ĐHY Grech: Đời sống thánh hiến, một sự năng động hy vọng trong một Giáo hội hiệp hành

Thứ sáu - 23/05/2025 20:50 8 0


ĐHY Grech: Đời sống thánh hiến, một sự năng động hy vọng trong một Giáo hội hiệp hành
 

 


Ngày 23/5/2025, phát biểu tại Đại hội của Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền các dòng nam (USG) về đề tài “Đời sống thánh hiến, một sự năng động hy vọng trong một Giáo hội hiệp hành”, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, tập trung vào ba khía cạnh ngôn sứ của đời sống thánh hiến: vai trò trung tâm của Giáo hội địa phương, việc thực thi quyền bính, và ưu tiên của sứ vụ truyền giáo.

Vatican News

Tính ngôn sứ trong các Giáo hội địa phương

Trước hết về vai trò trung tâm của Giáo hội địa phương, trong đó đời sống thánh hiến được coi là tiếng nói ngôn sứ, Đức Hồng Y Grech nhắc lại rằng, từ khi Văn kiện Chuẩn bị Thượng hội đồng được công bố vào năm 2021 đến giai đoạn tham vấn Dân Chúa, những người sống đời sống thánh hiến được mời gọi đồng hành với các Giáo hội địa phương. Các tu sĩ đã đáp lại lời mời gọi này với lòng quảng đại, cộng tác với mọi thành phần Dân Chúa, tham gia tích cực vào tiến trình Thượng hội đồng. Các tu sĩ trải nghiệm rằng “cùng nhau bước đi” có nghĩa là bước đi cùng với toàn thể Giáo hội, trong đó các dòng tu là một phần, rất quý giá, nhưng không phải là toàn thể.

Nhắc đến số 65 của Văn kiện Chung kết được thông qua vào tháng 10/2024, Đức Hồng Y nói ngài ấn tượng nhất đoạn nói về đời sống thánh hiến cùng những thực hành của lối sống hiệp hành. Những thực hành này bao gồm cách thực hiện phân định chung, và cách hài hòa các đặc sủng cá nhân với nhau, cũng như cách theo đuổi sứ vụ chung. Các dòng tu có sự đóng góp đặc biệt vào việc phát triển tính hiệp hành trong Giáo hội. Ngày nay, nhiều cộng đoàn đời sống thánh hiến là một phòng thí nghiệm về đời sống liên văn hóa, đó là lời ngôn sứ cho Giáo hội và thế giới.

Tính ngôn sứ trong việc thực thi quyền bính

Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục nói đến khía cạnh thứ hai: Tính ngôn sứ trong việc thực thi quyền bính. Theo đó, để xoá bỏ các hình thức lạm dụng trong Giáo hội, điều cần thiết là phải có một sự thay đổi não trạng, phong cách, văn hoá của Giáo hội. Trước hết là quan niệm và thực thi quyền bính ở mọi cấp độ của Giáo hội. Chỉ những mô hình lãnh đạo có khả năng hợp tác giữa các bên, chia sẻ trách nhiệm, minh bạch và giải trình, nói cách khác mang tính hiệp hành, thì mới có thể xoá bỏ tận căn những khuynh hướng lạm dụng vốn thường nảy sinh trong các dòng tu.

Tính ngôn sứ trong hoạt động truyền giáo

Cuối cùng về tính ngôn sứ trong hoạt động truyền giáo của đời sống thánh hiến, Đức Hồng Y lặp lại rằng, cùng với hai cụm từ khác “tham gia” và “hiệp thông”, “sứ vụ” nằm trong tiêu đề của Thượng hội đồng. Cụm từ “sứ vụ” được đặt ở cuối tiêu đề không có nghĩa là chiều kích này kém quan trọng hơn, nhưng muốn nói rằng đây là điều “thúc đẩy” Thượng hội đồng ra khỏi hội trường, để hướng đến nhân loại và thế giới, để phác hoạ khuôn mặt của Giáo hội hướng ra ngoài.

Khi phục vụ ở bệnh viện, trường học, những nơi có nhiều người cần được giúp đỡ, cũng là nơi các văn hoá, chính trị và sự phát triển con người toàn diện, những cách sống chung được hình thành, các tu sĩ có khả năng gắn kết với các Giáo hội địa phương, đồng thời kết nối với các khu vực khác cấp quốc gia và quốc tế.
 

Đức Hồng Y Grech kết luận: “Trong giai đoạn mới này của hành trình Giáo hội, bắt đầu bằng việc kết thúc giai đoạn cử hành của Thượng hội đồng và nay đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhờ triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV, anh em, những người thánh hiến, thuộc các dòng tu cổ xưa và hiện đại, phải cảm thấy được trao phó nhiệm vụ đi đầu”.

 

Tác giả bài viết: Vatican News

Nguồn tin: https://www.vaticannews.va

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây