Cuộc đời là cung thánh, trái tim là đền thờ
CUỘC ĐỜI LÀ “CUNG THÁNH, TRÁI TIM LÀ “ĐỀN THỜ”
(Chúa Nhật 3 MC năm B 2012)
Jos. Trương Đình Hiền
Cuộc trường hành của dân Ít-ra-en xuyên qua hoang mạc để về Đất Hứa đã mang theo bao nhiêu là hệ lụy của kiếp phận con người đang trong cuộc hành lữ : hoảng loạn trước hiểm nguy đe dọa của quân thù, lắng lo khi không còn lương thực, mõi mệt vì nắng khát…Cùng với những nhu cầu “đói ăn khát uống” luôn đeo bám cuộc sống dài ngày mà đích đến vẫn mãi mù khơi, lại phải gồng mình chấp nhận một niềm tin vào một Đấng Vô Hình mờ xa tít tắp ; trong khi đó, lãnh tụ Mô-sê lại cũng vắng bóng nhạt nhòa đâu đó trên tận núi Si-Nai…quả thật, con đường “về Đất hứa” quá nhiêu khê và nhiều thách đố.
Trong khi những khoản luật của “Mười Điều” chỉ mới như cơn mưa rào chợt đến giữa “đồng không mông quạnh”, như cơn gió thoáng qua cái tâm thức duy vật, duy lợi, duy sinh tồn, duy hưởng thụ… thì lại được nghe, được thấy bao nhiêu thứ tín ngưỡng vừa vui lại vừa sướng của các dân tộc chung quanh, nên dân Ít-ra-en đành phải vẫy tay giã từ Đấng Gia-vê quyền năng cao cả trên các tầng mây, để thiết dựng một con bò vàng mà thờ cúng cho có hương hoa nồng ấm. Gia-vê phải gần gụi như thế, phải trần tục như vậy, phải là “con bò vàng” ngậm miệng, nín thinh để chỉ biết nghe con người ca hát, thở than, cười đùa, còn con người muốn sống, muốn chết, muốn chơi bời, muốn hướng thụ ra sao thì hãy để mặc con người, đừng bày đặt làm oai can thiệp…
Kể từ hôm ấy, những mạc khải thánh thiêng của Đấng Tối Cao cho Môsê từ “bui gai bốc cháy” : “Ta là Đâng hằng hữu”, những điềm thiêng dấu lạ xảy ra trên đất Ai Cập, những biến cố kinh thiêng động địa trên Biến Đỏ và trong hoang mạc như dấu chỉ thánh thiêng oai hùng của một Đấng Giavê toàn năng, toàn thánh, hay mới đây, những lời quyền năng mang tên “Thập Giới” được ban xuống trong cuộc thần hiển uy hùng, không còn giá trị gì với đám dân đang khát khao một thiên đường hạ giới, một Đất hứa kề bên. Có được một thứ tôn giáo vừa tầm với tâm thức, phù hợp với ước mơ và não rạng thì tốn mấy cũng chơi.
“Toàn dân gỡ các khuyên vàng đeo tai và đem đến cho ông A-ha-ron. Ông lấy vàng từ tay họ trao cho, đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một con bê. Bấy giờ họ nói : “Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ Ai-Cập”. Thấy vậy, ông A-ha-ron dựng một bàn thờ trước tượng con bê, rồi hô to : “Mai có lễ kính Đức Chúa”. Ngày hôm sau, họ dậy sớm, dâng tiến những của lễ toàn thiêu và những lễ vật kỳ an. Dân ngồi xuống ăn uống, rồi đứng lên bày trò vui chơi”. (Xh 32,3-6).
Nếu hiện tượng tục hóa “bò vàng” đã xảy ra trong những ngày lang thang nơi hoang mạc có thể hiểu đó là kết quả tất yếu của hoàn cảnh lữ hành nhiêu khê vất vả, luôn đối diện với những nguy cơ đói khát, bị tiêu diệt…; nhưng sau khi đã an định cõi bờ, đã trờ thành một quốc gia với đầy đủ cung điện, đền thờ và một tổ chức tôn giáo bài bản, thì hiện tượng tục hóa lại mang một “dáng đứng khác” : tôn giáo trở thành dịch vụ kinh tế, cơ hội kiếm ăn, mà đền thờ chính là trung tâm thu hút :
“Người thấy trong đền thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu : “Đem tất cả những thứ nầy ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. (Ga 2,14-15)
Cứ tưởng rằng chỉ có dân tộc Ít-ra-en cách đây mấy ngàn năm lịch sử mới có biểu hiện sa đọa tục hóa như thế trong “biến cố Bò Vàng” hay trong sự kiện “buôn thần bán thánh” ngay tại Đền Thánh Giêrusalem như TIn Mừng hôm nay tường thuật ; nhưng nếu quan sát kỷ, ngay chính cuộc sống hôm nay, hiện tượng tục hóa và sa đọa niềm tin nầy lại đang giăng mắc khắp nơi trên mọi nẽo đường thế giới, một thế giới cũng đang có bao nhiêu đoàn người đang đi tìm một “Đất Hứa” thích hợp cho riêng mình.
Cũng chính trong cái thế giới nhầy nhụa vật chất và ngập tràn những cơn cám dỗ của giàu sang và hưởng thụ, quyền lực và dục vọng…hằng ngày có biết bao nhiêu “thiện nam tín nữ” sụp lạy trước những “ngẫu tượng bò vàng” mang đủ tên gọi : thần số đề, thần số kiến thiết, thần tình duyên, thần bằng cấp, thần bất động sản, thần bán đắt buôn may, thần quyền cao chức trọng, thần Đô la, thần Eu-rô, thần, vàng 4 số 9, thần siêu xe, thần biệt thự hạng sang, thần siêu mẫu chân dài, thần cầu thủ siêu hạng, thần ca sĩ, diễn viên top ten…
Đối với chúng ta, những người Kitô hữu, những lữ hành về “đất hứa thiên đàng”, câu chuyện hôm nay cũng chính là lời gọi mời chiến đấu của Mùa Chay thánh, một “thời gian thuận tiện” để Dân Chúa thanh luyện đức tin khỏi những cách kiểu “tục hóa” mà không ít thì nhiều vẫn thường “có mặt” trong nhịp sống đức tin hằng ngày.
– Đó là biết quỳ xuống nơi Tòa Giải Tội để gội sạch tâm hồn khỏi những rác rưới tội lỗi đã làm biến dạng tâm hồn là chính “cung điện của Thiên Chúa”.
– Đó là biết can đảm xóa bỏ đi những cách ngăn, đố kỵ, giận hờn, ghen ghét với tha nhân để biến cuộc tập họp của Hy tế Tạ Ơn thành Tiệc huynh đệ, biến Nhà Thờ thành địa chỉ của yêu thương, chứ không phải là cuộc “tập họp bất đắc dĩ của những con người xa lạ và Nhà thờ lại trở thành một “pháo đài” kiên cố của bất nhân và kiêu ngạo.
– Đó là biến giáo lý của Chúa, lề luật của Giáo Hội luôn trở thành một Tin Mừng của niềm vui và sự sống, chứ không còn là một thứ luân lý khắc nghiệt chỉ rình chờ cơ hội để bóp chết niềm vui và hy vọng của con người.
– Đó là biết cất đi những gánh nặng của “lạm dụng quyên góp”, của kết án tùy tiện, của phức tạp cửa quyền, của rườm rà cơ cấu… để Hội Thánh luôn mãi là một “vườn hoa đầy hương sắc”, cộng đoàn luôn là một “bếp lửa yêu thương”, Đạo Đức Chúa Trời chính là một “đại lộ thẳng băng” mà ai ai cũng có thể sánh bước bên nhau trong thân tình và hạnh phúc và “Thập Giới” hay “Tám Mối Phúc Thật” là một khúc tâm ca, một ngọn đuốc sáng soi dẫn ta bước đi trong chính lộ để về tới quê thật vĩnh hằng.
Tóm lại, Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay đề nghị chúng ta hãy trở về với “Thập Điều của Giao Uớc Si-Nai” mà chung qui đó chính là “mến Chúa-Yêu người” (BĐ 1). Thực hành và kiện toàn Thập giới đó là phương cách tốt nhất giúp ta “thanh tẩy” cuộc đời, dọn dẹp tâm hồn khỏi những thứ rác rưới ô nhơ của phàm tục, như Đức Kitô đã thanh tẩy đền thờ Giêrusalem (TM), để chuẩn bị thường xuyên một “không gian nội tâm” thích hợp và xứng đáng cho Thiên Chúa ngự trị, một “con đường thẳng tắp để gặp gỡ tha nhân”, mà theo ngôn ngữ của Tin Mừng hôm nay, đó chính là “ngôi nhà của Thiên Chúa”, ngôi nhà của “cầu nguyện”, đối lập với những “hang trộm cướp”, địa chỉ của tham lam, dục vọng, oán thù, ghanh ghét. Và một khi đã có được một cuộc đời là “cung thánh”, một trái tim xứng đáng là “đền thờ”, thì những giá trị của Tin Mừng Đức Kitô sẽ trở thành thuyết phục, Thập giá điên rồ sẽ biến thành “khôn ngoan”, và con đường cứu độ của Kitô giáo sẽ là giải đáp và lựa chọn duy nhất của con người. (BĐ 2).