Philip Kosloski
Rembrandt van Rijn | Public Domain
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II muốn dụ ngôn “đứa con hoang đàng” được đổi tên thành dụ ngôn “người cha nhân hậu”.
Nhiều kitô hữu đã quen với dụ ngôn người con hoang đàng, một dụ ngôn tập trung vào người con trai rời bỏ cha mình, nhưng cuối cùng lại trở về và ăn năn về hành động sai trái của mình.
Trong bài giảng năm 1999 Đức Gioan Phaolô II cho rằng dụ ngôn này nên được đổi tên.
Dụ ngôn tuyệt vời đó thường được gọi là “đứa con hoang đàng” nhưng nên được gọi là “người cha nhân hậu” (Lc 15, 11-32).
Ngài giải thích rằng: vì nó tập trung vào lòng thương xót mà người cha thể hiện qua dụ ngôn.
Ở đây thái độ của Thiên Chúa được trình bày trong những lời lẽ hết sức mạnh mẽ so với tiêu chuẩn và mong đợi của con người… Người cha nhân hậu ôm đứa con hoang đàng là biểu tượng dứt khoát của Thiên Chúa, Đấng được mạc khải nhờ Chúa Kitô. Trước hết và trên hết Ngài là một người Cha. Chính Thiên Chúa là Cha đã dang tay chúc lành và tha thứ, luôn đợi chờ, không bao giờ ép buộc bất cứ người con nào. Đôi tay Ngài đỡ nâng, ôm chặt, tiếp thêm sức mạnh và đồng thời, khích lệ, an ủi và âu yếm.
Thánh Gioan Phaolô II tin rằng trọng tâm chính của dụ ngôn này phải là lòng thương xót của người cha và cách mà tình thương đó được mở rộng cho tất cả chúng ta.
Dưới ánh sáng của mạc khải về khuôn mặt và trái tim của Thiên Chúa Cha, chúng ta có thể hiểu được lời của Chúa Giêsu, thật trái ngược với luận lý của con người: “Tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (15,7). Và : “Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10).
Khi đặt tên dụ ngôn “đứa con hoang đàng” nó nêu bật khía cạnh quan trọng của dụ ngôn, tuy nhiên việc đặt tên nó là “người cha nhân hậu” nhấn mạnh đến tình thương vô bờ của Thiên Chúa được mạc khải trong lịch sử.