Giành lại ngày Chúa nhật trong một thế giới đầy bận rộn như thế nào

Thứ năm - 26/09/2024 00:40 138 0


Giành lại ngày Chúa nhật trong một thế giới đầy bận rộn như thế nào 

Daniel Esparza


Giành lại ngày Chúa nhật có nghĩa là coi việc nghỉ ngơi và thờ phượng là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống chúng ta, chứ không phải là thú vui xa xỉ chỉ được hưởng khi và nếu thuận tiện.

Trong nền văn hóa chuyển động không ngừng ngày nay, thật đáng tiếc, ngày Chúa nhật thường mất đi bản sắc của mình. Sự vội vã và nhộn nhịp của cuộc sống hằng ngày xâm lấn cả ngày nghỉ, không còn chỗ cho bất cứ điều gì - suy gẫm, cầu nguyện, sở thích, nghỉ ngơi, hay thời gian cho gia đình – ngoài những lo lắng liên quan đến công việc. Nỗi ám ảnh của chúng ta về năng suất và chủ nghĩa tiêu dùng đi kèm khiến chúng ta tin rằng nghỉ ngơi, nhàn rỗi hoặc đơn giản là không có gì để làm là điều sai trái, thậm chí có thể là tội lỗi. Chúng ta đánh đồng giá trị với hoạt động liên tục, và khi làm như vậy, chúng ta tự tước đi ý nghĩa sâu xa của sự nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, truyền thống Công giáo, với sự khôn ngoan của mình, vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta khôi phục ngày Chúa Nhật như Ngày của Chúa -- một thời gian riêng biệt.

Truyền thống giữ ngày Chúa nhật thánh bắt nguồn từ Thánh Kinh. Nó được đề cập rõ ràng nhất trong Điều răn thứ ba : “Ngươi hãy nhớ ngày Sabát, mà coi đó là ngày thánh” (Xh 20,8). Từ những ngày đầu tiên của Giáo hội, ngày Chúa Nhật được coi là ngày để tưởng niệm sự phục sinh của Chúa Kitô và để tránh xa những hoạt động thế gian, nhường chỗ cho đời sống thiêng liêng và mối quan hệ. Tuy nhiên, đối với nhiều người, ngày Chúa Nhật đã trở nên không thể phân biệt được với bất kỳ ngày nào khác trong tuần -- đầy những việc vặt vãnh, bổn phận và âm thanh ồn ào không ngừng nghỉ của những trò tiêu khiển kỹ thuật số.

Giành lại ngày Chúa nhật

Việc giành lại ngày Chúa nhật bắt đầu từ sự thay đổi khá đơn giản về quan điểm. Thay vì coi đó chỉ là một ngày để hoàn thành công việc hoặc làm những việc lặt vặt, chúng ta có thể đến với Chúa nhật như một món quà, một khoảng dừng được Chúa tạo ra trong nhịp sống đơn điệu của cuộc đời. Đó là một lời mời gọi chúng ta bước ra khỏi tiếng ồn và tìm sự nghỉ ngơi – về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Tham dự thánh lễ (đỉnh cao của Chúa nhật) đưa chúng ta đến thay đổi này, cung cấp cho chúng ta một chân trời khác: cuộc sống của chúng ta không phải để dành cho một dây chuyền sản xuất và tiêu dùng không có hồi kết.

Sau Thánh lễ, ngày Chúa Nhật có thể được giành lại bằng cách đơn giản hóa các hoạt động. Hãy cố gắng dành thời gian để tĩnh tâm suy ngẫm -- một mình. Có thể là đi dạo trong thiên nhiên, đọc Kinh thánh hoặc dành thời gian cho các tác phẩm của một vị thánh mà mình yêu thích. Sống chậm lại và dành thời gian cho bản thân cuối cùng sẽ cho phép chúng ta hiện diện nhiều hơn với Chúa và mọi người.

Tìm niềm vui

Đối với các gia đình, việc giành lại ngày Chúa Nhật cũng có nghĩa là làm gương cho con cái về niềm vui và tầm quan trọng của thời gian thiêng liêng đặc biệt này. Hãy xem xét việc dành thời gian cho một bữa ăn đặc biệt trong gia đình, giải phóng khỏi mọi phiền nhiễu công nghệ như điện thoại, tivi, nơi cuộc trò chuyện xảy ra và các mối quan hệ sâu sắc hơn. Hãy nghĩ về nó như một cách thức để xây dựng mối tương quan ký ức lâu dài và ý nghĩa cho con cái mình. Trong một thế giới thường đánh giá cao năng suất hơn tất cả mọi thứ, việc cho con cái thấy rằng ngày Chúa Nhật thì khác biệt có thể truyền lại cảm giác cân bằng và kết nối sâu sắc hơn với đức tin.

Cuối cùng, việc giành lại ngày Chúa nhật có nghĩa là coi việc nghỉ ngơi và thờ phượng là những điều thiết yếu của cuộc sống chúng ta, chứ không phải là thú vui xa xỉ chỉ được hưởng khi và nếu thuận tiện. Bằng nỗ lực có ý thức để tôn vinh ngày này, chúng ta nhường không gian cho Chúa làm việc trong chúng ta, bằng cách nhắc nhở bản thân rằng chúng ta được tạo ra không chỉ để làm việc mà còn để sống tương giao với Ngài.


 

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng

Nguồn tin: https://www.hoangcatholic.com

 Tags: giáo lý

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây