đấng khao khát được chúng ta yêu lại. Vì Ngài đã không thẹn thùng nói với chúng ta: “Ta khát một cơn khát kinh khủng là được các con yêu mến trong Bí tích Thánh thể”. Ở đây Ngài nhắc chúng ta nhớ rằng, Thánh Thể không phải là một sự vật, mà là một Đấng, là Ngôi vị của Đấng Cứu Thế Thần linh, và Ngài cũng nhắc cho chúng ta nhớ rằng tình yêu của chúng ta rất có ý nghĩa đối với Ngài, ý nghĩa đến nỗi Ngài thèm khát dưọc chúng ta yêu mến. Điều Ngài khẩn nài là chớ gì chúng ta tự nguyện làm nhiều hơn thay vì chỉ đi lễ ngày Chúa nhật. Ngài muốn chúng ta dành ra đôi chút thời giờ trong tuần để đến và chầu thinh lặng trước Thánh Thể. Vì Ngài nói với chúng ta : “Kho tàng các con ở đâu thì lòng các con ở đó” (Lc 12, 34) – “Chính Ta là bánh từ trời xuống” (Ga 6, 51) – “Các con không thể thức một giờ với Thày sao? “ (Mc 14, 37).
Chúa than phiền : “Này đây Trái Tim đã yêu quá nhiều, nhưng được yêu lại chẳng bao nhiêu !”, bởi vì hầu hết các nhà thờ công giáo trong suốt tuần lễ, nếu không đóng chặt cửa thì cũng trống vắng, trong khi Thiên Chúa Hằng Sống vẫn cư ngụ ở đó với chúng ta suốt ngày đêm. Và Ngài nói : “Ta là cây nho các con là ngành. Ai ở trong Ta và Ta ở trong người ấy thì ngưới ấy sẽ sinh nhiều trái. Vì không có Ta các con không thể làm được gì” (Ga 15,5)
Có hai con người sinh nhiều trái mà chúng ta hết sức thán phục đó là Mẹ Têrêxa Calcutta và ĐTC Gioan Phaolo 2. Dù bận rộn thế nào đi nữa, dù có bao nhiêu nhân vật quan trọng phải gặp gỡ, các ngài vẫn bảo đảm được một điều là dành thì giờ cho Nhân Vật quan trọng nhất trên tất cả mọi nhân vật khác: Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Mỗi ngày các ngài dành 2 hoặc 3 giờ đẻ chầu trước Thánh Thể. Và các ngài nói với toàn thế giới rằng đấy chính là nơi mà các ngài thâu nạp được tất cả mọi sinh lực để làm được nhiều việc như thế cho Chúa và cho Dân Ngài.
Chầu Thánh Thể là nhìn nhận cách khiêm tốn rằng chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa Giêsu, Đấng đang hiện diện trong Thánh Thể, là Nguồn Mạch Hằng Sống của mọi sự sống, mọi ánh sáng, mọi tình yêu.
Trong Thánh Lễ, Thiên Chúa trao ban cho chúng ta món quà trọn vẹn là chính Ngài trong Bí tích Thánh Thể.
Khi chầu Thánh Thể, chúng ta kính dâng Ngài lòng biết ơn của chúng ta trước món quà trọng đại ấy. Chầu TT là đón nhận mối tình của Thiên Chúa chẩy tràn trề đến chúng ta qua món quà của Ngài là chính Ngài hiện diện trọn vẹn ở giữa chúng ta trong
BÍ TÍCH này.
Bạn bè lấy làm quí hóa những giây phút họ ở với nhau và dành thì giờ để đến với nhau cho dù họ bận rộn thế nào đi nữa.
Chúa Giêsu trong Bí tích TT là người bạn tốt nhất và trung thành nhất của chúng ta.
Các bạn là những nhân vật vô cùng quan trọng đối với Ngài, đến nỗi Ngài hoàn toàn sẵn sàng đón tiếp bạn bất cứ giờ phút nào.
Qua việc chầu TT liên tục, chúng ta dành thì giờ cho Chúa, để mối quan hệ giữa chúng ta và Ngài có thể được thắt chặt hơn, được làm cho tốt đẹp hơn, và để chúng ta có thể lớn hơn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến.
Chúa Giêsu quy tụ chúng ta lại thành một cộng đoàn thờ phượng trong ngày Chúa Nhật, khi chúng ta đến trong tính cách một gia đình, một giáo xứ, một cộng đoàn, để chúng ta biểu lộ sự hiệp nhất với Ngài.
Rồi Ngâì lại kêu gọi chúng ta đến thờ phượng Ngài với tính cách cá nhân, bằng cách ở lại với chúng ta suốt tuần trong Bí tích TT, để chúng ta có thể sống những giờ phút thinh lặng trước Thánh Thể, và để đào sâu mối quan hệ riêng giữa chúng ta với Ngài.
Qua Hy Tế Thánh Lễ, chúng ta tôn vinh Chúa Cha. Qua việc chầu TT liên tục,chúng ta tôn vinh Chúa Con: “Con Chiên đã bị giết xứng đáng lãnh nhận danh dự, vinh quang và lời chúc tụng” (Kh 5, 12).
Nói cách khác, Chúa Giêsu trong Bí tích TT vô cùng xứng đáng cho chúng ta thờ lạy không ngừng để tạ ơn về tất cả những gì Ngài đã làm nhằm cứu chuộc chúng ta.
Đó là lý do tại sao việc chầu TT liên tục còn tồn taị trong giáo xứ: Việc đó còn tồn tại bao lâu mà Tình Yêu Chúa dành cho chúng ta trong Bí tích TT còn tồn tại. Bao lâu Ngài còn yêu chúng ta tới mức Ngài muốn ở lại với chúng ta cả ngầy lẫn đêm, thì bấy lâu chúng ta còn cần phải yêu mên Ngài tới mức ở lại với Ngài cả đêm lẫn ngày.
Chúng ta đáp lại lời Ngài bằng việc chầu Mình Thánh liên tục hết giờ này sang giờ khác, vì Chúa Giêsu Thánh Thể mời gọi chúng ta hãy quảng đại với Chúa. Bởi vì Bí tích TT cũng là Bí tích của lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa đối với con người. Và đối với Chúa, sự khác biệt giữa lối sống tầm thường và sống quảng đại cũng cách biệt một trời một vực, tựa như thời gian khác biệt với vĩnh cửu vậy.
Giả như có bao giờ bạn nghi ngờ Tình yêu của Ngài thì bạn chỉ cần nghĩ tới điều này : Ngài muốn bạn biết rằng ngày thứ Sáu Thánh tiếp theo sau ngày thứ Năm Thánh. Vì thứ Sáu Thánh là cái giá mà Chúa Giêsu đã trả cách tự nguyện vì yêu thương, để trao tặng cho chúng ta món quà trọn vẹn là chính bản thân Ngài trong Bí tích TT. Thánh Thể xuất phát từ cuộc thương khó của Chúa và là hoa trái ngọt ngào của tất cả những đau khổ mà Ngài đã chịu. Cũng như lúa mì phải đập, phải xay, phải nghiền nát trước khi trở thành tấm bánh, thì Chúa Giêsu cũng đã muốn chịu đánh đập, bị chà đap, bị nghiền nát trong cuộc Khổ Nạn của Ngài, để Ngài trở nên “Bánh Hằng Sống Từ Trời xuống” cho chúng ta. Vì Ngài nói : “Bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51). Nhờ cái chết đau thương cực độ của Ngài trên thập giá, chúng ta có được sự sống thần linh bất tử và vĩnh cửu nơi Ngài qua Bí tích TT.
Tiếng “Thánh Thể “, theo nguyên ngữ, có nghĩa là “lời tạ ơn”, có ý nhấn mạnh thái độ chúng ta cần phải có.
Chầu TT là chúng ta cảm ơn cho Thánh Lễ vừa qua, và chuẩn bị cho Thánh Lễ sắp tới, như Chúa Giêsu đã gợi ý cho chúng ta sống Thánh Lễ trong cả cuộc sống mình, ngõ hầu nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, và nhờ hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể sống tâm tình của Chúa Giêsu trong mỗi ngày sống, đó là trước tiên hãy lo tìm kiếm ý muốn của Cha Ngài để làm vui lòng và làm vinh danh Người.
Chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về nhu cầu cầu nguyện cá nhân: Nhiều lần Ngài đã đi cầu nguyện một mình với Cha Ngài.
Việc thờ lạy Thánh Thể cách cá nhân của chúng ta cũng phải đi đôi với việc thờ lạy chung, để cũng như các môn đệ “nhận ra Ngài lúc bẻ bánh” thế nào, chúng ta cũng nhận ra Ngài trong Thánh Thể bằng một đức tin sống động và cảm nghiệm sự ngọt ngào của tình yêu Ngài, nhận ra sức mạnh của ân sủng Ngài, như Ngài đã nói: “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai mệt mỏi và gồng gánh nặng nề, Ta sẽ bổ sức cho. Hãy học cùng Ta vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các con sẽ được nghỉ ngơi. Vì ách của Ta thì êm ái, gánh của Ta thì nhẹ nhàng.” (Mt 11, 28-30)
Chúa Giêsu ở với chúng ta trong Bí tích TT để làm vơi nhẹ đi gánh nặng của ta bằng cách an ủi ta trong mọi nỗi thống khổ, tăng sức cho ta trong những lúc yếu đuối và bị cám dỗ, khích lệ ta mỗi khi ta thất đảm, ban cho ta một tâm tình tích cực đối với Thiên Chúa Tình Yêu, một tâm tình tích cực đối với chính bản thân mình; vì Ngài giúp chúng ta nhận ra chính mình bằng ánh sáng là tình yêu thần linh của Ngài, và một tâm tình tích cực đối với nhau; vì Ngài ban cho ta khả năng yêu thương nhau, không phải theo xác thịt nhưng theo Thần Khí, bằng cách ban cho chúng ta chính tình yêu của Ngài để chúng ta có thể yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta
Chúa Giêsu ở với chúng ta trong Bí tích TT để dậy chúng ta đặt trọn niềm tín thác vào Thánh Tâm Ngài, để cho sức mạnh tình yêu Ngài có thể chế ngự, chinh phục và loại trừ đi mọi nghi nan, sợ hãi và lo lắng nơi chúng ta, để cho bình an của Ngài có thể ngự trị trong tâm hồn chúng ta, như tông đồ Phêrô đã nói: ”Mọi lo âu hãy trút bỏ cho Chúa, vì Ngài chăm sóc bạn “.(P 5, 7)
Không ai yêu chúng ta như Chúa Giêsu yêu ta trong Bí tích TT. Chúng ta có yêu Ngài là Đấng mà chúng ta lãnh nhận vào lòng qua việc hiệp lễ hay không ?
Tự nguyện chầu giờ thánh trong thinh lặng để cầu nguyện với Ngài trong Bí tích TT là cách thức rõ ràng và không thể lầm lẫn mà Chúa Giêsu đã nhắc đi nhắc lại để khẩn nài chúng ta yêu Ngài, thờ lạy và cảm tạ Ngài về món quà Ngài tặng ban trong Bí tích.
Giờ thánh mà Chúa Giêsu muốn và mời gọi bạn sống với Ngài có thể đươc thực hiện theo cách bạn thích. Đây là giờ của bạn với Chúa Giêsu. Bạn có thể mang theo sách kinh riêng của bạn, hoặc bạn có thể dùng bất cứ “Giờ thánh” nào trong cuốn sách này “Hãy đến với Ta trong Bí tích TT”. Bạn có thể lần hạt hay đọc Thánh Kinh, hoặc làm cả hai việc đó.
Bạn có thể nói chuyện với Ngài lòng với lòng, hay bạn có thể nghe Ngài nói với bạn như Ngài soi sáng; hoặc bạn có thể chỉ ngồi thật thoải mái và cảm nếm sự an bình êm dịu do được ở bên cạnh Ngài, vì Ngài đã nói: “Hãy đi biệt ra một nơi vắng vẻ và nghỉ ngơi một chút”. (Mc 6, 31) – “Hãy bình tâm và hãy biết rằng Ta là Chúa.” (Tv 46, 11) – “Bình an của Ta là món quà Ta ban cho con.” (Ga 14, 27)
Hình thức cầu nguyện rất đẹp lòng Chúa Giêsu là chỉ thinh lặng và để cho Chúa Giêsu yêu bạn trong Bí tích TT. Cũng như bạn không thể phơi nắng mà không hứng được những tia nắng mặt trời; cũng vậy, bạn không thể đến trước Bí tích TT mà không nhận được những tia nắng thần linh mang theo ân sủng và tình yêu của Con Thiên Chúa.
5. “Bí tích Tình Yêu này sẽ là Trung Tâm của đời sống Dân Thiên Chúa”(Đ Gioan Phaolo 2)
BÍ TÍCH TT chính là Chúa Giêsu đang sống giữa chúng ta để hoàn tất lời Ngài đã hứa : “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Con nào bị mất Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào đau yếu, Ta sẽ chữa cho lành.” (Ed 34, 15 – 16).
Nếu cần lập một danh sách các việc ưu tiên phải làm trong một giáo xứ hay trong một giáo phận, thì việc chầu Thánh Thể liên tục sẽ nằm ở vị trí nào trong bản danh sách ấy ? Cần phải đầu tư bao nhiêu thời giờ, sức lực và sự tập trung để tổ chức việc chầu Thánh Thể liên tục trong mỗi giáo xư ? Trong Tông Thư “Đấng Cứu Chuộc con người” (Redemptor hominis) Đức Gioan Phaolo đã hô hào: “Mỗi phần tử của Giáo Hội, đặc biệt là các giám mục và linh mục, phải liệu sao cho Bí tích Tình Yêu này trở thành trung tâm của đời sống dân Chúa, để qua tất cả các cử chỉ tôn sùng Bí tích ấy, Chúa Kitô nhận được “tình yêu đáp lại tình yêu”, và thật sự trở thành sức sống của linh hồn chúng ta…Thật vậy, Thánh Thể là Bí tích khôn tả, là lời hứa hết sức cần thiết và quan trọng hơn cả, là ân sủng có thể thấy được và là nguồn sức mạnh siêu nhiên cho Hội Thánh – với tư cách là dân của Thiên Chúa – đang bảo vệ và tiến tới không ngừng trong khi sống và mến mộ Bí tích TT, cũng như phát triển về mặt thiêng liêng trong bầu khí yêu thương của Bí tích này. Một lý do khác cao cả hơn nữa là chúng ta không được phép, dù chỉ là trong tư tưởng, cư xử hay hành động, làm giảm đi tầm quan trọng và ý nghĩa sâu xa của BÍ TÍCH cực Thánh này. Vì đây là Bí tích Hiến Tế, Bí tích Hiệp thông và Bí tích của sư Hiện Diện”.
6. “Trái tim sống động của mỗi nhà thờ xứ đạo”
Trong Thông Điêp “Mầu Nhiệm Đức Tin” (“Mysterium Fidei”) Đức Phaolo VI đã nói : “ Chúa Giêsu là Emmanuen, Thiên Chúa ở cùng chúng ta,, và “Chúa Giêsu ở giữa chúng ta đêm ngày, với tất cả ân sủng và chân lý, Ngài khôi phục lòng đạo đức, gia tăng sự thánh thiện, an ủi người đau khổ và ban sức mạnh cho kẻ yếu đuối. Những ai đến với Ngài, hãy học nơi mẫu guơng của Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và đừng tìm kiếm ý mình, nhưng tìm ý Chúa trước tiên. Chúa Giêsu được cất giữ trong nhà tạm để làm trung tâm đời sống tinh thần của giáo xứ, của cộng đoàn, của Hội thánh toàn cầu cũng như của cả nhân loại; vì ẩn dưới tấm bánh thánh là chính Chúa Giêsu, Vị Thủ lãnh Vô hình của Hội thánh, Đấng Cứu Chuộc thế giới, trung tâm của mọi cõi lòng; nhờ Ngài mà muôn vật được tác thành và tồn tại. Vì vây, được trò truyện với Chúa Giêsu thật có giá trị biết bao ! Vì trên trần gian này không thể có gì an ủi và mang lại hiệu quả hơn trong việc tiến đức trên đường thánh thiện.” Trong “Kinh Tin Kính của Dân Chúa”, ngài cũng bầy tỏ : Bí tích TT là trái tim sống động của mỗi một nhà thờ xứ đạo, và bổn phận rất êm ái của chúng ta là tôn vinh và thờ lạy Ngôi Lời Nhập thể không ai thấy được trong hình bánh mà ai cũng có thể thấy nơi Bí tích TT. Dù không hề rời bỏ cõi trời, Ngài đang hiện diện trước mặt chúng ta”.
Kitô giáo đặt trọng tâm vao việc yêu mến Chúa Kitô, Đấng đang hiện diện trong Bí tích TT. Chỉ khi ta qui hướng bản thân mình vào Ngài, vào quyền năng tình yêu của Ngài, ta mới không rơi khỏi trọng tâm.
Chầu TT liên tục là ý thức đặt Chúa Kitô trên hết, là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đường thánh thiện của Ngài trước tiên. Không thể có sự canh tân Hội thánh, nếu không làm mới lại lòng nhiệt tình yêu mến Thánh Thể.
7. “Chúa Giêsu mong đợi chúng ta trong Bí tích Tình Yêu này” (Đức Gioan Phaolo 2)
Ngày 02/12/1981, Đức Gioan Phaolo 2 khởi sụ chầu Thánh Thể liên tục tại nhà nguyện thánh Phêrô. Hành vi đức tin và tình yêu này là lời khích lệ ta bắt chước lòng nhiệt thành của ngài thực hành việc chầu Thánh Thể liên tục trong mỗi nhà thờ công giáo. Đức thánh Cha không ngừng nhắc đến sự cần thiết, giá trị và sức mạnh của việc chầu Thánh Thể. Trong Tông thư nói về mầu nhiệm và việc thờ lạy Bí tích TT, ngài bầy tỏ: “Hội thánh và thế giới rất cần chầu Thánh Thể. Chúa Giêsu mong đợi chúng ta trong BÍ TÍCH tình yêu này, chúng ta hãy quảng đại dành thời giờ đến thờ lạy và chiêm ngắm Thánh Thể, và dâng mình đền tạ về những lỗi lầm và xúc phạm của thế giới. Chớ gì việc chầu Thánh Thể không bao giờ ngừng !” Ngài khuyên chúng ta hãy đến nhà thờ ngoài các giờ lễ, qua các giờ chầu và những buổi đặt Mình Thánh Chúa lâu giờ, như một cách thể hiện sự gắn bó của chúng ta đối với Chúa Thánh Thể, Đấng Cứu Độ chúng ta. Cũng trong thư này, Đức thánh Cha nói rằng : “Việc cổ võ và đào sâu lòng tôn sùng Thánh Thể là bằng chứng của sự canh tân đích thật mà Công Đồng đề ra như một mục tiêu, và là trung tâm của việc canh tân ấy”.
Chính Chúa Giêsu chỉ ra cho ta những con đường, những phương thế và nguồn mạch canh tân khi Ngài noi: “Hãy đến với Ta”, vì “Ta sẽ bổ sức cho các con” (Mt 11, 28). Một lần nữa, Ngài phán: “Này đây, Ta đổi mới mọi sự”. Thật đáng lưu tâm khi Chúa Giêsu không thì thầm hay nói bằng một giọng bình thường, nhưng Tin Mừng cho biết “Ngài kêu lớn tiếng”: “Ai khát, hãy đến với Ta. Ai tin vào Ta, hãy đến mà uống, như Kinh thánh đã nói: “Từ lòng Người sẽ tuôn chẩy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 37-38)
8. “Hãy can đảm lên ! Thày đây, đừng sợ ! (Mt 14, 27)
Chúa Giêsu đã đi trên mặt nước và đưa tay cứu vớt Phêrô đang chìm. Trong Bí tích TT cũng Chúa Giêsu ấy giơ tay ban sức mạnh cho người yếu đuối và ủi an kẻ đau khổ. Dù bạn nghĩ mình là người xấu xa nhất trên thế gian, bạn vẫn được Chúa Giêsu nhiệt tình tiếp đón trong Bí tích TT. Ngài khẳng đinh Ngài đến không phải cho người khỏe mạnh, nhưng cho người đau yếu, vì người khỏe mạnh không cần đến thày thuốc. Chúa Giêsu trong Bí tích TT là Thần Y của linh hồn ta. Bạn càng nghĩ bạn đang ở xa Chúa bao nhiêu, thì Chúa càng muốn bạn đến với Ngài trong Bí tích TT bấy nhiêu, vì Ngài không đến cho kẻ tự coi mình là công chính, nhưng cho những tội nhân.
Trong cơn nguy khốn và tuyệt vọng, ta càng thấy rõ hơn Chúa Giêsu vẫy gọi ta đến với Ngài trong Bí tích TT. Nơi BÍ TÍCH này, Chúa Giêsu nói với chúng ta điều Ngài đã nói với Phêrô xưa: “Hãy can đảm lên, chính Thày đây, đừng sợ !”. Chính Thày đây, chính Chúa Giêsu, Đấng yêu thương bạn và đã chết cho bạn, đang hiện diện thật sự trong Bí tích cực thánh này. Chúng ta chẳng việc gì phải sợ hãi. Chúng ta không để cho tội lỗi ngăn cản chúng ta đến với Ngài, vì Ngài là hiện thân của lòng thương xót vô hạn. Chúng ta không để cho việc cầu nguyện không sốt sáng làm chúng ta chán nản đến với Chúa, vì chỉ nguyên sự kiện chúng ta đến nhà nguyện để chầu Thánh Thể đã là một lời cầu nguyện xuất phát từ lòng tin rồi. Chúng ta sẽ không để cho mình chỉ vì bận rộn mà không đến với Ngài, bởi vì thời gian chúng ta dành để ở với Chúa Thánh Thể là thời gian quý giá và đẹp đẽ nhất của chúng ta trên đời.
Mỗi giây phút bạn dành để ở trước Thánh Thể sẽ làm cho linh hồn bạn sáng láng và đẹp đẽ hơn trên Thiên đàng, vì Thánh Thể là Chúa Giêsu, Cứu Chúa của ta, thông chia tất cả vẻ đẹp và ánh vinh quang Phục sinh cho những ai đến với Ngài. Chúa Giêsu trong Bí tích này là người dễ chịu nhất trên thế gian. Ngay cả khi bạn không thể cầu nguyện sốt sắng, hay khi bạn không thể nói với Ngài được điều gì, thì chỉ nguyên viêc bạn đến với Ngài trong Bí tích TT đã là một lời cầu nguyện xuất phát tư lòng tin, và sẽ sinh ơn ích cho linh hồn bạn. Vì như bạn không thể phơi mình giữa trời mà không hứng được những tia nắng mặt trời; cũng thế, bạn không thể đến với Con Thiên Chúa hiện diện trong Bí tích TT mà không tiếp nhận được những tia nóng thần linh mang theo ân sủng, lòng Thương xót, tình yêu, sự sống và bình an. Chúa Giêsu ẩn giấu vẻ đẹp và vinh quang của Ngài trong Bí tích TT để mỗi giây phút bạn dành ở với Chúa trong Bí tích Tình Yêu vô biên này, bạn lại được tắm gội linh hồn mình trong vẻ đẹp và ánh vinh quang bất diệt của Ngài. Trong Bí tích TT, “mặc dù vốn giầu sang, Ngài đã tự làm cho mình trở nên nghèo khó vì anh em, để anh em được nên giầu có nhờ sự nghèo khó của Ngài.”
Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, không phải là tôn sùng một pho tượng hay một bức ảnh, nhưng là tôn sùng Bí Tich cực thánh, là chính Thánh Tâm Chúa Giêsu đang sống, đang ngự giữa chúng ta và kêu mời mỗi người chúng ta đến với Ngài. Sứ điệp của Thánh Tâm Chúa là : Bí tích Thánh Thể không phải là một đồ vật, nhưng là một Ngôi vị, là chính bản thân Chúa Cứu thế. Trái Tim thần linh của Ngài luôn bừng cháy một tình yêu riêng và sâu thẳm dành cho mỗi môt người chúng ta trong Bí tích này.
Ngài đã phán: “Ta khát một cơn khát kinh khủng là được người yêu trong Bí tích TT, và nếu con tin vào tình yêu của Ta trong Bí tích này, nếu con thực sự tin vào tình yêu ấy, con sẽ thấy những điều phi thường nơi tình yêu của Ta, bởi Ta sẽ thống trị mọi tâm hồn, mọi gia đình, mọi quốc gia và trên khắp thế giới Ta sẽ thiết lập vương quốc Tình yêu của Ta và ban bình an vĩnh cửu trên trái đất này, nhờ Tình Yêu đầy uy quyền và sức mạnh của Trái tim Ta.