Bí tích Hòa giải
Khi tiến dần đến cuối hành trình thiêng liêng, chúng ta thấy mình đối diện với điều kỳ diệu của Thiên Chúa, một điều thuộc về "mirabilia Dei", đó chính là Bí tích Hòa giải. Hãy thử nghĩ xem cuộc sống sẽ ra sao nếu chúng ta phải mang gánh nặng tội lỗi cho đến tận ngày phán xét của Thiên Chúa, sau khi được tái sinh bởi phép Rửa tội, mà không có điều mà Tertullian gọi là "phao cứu sinh thứ hai"?
Trước ý nghĩ ấy, tâm hồn chúng ta phải dâng trào lời cảm tạ Thiên Chúa, bởi vì Bí tích Hòa giải thực sự là một trong những món quà cao quý nhất mà Ngài đã ban tặng. Bí tích này là nơi gặp gỡ giữa sự khốn cùng của tôi và tình yêu của Ngài, giữa trái tim tan nát ăn năn của tôi và trái tim của Thiên Chúa mà tôi cảm nhận được nhịp đập khi Ngài ôm tôi vào lòng.
Chính Chúa Kitô tha thứ
Để hiểu rõ hơn về bí tích nhiệm mầu này, chúng ta hãy cùng nhau suy tư về những nét chính yếu, bằng ngôn ngữ đơn giản và gần gũi. Có lẽ tốt hơn là nên bắt đầu từ kinh nghiệm của các thánh, bởi lẽ những trải nghiệm ấy luôn là những mảnh ghép sống động của Tin Mừng.
Tôi xin mượn lại nữa cuốn Tự truyện của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu:
"Chị Pauline đã nói với em rằng em sẽ không xưng tội với một con người, mà là với chính Thiên Chúa. Em thực sự tin điều đó và đã xưng tội với một tâm hồn tràn đầy đức tin... Khi bước ra khỏi tòa giải tội, em cảm thấy vui sướng và nhẹ nhõm đến nỗi chưa bao giờ em cảm nhận được niềm vui như thế trong tâm hồn. Kể từ đó, em luôn xưng tội vào mỗi dịp lễ và mỗi lần xưng tội đối với em thực sự là một 'ngày hội'" (Tự truyện A, 57).
Đó là trực giác đơn sơ của một cô gái trẻ, nhưng luôn sẵn sàng nắm bắt thông điệp của Thiên Chúa với sự nhạy bén và tinh tế tuyệt vời. Những lời lẽ hết sức giản dị của Thánh nữ Lisieux cho thấy rằng việc xưng tội là một biến cố cứu rỗi. Chính vì vậy, nó là một Bí tích. Giáo hội, trong Công đồng Trentô, đã kiên quyết bảo vệ niềm tin này trước những phủ nhận của người theo Tin Lành.
"Bí tích" nghĩa là gì? Bí tích là một hành động cá vị của Chúa Kitô Đấng Cứu Độ được thể hiện qua hành động của Giáo hội. Nếu không phải chính Ngài giơ tay lên và phán: "Tội của con đã được tha", thì chúng ta sẽ vẫn còn chìm trong tội lỗi. "Chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha tội" (Mc 2,5.7).
Thật tuyệt vời khi Tin Mừng dùng chính lời của Chúa Giêsu: "Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều" (Lc 7,47) để mở đầu cho Thánh vịnh 31: "Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung".
Chính Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ, thông qua linh mục - người hành động nhân danh Ngài, phán rằng: "Hỡi con, tội của con đã được tha". Thật là điều kỳ diệu! Việc xưng tội trở thành một biến cố ân sủng, bởi vì trong đó có sự hiện diện của hành động tự do và sáng tạo của Thiên Chúa. Bí tích là công trình của Thiên Chúa trước khi là công trình của con người. Đó là công trình của tình yêu Ngài.
Thánh Tôma Aquinô, với sự uyên bác và tinh thần cầu thị, sau một quá trình nghiên cứu thần học lâu dài, đã đi đến kết luận này:
"Trong bí tích Hòa giải, chất liệu không phải là một yếu tố vật chất, mà là những hành vi của con người: sự đau buồn, việc thú nhận, việc đền tội xuất phát từ chuyển biến nội tâm. Vì vậy, chất liệu này không thể được sử dụng bởi thừa tác viên của Giáo hội, mà chỉ bởi Thiên Chúa, Đấng hoạt động trong tâm hồn. Tuy nhiên, thừa tác viên làm cho bí tích được trọn vẹn khi tha tội cho hối nhân" (S. Th. UI, 9-84, a 1).
Thay vì nước và dầu, chúng ta có những hành vi của con người làm chất liệu của bí tích. Và sau đó là hành động của thừa tác viên, người hành động "nhân danh Chúa Kitô".
Cũng trong bài viết đó, Thánh Tôma Aquinô nói: "Rõ ràng là trong Bí tích Hòa giải, một sự kiện thiêng liêng được thực hiện bởi cả hối nhân và linh mục tha tội. Quả thực, hối nhân, bằng hành động và lời nói của mình, cho thấy rằng trái tim họ đã từ bỏ tội lỗi. Tương tự như vậy, linh mục, thông qua những gì người ấy làm và nói với hối nhân, thể hiện hành động tha thứ của Thiên Chúa".
Vì vậy, rõ ràng là bí tích Hòa giải, như được cử hành trong Giáo hội, là một bí tích đích thực. Nơi Thánh Tôma, chúng ta luôn tìm thấy sự sáng suốt của một nhà thần học vĩ đại, người đã tiếp thu những dữ liệu của truyền thống, hoàn thiện và hài hòa chúng bằng tài năng của mình. Do đó, Hòa giải là một biến cố ân sủng.
Biến cố ân sủng
Những điều này nghe có vẻ như là thần học trừu tượng, nhưng thực ra lại rất gần gũi với đời sống! Nếu mỗi khi xưng tội, chúng ta ý thức rằng: đây là cuộc gặp gỡ cứu rỗi với Đấng Cứu Độ, tôi đang đến để gặp gỡ Ngài, chính Ngài đang dang tay ra và tha thứ cho tôi: "Bàn tay Ngài giáng nặng xuống thân con" (Tv 37,3), thì mọi sự sẽ thay đổi biết bao!
Đây là một sự thật thúc đẩy chúng ta mạnh mẽ và đặt chúng ta vào tâm thế đúng đắn. Linh đạo luôn phải bắt nguồn từ thần học.
Sự ăn năn - "chất liệu" của bí tích
Hãy tiến thêm một bước nữa, luôn với tinh thần logic. Là một bí tích, Hòa giải có hiệu quả tái tạo tâm hồn: ban ơn thánh và củng cố đức ái. Bí tích hoạt động nhờ sức mạnh Thiên Chúa. Đó là "actio Dei non actio hominis" (hành động của Thiên Chúa chứ không phải hành động của con người), nhưng với điều kiện là phải có "chất liệu".
Giống như không thể cử hành phép Rửa tội mà không có nước, không thể cử hành phép Thêm Sức mà không có dầu thánh hiến bởi Đức Giám mục, thì cũng không thể cử hành Bí tích Hòa giải mà không có "metanoia" – hoán cải. Chúng ta sử dụng thuật ngữ này trong Tân Ước để bao gồm tất cả các hành vi của hối nhân.
Một cử hành đích thực
Từ việc Hòa giải là một bí tích, chúng ta rút ra một kết luận khác. Nếu là bí tích, nó phải được cử hành.
Trong Thượng Hội đồng Giám mục, đã có những ý kiến từ các Giám mục châu Phi nói đến ý thức tự nhiên về lễ hội của các dân tộc này, họ cảm thấy cần phải cử hành ngay cả "lễ tha thứ", và không thể hình dung một biến cố bí tích mà không có đầy đủ các dấu chỉ cử hành.
Tuy nhiên, nếu có một bí tích gần như hoàn toàn thiếu các yếu tố cử hành, thì đó chính là Bí tích Hòa giải. Liệu mọi người có nhận ra đây là một bí tích không? Thiếu trang phục phụng vụ. Thường thiếu cả việc công bố Lời Chúa, vốn được quy định cho tất cả các bí tích. Công thức tha tội có khi chỉ được nói lẩm bẩm một cách nào đó. Mọi thứ mang sắc thái của một cuộc trò chuyện gần như mang tính tâm lý với hối nhân, như thể chỉ là tạo cơ hội cho họ trút bỏ những gì chất chứa bên trong... Và mọi thứ kết thúc ở đó, có nguy cơ trở thành "opus hominis" hơn là "opus Dei".
Kết luận
Bí tích Hòa giải không chỉ đơn thuần là một nghi thức tôn giáo hay một thủ tục xưng thú tội lỗi. Đó là cuộc gặp gỡ biến đổi, nơi chúng ta được Thiên Chúa ôm ấp trong tình yêu tha thứ vô biên của Ngài. Ước mong mỗi người chúng ta khi đến với tòa giải tội đều mang trong mình tâm tình sám hối chân thành và lòng khao khát được giao hòa với Thiên Chúa, để từ đó, với ơn Chúa trợ giúp, chúng ta can đảm bước đi trên hành trình nên thánh, trở nên những chứng nhân tình yêu cho thế giới hôm nay.
G.Võ Tá Hoàng dịch
Từ tạp chí Musica & Liturgia, Trang 3 - 5