Chiêm ngắm Đức Giêsu trên thánh giá để sống lòng thương xót trong đời sống cộng đoàn.

Thứ hai - 21/06/2021 21:10 311 0

download (5)


Lời nguyện đầu:


Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh,
Chúng con cám ơn Chúa đã thương cho chúng con được tiếp nối truyền thống tốt đẹp của Hội dòng, truyền thống mỗi thứ 6 chúng con được mời gọi chiêm ngắm Chúa trên Thánh Giá. Chiêm ngắm tình yêu cao vời, vĩ đại Chúa đã dành cho nhân loại và đặc biệt cho những ai bước đi trong linh đạo Mến Thánh Giá. Vì tình yêu Chúa đã mời gọi, tuyển chọn và ban ơn thánh để chúng con đáp trả bằng sự tự nguyện từ bỏ con đường bình thường của đời người để chấp nhận lội ngược dòng đời, đi vào con đường yêu mến thánh giá, con đường ít người muốn bước đi. Cám ơn Chúa đã cho chúng con cảm nhận và  nghe được tiếng Chúa tiếp tục khám phá mầu nhiệm Thập giá nơi cuộc đời chúng con.
  
Chúng con cảm nghiệm thật sâu tình yêu bao la Chúa dành cho nhân loại, cho những người bé nhỏ, tội lỗi và nghèo khổ, cụ thể là cho mỗi chúng con đây. Dù là những người yếu hèn và bất xứng nhưng vẫn được Chúa chọn gọi làm bạn nghĩa thiết của Chúa và trở nên hiện thân của Ngài cho con người thời nay. Xin cho lòng trí con thật sự được Lời Chúa soi dẫn để trong những giây phút ngắn ngủi này, chúng con thấy rõ hiện trạng của mình, quyết tâm biến đổi đời sống hầu xứng đáng hơn với tình yêu Chúa và kỳ vọng của Giáo hội dành cho chúng con, những con người thánh hiến, những nữ tu Mến Thánh Giá đúng nghĩa. Vì Chúa không dùng Thánh Giá chỉ để chịu chết mà qua cái chết Chúa làm phát sinh một nhân loại mới, những con người được biến đổi bằng tình yêu Phục Sinh.


Đọc Tin Mừng: Mc 1, 29 – 31

Suy gẫm: 

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải trong cụm từ lòng thương xót. Nơi Đức Giêsu, lòng thương xót của Chúa Cha trở nên sống động, hữu hình và cụ thể. Hành động Tử nạn - Phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu là tột đỉnh của lòng thương xót của Ngài dành cho chúng ta vì “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga, 15,13). “hãy liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của lòng thương xót”. Điều đó không chỉ giúp mỗi người trở thành dấu chỉ hữu hiệu cho lòng thương xót của Chúa Cha mà còn là điều kiện để mỗi người chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ. Thật đúng như vậy, nhìn lại cuộc đời mỗi người, chúng ta nhận thấy mình chỉ được cứu độ khi được Chúa xót thương. Chúa đã dựng nên tôi từ hư không, đã chọn gọi tôi vào đời sống dâng hiến. Ngài muốn chứ không phải tôi xứng đáng, Ngài đã thứ tha cho tôi biết bao lần vì những vô ơn, phản bội vô tình hay hữu ý. …Tôi chưa triệt để sống theo lề luật vì tình yêu và cho tình yêu. Tôi  chưa cố gắng sinh lời những nén bạc Chúa trao, chưa yêu thương và tha thứ như Chúa đòi hỏi. Điều quan trọng hơn hết là chúng ta cần tín thác vào lòng thương xót của Chúa, để có thể đứng lên sau mỗi lần vấp ngã, để bước ra khỏi những ý nghĩ và cách sống tầm thường, hưởng thụ của thế gian, để mạnh mẽ trong quyết tâm sống thánh thiện như Cha trên trời là Đấng Thánh.

Sau khi đã cảm nghiệm được tình yêu thương xót của Chúa đối với bản thân mình, chúng ta được mời gọi thực thi lòng thương xót. Dụ ngôn tên đầy tớ không biết thương xót là một lời cảnh tỉnh cho mọi người. Lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha  nhưng còn là tiêu chuẩn để nhận biết ai là con cái thật của Ngài. Vì thế, chúng ta được mời gọi thực thi lòng thương xót đối với anh chị em mình vì lòng thương xót đã được ban cho chúng ta trước. Với tất cả sự chân thành mỗi người hãy nhìn lại mình, tôi đã thực thi lòng thương xót như thế nào trong ngày sống. Đối với những người tôi có trách nhiệm phục vụ, những chị em sống bên cạnh tôi, những người đã xúc phạm đến tôi ? Cộng đoàn có là nơi mỗi người dám sống con người thật của mình với những yếu đuối bất toàn, với khao khát được thông cảm, yêu thương, đỡ nâng và chữa lành. Cộng đoàn của tôi có là chốn bình an cho những chị em yếu đau, bệnh tật, vất vả vì công việc mục vụ và những lo toan cho cuộc sống hôm nay. Cộng đoàn có là gia đình đích thực như Hiến Chương đòi hỏi hay không? Để xây dựng được cộng đoàn thánh hiến đúng nghĩa chúng ta cần phải làm gì cụ thể trong vai trò của mỗi người hiện tại?

Để xây dựng cộng đoàn của chúng ta trở nên cộng đoàn của lòng thương xót mỗi người cần biến lòng thương xót thành những hành động cụ thể. Trước tiên, hãy đừng phán xét cũng đừng lên án. “Những lời nói chứa đầy đố kỵ và ganh ghét đã gây ra biết bao tai hại. Nói xấu người anh chị em vắng mặt, chẳng khác gì đẩy người ấy vào bóng tối, làm mất thanh danh và gây tiếng xấu cho người ấy. Ai không đoán xét và lên án, sẽ nhận ra điều tốt lành vẫn có nơi mọi người, và không làm người khác đau khổ vì sự xét đoán bất cập và tính tự phụ của chúng ta, cho rằng mình biết hết mọi sự”. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để thể hiện lòng thương xót mà còn phải biết “tha thứ và sẵn sàng cho đi vì Thiên Chúa đã vô cùng rộng lượng khi tuôn đổ lòng hảo tâm của Ngài trên chúng ta.”

Hình ảnh Chúa lại gần, cầm lấy tay bà Mẹ vợ của thánh Phêrô, đỡ bà dậy là gương mẫu cho chúng ta trong việc thực thi tình bác ái đối với anh chị em mình. Có ai sống mà không khổ đau, không có Thập giá, thế nhưng sức nặng của Thập giá sẽ vơi nhẹ nếu như chúng ta biết ra khỏi chính mình để đến với tha nhân, giúp đỡ và xoa dịu nỗi khổ đau của người khác. Không ai quá nghèo để không thể cho đi một cái gì đó cho người khác : Một nụ cười cảm thông, một ánh mắt khích lệ, một bàn tay nâng đỡ, một chén cơm nhỏ bé với lòng yêu thương… phải chăng đó là những cái mà nhiều người đang mong đợi nơi chúng ta. Chính trong lúc cho đi như thế, chúng ta cảm nghiệm được niềm vui đích thực như lời kinh Hòa bình của thánh Phanxicô: vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ  tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Sống Năm thánh Hội dòng, mỗi chị em không chỉ cảm nhận tình yêu thương xót bao la của Thiên Chúa đối với bản thân, gia đình, Hội dòng, Cộng đoàn mình mà còn cần phải thực thi lòng thương xót ấy cho mọi người xung quanh. Chứng kiến thực tế xã hội hôm nay với rất nhiều mảng tối của chiến tranh, khủng bố, nghèo đói, thiên tai, dịch bệnh, sự xuống cấp về luân lý đạo đức… nhiều lúc làm cho người ta hoang mang, lo lắng.

 Sợ hãi và thất vọng là tâm trạng phổ biến của con người thời nay. Người Kitô hữu, đặc biệt là người tu sĩ được mời gọi trở nên niềm hy vọng để thế giới nhận ra Thiên Chúa là chủ lịch sử và cùng đích của cuộc đời con người là đạt được ơn cứu độ để có sự sống vĩnh cửu. Niềm hy vọng không đặt nơi quyền lực, của cải hay bất cứ một thực tại trần gian nào nhưng chỉ ở nơi Thiên Chúa, Đấng có thể làm được mọi sự. Đấng duy nhất có thể phục sinh vạn vật từ đau khổ và sự chết. Mỗi người chúng ta thử nhìn lại thực tế cuộc sống của mình xem, sự hiện diện của tôi nơi cộng đoàn, giáo xứ, trường học… có thắp lên được niềm hy vọng cứu độ, có làm cho người ta nhận ra Chúa, có đem lại sự bình an đích thực của Chúa đến những nơi, những người đang rất cần nó không?

Năm thánh của Hội dòng rồi cũng đến lúc khép lại, nhưng hãy làm cho Năm thánh mãi mở ra trong đời sống thường nhật của chúng ta nguồn sức sống mới. Hãy là những sứ giả của Tin Mừng, Tin Mừng được sinh hoa trái trong đời phục vụ của chúng ta. Hãy sống như là những sứ giả của lòng thương xót cho tha nhân, những người gặp gỡ hằng ngày và cả những người có thể chỉ gặp một lần duy nhất trong đời.

Lời nguyện kết:
 
Lạy Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con thời gian ân sủng của năm thánh hồng ân kỷ niệm 350 năm đặc sủng Mến Thánh Gía được gieo trồng trên quê hương Qui Nhơn thân yêu của chúng con. Xin lỗi Chúa vì chúng con chưa nỗ lực sống thánh thiện như sứ điệp năm thánh mời gọi. Xin tình yêu Chúa  biến đổi chúng con trở nên khí cụ của tình yêu Chúa cho môi trường sống của chúng con hôm nay. Chúng con xin dâng lên Chúa tâm tình của chúng con qua lời kinh của Thánh Phanxicô và xin giúp chúng con thực hiện lời kinh này trong đời sống để diễn tả tình yêu và lòng thương xót trong cuộc sống hôm nay.  

Lạy Chúa từ nhân! Xin cho con
Biết mến yêu và phụng sự Chúa- trong mọi người.
Lạy Chúa- xin hãy- dùng con, như khí cụ bình an- của Chúa
Ðể con đem yêu thương- vào nơi oán thù.
Ðem thứ tha- vào nơi lăng nhục.
Ðem an hoà- vào nơi tranh chấp.
Ðem chân lý- vào chốn lỗi lầm.
Ðể con- đem tin kính- vào nơi nghi nan.
Chiếu trông cậy- vào nơi thất vọng.
Ðể con- dọi ánh sáng- vào nơi tối tăm.
Ðem niềm vui- đến chốn u sầu.
Lạy Chúa- xin hãy- dạy con:
Tìm an ủi người- hơn được- người ủi an.
Tìm hiểu biết người- hơn được- người hiểu biết.
Tìm yêu mến người- hơn được- người mến yêu.
Vì chính- khi hiến thân- là khi được nhận lãnh.
Chính lúc quên mình- là lúc- gặp lại bản thân.
Vì chính- khi thứ tha- là khi- được tha thứ.
Chính lúc chết đi -là khi- vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái- xin mở rộng lòng con.
Xin thương ban- xuống những ai- lòng đầy thiện chí.
Ơn an bình. ( (Thánh Phanxicô Assisi )

Tác giả bài viết:  TT/MTGQN

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây