Chương trình học hỏi về Thượng hội đồng Giám mục 16(bài 12)

Thứ hai - 21/02/2022 04:43 318 0


 



CHƯƠNG TRÌNH HỌC HỎI

VỀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI - 2023

 

GIỚI THIỆU

 

Chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi chủ đề Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI, 2023. Chương trình học hỏi gồm các bài học do Nhóm Hiệp Hành Giáo Phận soạn dựa trên hai tài liệu chính: 1/ “Tài liệu chuẩn bị”; 2/ “Cẩm nang” thực hành. Đây là hai tài liệu Toà Thánh gởi cho các giáo phận nghiên cứu, học hỏi để góp ý cho THĐGM: các bài 2-13: dựa trên “Cẩm nang” thực hành; các bài 14-16: dựa trên “Tài liệu chuẩn bị”;

Ước mong những bài học ngắn gọn này sẽ giúp anh chị em trong giáo phận Long Xuyên chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu xa của chủ đề THĐGM và góp ý tích cực cho THĐGM.

 

 Bài 12: CON ĐƯỜNG HIỆP HÀNH TẠI CÁC GIÁO PHẬN

Phần 2 

 

10 chủ đề dưới đây là những phương diện quan trọng của việc “sống tinh thần hiệp hành”, giúp những người tham dự khám phá chủ đề chính của Thượng hội đồng. Tuy nhiên, cần lưu ý hai điểm sau: 1/ Chúng ta cất bước hành trình như dân Chúa với nhau và như dân Chúa với toàn thể nhân loại; 2/ Khi thỉnh ý hiệp hành không nhất thiết phải giới hạn vào những câu hỏi này.

 

1/ Các bạn đồng hành trên cuộc hành trìnhTrong Giáo hội và ngoài xã hội, chúng ta sát cánh bên nhau trên cùng một nẻo đường. Vậy, ai là những người “cùng nhau cất bước hành trình?” Ai (nhóm) là những người vẫn còn xa cách, còn ở bên lề? Là những người đồng hành, chúng ta được kêu gọi để thăng tiến như thế nào?

 

2/ Lắng ngheLắng nghe là bước đầu tiên, đòi hỏi khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến. Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta qua những tiếng nói mà đôi khi chúng ta không nhận ra như từ: phụ nữ, giới trẻ, người thiểu số, người đói nghèo, người ở bên lề hay bị xã hội loại trừ, tu sĩ, người có quan điểm khác, v.v. Khả năng lắng nghe những nhóm người nói trên của chúng ta thế nào?

 

3/ Phát biểuMọi người đều được mời gọi can đảm lên tiếng, nghĩa là phải bao gồm cả tự do, chân lý và bác ái. Điều gì tạo điều kiện hay cản trở việc nói ra cách can đảm, thẳng thắn và có trách nhiệm? Vấn đề truyền thông tại địa phương thế nào? Việc chọn lựa và nói thay cho cộng đồng Kitô hữu ra sao?

 

4/ Cử hànhChỉ có thể “cùng nhau cất bước hành trình” khi cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Việc cầu nguyện và cử hành phụng vụ trong cộng đoàn sẽ truyền cảm hứng và hướng dẫn đời sống và sứ vụ. Các tín hữu được khích lệ tham dự phụng vụ cách tích cực ra sao? Việc dành cho các tín hữu tham gia vào thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ thế nào?

 

5/ Chia sẻ trách nhiệm đối với sứ vụ chungHiệp hành là để phục vụ cho sứ mạng của Hội thánh, mọi thành viên trong hội thánh đều đươc mời gọi tham gia vào sứ mạng này. Bởi Phép rửa, mọi người trở thành người môn đệ truyền giáo. Mọi người tham gia vào sứ vụ này thế nào? Điều gì cản trở các thành viên tham gia tích cực? Những lĩnh vực nào trong sứ vụ này bị bỏ mặc? Hội thánh hỗ trợ các thành viên tham gia phục vụ qua các công tác xã hội, chính trị, khoa học, giáo dục, công bằng xã hội, quyền con người, chăm sóc môi trường, v.v… thế nào để họ phục vụ xã hội theo cách thức truyền giáo?

 

6/ Đối thoại trong Giáo hội và xã hộiĐối thoại đòi hỏi kiên trì và nhẫn nại, nhưng cũng giúp hiểu biết lẫn nhau. Trong Giáo phận có những nơi và cách thức nào để đối thoại? Những kinh nghiệm trong việc đối thoại và hợp tác với các tín đồ các tôn giáo khác và những người không theo một tôn giáo nào? Với các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội dân sự và những người sống trong nghèo khó, việc đối thoại và học hỏi ra sao? Đâu là những vấn đề quan trọng mà Giáo hội và xã hội cần lưu tâm?

 

7/ Đại kếtVị trí đặc biệt trên con đường hiệp hành của cuộc đối thoại giữa những Kitô hữu thuộc các tín phái khác nhau, liên kết với nhau bởi cùng một Phép rửa. Mối tương quan giữa ta với họ thế nào? Chúng ta có thể chia sẻ và cất bước hành trình với họ ra sao? Đâu là những hoa trái có được và đâu là những khó khăn gặp phải từ việc cùng nhau bước đi? Làm sao cùng nhau tiến bước về phía trước?

 

8/ Uy quyền và sự tham giaHội thánh hiệp hành là Hội thánh tham gia và đồng trách nhiệm. Cách hành xử uy quyền hay cai quản trong Giáo hội địa phương của chúng ta thế nào? Tinh thần làm việc nhóm và đồng trách nhiệm ra sao? Làm thế nào để đẩy mạnh sự hiệp hành đối với mọi người trong việc tham gia và lãnh đạo? Đâu là những mục tiêu phải theo đuổi, con đường để đặt tới và những bước đi phải thực hiện?

 

9/ Phân định và quyết địnhTheo phong cách hiệp hành, chúng ta đưa ra quyết định bằng cách phân định những gì Chúa Thánh Thần đang nói qua toàn thể cộng đoàn. Đâu là những cách thức và quy trình để đưa ra quyết định? Các cách thức đưa ra quyết định có giúp chúng ta lắng nghe toàn thể Dân Chúa hay không? Làm sao để cộng đoàn cùng phân định thiêng liêng?

 

10/ Tự đào tạo trong tiến trình hiệp hànhTính hiệp hành đòi hỏi phải sẵn sàng chịu biến đổi, đào tạo và không ngừng học hỏi. Đâu là cách để đào tạo ra những con người ngày càng có khả năng “cùng nhau cất bước hành trình”, lắng nghe nhau, dấn thân vào sứ vụ và tham gia đối thoại? Để thúc đẩy sự phân định và thực thi quyền bính theo phương cách hiệp hành, chúng ta cần làm gì?

 

Câu hỏi ôn bài:

1/ Để lắng nghe nhau, chúng ta phải thế nào?

2/ Lời Chúa và cầu nguyện có vai trò thế nào trong việc “cùng nhau cất bước hành trình”?

3/ Thái độ của tôi trong việc chia sẻ trách nhiệm chung của Hội thánh thế nào?

Tác giả bài viết: Nhóm Hiệp Hành Giáo Phận

Nguồn tin: http://gplongxuyen.org

 Tags: Giáo hội

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây