Đức kiên nhẫn của các vị thánh

Chủ nhật - 21/07/2024 21:52 93 0



Đức kiên nhẫn của các vị thánh


Hầu hết chúng ta đều cần thăng tiến trong sự kiên nhẫn, nhưng phần nhiều chúng ta lại không mấy vội vã trên con đường ấy. Một trong những hạn chế của việc sống trong một “xã hội ăn liền” – như cách người ta thường gọi – là chúng ta có xu hướng tin rằng mình nên nhận được cái mình cần hoặc muốn ngay bây giờ, và việc chờ đợi một điều gì đó là một gánh nặng hay một mong đợi bất hợp lý. 

 

 

Việc thiếu kiên nhẫn thường len lỏi vào cả những mối quan hệ của ta, khi ta thường kỳ vọng người khác sẽ tuân theo những quy chuẩn, thiên kiến, và lịch trình của mình; và khi họ không đáp ứng được điều đó, nhiều người chúng ta cũng không ngại bày tỏ thái độ với đối phương. Thậm chí, có nhiều khi chúng ta cũng thiếu kiên nhẫn trong mối tương quan với Thiên Chúa: “Khi nào thì thánh lễ mới xong đây?” “Chúa muốn bắt con chịu đựng đau khổ này tới bao giờ?” “Tại sao Chúa không nhậm lời cầu xin của con?”

Xét từ một góc nhìn rộng hơn thì đúng là cuộc sống trần gian của chúng ta trôi qua rất nhanh, và thời gian thì quá quý báu để phung phí, nhưng điều này không có nghĩa là ta có quyền được đáp ứng mọi nhu cầu ngay lập tức, bằng bất cứ giá nào. Chúng ta được tạo dựng để sống muôn đời, và như các thánh đã nhìn nhận, việc khiêm nhường thực hành đức kiên nhẫn là một phương thế cần thiết để dọn mình trước khi tiến vào Thiên Quốc. 

 

Những mẫu gương nhân đức

Thánh Giáo hoàng Sylvester là một minh chứng cho điều đó. Kitô giáo từng là một tôn giáo bị cấm vào thời Đế quốc La Mã, và những tín hữu trong thời bách đạo thường phải đối mặt với cảnh tù đày, tra tấn, và cả cái chết. Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào năm 313. 

 

 

Thánh Sylvester được bầu làm Giáo hoàng vào năm sau đó – một thời điểm đầy hứa hẹn nhưng cũng đòi hỏi sự thích nghi đáng kể của Giáo hội. Ngài không chỉ phải tìm cách tự mình lèo lái Giáo hội trong một bối cảnh chưa từng có tiền lệ trước đó, mà còn phải kiên nhẫn ứng phó với Hoàng đế Constantine, người có tính bá quyền bậc nhất vào thời đó (và cả trong mọi thời về sau này). Vị hoàng đế này tin rằng mình không chỉ được Thiên Chúa trao trọng trách nắm giữ quyền lực chính trị, mà còn cả can thiệp và hướng dẫn Giáo hội. Giống như một chú chó to xác, lành tính, nhưng không biết sức mình và quen được chiều theo ý muốn, Constantine muốn nhúng tay vào tất cả mọi việc. Ông có lòng mộ đạo chân thành, tin tưởng vào Kitô giáo (dù phải đến trước khi qua đời ông mới chịu phép Thánh Tẩy), nhưng ông cũng suy tính từ góc nhìn chính trị: nếu Giáo hội là một khối hợp nhất thì điều đó sẽ củng cố sức mạnh tổng thể của cả đế chế. Vì vậy, Hoàng đế thường can thiệp vào các vấn đề tôn giáo, những điều nói đúng ra vốn dĩ không thuộc thẩm quyền của mình. Thánh Sylvester đã phải kiên nhẫn chịu đựng tất cả những điều này, tìm cách hài hòa không dễ dàng gì giữa việc làm vui lòng Hoàng đế và bảo vệ quyền tự chủ của Giáo hội (một thách thức mà nhiều vị Giáo hoàng sau này cũng đối mặt). Nhìn chung, ngài đã thành công; vài trăm năm sau đó, thánh Augustino hẳn đã nghĩ đến vị Giáo hoàng thánh thiện này khi nói: “Đức kiên nhẫn là bạn đồng hành của óc khôn ngoan.” 

Một vị thánh khác cũng là minh chứng cho sự kiên nhẫn là thánh viện phụ Aereld. Có một lần, khi bị một vị quý tộc chỉ trích trước mặt Hoàng đế, Aereld đã khiêm cung lắng nghe và sau đó cảm ơn vị này vì đã chỉ ra những thiếu sót của mình. Vị quý tộc này đã bị đánh động bởi sự khiêm nhường và kiên nhẫn của thánh nhân đến mức ông phải xin lỗi ngài. Có thể thấy, đức kiên nhẫn có thể có ảnh hưởng tích cực lên người khác.

Thông thường, những người thiếu kiên nhẫn mà ta phải xoa dịu hay làm hài lòng không phải những kẻ quyền thế cao sang gì, mà là chính những người thân của ta. Vào thế kỷ thứ mười một, sau khi song thân qua đời, thánh Phêrô Đamianô được giao cho anh trai chăm sóc, một người không chỉ thiếu kiên nhẫn mà còn độc ác và vô tâm một cách có chủ đích. Phêrô đã học cách chấp nhận tình trạng này cho tới khi một người anh khác nhận chăm sóc và sắp xếp cho thánh nhân được đi học. Những trải nghiệm đắng cay thời ấu thơ của Phêrô đã làm cho thánh nhân về sau trở nên đặc biệt nhạy cảm với nhu cầu và cảm xúc của người khác; ngài không chỉ hào phóng với người nghèo mà còn vô cùng kiên nhẫn với những người bất đồng với mình.

Trên thực tế, vì mọi người đều thấy rất dễ gần gũi với Phêrô, Đức Giáo hoàng nhiều khi nhờ thánh nhân đứng ra làm trung gian trong các cuộc tranh chấp giữa Giáo hội với giới quan lại địa phương, cũng như trong các vấn đề liên quan đến quyền hạn giữa các tu viện.

 

 

Chúng ta thường được mời gọi để cư xử với mọi người bằng sự kiên nhẫn, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng dễ thực hiện. Là một tu sĩ trẻ sống vào thế kỉ thứ sáu, thánh Dositheus được giao nhiệm vụ chăm sóc các anh em đau bệnh trong cộng đoàn. Bệnh tật thường dẫn đến sự ích kỉ, khiến nhiều người đòi hỏi một cách vô lý; khi tình trạng này xảy đến ở tu viện, Dositheus từng có lúc mất bình tĩnh và nói nặng lời với những anh em mà mình được trao phó. Sau phút ấy, lòng đầy hối hận, thánh nhân lại chạy về phòng, quỳ xuống đất, kêu khóc và van cầu sự thứ tha của Thiên Chúa. Sự thống hối chân thành của thánh nhân đã mở lối cho Thần Khí hoạt động trong ngài, và nhờ ơn Chúa phù trợ, Dositheus về sau đã trở nên tốt bụng, vui vẻ, và kiên nhẫn đến mức nhiều người bệnh thích được có ngài bên cạnh.

 

Thánh Cyprianô, vị Giám mục khả kính của thành Carthage hồi thế kỉ thứ ba, từng viết một bài giảng nổi tiếng về tầm quan trọng của đức kiên nhẫn, nhưng chính bản thân ngài đôi lúc cũng gặp khó khăn trong việc thực hành nhân đức này. Cyprianô có một cá tính rất mạnh và luôn cứng rắn trong việc bảo vệ các giáo lý của Hội thánh; thánh nhân có lúc vừa hiền từ vừa khoan dung, nhưng cũng có lúc rất nghiêm khắc và nói không với việc thỏa hiệp, điều này khiến ngài nhiều lúc trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận tôn giáo (một ví dụ là những tranh cãi xoay quanh việc Giáo hội nên xử sự thế nào với các Kitô hữu đã chối đạo), và là mục tiêu của những cuộc bách đạo bởi triều đình. Thánh Cyprianô đã chịu tử đạo vào năm 258; hơn một trăm năm sau, một vị Giám mục nổi tiếng khác đến từ Bắc Phi, thánh Augustino, đã viết rằng thánh Cyprianô đã dùng chính cuộc tử đạo vinh quang của ngài để đền tạ cho những cơn nóng nảy và thiếu kiên nhẫn thường trực ngày trước.
 

Bài học rút ra từ các vị thánh
 

 

Đôi khi chúng ta cần đến những biện pháp mạnh mẽ để làm chủ sự thiếu kiên nhẫn của mình. Điều đầu tiên là cần phải nhận ra rằng, dù chúng ta thường không thể kiểm soát những gì xảy đến với mình, ta lại luôn có thể lựa chọn cách mình sẽ phản ứng. Đó là lý do tại sao thánh Philipphê Nêri từng nói: “Đau khổ là một loại thiên đàng với ai đón nhận chúng bằng sự kiên nhẫn, nhưng là địa ngục với kẻ thiếu kiên trì.” Khi chúng ta lựa chọn chấp nhận những khó khăn như một phần trong kế hoạch của Chúa trong đời ta, chúng sẽ từ chỗ những cám dỗ hay dịp tội trở thành những con đường để ta thăng tiến trong ân sủng và trưởng thành trên bình diện thiêng liêng.
 

Khi xét đến những mối tương giao của ta với người khác, thánh Bônaventura cảnh báo: “Hãy coi chừng, đừng để lòng mình nóng giận hay mất kiên nhẫn trước những thiếu sót của người khác; vì thật là nực cười khi đã thấy người khác rơi xuống hố mà mình còn tự nhảy xuống một cái khác chẳng vì mục đích gì cả.” Nói cách khác, chúng ta chớ nên để những lỗi phạm của người khác nên cớ để ta sa phạm tội thiếu kiên nhẫn. Những người thường làm ta khó chịu nhất chính là những người cần được ta đón nhận và thấu hiểu nhất. Họ có thể không “xứng đáng” với sự quan tâm ấy, nhưng để làm đẹp lòng Chúa, ta phải mở rộng lòng mình đến với họ. 

 

Thánh Phanxicô Salê khuyên chúng ta rằng: “Hãy bền chí chống lại tính thiếu nhẫn nại, hãy thực hành, bằng cả lý trí và thậm chí đi ngược với lý trí, tính lịch sự và dịu dàng thánh thiện với tất cả mọi người, cách riêng là những người làm ta bận lòng nhiều nhất.”

 

 

 

Làm thế nào để chúng ta có thể vượt qua bản tính tự nhiên của mình trong vấn đề này? Rất đơn giản, hãy tự nhắc nhớ chính mình rằng mình đang kiên nhẫn không phải chỉ đem lại lợi ích cho người đang làm ta khó chịu, mà mình còn đang làm vậy như một phương cách bày tỏ tình yêu của ta với Chúa Giêsu. Bước theo Chúa nghĩa là thường xuyên phải đối mặt với những người, những sự kiện, những tình huống mà thông thường ta sẽ lựa chọn tránh né. Nỗ lực này rất có giá trị, vì như thánh Katherine Drexel từng nói: “Kiên nhẫn đón nhận Thập Giá – dù dưới bất kỳ hình thức nào – là công việc cao trọng nhất mà chúng ta phải làm.”

 

Theo thánh Anphongsô Ligôriô: “Người hạnh phúc nhất thế gian là người phó thác đời mình cho Thánh ý Chúa và đón nhận mọi sự, cả khi thịnh vượng lẫn lúc khổ đau, miễn là phát xuất từ bàn tay Thiên Chúa.” Vì lẽ đó, có thể nói rằng – cho dù ta có nhận ra hay chăng – khi ta lựa chọn đáp trả thế gian bằng sự kiên nhẫn hay thiếu kiên nhẫn, ta cũng đang quyết định mình sẽ nhận về niềm vui hay nỗi buồn.

Có một số người, ví dụ như thánh nữ Margaret Mary Alacoque và thánh thánh Bênađô, tự bản tính của họ đã rất dịu dàng và kiên nhẫn; nhưng với nhiều người chúng ta, sự dịu dàng và kiên nhẫn lại là những nhân đức mà ta phải vun đắp dần qua những năm tháng cuộc đời. Hãy nhắc nhở chính mình về một điều mà các thánh đã cảm nghiệm rất rõ từ kinh nghiệm của các ngài: Thiên Chúa có lòng kiên nhẫn vô biên với từng người chúng ta, vậy nên, chẳng có gì quá đáng khi Ngài mời gọi chúng ta tỏ lòng nhẫn nại với tha nhân. 
 

Suy niệm

 

“Nếu bạn tìm một mẫu gương về đức kiên nhẫn, bạn sẽ chẳng thể tìm được ở nơi nào hoàn hảo hơn trên Thập Giá. Đức kiên nhẫn lớn lao được thể hiện qua hai cách: hoặc là kiên trì chịu đựng nhiều đau khổ, hoặc là chịu đựng những cái có thể tránh được nhưng không tránh. Đấng Chịu Đóng Đinh đã chịu đựng cơn thống khổ tột cùng trên Thập Giá, và đã chịu đựng trong kiên nhẫn…” – Thánh Tôma Aquinô.

 

 


“Khi đối diện với đau khổ, hãy tìm phương thế giải quyết Thiên Chúa ban cho – bởi lẽ nếu không làm vậy nghĩa là chối bỏ sự quan phòng của Chúa – nhưng sau đó hãy kiên nhẫn chờ đợi kế hoạch mà Chúa đã định cho ta với sự phó thác tuyệt đối. Nếu Chúa muốn để những phương thế ấy thắng sự dữ, hãy tạ ơn Chúa trong khiêm nhường; nhưng nếu trái lại, Chúa để cho sự dữ vượt thắng những phương thế này, hãy cứ kiên nhẫn chúc tụng Thánh danh Chúa và vâng phục.” – Thánh Phanxicô Salêsiô.
 

Một điều bạn có thể thử làm

Hãy thử đánh giá và củng cố đức kiên nhẫn của bạn. Thánh Phanxicô Assisi từng nói: “Chúng ta không thể biết một người kiên nhẫn hay khiêm tốn như thế nào khi mọi sự trong đời đều suôn sẻ thuận lợi. Nhưng đến khi những người vốn nên hợp tác với người đó lại làm điều ngược lại thì ta sẽ biết ngay. Khi ấy bao nhiêu sự kiên nhẫn và khiêm tốn của người ấy được tỏ lộ ra hết, không còn gì hơn nữa.” Do đó, những người hay những sự làm cho bạn đánh mất sự kiên nhẫn thực ra lại chính là những cơ hội để chứng minh với Thiên Chúa và với chính bản thân về mức độ kiên nhẫn và khiêm nhường của mình. Nếu bạn thường thất bại khi làm điều này, đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn cần phải vun đắp rất nhiều cho đức kiên nhẫn của mình. Hãy quyết tâm cố gắng hơn để chống lại các cơn cám dỗ làm ta mất kiên nhẫn, và hãy cầu xin Chúa (và cả các thánh mà bạn yêu thích) trợ sức cho bạn làm được điều ấy.

 

Nhiều người trong số chúng ta thường không thích bị gián đoạn khi đang cầu nguyện, nhưng thánh Phanxicô Salê từng có một lưu ý thế này, một tâm hồn cầu nguyện đích thực sẽ nhận ra rằng chúng ta vẫn có thể phụng sự Chúa ngay trong lúc ấy, hoặc qua suy niệm, hoặc qua việc phục vụ các nhu cầu tức thời của anh em mình. Chúng ta nên dành thời gian cho việc cầu nguyện, nhưng nếu như thời gian đó bị gián đoạn, hãy để việc phản ứng kiên nhẫn trở thành một cách thế khác để bày tỏ tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa.

 

Tác giả: Fr. Joseph M. Esper
Chuyển ngữ: Nam Anh
Nguồn: Catholic Exchange


 

Tác giả bài viết: Fr. Joseph M. Esper

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây